Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRỞ LẠI CON ĐƯỜNG CỦA THƠ CA

Phú Khang
Thứ bẩy ngày 3 tháng 8 năm 2019 9:24 AM


Mới đây, trong đoàn cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa trên nước bạn Lào nối Đường 7 với Cánh đồng Chum, khi đi qua Nọng Hét, một nhà thơ đàn anh cho hay: “Ngày còn chiến tranh, mình với Phạm Tiến Duật khi ấy là lính Cục vận tải quân sự, thường qua đây. Chính ở hang đá này, Phạm Tiến Duật đã viết bài thơ Tiếng cười của đồng chí coi kho và mình thì viết Vầng trăng trên đỉnh Pa Pông”.

Nghe thế mới giật mình nghiệm ra rằng, Đường 7 một thời đạn lửa của chúng tôi thời chống Mỹ, cứu nước, con đường từ Mường Xén qua Cánh đồng Chum mà quân thù đánh phá tàn bạo, cũng chính là con đường của thơ ca, của văn học. Ở nơi đây, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã viết thiên truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng, nhà văn Bùi Bình Thi đã viết tiểu thuyết Xiêng Khoảng mù sương, những nhà thơ của Cục vận tải quân sự như Phạm Tiến Duật, Trần Nhương đều từng qua đây và sáng tác nhiều bài thơ. Cũng chính trên con đường giao liên chạy giữa rừng, song song với đường vận tải, người lính Gia Dũng đã viết Bài ca Trường Sơn, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết nhiều vần thơ rất hay như: “Ngủ theo đội hình đánh giặc”. Các anh là lính của Sư đoàn 312, 316… hành quân qua binh trạm vào tham gia chiến dịch giải phóng Cánh đồng Chum. Còn có nhiều những người lính tuổi 20 chiến đấu ở đây và cầm bút, như Lê Hoài Nguyên - người pháo thủ binh nhất này có rất nhiều thơ về trận địa nơi Đèo Đất, Đèo Đá ..., như Phạm Ngọc Tiến và Châu La Việt. Là một pháo thủ chiến đấu dạn dày thuộc Tiểu đoàn pháo cao xạ 11, Châu La Việt chỉ viết về chiến tranh và người lính và từng được giải thưởng của Bộ Quốc phòng về văn học - nghệ thuật và báo chí giai đoạn 2009-2014 cho tiểu thuyết viết về Đường 7 và binh trạm của anh Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng và mới đây nhất là tiểu thuyết Lửa sáng phía chân trời viết về chiến trường Cánh đồng Chum đã được đưa vào chương trình Đầu tư sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 2019 của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam… Một cây bút khác kể như đầu đàn của Binh trạm 13 ngày ấy là nhà văn Phạm Trung Nhân, từng là một lái xe dạn dày của Đại đội 51 và là người duy nhất ở Binh trạm 13 ngày ấy được gọi là nhà văn vì anh từng đi trại viết quân đội, từng có tác phẩm in ở tạp chí Văn nghệ quân đội, hiện cũng đang thao thức với một tiểu thuyết hay tự truyện dài hơi của mình về con đường này…

Đoàn cựu chiến binh trên xe hôm ấy, có rất nhiều đại tá và rất nhiều nhà thơ. Như Đại tá, nhà thơ Vương Trọng, Đại tá, nhà thơ Mai Nam Thắng, Đại tá, nhà thơ Lê Hoài Nguyên. Trên xe ô-tô, thể theo yêu cầu của các cựu chiến binh, lần đầu được gặp gỡ các nhà thơ, cho nên suốt cuộc hành trình trên đường, chúng tôi được nghe các anh đọc thơ. Các nhà thơ đọc thơ đã đành, mà ngay cả Phạm Ngọc Tiến, một tay viết truyện ngắn khá hay cũng hứng chí lên đọc thơ. Chỉ một bài thôi, mà rồi ai cũng xúc động...

Niềm vui lớn nhất của chúng tôi trong những chương trình tiếng thơ trong hành trình trở lại Đường 7- trở lại chiến trường xưa này (đã được Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh và phát sóng, nhiều người hoan nghênh), là những đồng đội, những cựu chiến binh của tôi vốn dĩ yêu thơ ca bây giờ mới lần đầu được gặp gỡ, được nghe thơ từ những nhà thơ họ yêu thích. Như với nhà thơ Vương Trọng. Được bắt tay nhà thơ, được nâng ly với nhà thơ, lại được trực tiếp nghe ông đọc thơ, chỉ một chút băn khoăn là làm sao có được một tập thơ tuyển của nhà thơ. Trước thịnh tình, cũng là “đòi hỏi” của anh em, nhà thơ Vương Trọng ái ngại mà rằng: “Vì được giải thưởng văn học Nhà nước, cho nên cũng được ưu ái, được NXB Hội Nhà văn in cho một tuyển thơ từ nhiều năm trước. Nhưng tác giả cũng chỉ được tặng mươi cuốn, đến nay không còn cuốn nào để tặng anh em”. Thế là anh em cựu chiến binh trên xe đồng lòng với một sáng kiến: Sẽ góp tiền in một tập tuyển thơ của nhà thơ Vương Trọng, chỉ để mỗi người được một cuốn của nhà thơ để thưởng thức và làm kỷ niệm mà thôi! Mới đây nhất, được biết tuyển thơ Vương Trọng với gần 500 trang in, trình bày đẹp, đang được in tại NXB Văn học và trong một tương lai gần, không chỉ những cựu chiến binh Đường 7 - Cánh đồng Chum mà đông đảo bạn đọc sẽ có trên tay tuyển tập của nhà thơ Đại tá Vương Trọng...

Ôi Đường 7- Cánh đồng Chum. Con đường của thơ ca. Nơi không chỉ sản sinh rất nhiều nhà thơ, nhà văn mặc áo lính, mà còn là nơi vun đắp cho hàng triệu tâm hồn người lính yêu thơ ca, mang thơ ca vào trận đánh hôm qua cũng như trong cuộc sống thường ngày hôm nay!

PHÚ KHANG