Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHƯỚC ƠI, VỀ NHÀ THÔI

Hoàng Thế Sinh
Thứ năm ngày 30 tháng 4 năm 2020 8:45 AM



Mùa Hạ năm 1971.

Thế là không kịp thi tốt nghiệp cấp III.

Tôi và các bạn trai lớp Mười của Trường cấp III Phố Ràng - Bảo Yên lên đường nhập ngũ. Cả trường náo nức. Các bạn gái lớp Mười túm tụm, cười nói rổn rảng, rồi sụt sịt, đỏ hoe mắt nai ngơ ngác. Các bạn trai thì cứ tưng tửng, vút giọng: “Thanh niên quê tôi làm chiếc gậy hành quân/ Đặt cho tên gọi là chiếc gậy Trường Sơn/ Luyện cho đôi chân vượt đường xa không mỏi/ Luyện cho tinh thần là chỉ tiến không lui...”. Ai dà! Khí thế tuổi trẻ có khác. Tất cả đương tuổi Mười tám. Tò te. Chẳng biết chàng nào đã yêu nàng nào chưa mà thấy mấy chàng giấu giếm khăn tay thêu hoa, đôi chim bồ câu, có chữ Tạm biệt, chữ Chiến thắng, chữ Nhớ mãi. Vu vơ thế thôi. Vu vơ mà nghẹn ngào quá thể!

Ngoài kia, hoa phượng cháy đỏ ngõ phố nhỏ.

Tiếng ve ran nóng bỏng vòm xanh.

