Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐÀN BÀ LÀNG TÔI & ĐÀN ÔNG LÀNG TÔI CỦA NGUYỄN HIẾU

TS Đường Văn
Thứ hai ngày 15 tháng 10 năm 2018 2:00 PM


Bình thơ

ĐÀN BÀ LÀNG TÔI

Đàn bà làng tôi

Chỉ vì cành đa

Con kiến leo vào leo ra

Cũng bởi nếp nhà

Đàn bà đi xa về ngắn

Một sương hai nắng

Ruộng muống vại cà

Ngực tròn quả bưởi

Tháng năm trôi

Mặt xạm, tóc xơ

Vú mướp tồng tềnh quăng sau áo mỏng

Lửa tắt cơm sôi

Con nguệch mặt đòi ti

Chồng ngầy ngà tòm tem

Bố ho xù xụ khêu đèn

Lợn kêu eng éc. Lũ em gõ nồi

Quái chiều nắng nhạt đã rơi

Hai mươi, trái hồng in gò má

Ba mươi, bồ hóng xạm da

Băm bèo quên lưỡi liềm trăng

Sàng gạo lông mày cám đọng

Bát cơm xẻ ba nựng con

Gắp tép rơi vào bát mẹ

Rô don láng mỡ dành chồng

Canh bầu chan vỏng dâng cha

Râu tôm vương vào nụ mướp

Sương giăng chớp ngõ chợ xa

Ngọn tre mờ gật la đà

Làng tôi lũ lĩ đàn bà

Hay làm, nhường ăn, khoẻ nói

Một thời mớ bẩy mớ ba

Tóc lả đuôi gà

Dép cong cau sáu

Cười duyên nhưng nhức hạt na

Làm dâu nhịn bánh nhịn quà

Đói no không người tỏ

Lời ru nửa câu hát cũ

Ối à rồi lại ới a

Cầu ao mất rồi bói cá không về

Tiền đông mua nổi đựơc quê ?

Cào cào giã gạo mải mê đến giờ

Gầu sòng vỡ, ai be bờ

Con niễng nhỏ cũng chẳng chờ đựơc đâu

Một con gái

Một con dâu

Một người làm mẹ…Cơi giầu vẫn nông

Hai tay cầm hai quả hồng

Nói đi nói lại cho lòng thêm thương

Một vai gánh cả đường trường

Mênh mông bầu ngực, mây vương sớm ngày

( Đã in trong giai phẩm xuân 2012 báo Nông thôn ngày nay)

Đàn ông làng tôi

Một thủa làng tôi

Đàn ông nhiều vô kể

Đầy đình, chật điếm, ngập đê

Gà gáy canh tư đã rời hơi vợ

Tòng teng điếu cày, nùn rơm

Con trâu đi trước.

Thằng người chập choạng bứơc sau

Áo tơi, nón lá.

Mẹ hĩm trên đồng cạn

Bố cu dưới đồng sâu

Mồ hôi trắng muối áo nâu

Chiêm qua, mùa tới dãi dầu gió sương.

Sông Cái nứơc cường chấp chới

Vai u, lưng trần quật thổ đắp đê

Chiều về đan lạt, chẻ tre.

Rít hơi thuốc lào, khói loà nhoà mặt

Mẹ đĩ thương buông câu khoan nhặt

Nặng nhọc đổ biển, đổ nguồn.

Một thời làng tôi

Đàn ông vợi trông thấy

Tùng tùng trống gọi ra đi

Áo màu đất đổi áo xanh rừng

Mẹ cu cứng mồm hô câu “vắt, diệt”

Yếu trâu hơn chán khoẻ bò.

Vắng bóng bố em. Mộng giường cọt kẹt

Rô ron rán ròn không kẻ nhắm.

Ai bắc cầu ao, chiều bu nó tắm

Thóc giống cắn chuột trong bồ

Mạ già thành ống. Ai lo cho tày.

Tan giặc. Nườm nượp chồng về

Kiệu thánh làng đủ xúât đinh khiêng

Một, chạp có kẻ tát ao.

