Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THẤY GÌ Ở ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM HÔM NAY ?

Tô Hoàng
Thứ năm ngày 13 tháng 7 năm 2017 2:20 PM






Nhân ngày Nhà báo Việt Nam ( 21/6 ), Tạp chí chuyên ngành “ Thế giới Điện ảnh”- Cơ quan ngôn luận của Hội Điện ảnh Việt Nam có gửi câu hỏi phỏng vấn nhà văn, người chuyên viết phê bình phim TÔ HOÀNG, về điện ảnh nói chung, về công tác phê bình giới thiệu phim nói riêng..


Ông bắt đầu viết phê bình, giới thiệu phim từ bao giờ ?

“ Mẩu” báo viết về phim của tôi là vào năm 1958, tôi học năm đầu cấp 3, Khi đó, đang nở rộ tình yêu với những bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam. Sau “ Chung một dòng sống”, tiếp tới các phim “ Vật kỷ niệm của người đã mất”, “ Cô gái công trường”, “Vườn cam”. Ở Hà Nội hồi đó tràn ngập phim Liên Xô, Đức, Tiệp, Ba Lan, Hungary…Nhưng xem phim Việt mình thấy con đò,cánh diều, con trâu lững thững bước đi trên triền đê….đặc biệt được nghe các nhân vật nói, cười đùa, giận dỗi nhau bằng… tiếng Việt là một điều thật kỳ lạ, thật hấp dẫn đối với đám thanh thiếu niên chúng tôi.
Sau khi xem phim “ Vườn Cam” tôi có viết một bài nhận xét về phim này. Không nhớ bao dòng, bao chữ, tôi gửi cho “ Cụ tằng tổ” tờ tạp chí của các bạn bây giờ. Được đăng đâu đó khoảng chục dòng trên trăm chữ, ấy thế mà tôi cứ ngồi hàng giờ bồi hồi, sung sướng đọc những gì chính mình viết ra. Đạo diễn của phim là cụ Phạm Văn Khoa. Không lâu, tôi nhận được mấy dòng của cụ nhắn đến gặp tại nhà riêng. Lại thêm một sự hồi hộp, sung sướng nữa. Chả là hồi đó tôi ở 45 phố Phan Chu Trinh, còn đạo diễn Phạm Văn Khoa ở tại số nhà 5 trong ngõ -ngôi nhà hai đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Nhuệ Giang hiện đang sống. Tôi run rẩy, ngại ngùng không dám một mình xuất hiện trước mặt cụ Khoa, nên rủ thêm một anh bạn cùng lớp đi. Gặp, đạo diễn cũng có vài lời nói về “ mẩu” báo của tôi. Điều tôi nhớ rõ là cụ Khoa chỉ anh bạn đi cùng với tôi nói rằng, nếu làm phim mới có vai nào thích hợp cụ sẽ gọi anh ấy. Và lờ phắt tôi đi ! Chả là anh bạn tôi to cao, đẹp trai, còn tôi hồi đó quắt queo, khắc khổ như một ông lão. Ra về, tôi không hề tự ái chút nào mà bụng bảo dạ: “ Ta thiết gì làm diễn viên ? Đích đến với phim ảnh của ta phải là đạo diễn như Gherasimov, Chukhrai…! “.
Tôi đã tới với nghề viết về phim như thế đấy !

Khi đặt bút viết giới thiệu hoặc đánh giá về cái hay, cái dở của một bộ phim nào, ông có ngại đụng chạm với các tác giả của bộ phim đó không?