Lính tò te ra trận

Mùa Xuân năm 1972, quân ta F312, F316, E866 cùng với quân Pa Thét Lào mở chiến dịch lớn tại khu vực Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng lấy mật danh là Chiến dịch Z. May mắn, mấy đứa lớp Mười chúng tôi sau thời gian huấn luyện ở Cầu Ca, Trại Cau, Hiệp Hòa, lại được biên chế vào cùng một đơn vị D4 – E 165 – F 312: Thế Sinh, Bình, Minh, Phú, Lập, Chước, với mấy bạn cùng quê Bảo Yên là Cảnh (lớp 9), Thanh (lớp 9), Thăng, Vinh, Ky, Đức, Quy..., còn mấy bạn như Chuyên, Điếp, Thắng, Thà... vào đơn vị khác ngay lúc giao quân ở làng Đát – Yên Bình. Từ Hà Trung – Thanh Hóa, chúng tôi hành quân qua Đô Lương, Diễn Châu, Mường Xén, Con Cuông, rồi vượt đỉnh Trường Sơn mịt mù mây phủ, tiến sâu vào đất Lào. Xanh-tuya-rông thít chặt bụng. Vai trĩu ba lô. Thì đủ cả. Quần áo. Tăng. Võng. Gạo. Lương khô. Thịt hộp. Bi đông nước. Túi thuốc. Bông băng. Dao găm. Băng đạn. Súng AK. Thêm mấy quả đạn cối 60 nữa. Khá nặng nhưng chưa thấm gì với sức trẻ. Bước hành quân ríu ríu, nối nhau xuyên rừng thông ngút ngàn, băng qua những đồi trọc nắng cháy khét cỏ gianh cỏ tế, bậm chân tứa máu vòng leo vách đá tai mèo, oằn lưng vượt dốc cao vời, mũi chàng lính này chạm gót chân chàng lính kia, phát khiếp là dốc Thắm, bản Mèo, Ta Đi Nọi, Phu Nhu. Thảnh thơi nhất là những lúc được nghỉ trong hang Loa Kèn, hang Ông Chim, hang Nhà Bò. Ai dà! Hang động đá sức chứa cả trung đoàn, suối nguồn trong veo, mát lẹm, tha hồ tắm và nấu ăn. Mặc cho pháo bắn uỳnh oàng đâu đây. Mặc cho máy bay OV10, rồi L19, T28 vè vè đỉnh rừng. Mặc cho máy bay phản lực chốc chốc lại rú rít ào ào trên không. Cánh lính trẻ cứ nhìn phong thái ung dung và hiên ngang của các chỉ huy mà tự tin, thoải mái chuyện phiếm, cười vui và hát, và tắm, và nấu nướng. Cảm nhận, những người lính già đanh chắc, gầy, gương mặt góc cạnh, sạm đen, lầm lỳ vẻ phong trần bởi sương gió, nắng mưa, bom đạn, cùng với những chàng lính trẻ vâm váp sức vóc, phúng phính bầu má, long lanh mắt trẻ thơ, hồn nhiên như cỏ, tất cả hình như hòa nhịp đập trái tim và ý nghĩ chiến đấu và chiến thắng. Cánh lính trẻ chúng tôi háo hức chuẩn bị vào trận chiến đấu đầu tiên của chàng lính tò te, vừa mới “vắt mũi” bước ra khỏi lớp học. Sắp vào trận rồi. Hoàng hôn nhuộm tím rừng tím núi. Tôi gặp Chước, chìa chiếc bút máy Trường Sơn còn thơm mùi mực Cửu Long, bảo: “Tớ kỷ niệm bạn chiếc bút máy Trường Sơn”. Chước nhận chiếc bút máy, tay run run, giọng nhỏ: “Tớ xin!”. Tôi tớn miệng: “Chúc bạn chiến thắng!” và nhìn đăm đắm vào Chước, bạn học người Tày quê núi Nghĩa Đô, cái mặt mới hay chứ, cái mặt hơi bầu bầu lại sạm sạm vì bao ngày hè giúp cha mẹ làm nương rẫy, lên rừng săn thú, xuống suối bắt cá, bao ngày hè dắt trâu vào rừng kéo gỗ kéo vầu nứa, cái mặt chưa phải người lớn mà đã gió sương, mà sao mắt cứ trong veo, mà sao mặt lại nghệt ra thế kia. Tay mân mê chiếc bút, một lúc, giọng Chước run run: “Tớ chẳng có gì kỷ niệm bạn. Trận này chiến thắng, tớ kiếm được cái dù pháo sáng thì sẽ tặng bạn nhé. Mà biết đâu...”