Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC TRONG GIAO LƯU VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Hoàng Quốc Hải
Thứ sáu ngày 15 tháng 6 năm 2018 8:13 AM



Kết quả hình ảnh cho hoàng quốc hải

TNc: Hôm nay tại khách sạn Daewoo. lễ trao Giải thưởng văn học Sông Mekong lần thứ IX được tiến hành. Trang nhà xin giới thiệu bài viết của nhà văn Hoàng Quốc Hải sẽ tham luận tại Hội thảo
Trước hết, cho phép tôi gửi tới quý vị đại biểu quan khách, và các nhà văn trong Tiểu vùng Mékong cũng như các nhà văn Việt Nam có mặt trong hội trường này, lời chào thân ái và kính trọng.
Vậy là do sáng kiến của Hội Nhà văn Việt Nam, đề xuất giải văn học Mékong trong tam giác tiểu vùng Campuchea – Lào – Việt Nam đã thành truyền thống. Từ 3 nước, nay thành 6 nước tham gia. Trong đó có 5 quốc gia trong khối Aséan, tức là chiếm một nửa tổng số trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Các nhà văn Trung Quốc tham gia tổ chức này, với vị thế là nước ở thượng nguồn sông Mékong, hợp lại thành 6 quốc gia. Con số 6, nói theo văn hóa Phật giáo là “Lục Hòa”(1), báo hiệu một điềm khá tốt lành.
Thưa các bạn,
Hơn mọi lĩnh vực, văn chương là chiếc cầu văn hóa thiêng liêng nối kết các dân tộc chúng ta lại với nhau, trước khi ta hiểu biết về nhau. Qua văn chương, chúng ta đem đến cho nhau lòng nhân ái, sự sẻ chia, lòng khoan dung, và đặc biệt là lòng tin vào con người. Tinh thần cao thượng đó đã được chuyển tải qua văn chương, không hề bị ngăn cách bởi các biên giới vô hình hoặc hữu hình.
Các kiến trúc sư tạo lập ra cây cầu văn hóa ấy chính là các nhà văn chúng ta, tiêu biểu là các nhà văn đã, đang và sẽ nhận giải văn học Mékong đang có mặt hôm nay. Một sự việc tưởng như ngẫu nhiên, nhưng thật ăn ý và hòa hợp như là cơ duyên vậy. Đó là Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mékong mở rộng (GMS) lần thứ 6, và Hội nghị cấp cao tam giác phát triển Campuchea – Lào – Việt Nam lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 29 đến 31/3 vừa qua. Và chỉ hơn 2 tháng sau, các nhà văn Tiểu vùng Mékong lại nhóm họp, và trao giải thưởng văn học Mékong cũng tại thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Đó không chỉ vinh dự cho nước chủ nhà, mà còn là niềm vui chung cho tất cả chúng ta.
Thưa các bạn,
Giá trị kinh tế và nguồn nước sông Mékong đem lại quan trọng như thế nào đối với người dân sinh sống trong lưu vực, đương nhiên chúng ta đều biết cả. Trong bài viết ngắn này, tôi chỉ đề cập tới vài khía cạnh nhỏ, về văn hóa và lịch sử của riêng nước mình, trong giao lưu và Hội nhập quốc tế.
Hẳn chúng ta còn nhớ, vào cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, Ủy ban văn hóa, giáo dục LHQ có ra thông báo khuyến cáo đại lược rằng: Bước sang thế kỷ 21, nền khoa học của nhân loại có bước tiến như vũ bão, làm đảo lộn nhiều giá trị tưởng như đã ổn định. Các giá trị kinh tế, kỹ thuật cổ điển dường như không còn thích hợp nữa. Nền kinh tế của thế kỷ 21 là nền kinh tế tri thức. Thông tin và xử lý thông tin là yếu tố chủ đạo của nền sản xuất mới.
Nhiều sản phẩm công nghiệp được sản xuất ngay trong phòng thí nghiệm, nghĩa là phát minh và ứng dụng gần như đồng thời. Khác với các thế kỷ trước, nhiều phát minh quan trọng, tới cả trăm năm sau vẫn còn nằm trên giấy. Những thay đổi sâu sắc và rộng khắp của khoa học kỹ thuật, sẽ kéo theo những thay đổi về văn hóa. Có thể là tốt đẹp, cũng có thể là hệ lụy. Vì vậy, các dân tộc nên chuẩn bị cho hội nhập một cách thông minh, trên cơ sở bảo tồn vững chắc những tinh hoa truyền thống của nền văn hóa dân tộc mình, góp phần làm phong phú nền văn hóa chung của nhân loại.
Nền văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc bao gồm: Tiếng nói, chữ viết, truyền thống lịch sử, các phong tục tập quán, lễ nghi giao tiếp, nói chung là tất cả những gì thuộc về vật chất và tinh thần từng tồn tại, và tất cả những gì đang hiện hữu của chính dân tộc đó.
