Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHÔNG NÊN LẬP ĐẶC KHU KINH TẾ, NHƯNG KHÔNG PHẢI LÍ DO NHƯ MỌI NGƯỜI NGHĨ

Châu Thanh Vũ
Thứ hai ngày 11 tháng 6 năm 2018 8:20 AM



Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành kinh tế tại ĐH Harvard: Châu Thanh Vũ

Trong những ngày gần đây, khi Quốc Hội đang bàn bạc về Dự luật Đặc khu kinh tế Việt Nam, thì vấn đề này cũng được tranh luận gắt gao bởi các chuyên gia và dư luận. Một điểm trong dự luật này bị phản đối gắt gao là việc nâng hạn mức thời gian thuê đất tối đa lên 99 năm. Lo ngại các đặc khu kinh tế trở thành các điểm di dân của nước ngoài (đặc biệt là Trung Quốc), ý kiến phản đối dự luật đã trở thành tiếng nói của số đông trong thời gian qua.

Bản thân tôi nghĩ Việt Nam vào thời điểm này không nên và không cần thành lập Đặc khu kinh tế, nhưng không phải vì những lý do mang thiên hướng cảm xúc (như việc đánh đồng cho thuê đất là “bán nước”). Theo ý kiến cá nhân, cuộc tranh luận cho đến nay bỏ qua nhiều điểm quan trọng thật sự về mặt chính sách mà cả Quốc Hội, Chính phủ, và dư luận chưa bàn tới.

Chính sách thuê đất của các nước khác

Trước khi bàn thêm về con số “99 năm” của Việt Nam, chúng ta hãy nhìn vào chính sách cho thuê đất đầu tư của các nước Đông Nam Á. Hiện nay, 3 nước Cambodia, Singapore, và Malaysia đã cho thuê đất với hạn mức 99 năm; Việt Nam 50-70 năm; Lào, Phillippines, Thái Lan với 50 năm, và Indonesia 30 năm. [1] Như vậy, nếu nâng mức thuê đất lên 99 năm, Việt Nam sẽ không phải là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, trong danh sách cho thuê 99 năm có Singapore và Malaysia, nên có thể thấy đây không phải là chính sách mà chỉ có nước nghèo mới áp dụng để thu hút đầu tư, mà là quy luật của trò chơi thu hút đầu tư quốc tế.

Tất nhiên, việc một vài quốc gia láng giềng thực hiện 1 chính sách nào đó không có nghĩa Việt Nam phải làm theo bằng mọi giá. Singapore và Malaysia tất nhiên có những quan ngại lãnh thổ của riêng họ, nhưng bản thân 2 nước này đã có một cộng đồng người Hoa đáng kể. Số người gốc Hoa chiếm đến 75% dân số ở Singapore, [2] nên cũng có thể nói những quan ngại lãnh thổ/văn hoá của Việt Nam khác biệt hơn.

Trải qua lịch sử “nghìn năm đô hộ giặc Tàu” cùng với những hòn đảo nhân tạo đang được xây giữa Biển Đông, nhân dân Việt Nam chắc thấu hiểu hơn ai hết tham vọng bành trướng của Trung Quốc. Điều này khiến điều khoản cho thuê đất 99 năm, hạn mức dài hơn một đời người và tuổi thọ của đại đa số doanh nghiệp, khiến người dân lo ngại ngay về việc chủ doanh nghiệp TQ sẽ kéo theo nhiều nhân công TQ đến định cư, sinh sống, biến các đặc khu kinh tế trở thành lãnh thổ TQ ngay trên đất Việt Nam.

Cho thuê đất 99 năm không phải bán nước; xây đặc khu cần chính sách lao động/nhập cư đi kèm

Tuy nhiên, công bằng mà nói, việc đặc khu kinh tế có trở thành điểm di dân hay không phụ thuộc nhiều vào luật lao động và nhập cư đi kèm (2 điều mà chưa thấy ĐBQH nào bàn đến). Nếu có chính sách lao động và nhập cư hợp lý, các đặc khu kinh tế có thể trở thành công cụ kinh doanh hợp lý mà không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng của quốc gia.

Người ta hay nói về các thị trấn Trung Quốc (Chinatown) ở các quốc gia như Mỹ, Anh, hay vài nước châu Âu, nhưng đây đều là các nước đang hoặc đã từng rất dễ dãi trong chính sách nhập cư. Ngoài ra, cũng có các “thị trấn Trung Quốc” mọc lên ở các nước có nhiều đầu tư từ Trung Quốc như Cambodia hoặc một số nước châu Phi khác. Bản thân tôi cũng đã từng chứng kiến khu kinh doanh của người Trung Quốc tại thủ đô Pretoria của Nam Phi. Tuy nhiên, phải nói đây là các nước có thể chế kém, không có luật lao động/nhập cư cụ thể.