. Ơ, sao lại “biết đâu”! Tôi cầm tay bạn, rưng rưng: “Nhất định chúng mình chiến thắng. Cậu sẽ có chiếc dù tặng tớ mà!”. Tặng Chước chiếc bút vì cả tôi và Chước thuộc tiểu đội trinh sát, đều lĩnh riêng chiếc vô tuyến 0,2W ngất nghểu cần ăng ten, “oách” bởi học qua chút mật mã 1,2,3,4,5, Chim Gâu gọi Đại Bàng, Chim Gâu gọi Đại Bàng, nghe rõ trả lời..., trực tiếp nghe lệnh chỉ huy và phát lệnh của chỉ huy trong chiến đấu. Tôi và Chước bắt tay thật chặt như thể giao ước sẽ vào trận đầu chiến thắng. Và chúng tôi chia tay, rồi cùng đồng đội bắt đầu hành quân vào trận Phu Theng Leng. Cuối chiều trên đường bí mật tiếp cận vào chân núi Phu Theng Leng, Tiểu đoàn 4 đương dừng nghỉ chân dưới rừng thông thì bỗng từ một điểm cao nào đó, ngẫu nhiên, giặc bắn pháo chụp như mưa đá. Tôi nằm úp mặt bên gốc thông, hãi cứng người. Nghe pháo nổ lụp bụp, một lúc lâu, tôi hơi nghiêng đầu, nghển lên, ôi giời, mảnh pháo chém gãy nát cành thông ngọn thông, cắm xuống vô vàn mảnh đạn trúng đội hình tiểu đoàn, vì đang nghỉ chớp nhoáng nên không có hầm hào, bởi thế nhiều chiến sỹ trúng mảnh đạn, người vỡ đầu, người xẻ vai, người cụt tay, người nát chân, người toạc lưng, người vỡ bụng, máu đỏ thấm đẫm cỏ cây, mặt đất, tiếng kêu rên đau đớn lẫn tiếng gió rít trong khói pháo khét lẹt, cảm giác hãi hùng. Im tiếng pháo, tôi không sao đứng dậy được mà cứ bò quanh các gốc thông, hai bàn tay rờ rẫm lên thân thể đồng đội, bàn tay nóng bỏng máu tươi, tôi mếu máo, nước mắt giàn giụa, ngực nghẹn ứ đau đớn, tôi hực lên khi nhìn thấy tiểu đội trưởng Đán ngồi xoãi chân dựa lưng vào một tảng đá, đầu và hai vai bị mảnh pháo chém nát, máu nhuộm đỏ thân thể. Một chiều tang thương như thế mà đêm bầu trời đầy trăng sao, không biết Trung tá Nguyễn Chuông – con hổ xám Khăm Chuông, những người lính từng theo Nguyễn Chuông “cơm Bắc, giặc Lào” bao nhiêu trận và cả những người lính Pha Thét Lào đã vinh danh ông như vậy – chỉ huy tài giỏi thế nào mà chừng nửa đêm quân ta đã tiền nhập tận chân núi 1.660m Phu Theng Leng, còn gọi là núi Phu Tâng, cánh lính “vây”, “ép” sát hàng rào thép gai ngay chân đồn giặc. Sắp vào trận, cứ hình dung cảnh tượng hy sinh của đồng đội và tiểu đội trưởng Đán khiến tôi âm thầm đau đớn, khiếp sợ. Vào trận, tôi được điều đi theo khẩu cối 82 ở phía Đông, không hiểu sao phút cuối cùng, Tiểu đoàn trưởng Tung lại điều Chước thay tôi, còn tôi với Quy đi theo Đại đội trưởng Cường trụ ở phía Tây đồn Phu Theng Leng. Tôi với Quy âm thầm, hì hụi đào một chiếc công sự sâu chừng 1m2, đủ cho ba chúng tôi trú ẩn. Ngay phía trên hầm trú ẩn của ba chúng tôi là một khẩu ĐKZ đang dang chân, hướng chiếc nòng dài về phía đồn giặc. Khuya, bọn giặc trên Phu Theng Leng thỉnh thoảng bắn cầm canh, chốc chốc lại ném lựu đạn vu vơ ra quanh hàng rào thép gai, chốc chốc lại phọt lên mấy quả pháo sáng nhấp nhóa không gian. Tôi lên xem mấy anh căn chỉnh khẩu ĐKZ, vừa tụt xuống, thả chân vào công sự thì anh Cường nắm chặt tay, giọng run run: “Sinh ơi, cậu Quy vừa bị một mảnh bom lạc từ đâu rơi trúng đầu, chết rồi!”