Những nét đặc thù trong đời sống của mỗi dân tộc, là đặc trưng văn hóa của chính dân tộc đó. Ví dụ tiếng Việt khác hoàn toàn tiếng Pháp, tiếng Anh khác hẳn tiếng Trung. Hoặc việc ăn, mặc, ở của mỗi dân tộc đều có nét riêng không thể trộn lẫn giữa dân tộc này với dân tộc khác. Cho dù nhân loại có nét chung bất biến là đều phải ăn, mặc, ở. Việc ăn, dân tộc nào cũng lấy nguồn từ lương thực, thực phẩm. Việc ở, đều dùng các nguyên liệu đất, cát, gạch, gỗ, xi măng, sắt, thép. Và mặc, đều dùng các loại sợi bông, gai, đay, tơ tằm, lông thú, da thú, len, dạ vv… Nhưng khi chế tác từ các nguyên liệu ấy, thì không dân tộc nào giống dân tộc nào. Ngay như các dân tộc có cùng nguồn gốc, có thể có cùng chỉ số ADN như các dân tộc Đông Nam Á. Nhưng cách chế biến đồ ăn của người Việt Nam khác với cách chế biến đồ ăn của người Thái Lan, Lào hoặc Miến Điện. Mặc và ở cũng vậy thôi, mỗi nước một phong cách, chẳng dân tộc nào giống dân tộc nào. Chính sự khác biệt ấy là nét riêng văn hóa mang tính truyền thống của mỗi dân tộc.
Nhân loại đang bước vào kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức. Cho dù là nền kinh tế tri thức, thì sự phát triển không đồng đều vẫn là quy luật của muôn đời. Cho nên có những dân tộc chớp được vận hội vào đúng cái thời của họ, nên bứt phá lên rất ngoạn mục. Trong khi đó có những dân tộc còn ở mãi cuối cung đường. Vì vậy, sự giầu nghèo giữa các quốc gia vẫn cứ tồn tại.
Bởi vậy, có nước dùng đồng tiền dư thừa vào mục tiêu xuất khẩu văn hóa. Xuất khẩu, có nghĩa là nhằm mục đích trục lợi, để thu về một cái gì đó của kẻ thủ lợi. Khác hẳn với việc giao lưu văn hóa, trao đổi văn hóa giữa các quốc gia dân tộc, là sự cần thiết của văn minh nhân loại. Qua đó, nó làm giàu hàm lượng văn hóa cho mỗi bên trao đổi. Nghĩa là cùng thắng.
Xuất khẩu văn hóa thái quá, cũng đồng nghĩa với việc xâm lăng văn hóa. Trong tất cả mọi lĩnh vực phải chống đỡ với quân xâm lăng, thì sự xâm lăng về văn hóa là thâm độc nhất, nguy hiểm nhất. Điều đáng sợ là nó tạo ra cái chết ngọt ngào, cái chết êm dịu. Bằng cách nó lấy đi linh hồn của người khác, như kẻ bị thôi miên, để rồi phải phụ thuộc vào nó. Cuộc xâm lăng không có mùi thuốc súng này, nó có thể giết chết tinh thần của cả một dân tộc, nhưng phi tang. Và nó vẫn cứ nhơn nhơn ngụy tạo với cái vỏ bọc giao lưu văn hóa. Các dân tộc hãy cảnh giác!
Trong trường kỳ lịch sử, dân tộc Việt Nam chúng tôi luôn phải chống đỡ với nạn xâm thực văn hóa, đôi khi là xâm lăng văn hóa với quy mô khốc liệt. Vì vậy, chúng tôi cũng có đôi chút kinh nghiệm để bảo vệ sự sống còn cho dân tộc mình.
Tôi nhớ vào khoảng năm 1993, Ủy ban văn hóa, giáo dục của LHQ có cử chuyên gia hàng đầu là giáo sư, tiến sỹ George Condominas, và chuyên gia kỹ thuật là Bouchard Dominique vào điều tra về văn hóa phi vật thể vùng Thừa Thiên – Huế để có cơ sở công nhận Huế là di sản văn hóa thế giới. Ngày ấy, tôi được tháp tùng đoàn chuyên gia này, với tư cách là chuyên gia nước chủ nhà.
Có lúc nhàn đàm, tôi hỏi giáo sư George Condominas về việc nước Pháp ứng xử với các dân tộc thiểu số và văn hóa của họ như thế nào. George Condominas lắc đầu: Không phải tất cả các vấn đề thuộc về văn hóa, nước Pháp đều làm tốt. Ví dụ với dân tộc Breton vùng Bretagne Thượng, nước Pháp đã từng đồng hóa họ vào thế kỷ 18. Trước hết là ngôn ngữ, sau đó là tập tục. Đến nỗi bây giờ, có những nhà văn hóa gốc Breton, muốn nghiên cứu về ngôn ngữ dân tộc mình, phải thông qua ngôn ngữ của người Gauloire, và phong tục tập quán của người Pháp tại vùng đó thời cận đại.
