Trang chủ » Tin văn và...

"VỤ HỒ DUY HẢI KHÔNG CHỈ LÀ TÍNH MẠNG CON NGƯỜI"

Theo vnexpress.
Chủ nhật ngày 10 tháng 5 năm 2020 9:09 PM



HÀ NỘITiến sĩ luật Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội giám sát tối cao vụ án Hồ Duy Hải bởi cho rằng không đơn giản là xem xét tính mạng một con người.

- Ông đánh giá thế nào về quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải?

- Tôi cho rằng quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao trong phiên giám đốc thẩm giải quyết không thoả đáng các căn cứ VKSND Tối cao đưa ra trong kháng nghị.

Tôi chưa từng để cảm xúc lấn át lý trí trong việc nhận định diễn biến của vụ việc này. Thâm tâm tôi luôn cầu mong Hải vô tội, để Hải thực sự xứng đáng với sự xả thân của người mẹ nhiều năm trời đi kêu oan, nhưng cũng mong nỗi oan khuất của hai cô gái chết trẻ phải được làm rõ và thân nhân của họ tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật. Kẻ thủ ác phải bị trừng trị đích đáng song phải đúng người, đúng tội.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Ngọc Thắng

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Ngọc Thắng

- Quyết định giám đốc thẩm nói có sai sót trong quá trình tố tụng, ông đánh giá thế nào?

- Tôi cho rằng Quốc hội cần giám sát lập luận "sai sót trong quá trình điều tra nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án" của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Kháng nghị của VKSND Tối cao không đề cập đến việc Hải bị oan mà chỉ kiến nghị yêu cầu xem xét lại đúng pháp luật các diễn biến của vụ án. Tôi và nhiều người khác cũng yêu cầu vụ việc xử lý theo trình tự và căn cứ vào pháp luật một cách thuyết phục chứ chưa bình luận việc Hải có oan hay không. Quá nhiều thủ tục tố tụng vi phạm thì vụ án cần được điều tra lại.

Hơn nữa, cơ quan tố tụng phải tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội đã được quy định tại điều 31 của Hiến pháp và điều 13 của Bộ luật Tố tụng hình sự, nghiêm cấm suy luận chủ quan, dễ áp đặt ý chí của người có quyền, dễ dẫn đến hàm oan cho người vô tội.

- Cơ quan nào có quyền xem xét lại vụ án lúc này, thưa ông?

- Năm 2015, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị xem xét lại vụ án dựa trên các đơn từ kêu oan của gia đình tử tù này và căn cứ những thông tin có cơ sở. Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp lúc đó (nay là Chủ nhiệm) đã trực tiếp đi vào hiện trường và đặt ra nhiều bất hợp lý trong quá trình điều tra. Đó là những vi phạm nghiêm trọng về khám nghiệm hiện trường và quy định về thu thập, đánh giá chứng cứ, thiếu sót trong trưng cầu giám định...

Hiện, tôi cho rằng vẫn có thể áp dụng trình tự tố tụng đặc biệt để xem xét bản án phiên toà giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán tối cao mới tuyên. Theo điều 404 của Bộ luật Tố tụng hình sự, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao có quyền yêu cầu xem xét lại.

Bằng phương pháp loại trừ, Viện trưởng VKSND Tối cao vừa đưa ra kháng nghị, Chánh án là chủ toạ hội đồng xét xử vừa diễn ra, vậy chỉ còn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban Tư pháp. Trong đó, Uỷ ban Tư pháp đã vào cuộc năm 2015, nên tôi đề nghị Thường vụ Quốc hội giám sát vụ án này để từ đó yêu cầu Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử lại.

Căn cứ để yêu cầu xét xử lại là đã có vi phạm nghiêm trọng tố tụng dẫn đến việc xem xét thiếu khách quan, hoặc có tình tiết thay đổi bản chất vụ án.

Bên cạnh đó, tính khách quan của phiên toà giám đốc thẩm cần được đảm bảo vì Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình năm 2011 là Viện trưởng VKSND Tối cao đã ký bản không kháng nghị, tức là khẳng định vụ án đã đúng người đúng tội. Trước đó, ông Bình còn là Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Bộ Công an. Một người tham gia toàn bộ quá trình mà xem đi xem lại vụ việc như vậy, Bộ luật Tố tụng Hình sự không cho phép. Uỷ ban Thường vụ có thể là một chủ thể giúp Quốc hội giám sát Tối cao với hoạt động xét xử nói chung của toà án và riêng đối với vụ án này.

Ngoài ra, theo thủ tục tố tụng đặc biệt, Uỷ ban thường vụ có quyền yêu cầu Hội đồng thẩm phán xem xét lại bản án. Trước đây, Quốc hội khoá 11 cũng từng lật lại một vụ án oan sai.

- Ông thấy cần rút ra bài học gì?

- Đó là bài học về tuân thủ pháp luật, nghĩa là từ bước đầu tiên của quá trình điều tra đến khâu cuối cùng là xét xử. Pháp luật phải được thực thi, cẩn trọng từng li từng tí, nhất là vụ án hình sự.

Bài học thứ hai là sự giám sát của cơ quan chức năng với hoạt động tư pháp, đặc biệt là vai trò giám sát của nhân dân, phương tiện truyền thông. Quá trình tố tụng phải minh bạch, có sự tham gia của các thành phần theo luật định, phải bình đẳng, công khai, có mặt luật sư, người bào chữa ngay từ đầu để tránh bức cung nhục hình, thay đổi hiện trường, thay đổi vật chứng.

Bài học về sử dụng cán bộ vô cùng sâu sắc, trong đó, khâu đầu tiên là cán bộ điều tra phải có đầy đủ năng lực để thu thập chứng cứ, bảo vệ hiện trường. Vụ Hồ Duy Hải không đơn giản chỉ là xem xét tính mạng một con người. Nền tư pháp phải tuân theo pháp luật một cách độc lập.

- Cá nhân ông thực hiện quyền giám sát của đại biểu Quốc hội với vụ án này như thế nào?

- Tôi đã thực hiện quyền giám sát, đã kiến nghị Chủ tịch Quốc hội xem xét đưa hoạt động giám sát của Quốc hội đối với hoạt động của toà án thông qua vụ án. Tôi sẽ kiên trì bảo vệ quan điểm đấy để xúc tiến sớm hoạt động giám sát, đáp ứng sự mong mỏi của người dân hiện nay.

Vụ việc này đúng sai thế nào thì trước hết các cơ quan tố tụng phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, sau đó mới đánh giá yếu tố chứng cứ vật chứng, đánh giá yếu tố cấu thành tội phạm.

Hồ Duy Hải bị cáo buộc, tối 13/1/2008 đến Bưu điện Cầu Voi chơi - nơi chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và em họ tên Vân (21 tuổi) làm việc. Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên sát hại cô và người em.

TAND tỉnh Long An và Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên phạt bị cáo mức án tử hình. Sau nhiêu năm không được chấp nhận đơn xin giảm án và ân xá bị cáo và gia đình Hải đã đi kêu oan.

Ngày 22/11/2019, VKSND Tối cao kháng nghị, đề nghị HĐTP TAND Tối cao giám đốc thẩm vụ án theo hướng huỷ cả hai bản án, song không được chấp nhận.

Ngày 8/5, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đã bác kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải. Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao có hiệu lực ngay - tức bản án tử hình Hồ Duy Hải (35 tuổi, ngụ Long An) có hiệu lực ngay.