. Tôi đứng chết lặng. Tim đập thon thót, nhói đau. Và sợ hãi. Chưa vào trận mà đã phải chứng kiến cái chết đau thương của đồng đội, cái chết bất thường của người bạn đồng hương, với người lính chưa một lần đánh trận như tôi làm sao không khỏi sợ hãi cơ chứ. Tôi nhìn không rõ mặt anh Cường nhưng nghe anh sụt sịt, tôi biết là anh đang khóc, người lính già khóc thương người lính trẻ, chưa kịp vào trận đã hy sinh. Thương lắm! Anh Cường và tôi lấy tăng võng của Quy, bọc bạn cẩn thận bằng ba đai dây dù, rồi gọi lính cứu thương đưa bạn xuống núi. Từ lúc ấy tôi ngồi thu lu trong công sự, nghĩ ngợi mông lung về cái chết và sự sống. Với tôi, cái chết sẽ đến lúc nào? Đêm nay? Ngày mai? Ngày kia? Tôi sẽ chết như thế nào nhỉ?... Tôi mông lung. Phấp phỏng đợi giờ G. Quanh đồn Phu Theng Leng im lặng, sự im lặng dồn nén điều bất ngờ. Gần sáng. Bỗng, bù-ù-ù-ùm, bù-ù-ù-ù-ùm! Hai tiếng nổ như sấm sét. Ngọn núi Phu Theng Leng chớp lòa, rung động. Tôi biết, thế là quân ta đã mở hai cửa mở, sẵn sàng cho cuộc vây ép và tấn công đồn giặc. Cùng lúc, bọn giặc trên đồn bắn ra như mưa, lựu đạn chớp lòa đinh tai, pháo sáng vút lên không trung cứ lơ lửng bay như sao bay. Tôi nghe rõ tiếng gào thét, quát tháo náo loạn của bọn giặc trên đồn. Hừ, cái bọn lính Thái Lan đánh thuê với bọn lính Vàng Pao nhem nhuốc thế mà cũng đòi đánh trận? Vừa mới giao tranh mấy phút chúng đã vội gọi máy bay và pháo tầm xa chi viện. Chúng cậy “gần nhà” lắm quân, nhiều bom đạn, lại chiếm lĩnh đỉnh cao lợi thế, nên vung tay bóp cò, ấn nút, bom đạn ầm ầm cắt nát đêm trăng sao, xé vụn núi rừng Phu Theng Leng, tưởng giã nát quân ta. Hãy đợi đấy! Quân ta, không biết từ hướng nào, hổ xám Khăm Chuông lệnh nã pháo 105, vua chiến trường - pháo 175, cối 60, cối 82, cối 120, ĐKZ rú rít từng chập, vút vào đồn Phu Theng Leng. Quân giặc gần một ngày hôm sau hầu như không ngóc được đầu lên khỏi hầm và công sự. Bọn máy bay phản lực, máy bay T28 đến chi viện, thả hàng, thả bom vung vít vì pháo cao xạ của ta bắn lên khủng khiếp. Quần nhau đến tận chiều hôm. Bọn giặc dường như đã hoang mang, khiếp nhược. Quân ta quyết định "cường tập", tấn công lên đồn. Mũi đột phía Đông, tôi biết chỉ dành cho những người lính dày dạn chiến đấu, nhưng lính tò te Lập quyết xung phong. Mũi đột phía Đông và phía Tây như hai gọng kìm siết chặt cổ đồn Phu Theng Leng. Chiều cháy đỏ hoàng hôn, mịt mù khói bom khói đạn, quân ta ào lên, với AK, với lựu đạn, với B40..., giã nát Phu Theng Leng. Quân giặc bị tiêu diệt hoàn toàn. Quân ta thu dọn chiến trường và rút ngay xuống chân núi. Như dự đoán của chỉ huy, nửa giờ sau máy bay phản lực từ đâu rú rít, bổ nhào, dội bom ầm ầm xuống đồn Phu Theng Leng. Chúng muốn xóa sạch dấu vết cuộc thua trận nhục nhã này. Tôi nghĩ, bọn giặc tàn ác với cả xác chết!