Việt Nam, nếu không cẩn thận, cũng có thể đi cùng con đường với Cambodia hay châu Phi. Thử lấy ví dụ về lao động Trung Quốc tại Formosa Hà Tĩnh, một vấn đề từng tốn giấy mực của báo chí một thời. Năm 2014, doanh nghiệp này thuê đến 8,400 lao động từ Trung Quốc (chiếm khoảng 30% tổng số lao động). [3] Nếu khi lập ra Đặc khu kinh tế nhưng lại không có chính sách kiểm soát lao động và nhập cư, mỗi doanh nghiệp lại có thể thuê hàng nghìn lao động ngoại quốc thì những quan ngại của nhân dân Việt Nam hiện nay hoàn toàn là hợp lý.

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh lại đây là vấn đề quản lý lao động/nhập cư kém, chứ không phải là vấn đề của đặc khu kinh tế nói chung. Nếu muốn, chúng ta có thể lập ra đặc khu kinh tế nhưng đưa ra chính sách chặt chẽ hơn về visa lao động nước ngoài. Nói thêm về chính sách, Việt Nam trước đây đã từng có luật quy định doanh nghiệp FDI chỉ được thuê tối đa 3% lao động nước ngoài, nhưng luật này đã bị bỏ đi trong Nghị định hiệu lực ngày 1/4/2016. [4] Thiết nghĩ, nếu lập ra Đặc khu kinh tế, thì điều khoản này nên được nghiên cứu giới thiệu lại.

Lý do thực sự không nên cho thuê đất 99 năm

Quản lý đất đai nói chung luôn phải cân đối giữa 2 điều: hiệu quả đầu tư (investment efficiency) và hiệu quả phân phối (allocative efficiency).

Hiệu quả đầu tư là khi người ta chỉ đầu tư vào một mảnh đất nếu họ biết mảnh đất sẽ thuộc về mình. Đất nào là của chung thì mỗi cá nhân sẽ có ít động lực để đầu tư, chăm sóc mảnh đất ấy hơn (như câu nói “cha chung không ai khóc” của dân gian). Đó là lý do mà quyền sở hữu/sử dụng đất tư nhân là trụ cột chính cho sự phát triển kinh tế của một xã hội.

Nếu chúng ta sống trong một thế giới mà đất tư nhân có thể bị lấy đi bất cứ lúc nào thì không ai sẽ dám đầu tư gì. Điều tương tự cũng đúng cho các nhà đầu tư nước ngoài: nếu họ không thể thuê đất cho một thời gian đủ lâu để đảm bảo dự án có thể hoàn vốn và tạo lợi nhuận, thì sẽ không ai dám đầu tư vào Việt Nam. Do đó, hiệu quả đầu tư là lý do ủng hộ việc nâng hạn mức thuê đất lên.

Tuy nhiên, còn một vấn đề khác cần phải được cân nhắc, đó là hiệu quả phân phối, nghĩa là đất có được sử dụng bởi người có thể mang lại lợi ích cao nhất hay không. Điều này được thấy rõ ở việc bất cập của sở hữu tư nhân, khi một người bất kì có độc quyền sử dụng đất trong một thời gian dài (leasehold, thường là 99 năm) hoặc mãi mãi (freehold). Vì việc sở hữu một mảnh đất cụ thể mang tính độc quyền, nếu mảnh đất ấy cần được sử dụng cho một dự án công, hoặc cần được chuyển giao lại cho người khác sử dụng đất tốt hơn, thì chủ sở hữu hiện tại có thể đòi mức giá độc quyền – vốn cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Việc cho thuê với thời hạn rất dài như 99 năm có một điểm bất cập là nếu doanh nghiệp thuê đất không ăn nên làm ra như mong đợi (hoặc thậm chí, phá sản) nhưng vẫn đòi giá chuyển nhượng quá cao, khiến mảnh đất không thể đổi chủ. Điều này khiến những mặt đất quý giá ở đặt khu kinh tế lại bị kẹt với những doanh nghiệp làm ăn yếu kém và đóng thuế thấp. [5]

Thiết nghĩ, cân bằng giữa hai yếu tố này thì hợp lý nhất vẫn là 30-50 năm thay vì 99 năm.

Hơn nữa, dự luật hiện nay đề xuất cho Thủ tướng quyền xét duyệt, nhưng với hạn mức 99 năm thì rất dễ xảy ra tình trạng Thủ tướng đời trước đánh giá sai dự án, nhưng Thủ tướng của nhiều đời sau phải kẹt lại với hậu quả của người tiền nhiệm.

