(Qua tiểu thuyết lịch sử Mỹ nhân nơi đồng cỏ của Lê Hoài Nam. NXB Hội nhà văn 8/2017)
Xưa nay mọi sự đã qua đều căn cứ một cách khô cứng vào sử sách, kể cả những dòng trong chính sử.
Vụ án Lệ Chi Viên kéo theo cái chết của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và tru di tam tộc... mãi đến năm 1464 sau 22 năm Lê Thánh Tông mới xuống chiếu giải oan với dòng thơ mờ ảo: Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo - Lòng Ức Trai sáng tựa sao Khuê. Ngoài ra không còn ai nói được lời nào cho minh bạch. Ấy là, chưa kể nhiều truyện bày đặt, lấp liếm... Chúng ta hãy đọc những dòng này trong lời bàn: “ Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?” ( Trang 553, ĐVSKTT tập 2 - NXB VHTT 2003). Nói thế thì quá đổ tội sống cho người ta rồi còn gì... Sách Ngô Sỹ Liên biên soạn năm Kỷ Hợi (1479) dưới sự chỉ đạo của Vua Lê Thánh Tông kể cũng kỳ lạ thật!
Việc bóp méo sự thật này, là từ tim đen của Tuyên từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh. Hôm ấy, sau khi đã dẹp xong sinh mạng Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ và ba họ của Người. Nguyễn Thị Anh cho gọi hai nhà sử học Phan Phu Tiên, Ngô Sỹ Liên vào phán bảo: “ ... Khi soạn đến đoạn Tiên đế Lê Thái Tông đi tuần và mất trên sông Thiên Đức, vào sử các ông phải ghi rõ Nguyễn Thị Lộ lả con rắn báo oán. Nguyễn Trãi nuôi âm mưu phế lập đã cho Thị Lộ xuống thuyền hầu vua rồi đầu độc vua chết. Hai ông đều hiểu tình huống giả dối này trái đạo, nhất là đối với người viết sử, nhưng giờ đây họ buộc phải lựa chọn, hoặc làm theo lời chỉ giáo của Nguyễn Thị Anh, hoặc bị buộc tội chống lại Triều đình, mà chống lại Triều đình nghĩa là phản quốc. Tội phản quốc thì nhận án tử là điều không phải bàn cãi! Cuối cùng thì hai ông đành phải chọn sự sống! Có điều mãi đến triều Lê Thánh Tông khi Nguyễn Thị Anh đã mất mà những dòng mang sự giả dối ấy vẫn hằn trong sử sách.
Bây giờ ta hãy xem tình tiết vụ án lịch sử ấy ra sao qua lời kể của một quan chức cùng đi trên thuyền - Trịnh Khả, kể lại. Chuyến vua Lê Thái Tông vi hành miền đông vào tháng 8năm 1442. Hôm ấy đoàn đi có hai thuyền. Một thuyền có hai đại thần Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục và Đội cấm vệ. Thuyền thứ hai gồm Thái Tông văn Hoàng đế, trên thuyền ấy có Tạ Thanh, Lương Dật và 5 cung nữ. Có lẽ đều do Tuyên từ Hoàng Thái hậu bố trí trên thuyền ấy chỉ mình Nguyễn Thị Lộ là không cùng cánh với Tuyên Từ?
Đáng lẽ hai đại nhân Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục phải đi cùng thuyền với đức vua mới phải. Sự bố trí kỳ lạ ấy, nên ngay lúc lên thuyền Trịnh Khắc Phục tâu với đức vua, nhưng ngài lại bảo, không sao, các khanh cứ ngồi thuyền riêng, khi cần trẫm sẽ gọi!