Giêng, hai có người cày vỡ .

Chai tay việc to, việc nhỏ

Tiếng vẫn để đời, nông nổi.

Giếng khơi à.

Rể gần đến bố chồng xa.

Vắng đằng ấy trống nhà

Thiếu đằng này quạnh bếp

Đàn ông, xôi nếp cúng cha

Đàn bà, đồng quà dâng mẹ

Công lênh rời sông lấp bể

Chẳng bằng tay muối dưa cà.

Nâng be cuốc lủi hát câu la đà

Ở đời đàn bà phải có đàn ông

Gầu giai phải có tay chồng

Một mình thui thủi gầu sòng cực chưa ?

Bu mày nắng sớm, chiều mưa.

Sơn hà, xã tắc, cầy bừa…Thầy em.

Thân này, ham rượu thèm nem

Cái lúm đồng tiền…ừ hữ cũng ham.

( Đã in trong giai phẩm xuân 2013 Báo Nông thôn ngày nay)

Để có được nhị bình thi (Nhị bình: khái niệm chỉ cấu trúc 2 bài thơ (hai bức tranh, pho tượng…) đối xứng, đặt bên cạnh nhau, hoặc nối tiếp, liên hoàn với nhau thành bộ. Tương tự: tứ bình, tam đa, ngũ phúc, lục vị, thất hiền, bát tú, cửu long…) sâu sắc, thú vị và độc đáo này, nhà văn Nguyễn Hiếu cần đến một khoảng thời gian những 3 năm (2010 – 2013); nhưng chắc cảm hứng sâu xa thì đã nấu nung, trăn trở, tích góp nhiều năm từ vốn hiểu biết phong phú của tác giả về người quê, cảnh quê hương mình.

Nét độc đáo đầu tiên về thi tứ của hai bài thơ này, theo tôi, là ở chỗ, nó không khai tác thi đề từ một hình ảnh, hình tượng, một chân dung cụ thể có thật hay hư cấu về một người đàn bà hay một vị đàn ông làng tôi nào mà là khái quát nghệ thuật về tính cách và tâm hồn chân dung của người đàn bà làng tôi, đối xứng với người đàn ông làng tôi để làm nên bức chân dung hình tượng con người nông dân làng quê. Rộng ra là hình tượng con người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Viết kiểu dưới khó khăn hơn kiểu trên rất nhiều vì nó không chỉ đòi hỏi sự khái quát, tổng hợp đúng đắn, cao sâu mà còn phải rất cụ thể, hình ảnh, lung linh sống động khi tả, dựng về đạo đức, lối sống, sinh hoạt, làm ăn, tình cảm, số phận, sự nghiệp… của nhân vật trữ tình mà lại không được phép gắn với 1 nhân vật cụ thể X, Y nào, 1 cốt truyện M, N nào ở thôn A hay thôn B, chẳng hạn…

Mặc dù Nguyễn Hiếu từng nói với tôi nhiều lần, rằng trong sáng tác nghệ thuật: cả văn, cả thơ, từ truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, kịch bản văn học đến thơ trữ tình, anh chỉ mượn vùng quê làng với những cảnh sắc, con người làm bối cảnh lịch sử - xã hội xa, gần, để có chỗ tựa nơi mảnh đất và tâm hồn quê hương vững chắc mà phóng bút tưởng tượng trên cơ sở những chủ đề tư tưởng khái quát khác nhau, nhưng đọc nhị bình thi, người làng tôi vẫn nhận ra chính mình. Người các làng khác cũng nhận ra mình trong lời ăn tiếng nói, trong công việc nhà nông, trong đời sống thường nhật, trong quan hệ với cha mẹ, chồng (vợ) con, trong gia đình. Tính phổ quát, điển hình của hình tượng thơ Nguyễn Hiếu, ở đây đã đạt tới mức chân thực cao.