Tin dữ!

Bạn Lập của tôi trong mũi đột phía Đông bị đạn giặc xuyên từ ngực qua bụng xuống tận hông. Bạn Chước của tôi cùng với cả khẩu đội cối 82 phía Đông bị trúng bom, bay sạch, không còn một dấu vết.

Xuống núi cùng đồng đội nhưng trái tim tôi rỉ máu.

Bỏ cả mật mã

Tôi khoác khẩu AK và ôm máy vô tuyến 0,2W cùng với Xuân bò sát hàng rào thép gai đồn Sầm Thông 1.300m. Hai đứa hì hụi đào công sự. Vừa khoét đất tôi vừa nghĩ mình quá nguy hiểm, giây phút đầu vào trận đã ở sát hàng rào thép gai, đối mặt sát sạt với quân giặc. Ô, hóa ra cái nghề thông tin liên lạc không phải chỉ dành cho “cậu ấm” bên cạnh các vị chỉ huy mà còn phải nằm ngay sát cửa mở cùng với các mũi đột. Sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc thôi. Hèn nhát là bỏ. Sợ chết là bỏ. Chết à? Biết rồi! Tự nhiên Xuân hỏi tôi: “Cậu có sợ chết không?”, tôi nói: “Sợ chứ!”, Xuân bảo: “Sợ sao còn lên đây?”, tôi ngần ngừ một lúc, nói rành rọt: “Ai mà chẳng sợ chết? Việc sợ chết với việc lên đây có khác nhau chứ!”, Xuân bảo: “Khác thế nào?”, tôi nói: “Lên đây chiến đấu là DANH DỰ MỘT CON NGƯỜI!”, Xuân cầm tay tôi, bảo: “Cậu nói hay lắm!”... Phải, DANH DỰ MỘT CON NGƯỜI! Ai dà! Có thế chứ! Tôi và Xuân đào sắp xong công sự rồi. Hai đứa sẽ làm “tai”, làm “mắt” cho quân ta chiến đấu. Mạnh mẽ lên! Tôi thầm động viên mình. Tôi và Xuân ém mình trong công sự hẹp. Hồi hộp chờ giờ G. Không ngủ. Gấn sáng bỗng hai tiếng nổ rung chuyển đất trời. Biết là quân ta đã xé toang cửa mở, một - phía Tây Nam, hai - phía Đông Bắc. Quân ta “vây”, “ép” chặt từ sáng đến chiều. Pháo, cối, ĐKZ ta đủ cỡ nã vào đồn Sầm Thông khiến cho quân giặc nghẹt thở, bạc nhược. Chợt pháo ta dừng bắn. Mũi đột Đông Bắc ào lên. Tôi ngó vào đồn giặc. Chợt phát hiện bọn giặc thấp thoáng chạy về phía cửa mở Tây Nam. Không còn biết nguy hiểm nữa, tôi ôm máy vô tuyến nhảy lên mặt đất, bắt tín hiệu, bỏ phắt cả mật mã Chim Gâu với Đại Bàng, 1,2, 3,4, 45, 35, bỏ, tôi gào vào bộ đàm: A lô! Pháo đơ-ơ-âu! Bắn ngay về cửa mở phía Tây Nam. Mẹ kiếp! Bọn chúng chạy hết về đằng ấy rồi! Bọn chúng chạy mất rồi! Trời ơi! Mũi đột phía Tây Nam chết hết rồi hay sao ấy? Bắn đi! Pháo bắn đi! Bá-á-á-ắn!...”. Ơ lạ, pháo không bắn về phía cửa mở Tây Nam mà quất ầm ầm phía trong cửa mở Đông Bắc. Quân địch hoảng loạn, thốc lên khỏi hầm hào, vừa gào thét vừa tháo chạy náo loạn về phía cửa mở Tây Nam. Tôi uất quá, gào lên: “Thế là chúng chạy hết mẹ nó rồ-ồ-ồ-ồi!”. Tôi cáu, phệt đít xuống đất. Xuân nghiến răng xả một loạt đạn AK vào đồn. Một lúc. Bỗng nhiên phía cửa mở Tây Nam cả dây tiếng nổ rò-ò-oành rò-ò-ò-oành rò-ò-ò-oành..., nổ ran như pháo cối dây ngày tết, khói đen tỏa mù mịt cả cánh rừng chân núi Sầm Thông. Ôi giời! Hóa ra cả một khe núi phía dưới cửa mở Tây Nam Sầm Thông, quân ta đã đón lõng sẵn, gài lia lịa mìn Cremo định hướng. Quân giặc chạy tháo thân, tưởng thoát, nào ngờ lọt vào trận địa mai phục, mìn Cremo xé xác bọn giặc tan tành. Khiếp mưu lược nhà binh! Thì ra một người lính tò te như tôi làm sao hiểu được mưu lược quân sự tài tình của các chỉ huy, của hổ xám Khăm Chuông.

