“Bên ni biên giới là mình
Bên tê biên giới cũng tình quê hương”
(Tố Hữu)
Tuy vậy, Nhưng “Chồng bát cũng có khi xô”. Sau cái trận “Huynh đệ tương tàn”, “năm 1979 ấy, theo tục lệ cổ truyền, ta, nước nhỏ là em, đã sang thăm họ, nước lớn là anh. Để anh em dàn hoà, làm lành với nhau. Và cũng lại theo tục lệ cổ truyền, đã đến với nhau thì phải có chút quà “lót tay” chứ! Ngày xưa ông cha ta sang “Thiên triều” (ấy là họ tự xưng như vậy, chứ thực ra cái triều đình ấy vẫn ở dưới đất) thì lễ vật phải là tượng vàng, bình bạc, châu báu ngọc ngà, người tài, hương thơm, thú lạ…Còn bây giờ ”nước em” sang ”nước anh” thì…Liệu có phải cũng vì vậy mà phần lớn thác Bản Dốc, và cửa ải Nam Quan đều không có chân mà lại “chạy” được sang bên kia biên giới?...
Rồi kết quả chuyến viếng thăm lịch sử ấy, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã đem về nước được mười sáu chữ, mà cả hai bên đều bảo đó là chữ vàng: “LÁNG GIỀNG HỮU NGHỊ, HỢP TÁC TOÀN DIỆN, ỔN ĐỊNH LÂU DÀI, HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI”. Và bốn điều răn, (tức bốn tốt): “ LÁNG DIỀNG TỐT, BẠN BÈ TỐT, ĐỒNG CHÍ TỐT, ĐỐI TÁC TỐT”.
Nhưng trước khi đưa ra 16 chữ vàng, năm 1974, khi quân ta sắp mở chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Sài Gòn, thì ông anh đã nhanh tay đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, do quân đội Việt Nam Cộng hoà đang đồn trú. Rồi năm 1988, ông anh lại ngang nhiên đánh chiếm một số đảo, thuộc quần đảo Trường Sa của ta. và thường xuyên sử dụng lực lượng hải quân uy hiếp bộ đội ta ỏ trên đảo. Ta xây cột mốc, cắm cờ xác định chủ quyền trên một số đảo chìm. Vừa xây xong thì họ cho tầu chiến không cờ, không số hiệu đến diễu võ giương oai, uy hiếp quân ta để xuồng của họ vào kéo đổ cột mốc của ta. Họ còn bắt tầu thuyền, đánh đập ngư dân ta đang làm ăn trên lãnh hải chủ quyền của ta. Các hành động đó diễn đi diễn lại nhiều lần, gây nên tình trạng hết sức căng thẳng, nặng nề ở ngoài biển đảo…
Nghiêm trọng hơn nữa là mới đây, ngày 20/11/2007, Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt thành lập thành phố cấp huyện Tam Sa, gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ta. Việc làm đó chứng tỏ họ quyết tâm sẽ lấn chiếm nốt những hòn đảo còn lại thuộc quần đảo Trường Sa của ta.
Trước việc làm sai trái đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta, ông Lê Dũng tuyên bố: “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ về chủ quyền của mình trên hai quần đảo đó”. Nhân dân ta ở trong nước, cũng như kiều bào ở nước ngoài rất phẫn nộ, lên tiếng phản đối. Ngày 9/12/2007, hàng trăm học sinh, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ đã biểu tình phản đối trước Đại Sứ và Lãnh Sự quán Trung Quốc ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cùng nhiều nơi khác trên thế giới.
Trước tình hình đó, người phát ngôn Chính Phủ Trung Quốc, ông Trần Cương tuyên bố: “Chúng tôi hi vọng chính phủ Việt Nam sẽ có thái độ trách nhiệm, đồng thời có những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn những sự việc làm tổn hại đến quan hệ song phương”. Và ngay lập tức, ông Lê Dũng, người phát ngôn của ta đã thanh minh: “Đó là việc làm tự phát của dân chúng, chưa được phép của các cơ quan chức năng”.
Rồi, có lẽ để đảm bảo, để giữ gìn vật quý là mười sáu chữ vàng nói trên, nên những cuộc biểu tình tiếp theo của thanh niên trí thức ở hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh, đều bị cảnh sát ngăn chặn, áp chế, bắt phải giải tán.
Vậy thử hỏi, ta coi họ ‘Vừa là đồng chí vừa là anh em”, “Bên ni biên giới là mình/ Bên tê biên giới cũng tình quê hương” (Tố Hữu). Nhưng trong thâm tâm họ, họ có coi ta là láng diềng tốt, là bạn bè, là đối tác, là đồng chí tốt đâu? Trái lại, họ coi ta là “Con cá bé, họ là “con cá lớn. Cá lớn nuốt cá bé là lẽ đương nhiên, là chuyện bình thường. Cho nên mấy cái chữ gọi là vàng kia chỉ là vàng giả!