Cần lao, lam lũ, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời vì cuộc sống hằng ngày. Nước có giặc thì xung phong đi đánh giặc. Nước hết giặc thì lại về làng theo trâu cày sâu, cuốc bẫm, nuôi vợ, nuôi con, chăm sóc, lắng lo khi cha già, mẹ héo… Ăn uống cần kiệm, tằn tiện, chắt chiu, nhường nhịn cho mọi người; còn mình thì thế nào cũng xong: miếng cơm hẩm, quả cà meo, muôi canh lõng bõng… Vậy mà vẫn vui, vẫn cười, vẫn xinh đẹp, tươi giòn, tình tứ: ôi à rồi lại ối a…! Nguyễn Hiếu tả cái cực nhọc của người đàn bà làng quê chỉ bằng 2 hình ảnh chân mộc mà cảm động và khêu gợi biết bao:

Băm bèo, quên lưỡi liềm trăng,

Sàng gạo, lông mày cám đọng.

Nếu câu trên hay và thú ở hình ảnh lưỡi liềm sắt cong cong, mẹ mới đánh chân chấu dùng để băm bèo trùng khít với mảnh trăng non hình lưỡi liềm đang lơ lửng cuối trời, lại bị người vợ bỏ quên vì mải nghĩ đến chồng, thì câu dưới giản dị đến giản đơn trong tạo tứ, tạo hình. Nhưng hỏi có người chồng, người trai nào ở xa, thương vợ, nhớ người yêu mà không se lòng đến quay quắt khi hình dung những hạt cám hòa quyện với mồ hôi đọng vàng trên má, trên đôi lông mày người đàn bà của mình đang ở nhà tần tảo, vất vả với cô đơn.

Đoạn thơ sau dường như kể lể cà kê dê ngỗng mà sao vẫn nhoi nhói, xôn xang, ấm áp tình người và lấp lánh tình thương yêu, sự hi sinh của người phụ nữ nông dân và thấp thoáng cái tất bật, đảm đang của người con dâu, người vợ, người mẹ trẻ trong gia đình:

Bát cơm sẻ ba nựng con,

Gắp tép đặt vào bát mẹ,

Canh bầu chan vỏng dâng cha,

Rô ron láng mỡ dành chồng.

Râu tôm vương vào nụ mướp,

Sương giăng chớp ngõ chợ xa,

Ngọn tre mờ gật la đà…

Có khi ngòi bút thơ như là tiện đâu nhận xét đấy, có vẻ vô tình và vô tư nhất trên đời:

Làng tôi lũ lĩ đàn bà,

Hay làm, nhường ăn, khỏe nói,

Một thời mớ bảy mớ ba …

Cả ưu, cả nhược, cả xưa, cả nay về tính cách của đàn bà làng tôi được phơi bày một cách hồn nhiên … trước bàn dân thiên hạ. Nhưng tôi dám chắc chẳng có bà con, cô bác, chị em nào kệnh (mếch) lòng, ngược lại, họ còn thích thú cười mỉm hay cuời giòn khi đọc những dòng thơ bỗ bã trên… Tôi cho đó là do Nguyễn Hiếu đã chọn đúng, chọn trúng giọng điệu và cách thể hiện phù hợp với chủ đề.

Hai câu kết lại trở về với điệu lục bát duyên dáng mà mênh mang, đã vụt nâng tầm vóc người đàn bà làng tôi, người phụ nữ Việt Nam, người Mẹ Việt Nam – người Mẹ Anh hùng dáng dấp một Nữ Oa kỳ vĩ, huyền ảo của thời nay và của muôn đời:

Một vai gánh cả đường trường,

Mênh mông bầu ngực, mây vương sớm ngày.

Hai câu thơ giàu sức tạo hình nghiêng về hướng hùng ca ở câu trên và nửa đầu câu dưới bỗng chuyển sang mạch tình ca rất ngọt ở hình ảnh mây vương sớm ngày. Bà Nữ Oa làng tôi đội đá vá trời nhưng vẫn là nguời đàn bà ăm ắp tính nữ duyên dáng và hấp dẫn mọi đấng đàn ông.