Thua trận

Nửa đêm chúng tôi mới leo được lưng chừng núi Tà Can. Núi cao 1550m. Sườn núi dốc dựng. Bắt đầu đào công sự. Vẫn tôi và Xuân đào chung một chiếc. A, lần này tôi không phải lên trước, nằm ngó hàng rào thép gai nhức cả mắt nữa. May rồi! Tôi lấy chiếc xẻng gấp, kéo thẳng lưỡi xẻng, ấn mạnh từng nhát xuống mặt đất rắn đanh. Cái hố sâu chừng nửa mét, xem ra sắp xong, chợt gặp phải đá. Tôi và Xuân loay hay lựa lưỡi xẻng khoét sang phải, gặp đá, sang trái, gặp đá, xuống dưới, vẫn đá, lên trên, vẫn đá. Toát mồ hôi. Tay tứa máu. Mỏi nhừ. Không xong rồi! Gặp phải đá tảng. Tôi bảo Xuân, bỏ thôi. Xuân thừ người, bảo chúng mình chắc chết. Trên kia, lính đồn Tà Can vẫn cầm canh bắn cối 60, ném lựu đạn vung vãi ra quanh đồn, vẫn phọt pháo sáng lấp loáng bầu trời đêm. Sớm mai quân ta phá cửa mở, nếu không có công sự, thì tôi và Xuân chắc chết thật chứ bỡn. Tôi và Xuân đang định di chuyển địa điểm đào công sự thì Minh từ đâu mò tới, giáp mặt tôi, ngần ngừ một lúc, bảo: “Chỉ huy bảo cậu phải lên ngay tuyến “ép”, vì khoảng cách xa mù, không rõ hỏa lực địch nằm đâu, sớm mai quân ta tập trung hỏa lực nã vào đồn giặc, sợ không chính xác!”. Ờ, thế là tôi lại phải lên trước như trận Sầm Thông, làm “tai”, làm “mắt” cho pháo của ta. Nhiệm vụ quan trọng thật rồi. Thì lên! Ai dà! Núi Tà Can dốc dựng, leo mà như bò. Tôi với Minh bám cỏ, bám dây leo, bám từng gốc cây, bò lên. Giữa mép rừng và hàng rào thép gai, qua ánh sáng nhờ nhờ của pháo sáng, tôi thấy rõ một khoảng trống khá xa. Nguy hiểm nếu không vượt nhanh qua khoảng trống kia. Nằm ép bên bìa rừng nghe ngóng một lúc, Minh vẫy tay, lập tức tôi và Minh bò trườn nhanh như thằn lằn, cách hàng rào thép gai đồn giặc chừng gần mười mét thì dừng lại. Hai đứa hối hả đào công sự. Đất núi rắn thế mà tôi ấn xẻng cứ như ấn xuống ruộng bùn, chẳng hiểu sức lực ở đâu ra mà khỏe thế. Một lúc, hai đứa đã đào xong công sự nhỏ, trên có nắp đất chừng ba mươi phân thôi. Xong thì Minh cầm tay tôi, lắc lắc, không nói gì, chỉ thoáng chốc, rồi phóng vụt xuống bìa rừng, còn mình tôi trơ trọi với cái công sự quá chật hẹp và nông choẹt. Ờ, chỉ một quả cối 60 nhỏ xinh của giặc cũng thừa sức khoan từ nóc xuống tận đáy công sự dễ xé tôi nát vụn. Tôi loay hoay vít cần ăng-ten chiếc vô tuyến vào trong công sự vì nếu nó cứ ngất nghểu trên mặt đất thì tôi bị lộ bem, và chắc chết. Qua hai trận rồi, tôi ít nhiều cũng có chút kinh nghiệm, không thấy hồi hộp chờ giờ G nữa. Tôi cuộn mình nằm im trong công sự, nghe tiếng lựu đạn, tiếng đạn nổ, rất khó chịu, cứ nghĩ ngợi mông lung. Rồi giờ G cũng điểm. Đồn Tà Can đã mở toang hai cửa mở. Nếm mùi thất bại trận Phu Theng Leng và Sầm Thông, giặc ở Tà Can cảnh giác hơn. Chúng biết đang bị quân ta vây ép chặt nhưng không có địa hình thuận lợi, trong khi chúng ở điểm cao lợi thế cả về địa hình, lực lượng, vũ khí, hậu cần nữa, nên chúng thả sức bắn liên thanh, nã pháo, ném lựu đạn ra bốn phía rừng già, và tập trung hỏa lực nã vào phía hai cửa mở, làm cho rừng nát tươm, khói đạn quyện với sương mù đặc quánh, khét lợm. Quân ta bắt đầu nã pháo vào đồn giặc, từng chập như kiểu dấn dứ, thăm dò và muốn đẩy quân giặc dần vào tâm thế hoang mang. Pháo qua pháo lại, cứ rú rít, vù vù, chí-í-í-íu chí-í-í-íu, ầm ầm trên đầu tôi. Bọn giặc chắc có hầm hố và công sự kiên cố nên chúng gọi máy bay và pháo dội liền liền xuống cái khoảng trống giữa bìa rừng và hàng rào thép gai, cái khoảng trống mà tôi vẫn tự cho là an toàn nhất vì giặc không dám dội pháo hoặc ném bom, sợ chệch một ly là chính bọn chúng trong đồn lãnh đủ bom đạn của chúng. Tôi không thể ngóc đầu lên khỏi công sự. Nếu nhô lên quan sát, chắc chắn đầu tôi bị pheng ngay. Đành nằm bẹp chờ cơ hội. Một mình cuộn mình trong công sự, giữa mưa bom bão đạn, ôm chiếc máy vô tuyến nóng rẫy, tôi nghẹt thở. Cảm thấy cô đơn và sợ hãi kinh khủng. Nhưng tôi không bỏ chạy. Bỏ chạy là đào nhiệm là đào ngũ. DANH DỰ MỘT CON NGƯỜI đâu phải chuyện thường! Nhưng một mình tôi với cả trận địa bom rơi đạn nổ ngay trên đầu? Tôi tủi thân, thì thầm đứt quãng: “Mẹ ơi! Trận này con chết chắc rồi! Vĩnh biệt mẹ! Vĩnh biệt các bạn chiến đấu!”... Nghĩ lẩn thẩn, tôi sẽ bị vùi trong cái công sự này, ai biết, liệu Minh có tìm thấy tôi, mà chắc đâu Minh còn sống để tìm tôi?... Bỗng bù-ù-ù-m! Tôi nảy người ép siết vào thành công sự. Cảm giác óc vỡ nát, đau khủng khiếp. Thái dương buốt nhói. Ngực bị bóp chặt. Nghẹt thở. Thân thể rã rời. Tôi mơ màng thấy mình bay lơ lửng giữa bầu không gian bao la, nhấp nháy muôn vàn ánh sáng xanh đỏ tím vàng. Bay lơ lửng. Lơ lửng. Xanh đỏ tím vàng. Và rơi xuống vực sâu thăm thẳm. Và lịm ngất! Tôi tỉnh dậy ấy là lúc đang nằm trên lưng một đồng đội mà tôi biết mặt nhưng không nhớ tên. Người đồng đội thấy tôi cựa mình, thở hi hóp, ho hực hực, liền phệt đít, đặt tôi nằm trên cỏ ngay chân núi Tà Can. Người đồng đội vừa lấy chiếc khăn dù lau máu trên mặt trên cổ tôi, vừa vung tay nói gì nhiều lắm mà tôi không thể nghe được. Tôi đần mặt, nhìn người đồng đội dáng thấp đậm qua ánh mắt mờ nhòe, rồi gật gật, lắc lắc đầu. Người đồng đội biết tôi không nghe được, cũng gật gật, lắc đầu. Tôi được đồng đội đưa đi Trạm phẫu thuật tiền phương trong một động đá lớn, rồi chuyển ra Đội điệu trị 20 ở một hẻm núi cao Mường Xén, coi như bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Như thế có nghĩa là, tôi thua trận này!