-Suốt nhiều năm sau này cầm bút viết giới thiệu, phê bình phim, ngay cả cho những tờ báo lớn như “ Lao động”, “ Sài gòn Giải phóng”, “ Thể thao & Văn Hóa”…tôi không bao giờ phải nghĩ tới “ sự đụng độ” giữa mình và các tác giả của bộ phim. Nhớ lại đầu những năm 1990, khi ở Sài gòn nở rộ phong trào làm phim chịu mang tên là “mì ăn liền”, mỗi ngày tôi nhận được giấy mời xem tới 3, 4 bộ phim “mới ra lò”. Tôi thẳng thắn nói với các ông chủ bỏ tiền làm phim: “ Phim các bác hay, em sẽ viết bài khen liền, còn nếu phim các bác dở, em lờ đi, được chưa? “. Vì sao tôi có sự “ thỏa hiệp” này? Vì tôi hiểu, người ta bỏ cả một đống tiền ra, điều đương nhiên là phải mong đồng vốn phổng phao lên, không ai mong số vốn kia quắt queo đi! “. Tôi còn nhớ rõ, dạo đó, có một nhà sản xuất phim đã nói với tôi: “ Anh cứ góp chừng một phần tư vốn với tôi, khi đó ngòi bút của anh sẽ mềm mại, chuẩn xác hơn nhiều “ (?! )
Và điều này, mối quan hễ tốt đẹp giữa tôi và các nhà sản xuất phim tư nhân thuở đó còn xuất phát từ một điểm cơ bản nữa : Tôi không bao giờ xin sỏ, vòi vĩnh họ đồng xu cắc bạc vì bài viết của mình !

Người viết giới thiệu, phê bình phim cần đến những tố chất gì ?

Người viết giới thiệu, phê bình phim phải hiểu biết rõ bản chất và những đặc thù của nghệ thuật điện ảnh nói chung; khâu “ bếp núc” của việc làm phim nói riêng. Đó là điều đương nhiên. Phải có gout thẩm mỹ tốt. Nhưng vượt lên tất cả vẫn là phải có Tâm ( tức sự khách quan, công bằng ) trong việc khen chê. Không vì bất kỳ lý do gì có thể khiến những dòng viết của mình chuyệch choạc, xẹo sọ trong nhận định, đánh giá về một bộ phim, về các tác giả.
Còn một điều nữa cũng xin được nói thêm: ý kiến khen chê phim của phóng viên sâu sắc, tinh tế; nặng nhẹ ra sao cũng còn phụ thuộc vào Ban Biên tập tờ báo và người phụ trách trang Văn nghệ của báo đó!
Bốn, năm năm đầu thập niên 1990, khi phụ trách phần giới thiệu phê bình phim trên báo “ Lao động” là thời kỳ tôi cảm thấy thoải mái, hăng say, có nhiều bài viết được người đọc thiện cảm nhất. Vào thời kỳ đó “ Lao động” là một trong vài tờ báo có lượng người đọc đông đảo, cũng là một trong số tờ báo rất có uy tín trên cả nước. Một bài viết ra lập tức tạo được dư luận và sự phản hồi rộng rãi. Phụ trách Thư ký Tòa soạn lúc đó là nhà báo giàu kinh nghiệm Chánh Trinh. Anh thường nói với tôi: “ Tôi không cần anh viết nhiều, viết năng xuất.Anh viết sao để trước dư luận khen chê phim này phim kia, người đọc báo bảo nhau, phải xem báo “ Lao động” viết gì về phim này thì mới ổn. Thế là đạt!”.
Một cái nhìn thoáng, một sự ủng hộ về mặt tinh thần, luôn luôn đảm nhiệm vai trò là “chỗ dựa lưng” cho phóng viên của Ban Biên tập, của ông Trưởng ban văn nghệ là điều hết sức cần thiết cho việc khen chê, định giá các sáng tác văn học nghệ thuật của phóng viên chúng tôi. Tôi còn nhớ rõ, dạo đó Ban Biên tập báo “ Lao động” còn có dự định trao cho tôi quyền gắn sao cho điểm chất lượng của những bộ phim mới xuất xưởng. Anh Chánh Trinh nói với tôi: “ Anh cứ mạnh dạn lên ! Chúng tôi sẽ đứng sau lưng anh. Đây là sự định giá của một tờ báo thôi, ai phản ứng nào? “. Đáng tiếc, dự định ấy chưa thành thì tờ “ Lao động” tự đánh mất vị trí số 1 của mình!