Diễn biến trong chuyến đi. Lúc đi thì rất xuôi chèo mát mái không có một trắc trở nảo. Lúc về là nhằm ngày 3 tháng 8 đoàn rời Côn Sơn về kinh. Từ Lục Đầu Giang rẽ vào sông Thiên Đức thuyền rồng ngược dòng, những người lính cấm vệ phải dùng dây thừng gò lưng kéo. Đến ngang xã Đại Toán thuộc Quế Võ thì thuyền bị mắc cạn ì ra, đám lính kéo mãi thuyền không nhích lên được. Vua hỏi: “Các quan có biết vì sao không?” Lương Dật tâu: “ Tâu Thánh Thượng trên bờ quãng này có Cầu Bồng, cạnh cầu có mộ Bạch Sư rất thiêng, nếu không cúng sẽ gặp nhiều trắc trở.”. Lúc bấy giờ Trịnh Khả và Khắc Phục cũng đã được triệu sang thuyền vua .... Vua truyền bảo: “ Cho thuyền dừng lại, cắm trại, lệnh cho sở tại thịt nghé tơ để tế thần”. Cũng cần nói thêm rằng mấy hôm vi hành vua không được khỏe đầu nóng âm âm, hắt hơi sổ mũi luôn nên vua mới truyền lệnh như thế. Mọi người làm theo. Loay hoay mãi rồi thuyền cũng đi được, đêm 4 tháng 8 về ngang Lệ Chi Viên, rồi băng. Cả đoàn ai về thuyền nấy lặng lẽ hồi kinh. Từ Lệ Chi Viên đến kinh đô, đường sông không dài lẽ ra chỉ hết một ngày một đêm. Nhưng đoàn xa giá đi ba ngày, nửa đêm mồng 6 mới vào Hoàng cung.Sáng hôm sau thì phát tang.
Chỉ mấy ngày sau mồng 10 tháng 8 triều đình lập phiên tòa xét xử các tội nhân, mặc dù được phân công ngồi ghế quan tòa nhưng chính vị quan tòa ấy - Đinh Liệt vẫn tự hỏi và băn khăn vì sao Nguyễn Thị Lộ lại giết vua... Nhưng cớ sao từ hôm vua băng hà cho đến hôm vụ án diễn ra tất thảy là 10 ngày, Thị Lộ không bị bắt giam ( cứ cho) việc giết vua của bà cũng đã thực hiện xong, tại sao bà không bỏ đi trốn?
Mối băn khoăn nữa Thị Lộ không bao giờ có chuyện giết Lê Thái Tông bời mối quan hệ giữa Thị Lộ và Thái Tông nó rất đặc biệt, rất đỗi thiêng liêng vì cái dạo Bình Định Vương Lê Lợi ở Nghệ An truy kích địch ở bên sông bị thần Cá Quả quấy rối làm cho đại quân không thể vượt sông. Lê Lợi nằm mơ thần Cá Quả đòi Lê Lợi cho nó một người vợ, lúc ấy bà Phạm Thị Ngọc Trần mẹ Lê Nguyên Long xung phong. Khi chuẩn bị xuống thuyền bà đã giao Nguyên Long cho Nguyễn Thị Lộ. Kể từ hôm ấy đêm đêm Nguyên Long nhớ mẹ khóc như xé vải, nhưng có Nguyễn Thị Lộ ở bên bế ẵm vỗ về là Nguyên Long lại thôi khóc, Nguyên Long thực sự đã coi Thị Lộ như mẹ của mình, khi ấy Nguyên Long 2 tuổi, sau này Nguyên Long Trở thành Hoàng đế Thái Tông, người vẫn muốn có Nguyễn Thị Lộ bên cạnh, vì vậy nguồn tin tung ra cho rằng Nguyễn Thị Lộ tán tỉnh ngủ với vua rồi đầu độc người là xằng bậy.
Cái đêm ở Khuyến Lương khi Nguyễn Trãi đang ngồi bên đèn tay cầm bút, tay chống cằm đăm chiêu suy ngẫm gì đó. Chắc chắn, ông đang thao thức việc nước, cũng có thể trong đầu ông vừa có một tứ thơ ... thì bọn lính đi cùng đã tóm hai cánh tay Nguyễn Trãi bẻ quặt về sau trói lại. Vừa lúc đó Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ từ trong buồng bước ra, cũng bị bịt miệng trói tay như Nguyễn Trãi lôi đi...
Phiên tòa, Đinh Liệt chứng kiến từ đầu đến cuối, trước lúc Nguyễn Trãi bị chém đầu, ông ấy còn nói: “ Ta mắc một sai lầm lớn là không nghe lời Đinh Phúc và Đinh Thắng nên phải chịu nông nỗi này”. Nói cho rõ hai nhân vật Đinh Phúc và Đinh Thắng là hai Hoạn quan, chuyên theo dõi và sắp xếp lịch cho Vua ăn nằm với các phi và cung nữ. các ông ấy ghi ngày tháng cẩn thận. Từ khi Nguyễn Thị Anh vào cung hợp cẩn với Thái Tông lần đầu đến lúc sinh Bang Cơ là sáu tháng. hai ông đã mang chuyện này nói với Nguyễn Trãi và nói: “ Bang Cơ không mang huyết thống của Thái Tông, ngài hãy tìm cách trừ khử đi kẻo sau này triều đình sẽ loạn”.