Thay vì nâng hạn mức lên 99 năm, Luật Đặc khu có thể giữ mức 50 năm và cân nhắc những điều khoản gia hạn (như là doanh nghiệp phải phát triển với mức trung bình x% mỗi năm trong 50 năm đầu, đóng bao nhiêu thuế cho địa phương, có thể chứng minh rằng không có doanh nghiệp khác có thể sử dụng đất tốt hơn, vv.).

Một số lý do để tạm hoãn việc thành lập đặc khu kinh tế

Ngoài vấn đề đất đai đã nêu trên, tôi nghĩ còn những lý do sau để tạm hoãn việc thành lập đặc khu kinh tế trước khi nghiên cứu kĩ càng hơn:

Đặc khu kinh tế chỉ có thể thành công nếu chính quyền vững. Như đã nêu trên, việc đưa ra được các hành lang pháp luật lao động và nhập cư nước ngoài, cũng như luật đất đai là điều cần làm trước. Nếu chưa nghiên cứu kĩ các mặt đi kèm mà chỉ nghĩ đến cái lợi thì chưa nên tiến hành dự án.
Thực ra độ thành công của hơn 4000 đặc khu kinh tế ở khắp thế giới hiện nay rất hỗn tạp; ngẫu nhiên như việc tung hột xí ngầu. Người ta hay chỉ ra Thâm Quyến như câu chuyện thành công, nhưng trừ khi chúng ta hiểu rõ vì sao Thâm Quyến thành công còn nhiều đặc khu khác thất bại thì chưa nên làm.
Thành lập đặc khu có thể đã từng là một ngành kinh doanh béo bở của các quốc gia trong quá khứ khi mô hình này còn mới. Nhưng hiện nay, với quá nhiều sự cạnh tranh, các quốc gia đã phải giảm đi rất nhiều phí, thuế, và tăng ưu đãi. Điều này cũng như một doanh nghiệp tư nhân phải giảm giá mặt hàng của mình để cạnh tranh, và khi cạnh tranh đủ khốc liệt, thì lợi nhuận trong ngành kinh doanh đó sẽ là con số không.
Tôi không biết hiện nay còn lợi ích gì cho việc thành lập đặc khu không, nhưng đó là một câu hỏi mà Chính phủ cần nghiên cứu rõ trước khi thực hiện.
Thành lập đặc khu kinh tế đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn. Việt Nam có thể sẽ không hoàn vốn được trong vòng 1 hoặc 2 thập kỉ. Tất nhiên, nếu là dự án tạo ra lợi nhuận thì vẫn nên đầu tư, nhưng với tình trạng nợ công của Việt Nam đang ở mức nguy hiểm như hiện nay thì việc bỏ ra một số tiền lớn (và phần lớn của số tiền ấy là đi mượn chịu lãi) để đầu tư trước có vẻ không phải là quyết định khôn ngoan.

Kết

Dư luận hiện nay bàn rất nhiều về an ninh quốc phòng để phản đối các đặc khu kinh tế. Dù đây là lo ngại hợp lý, tôi lại nghĩ đây là vấn đề dễ giải quyết hơn so với nhiều cân nhắc về hiệu quả kinh tế khác. Nếu có thực sự xây dựng đặc khu, tôi không nghĩ VN nên cho thuê đất với hạn mức 99 năm vì việc người sử dụng đất kém hiệu quả lại găm giữ, đầu cơ đất có thể gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của các đặc khu. Ngoài ra, có quá nhiều lý do khác (hành lang pháp luật chưa đủ vững về lao động/nhập cư, thành công của đặc khu không chắc chắn, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công cao) để Quốc hội nên tạm hoãn thông qua Luật Đặc khu cho đến khi kế hoạch này được nghiên cứu kĩ hơn.

Cuối cùng tôi xin bày tỏ sự bất mãn của mình với hai việc. Việc thứ nhất là quy cách làm Luật của Việt Nam: Bộ Chính trị quyết định những quyết định vĩ mô rất quan trọng, nhưng lại cho Quốc hội và người dân rất ít cơ hội và thời gian để bàn bạc, tạo ra thái độ bất mãn trong lòng dân. Việc thứ hai là thái độ của số đông dư luận: nhiều người phản đối một vấn đề chỉ theo cảm tính trong khi chưa tìm hiểu kĩ vấn đề. Nếu có một ngày cả hai phía – Chính phủ và người dân – cùng cải thiện được cách giải quyết vấn đề của mình thì chắc đó là lúc Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn.

Châu Thanh Vũ
Harvard, 6/6/2018