Ông đánh giá ra sao về tình hình Điện ảnh nước nhà hiện nay …

Tôi là phóng viên viết giới thiệu, phê bình phim, lại cũng tham gia công tác giảng dạy tại Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu-Điện ảnh Tp Hồ Chí Minh. Điều này giúp cho tôi có may mắn được xem đi xem lại nhiều lần một bộ phim ( đặc biệt là phim truyện Việt Nam )
Sau năm 1986, tức là sau ngày chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường và thuộc tính hàng hóa của các sản phẩm, kể cả vật chất lẫn tinh thần, có thể kể ra đây tên những bộ phim truyện theo “dòng chính thống” xuất sắc của Điện ảnh nước nhà.Những bộ phim ấy đã vượt qua được căn bệnh công thức, giáo điều trong các bộ phim của thế hệ đi trước, đã là một ưu điểm.Được hưởng làm gió dân chủ, cởi mở những bộ phim này dám nhìn thẳng hiện thực đời sống, lôi ra ánh sáng công luận những điều phải lên án, phải được xóa bỏ ngay; phản ánh được những trăn trở, nhức nhối, những khát khao đổi mới của đồng bào mình. Xét thuần túy về nghệ thuật biểu đạt, những bộ phim tôi sắp kể tên cũng đã sải một bước tiến dài so với phim ảnh của các bậc cha chú đi trước, tiếp cận được cách kể chuyện từ màn ảnh hiện đại của nền điện ảnh các nước trên thế giới. Đó là các bộ phim “ Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh; ” Ngã Ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, “ Nước Mắt Hạ Long” của Đạo diễn Phi Tiến Sơn, “ Rừng đen” của đạo diễn Vương Đức, “ Đời Cát” của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, “ Thung lũng hoang vắng” của nữ đạo diễn Nhuệ Giang, “ Sống trong sợ hãi” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và một vài bộ phim khác.Đồng vốn làm ra những bộ phim này có thể đến từ tiền của Nhà nước, có thể do các tác giả xoay sở ở đâu đó. Điều đáng nói, đáng nhấn mạnh, các bộ phim vừa kể trên vẫn đi đúng dòng chủ lưu của điện ảnh “ chính thống” với đích tới là bám sát đời sống, phản ánh những niềm quan tâm căn cốt của hàng triệu người xem, toàn tâm biểu hiện những điều đó bằng nghệ thuật và kỹ thuật điện ảnh hiện đại. Còn điều này: tác giả của những bộ phim kể trên trọng danh dự của bản thân, danh dự nghề nghiệp, không phải quỵ lụy trước sự sai khiến của đồng tiền mà bán tên tuổi,bán nghệ thuật..
Vâng, đáng tiếc, rất đáng tiếc rằng những thể nghiệm thành công ban đầu của thứ điện ảnh đổi mới như vậy không được vun quén, chăm tưới, bảo vệ trong cơn bão lốc của nền điện ảnh chỉ lấy đồng lợi nhuận là mục đích chủ yếu.
Nền điện ảnh dân tộc hiện nay còn sống hay đã chết? Liệu có phải đã và đang xẩy ra một cuộc xâm lăng văn hóa thông qua con đường phim ảnh không đây? Đâu rồi những trang lịch sử vàng của những bộ phim thuở phim truyện Việt nam khai sinh như “ Chung một dòng sông”, “ Con chim vành khuyên”, “ Chị Tư Hậu”, “ Chiến sỹ trẻ “…? Thiết tưởng câu trả lời phải là của nhiều người, nhiều ngành, nhiều giới.
Xã hội Việt Nam đang đứng trước rất nhiều những vấn nạn đe dọa trực tiếp tới sinh mệnh cả dân tộc. Ô nhiễm thực phẩm và môi trường; hiểm họa của biến đổi khí hậu; nạn tham nhũng, mua quan bán chức; tình trạng suy thoái đạo đức ..và bao trùm tất cả là vấn đề bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Nếu đặt mỗi người làm hoạt động điện ảnh, yêu điện ảnh trong chúng ta vào chiếc ghế của ông Thủ tướng, chắc chắn cũng đành lòng gạt chuyện phim ảnh sang một bên. Buồn, nuối tiếc những gì đã qua, đã từng nắm trong lòng bàn tay nay tuột trôi hết..Nhưng biết làm sao đây ?