Ở Đội điều trị 20, tôi gặp bạn Vinh, bị đạn cối giặc găm ở liên sườn phải, mãi sau bạn kể, mới biết quân ta đánh chiếm Tà Can, chiến thắng nhưng không phát hiện ra đồn có hầm ngầm nên bị giặc phản kích bất ngờ. Nhiều chiến sỹ của ta bị thương vong, trong đó có Vinh nữa. Đáng tiếc, giặc bắt được bảy chiến sỹ ta trong đó có Thăng, chúng rạch bụng, rồi đổ xăng đốt xác. Dù thế, kết cục, bọn giặc vẫn bị tiêu diệt hoàn toàn. Cùng thời gian ấy, quân ta còn đánh vào Nam Tra, thắng lớn. Bạn Bình xạ thủ B40, nghe nói bắn tới bảy quả, chảy máu tai, giống như ở Phu Theng Leng, bọn giặc chết thui như nướng bởi sức nóng của đạn lõm B40. Bình bị đạn giặc xuyên qua đùi, mẻ xương, phải khiêng đi viện.

Vậy là, Chiến dịch Z mùa Xuân 1972 quân ta thắng lớn, giải phóng hoàn toàn Cánh Đồng Chum. Quân ta rút khỏi chiến trường, hành quân qua bản Mèo, xuyên qua những cánh rừng thông, những cánh rừng hoa ban, tôi ngơ ngác nhìn nhìn những cây thông xanh gãy nát, ngơ ngẩn nhìn những cánh hoa ban trắng tan tác trên mặt đất, cánh hoa trắng mỏng manh còn ám mờ khói bom đạn với niềm tiếc thương đồng đội hy sinh như những vết chém vào trái tim non trẻ của tôi. Dù thế, ngày mai hoa ban tiếp nở, tôi lại cùng đồng đội lên đường ra trận.

thanh

Mùa xuân 1975, đất nước hòa bình thống nhất.

Bao nhiêu người lính ra trận đã trở về. Bao nhiêu người lính ra trận không bao giờ trở về. Mấy người bạn của tôi nằm lại nơi chiến trường Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng. Qui ơi! Thăng ơi! Lập ơi! Chước ơi!... Các bạn đã hiến cả tuổi trẻ cho nghĩa tình Quốc tế cao cả. Tôi may mắn trở về, vết thương xoàng, sao sánh được với sự hy sinh anh dũng của các bạn. Sống trong hòa bình sung sướng nhưng bao đêm tôi thao thức, mơ màng hình dung các bạn vẫn lẩn quất đâu đây. Nhớ thương các bạn da diết. Nên một sớm mùa Xuân, tôi lên Chùa Am thắp hương, cầu nguyện cho các bạn và tôi mãi mãi bình an, mãi mãi nhớ nhau. Khấn vái cầu nguyện xong, tôi tháo dép, bước chân trần ra thềm cát sông Hồng. Tôi ngồi phệt trên dải phù sa mịn, lặng lẽ như một tảng đá. Bảng lảng sương khói. Dòng sông lững lờ trôi. Tôi nhắm mắt. Tâm tưởng bồi hồi. Mơ màng. Cảm giác mộng mị. Ô kìa! Mấy chiếc lá xanh nối nhau từng đôi từng đôi như những chiếc thuyền lá trôi trên sóng nước. Tôi giật mình, nhìn lên phía trên dải cát. Mấy người lính trẻ trong quân phục màu cỏ, lúc ẩn lúc hiện, mờ tỏ trong sương khói, đang đùa nghịch, thi nhau té nước, cười rích rích và chạy ào theo những chiếc thuyền lá đang trôi xuôi. Thấy tôi, một người lính lên tiếng: “Chớ động vào những chiếc thuyền lá nhé! Mà hình như – người lính ngập ngừng – hình như anh là... anh là...”, tôi vội trả lời: “Tôi là Hoàng! Còn anh? – đến lượt tôi ngạc nhiên – Còn anh, là...”, người lính chợt reo lên, đổi cách xưng hô: “A, Hoàng! Tớ là Lập đây! Cậu nhớ chứ?”, một người lính đứng bên cạnh lẩm nhẩm: “Hoàng nào nhỉ? Mà sao Lập lại cậu cậu tớ tớ với cái lão già, tóc bạc trắng thế kia?”, Lập cười giòn, kéo người lính lại gần, chỉ vào tôi, bảo: “Chước ơi! Nó là thằng Hoàng Hưng Yên. Bạn cùng lớp, lại cùng đơn vị với chúng mình ngày xưa đấy”, bây giờ đến lượt người lính có tên Chước, ôm choàng lấy tôi, lay lay mãi vai tôi, giọng ồm ồm hơi ngọng: “Ai dà, thằng Hoàng Hưng Yên! Thế là chúng mình vẫn không quên nhau. Tốt lắm! Mà tớ vẫn nợ cậu cái dù pháo sáng hứa tặng năm nào nhỉ. Còn cái bút Trường Sơn cậu tặng tớ, nó bay bay xa lắm... Ờ, mà sao tóc cậu bạc trắng thế kia? Cuộc sống vất vả lắm hả?”, tôi rưng rưng: “Hơn sáu mươi tuổi rồi còn gì. Vất vả thì chả đáng, mỗi tội buồn!”, Lập nhìn sâu vào mắt tôi, thì thào: “Cậu sao thế? Sống trên đời là một hạnh phúc lớn, sao cậu phải buồn, khổ thân? Sống cho mình, sống vì mọi người, có tuổi trẻ, có tuổi già, có gia thất, nếm trải vui buồn, như thế mới gọi là đời chứ! Như chúng tớ đây, cứ trẻ mãi thế này còn buồn biết mấy!”, Chước nói xen vào: “Phải đấy! Chúng tớ mãi mãi tuổi hai mươi, tóc cứ xanh mướt thế này, buồn lắm!”, tôi ôm hai bạn trong vòng tay, run rẩy: “Các cậu mãi mãi tuổi hai mươi, thật tuyệt vời. Vì các cậu đã hiến dâng cả cuộc sống của riêng mình cho mọi người, cho đất nước. Hạnh phúc lắm!”, Chước đẩy tôi ra, mắt nhìn như có lửa, lẩm nhẩm trong miệng: “Sao các người ở đâu cũng nói giống nhau thế nhỉ?”, rồi Lập và Chước cầm tay nhau nhảy lên một chiếc thuyền lá, trôi hút vào sương khói miên man. Tôi chợt tỉnh, nhỏm dậy, giơ tay vẫy vẫy, nghẹn ngào gọi: “bạn ơ-ơ-ơi! đồng đội ơ-ơ-ơi...”