George Condominas buồn bã kết luận: “ Đó thực sự là một thảm họa văn hóa đối với chúng tôi”. Dân tộc Việt Nam chúng tôi với hơn 4000 năm lịch sử, chống chọi với biết bao cuộc xâm lăng tàn khốc. Trong đó, có những cuộc chống lại kẻ thù vừa thống trị vừa hủy diệt văn hóa truyền thống của chúng tôi, hết sức bài bản và cực kỳ man rợ.
Nếu nền văn hóa truyền thống của Việt Nam không đủ mạnh, không thẩm thấu và di truyền vào tủy xương và óc não của mỗi cá thể, thì dân tộc tôi đã bị bại liệt, đã bị thủ tiêu vì không đủ sức đề kháng. Và nếu điều đó xảy ra, mảnh đất của nước Việt Nam cổ xưa tuy vẫn còn đó, nhưng nước Việt Nam đâu còn nữa. Và làm gì có cuộc gặp gỡ thiêng liêng này với mỗi chúng ta.
Dù trải qua thăng trầm với bao kinh nghiệm rút ra từ lịch sử. Nhưng hiện nay, chúng tôi đang phải chống đỡ hết sức nhọc nhằn về sự xâm thực mang tính xâm lăng của các nền văn hóa khác.
Nó thâm nhập một cách tinh vi, thông qua các loại hình nghệ thuật phức hợp, khiến bên tiếp nhận nhầm tưởng mình đang thụ hưởng một thứ văn hóa quen thuộc của chính dân tộc mình. Kỳ thực, âm mưu của nó là làm mờ nhòe ranh giới, thậm chí làm mù nhận thức của người tiếp nhận.
Thưa các bạn,
Thế giới ngày nay ẩn họa nhiều bất trắc, lời khuyến cáo cũng là lời cảnh báo các dân tộc phải giữ gìn lấy bản sắc và tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc mình, là lời khuyên thông minh, lời cảnh báo khôn ngoan nhất của Ủy ban văn hóa, giáo dục LHQ cách đây hơn 1/3 thế kỷ.
Thưa các bạn,
Nguồn nước sông Mékong là thiên nhiên ban cho các dân tộc có dòng sông chảy qua. Nguồn lợi đó phải được phân chia công bằng theo tinh thần “Lục hòa”. Có nghĩa là “ Lợi hòa đồng quân”.
Mékong là một trong 12 dòng sông dài nhất thế giới. Nhưng nguồn sống do nó đem lại, cũng như tiểm năng sinh sản tự nhiên của các loài thủy sinh, đặc biệt là việc nuôi trồng thủy sản trong lưu vực sông Mékong, vượt xa nhiều dòng sông đàn anh khác.
Theo tính toán của các nhà khoa học tại Ủy ban sông Mékong (MRC) lượng thủy sản đánh bắt hằng năm trên sông Mékong, chiếm 13% tổng giá trị đánh bắt cá trên toàn thế giới. Tỷ lệ tăng trưởng nuôi trồng thủy sản trong lưu vực sông Mékong cũng tăng nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Cứ đà này, thủy sản toàn cầu sẽ vượt qua lượng đánh bắt truyền thống vào năm 2023. Điều đó có nghĩa rằng, lưu vực sông Mékong, sẽ góp phần đáng kể vào việc giảm tải cho các đại dương đang có nguy cơ cạn kiệt nguồn hải sản.
Thưa các bạn,
Nhân loại đang hướng tới sự khoan dung, sự hợp tác, sự sẻ chia và cả sự khác biệt. Chấp nhận sự khác biệt để cùng tồn tại trong sự phát triển, đó cũng là nét đặc trưng trong văn hóa ứng xử của nhân loại thế kỷ 21. Vì vậy, nhân loại sẽ không chấp nhận sự chia rẽ, sự kỳ thị theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Trong phạm vi Tổ chức văn học Mékong nhỏ bé của chúng ta nói riêng, và tổ chức hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mékong nói chung, mọi khác biệt đều có thể giải quyết ổn thỏa theo phép “Lục hòa”. Và chỉ trên cơ sở tinh thần “Lục hòa” của nhà Phật, chúng ta mới đoàn kết thống nhất được trong sự đa dạng và khác biệt.
Cám ơn các bạn đã chú ý lắng nghe
(Bài viết tham dự cuộc gặp gỡ giữa các nhà văn trong giải văn học Tiểu vùng Mékong, họp tại Hà Nội tháng 6/2018)