Theo tôi, nhìn tổng thể, bài Đàn bà… sắc sảo và sống động hơn bài Đàn ông… Hiển nhiên tác giả xuất phát từ một trong những nguyên lý cơ bản và cổ điển nhất: hài hòa âm - dương, sự bổ sung, bù trừ, giao kết, đắp đổi giữa 2 phái nam – nữ : mạnh – yếu, khoẻ – đẹp, không thể thiếu nhau. Đó chính là cội nguồn của sáng tạo và phát triển của loài người và thế giới…Nguyên lý triết học khô khan ấy được hình ảnh hóa, thơ hóa, nông dân hóa:

Ở đời, đàn bà phải có đàn ông:

Gầu giai phải có tay chồng,

Một mình thui thủi gầu sòng, cực chưa ?

Bu mày nắng sớm, chiều mưa.

Sơn hà, xã tắc, cày bừa…Thầy em.

Thân này, ham rượu, thèm nem,

Cái lúm đồng tiền…ừ hữ cũng ham.

Nghe trong cái giọng tưng tửng vẫn thấy có gì đó ấm áp, thú vị và đồng cảm. Đó là chuyện của nhân loại cổ kim, đông tây đều thế, cũng là chuyện của đàn bà, đàn ông, con gái, con trai làng quê miền Bắc sông Hồng, cũng là chuyện của hôm nay và ngày mai…đều như thế!

Phải chăng đó chính là bản chất của nét dân gian - hiện đại trên bình diện nội dung tư tưởng mà Nguyễn Hiếu đã thấu thị, khải thị trong nhị bình thi này?

Dưới đây, tôi muốn bàn kỹ hơn tính chất dân gian – hiện đại trong hai bài thơ của Nguyễn Hiếu trên phương diện nghệ thuật ngôn từ. Ở đây, cụ thể là nghệ thuật vận dụng cực kỳ khéo léo, linh hoạt, nhuần nhị và hiệu quả vốn ca dao, tục ngữ, thành ngữ - những lời ăn tiếng nói dân gian của ông cha ta xưa. Tôi cho rằng, với 2 bài thơ này, đó là 1 dụng ý nghệ thuật, 1 thủ pháp nghệ thuật của Nguyễn Hiếu. Và dụng ý, thủ pháp ấy đã mang lại hiệu quả bất ngờ. Nghĩa là, theo tôi, anh đã rất thành công.

Có thể nói, sự vận dụng chất liệu văn học dân gian ở đây vừa đậm đặc vừa dàn trải và đan xen vào các dòng thơ, từ câu đầu đến câu cuối. Có những câu trích nguyên văn từ ca dao, tục ngữ, thành ngữ; nhưng đa phần là lẩy ra 1 vài hình ảnh, móc vào những đưa đẩy của lời thơ hiện đại, tạo nên âm hưởng và gợi tả mới, mang đậm hơi hướng cuộc sống hôm nay.

Chẳng hạn, đoạn:

… Mặt xạm, tóc xơ,

Vú mướp tồng tềnh quăng sau áo mỏng,

Lửa tắt, cơm sôi,

Con nguệch mặt đòi ti,

Chồng ngầy ngà tòm tem!

Bố ho sù sụ khêu đèn,

Lợn kêu eng éc. Lũ em gõ nồi!...

Ai chẳng biết câu ca dao nổi tiếng:

Đang khi lửa tắt, cơm sôi,

Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem!

Một lần nữa được lạ hóa (grôtếch) trong thơ Nguyễn Hiếu với sự chi tiết hóa mang dáng dấp tiểu thuyết phong tục - thế sự. Những từ nguệch mặt đòi ti, ngầy ngà, rất sống động. Chi tiết bố ho sù sụ khêu đènlũ em gõ nồi là những quan sát, ấn tượng và sáng tạo riêng của Nguyễn Hiếu.

Hoặc đoạn đầu bài Đàn ông…:

Một thủa làng tôi

Đàn ông nhiều vô kể

Đầy đình, chật điếm, ngập đê.

Gà gáy canh tư đã rời hơi vợ

Toòng teng điếu cày, nùn rơm,

Con trâu đi trước.