Lạ lùng, sau cơn mơ sớm mùa Xuân ấy, như là một điềm báo, tôi được bạn Hoàng Ngọc Chuyên đương giữ chức Bí thư huyện ủy Bảo Yên báo tin chuẩn bị “đón” Lập và Thăng từ Cánh Đồng Chum Xiêng Khoảng về Nghĩa trang liệt sỹ Phố Ràng. Thiêng thế! Nhận tin, tôi bỗng như người ngơ ngẩn, lúc lặng thầm, lúc lảm nhảm vu vơ. Và linh cảm, được nhập hồn vía với các bạn, tôi hí húi làm thơ. Bài thơ chưa kịp đặt tên, tôi giấu trong túi áo ngực, ngày lên Phố Ràng “gặp” nhau, thắp hương khấn vái, tôi mở thơ, quì bên nấm mộ các bạn, thì thầm đọc: "Lặng quì bên vuông cỏ bạn đang nằm/ Muốn gọi thành lời mà không sao gọi nổi/ Sương mai nhòe ướt đầm cỏ rối/ Đất khẽ run thấm mặn dưới chân mình/ Bạn yêu ơi, đất nước đã hòa bình/ Bạn ngã xuống ngực âm thầm rỉ máu/ Máu bạn chảy trong triệu người chiến đấu/ Máu thấm lên rực rỡ sắc cờ/ Khoảng xanh mềm như một khúc hát ru/ Bạn trẻ mãi tuổi hai mươi cống hiến/ Bạn mãi mãi cùng cỏ cây trời biển/ Lòng bồi hồi biết mấy nhớ thương/ Ngực áp lên vuông cỏ xanh non/ Phút linh thiêng tự lòng mình chân thật/ Nước mắt chảy ngược vào trong ngực/ Một chút thôi để nhớ đến muôn đời!". Các bạn yêu ơi! Gần bốn mươi năm đằng đẵng, bây giờ các bạn mới “trở về” quê hương. Thương lắm! Kia, mẹ của Lập và mẹ của Thăng nằm ôm nấm mồ nhỏ, khuôn mặt già nua nhăn nhúm, miệng hờ mếu máo, nước mắt rỉ giọt đỏ như máu. Còn Chước nữa? Giờ này Chước ở đâu? Tôi lặng cúi đầu, thầm tưởng tượng Chước đã nhập với đất đai cây cỏ Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, mãi mãi. Ngày này ở bản xa Nghĩa Đô, biết không may mắn được “đón” con như mẹ Lập và mẹ Thăng, chắc mẹ Chước đang nâng bát cơm thơm của nương rẫy đặt lên bàn thờ nhà sàn, rồi thắp hương khấn vái, cầu mong đứa con trai người Tày bình an nơi đất khách quê người.

Nghĩa trang hương khói bảng lảng, thơm nồng.

Hình như bóng Chước thấp thoáng xa kia.

Tôi ngó ra, thảng thốt gọi: Chước ơi, về nhà thôi!

H.T.S

Xứ Mưa, những ngày buồn nhớ bạn xa vời!