Cũng để triệt đầu mối, ngay sau phiên tòa xử Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Đinh Phúc và Đinh Thắng đều bị thủ tiêu còn Tạ Thanh, Lương Dật và 5 cung nữ đi cùng thuyền với Thái Tông khi trở về cung cũng bị xử chết vì tội vô trách nhiệm!
Một vụ đẫm máu khác. Khi hai tên thám báo Văn Lão, Xương Lê bịa đặt vụ Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục nói về câu chuyện đứa con hoang của Thái Hậu đã khiến Nguyễn Thị Anh vừa nghe xong đã gầm lên: “ Thì ra bấy nay ta nuông chó để bây giờ chó liếm mặt! Thôi được, ta sẽ cho các người biết thế nào là sức mạnh của ta”. Thảo nào những ngày qua Nguyễn Thị Anh sống gần họ bà luôn có tâm trạng bất an bởi họ biết rất rõ về nguồn cội tông tích của bà, của Bang Cơ. nên sau khi lập kế “ xua” Bang Cơ, Tư Thành, Đinh Liệt, Nguyễn Xí đi Lam Kinh xong, ở nhà bà lập tức bắt tay hành xử đẫm máu cha con Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục.
Một loạt sự vụ trên đều có nguyên nhân sâu sắc!
Nói về bốn đại thần, Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục; Lê Tư Thành đã có nhận xét chí lý: “ Đó là những con người nhiều công trạng. Họ lại rất thông minh, tài năng, nhiều kinh nghiệm sống, một lòng, một dạ với triều đình. Họ xứng đáng là bốn Huân cựu lương đống của triều đình!”
Bây giờ ta hãy tìm hiểu về con người quỷ quái Nguyễn Thị Anh. Quê nàng xã Bố Vệ thưở nhỏ hay quẩy đôi quang sọt ra khu nghĩa địa làng cắt cỏ cho bò. Nhà nàng trồng lúa, khoai lang rau đậu. Quanh năm gắn bó với cánh đồng cỏ rậm mênh mông. Giữa cánh đồng cỏ ấy là một khu nghĩa địa có rất nhiều cây huyết dụ màu đỏ thẫm. Vẻ đẹp trời cho của cô thiếu nữ Nguyễn Thị Anh đã biến khu nghĩa địa xã Bố Vệ quê hương hoang vắng trở thành nơi đi về dập dìu của các giai nhân thề non hẹn biển với nàng. Nhưng mãnh liệt nhất phải kể đến chàng Lê Sủng. Cứ mỗi lần ra nghĩa địa tìm nàng, chàng lại ôm nghiến lấy nàng đè xuống thảm cỏ. Chàng lột phăng quần áo của nàng ném lên khớm huyết dụ... Nhờ có vẻ đẹp sắc nước hương trời ấy được quan phiên trấn phát hiện tiến cử nàng vào Hoàng cung làm vợ Thái Tông... đã có thai với người tình Lê Sủng 3 tháng để sinh ra Bang Cơ. Đây là nguyên nhân số 1 gây ra Nguyễn Thị Anh gieo rắc bao nhiêu vụ thảm cảnh mà lịch sử đã chứng giám sau này.
Tác phẩm Mỹ nhân nơi đồng cỏ chuyên chở nhiều tư tưởng lớn, tôi chỉ xin tách ra một mảng để khẳng định nhà văn Lê Hoài Nam là người có công đầu mở ra và làm rõ những gì xưa nay còn bí ẩn về vụ án Lệ Chi Viên và qua nhà văn Lê Hoài Nam đã dành nhiều công sức, tìm tòi, suy nghĩ, chắt lọc để viết nên những trang văn như ngọn đèn sáng soi vào vùng u tối đau thương mà: “ Sáu trăm năm lưỡi gươm chém người đã thành han gỉ/ Giọt máu rơi xa xót đến bây giờ” *
Những câu văn, ý tình chân thực ấy đã đưa nhà văn lên vị thế tầm cao mới. Chúng ta càng biết ơn và trân trọng anh hơn!
Nam Hồng, những ngày chớm lạnh 2017.
---------------------------------------------------------------------------------------
*Thơ Nguyễn Đức Mậu