Thằng người chập choạng bước sau,

Áo tơi, nón lá.

Mẹ hĩm trên đồng cạn,

Bố cu dưới đồng sâu,

Mồ hôi trắng muối áo nâu,

Chiêm qua, mùa tới dãi dầu gió sương.

Tôi đã lẩm nhẩm đọc đi đọc lại mấy lần đoạn thơ này và cứ khúc khích một mình vì cái duyên hóm, cái nụ cười mủm mỉm toát ra từ giọng thơ đến lời thơ.

Rõ ràng, từ ba câu ca dao quen thuộc:

Con trâu đi trước, cái cày đi sau,

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu,

Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa…

Đã được hiện đại hóa, thơ hóa, tiểu thuyết hóa một cách tài hoa. Hình ảnh thằng người chập choạng bước bập bõm đi sau con trâu; vì trời còn tối lắm, vì ngái ngủ, vì vừa rời hơi vợ…! Mà lại dùng thằng người chứ không nói anh chồng, hay anh chàng, đàn ông… Bởi vì đó là bố cu, đối với mẹ hĩm, một cách nói dân dã, suồng sã, vô tư và khỏe mạnh của ngôn ngữ dân cày. Đây cũng là nét hài hóm, vốn đậm đà trong thơ ca dân gian mà Nguyễn Hiếu đã học được và nâng cao thêm bởi nó cũng rất phù hợp với tình hài hước, tếu táo của anh trong đời sống và trong trang viết.

Hoặc đoạn:

Một thời làng tôi:

Đàn ông vợi trông thấy,

Tùng tùng trống gọi ra đi,

Áo màu đất đổi áo xanh rừng,

Mẹ cu cứng mồm hô câu “vắt, diệt”

Yếu trâu hơn chán khoẻ bò.

Vắng bóng bố em. Mộng giường cọt kẹt

Rô ron rán ròn không kẻ nhắm.

Ai bắc cầu ao, chiều bu nó tắm,

Thóc giống cắn chuột trong bồ,

Mạ già thành ống. Ai lo cho tày.

Cũng là một đoạn thơ dân gian – hiện đại vui hóm mà cảm động nhớ về những tháng năm chiến tranh chống ngoại xâm giữ nước, giữ làng ác liệt. Chỉ một câu Tùng tùng trống gọi ra đi đã gợi ra hơi hướng của câu ca dao lính thú ngày xưa: Thùng thùng trống đánh ngũ liên/Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa với hai con người giả và thật( Hoài Thanh) đến đây mới hiện ra như òa vỡ.

Nhiều nhà thơ, nhạc sỹ đã ca ngợi người phụ nữ thay trai với đường cày đảm đang (An Chung), hào hùng 1 thuở; nhưng tôi đã giật mình khi đọc câu thơ Nguyễn Hiếu:

Mẹ cu cứng mồm hô câu: Vắt, diệt!

Miệng tôi cơ hồ cũng cứng lại vì xót xa và cảm phục người đàn bà làng tôi, người phụ nữ Việt Nam thay chồng, thay trai đảm đang những công việc nặng nề chỉ dành riêng cho đàn ông. Cứng mồm vì rét buốt, vì mệt nhọc, vì gắng sức ra lệnh cho trâu, nhưng đường cày vẫn thẳng ngay, chẳng kém đường cày của cha, anh, của bố nó!

Còn câu: Vắng bóng bố em. Mộng gường cọt kẹt…Ai bắc cầu ao chiều butắm… trần trụi, táo bạo mà đẫm thương yêu, xót xa. Rô ron rán ròn không kẻ nhắm … nối tiếp và nhấn lại hình ảnh ở bài trên, hay ở chỗ 4 phụ âm r điệp lại liên hồi khiến người đọc thơ cũng muốn thèm, chảy nước miếng! Đến câu Thóc giống cắn chuột trong bồ trích nguyên văn nửa câu ca dao nói ngược kết với thành ngữ mạ già thành ống đã cô đọng lại cái sự thiếu vắng người đàn ông trong gia đình nó khổ sở đến như thế nào, để càng thấy rõ đức hi sinh của người đàn bà, người vợ, người mẹ trong chiến tranh lớn lao, đáng trân trọng biết bao nhiêu!