*
* *
Trên báo Văn nghệ số cuối năm 2007 vừa qua, tác giả Võ Xuân Trường đã đề cập đến chữ “nhẫn”. Bài báo thật hay và bổ ích. Tác giả kể lại lịch sử nước Tàu. Chuyện về lòng trí dũng của Thiền Vu Hung Nô: “Sau hai lần phải biếu ngựa quý và vợ yêu cho quốc vương Đông Hồ (một nước láng diềng). Đến lần thứ ba, Đông Hồ lại đòi biếu đất, thì Thiền Vu Mạc Đột nghiêm giọng trách rằng: “Đất đai là cơ bản của mỗi quốc gia, sao có thể dâng cho kẻ khác được. Ai đem đất đai dâng cho chúng, ta sẽ chặt đầu”. Dứt lời Mạc Đột nhẩy lên lưng ngựa, nói với lại: “Ai chậm chân ta sẽ chém đầu”. Thế là nước láng giềng Đông Hồ, kẻ có đầu óc xâm lược, kiêu căng bị Hung Nô tiêu diệt”.
Nước Việt ta, trong quá trình giữ nước cũng chẳng thiếu gì những tấm gương trí dũng như Mạc Đột. Sau ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược, Hoàng đế Trần Nhân Tông đã di chúc cho con cháu rằng: “ CÁC NGƯƠI CHỚ QUÊN, CHÍNH NƯỚC LỚN MỚI LÀM NHỮNG ĐIỀU BẬY BẠ, TRÁI ĐẠO. vÌ RẰNG HỌ CHO MÌNH CÁI QUYỀN NÓI MỘT ĐƯỜNG LÀM MỘT NẺO. CHO NÊN CÁI HOẠ LÂU ĐỜI CỦA TA LÀ HOẠ TRUNG HOA. CHỚ COI THƯỜNG CHUYỆN VỤN VẶT XẨY RA TRÊN BIÊN ẢI.
CÁC VIỆC TRÊN, KHIẾN TA NGHĨ ĐẾN CÁC VIỆC KHÁC LỚN HƠN. TỨC LÀ HỌ KHÔNG TÔN TRỌNG BIÊN GIỚI QUY ƯỚC. CỨ LUÔN LUÔN ĐẶT RA NHỮNG CÁI CỚ ĐỂ TRANH CHẤP. KHÔNG THÔN TÍNH ĐƯỢC TA, THÌ GẶM NHẤM TA. HỌ GẶM NHẤM ĐẤT ĐAI CỦA TA, LÂU DẦN HỌ SẼ BIẾN GIANG SƠN CỦA TA TỪ CÁI TỔ ĐẠI BÀNG THÀNH TỔ CHIM CHÍCH. VẬY NÊN CÁC NGƯƠI PHẢI NHỚ LỜI TA DẶN:
“MỘT TẤC ĐẤT CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI, CŨNG KHÔNG ĐƯỢC ĐỂ LỌT VÀO TAY KẺ KHÁC”. TA CŨNG ĐỂ LỜI NHẮN NHỦ ĐÓ NHƯ MỘT LỜI DI CHÚC CHO MUÔN ĐỜI CON CHÁU”.
Ông cha ta đã bắt bọn Vương Thông phải ký hoà ước đầu hàng, để được đem cái mạng sống “về đến nước mà chưa thôi trống ngực” (Bình Ngô Đại Cáo). Tôn Sĩ Nghị, hoảng hốt, khiếp sợ đến nỗi không kịp giắt quả ấn vào cạp quần, đã phải cắm đầu bỏ chạy về nước!
Nhưng đó là chuyện thời xưa. Còn bây giờ con người đã văn minh hơn. Mọi xung đột đều có thể được giải quyết bằng đấu tranh và thương lượng trong hoà bình. Trung Quốc nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của họ. Nhưng cái đường biên giới “lưỡi bò” họ mới bịa ra, nhằm chiếm cả biển Đông, có được quốc gia nào công nhận đâu?
Vào cuối thập niên 40 thế kỷ trước, khi chiếm xong lục địa, Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan, ông Bành Đức Hoài Nguyên soái quân Trung Quốc lớn tiếng tuyên bố: “Mỗi kị sĩ quân đội Trung Quốc chỉ cần ném cái roi ngựa xuống biển Đông, cũng làm thành con đường ra giải phóng Đài Loan”. Nhưng rồi ông Bành sợ chết đuôi không dám vựợt qua eo biển!…
Cũng thời gian đó, quân đội Việt Nam Cộng hoà vẫn đồn trú ở Hoàng Sa. Nếu Hoàng Sa là của Trung Quuốc, sao họ không lên tiếng phản đối chính quyền Sài Gòn xâm lược lãnh thổ của họ? Và sao ngày ấy ông Bành không ném roi ngựa ra giải phóng Hoàng Sa? Mà lại chờ đến năm 1974, khi quân ta sắp tiến vào Sài Gòn, Trung Quốc mới đánh chiếm Hoàng Sa?
Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của ta, và tuyên bố thành lập thành phố Tam Sa là họ cậy thế nước lớn bắt nạt nước nhỏ. Họ cậy có sức mạnh quân sự và kinh tế. Nhưng thời bây giờ, sự thật, lẽ phải và lòng người còn mạnh hơn vũ lực. Chắc chắn rồi sẽ có ngày ta thu hồi được các đảo đã bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép./.
Uông Bí, ngày 20/3/2008
Sửa lại, ngày 30/4/2014
THĐ