So với những nhà thơ Việt Nam thường hay vận dụng ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ như Nguyễn Bính, Tố Hữu, Hoàng Cầm, Nguyễn Duy… trên một mức độ nào đó, tôi cho rằng Nguyễn Hiếu đã tìm được cách riêng đầy hiệu quả trong thơ mình (mặc dù anh mạnh hơn về văn xuôi). Chất dân gian - hiện đại trong thơ Nguyễn Hiếu nổi lên khá đậm. Đó là sự kết hợp giữa các thể thơ 3, 4, 5 tiếng, thơ tự do với thơ lục bát một cách nhịp nhàng, kết hợp hình ảnh, vần điệu và giọng điệu một cách có vẻ tự nhiên, dễ dãi mà thực sự là dụng công, công phu và ở nhiều trường hợp, anh đã thành công. Những câu lục bát trong cả 2 bài đều có ý vị riêng. Có phần ngây thơ, có phần ngoa ngoắt, có khi điệu đàng, có lúc lại ra vẻ vụng về và khi cần lại cũng có thể vút lên hùng tráng. Anh vận dụng những thao tác chuyên môn, nghiệp vụ nhiều khi khá tinh vi, điêu luyện khi nhại ca dao, bẻ tục ngữ, khi không dẫn 1 câu ca dao nào mà hơi hướng và mùi vị dân gian vẫn đượm đà, phảng phất. Nhìn chung, sánh với các bậc tiền bối trong việc phấn đấu làm cho thơ mình nỗi chất dân gian - hiện đại, Nguyễn Hiếu đã tỏ ra nhiều vẻ hơn, phức tạp hơn, hòa trộn cái dân dã ngày xưa với cái văn minh, hiện đại thời @ khéo léo và tự nhiên hơn.

Nhược điểm của thơ văn Nguyễn Hiếu nói chung, nhị bình này nói riêng, là lời chưa đúc. Bên cạnh 1 câu hay, 1 hình ảnh đắt giá là không ít câu, hình ảnh trung bình, dễ dãi và trùng lặp. Chẳng hạn: cả 2 bài đều dùng hình ảnh la đà (ngọn tre mờ gật… và nâng be quốc lủi hát câu…). Câu đầu còn tàm tạm, nhưng đến câu 2 đã bắt đầu thấy sáo rồi!

Theo ý riêng tôi, bài Đàn ông làng tôi hơi loãng và có phần yếu hơn một chút so với Đàn bà làng tôi. Có lẽ bởi anh quá chú ý đến tính đối xứng mà chưa chú ý đến tính tương phản trong số phận và tính cách của phái mạnh so với phái yếulàng tôi chăng? Tuy nhiên, bù lại, trong Đàn ông làng tôi có khá nhiều câu hay, những đoạn thơ đầy sức tạo hình và gợi cảm (như đã dẫn ở trên). Cách hiện đại hóa chất liệu dân gian của Nguyễn Hiếu ở bài này càng tỏ ra thanh thoát, điêu luyện hơn. Có thể nói so với Đàn bà…, nhìn tổng thể, cũng là kẻ sáu lạng, người nửa cân! Có thế mới đủ sức hợp thành nhị bình thi độc đáo về con người nông dân Việt Nam một thời, một thuở và hôm nay với mai sau.

Nhưng giá như Nguyễn Hiếu chịu khó gia công tinh, chắcsáng tạo hơn nữa trong việc lựa chọn tứ thơ, hình ảnh thơ, đặc biệt tung phá, phóng khoáng hơn nữa trong sự vận dụng văn học dân gian thì chắc anh sẽ còn gặt hái được những thành công sắc nhọn hơn khi biểu hiện tính chất dân gian - hiện đại của thơ mình./.

Trèm, đêm 8 – 12; sửa 16 - 12 – 2013

ĐV