Ý kiến của ông về bài viết giới thiệu, phê bình phim của các cây bút trẻ trên báo mạng, báo chữ hiện nay ?

Trên báo mạng, báo viết, báo hình hiện nay thỉnh thoảng tôi cũng gặp đôi bài viết giới thiệu phê bình phim sắc sảo,khách quan, có gout thẩm mỹ tốt. Có điều này, tôi đoán không sai, ở báo mạng, báo viết, báo hình bây giờ chắc chắn không còn những phóng viên chuyên theo dõi, chuyên viết về điện ảnh, về phim như thời kỳ chúng tôi còn làm báo.
Nhiều bài viết, nhiều chính kiến của các bạn viết trẻ hôm nay cũng khiến tôi sửng sốt, ngạc nhiên.
Ví như, các bạn “ té nước theo mưa” phản đối, lên án đồng tiền Nhà nước bỏ ra làm phim? Chúng ta chỉ nên phê phán những bộ phim sài tiền Nhà nước mà chất lượng dở,nội dung nhắm “ cúng cụ “ mà thôi. Còn với một nền điện ảnh đang chuyển đổi, vẫn sáng tác theo yêu cầu “ định hướng XHCN ” thì cái “ bầu sữa mẹ “ kia vẫn còn hết sức cần.
Vì sao nhiều bạn viết trẻ la ó trước nhưng bộ phim như “ Chơi vơi”, “ Bi ơi, đừng sợ”, “ Đập cánh giữa không trung” ? Rằng “ bôi đen hiện thực”, rằng “làm phim chỉ nhắm dành cho người xem nước ngoài”, rằng “ phim sex” quá ? Các bạn còn đang trẻ, đâu đã là ông lão X.80 như tôi ?
Thực tế cuộc sống đang diễn ra quanh ta như thế nào, chúng ta đui mù hay sao mà không nhận ra? Sex à? Xem những cảnh nude hoặc khoe lưng khoe đùi kia có phục vụ cho tình tiết của bộ phim hay không, rồi hãy la làng. Còn phim dành cho người xem nước ngoài à? Phim của Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca thuở ban đầu chẳng bị la ó “làm phim chỉ nhắm cho khán giả nước ngoài” đó thôi? Thậm chí có thời gian những bộ phim của hai ông này còn bị cấm chiếu tại Trung Hoa đại lục.Nhưng nếu không có phim của hai ông chiếm Giải Vàng, Giải Bạc tại các Liên Hoan phim Quốc tế, còn lâu người làm phim thế giới mới biết tới Điện ảnh Trung Hoa hôm nay.
Thực trạng quy trình làm phim thương mại và đặc biệt là phim truyện nhiều tập dành cho truyền hình bây giờ đang bị đồng lờ lãi bóp cổ, xiết hầu. Nếu bộ phim ví như một cành xanh thì những phép tính lờ lãi ây đã, đang vặt trụi hết lá xanh, chồi biếc. Và bộ phim chỉ còn là chiếc chổi xể te tua, khẳng khiu để quyết sân.
Bởi lẽ đó, còn nhìn thấy ở bộ phim nào sự tìm tòi trong cung cách thể hiện, trong diễn xuất, trong tạo hình; còn thấy sự nỗ lực của đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật…để lý giải tất cả bằng ngôn ngữ điện ảnh.. chúng ta hãy có cặp mắt tinh để nhận ra, để trân trọng, để bình giá… Và cuối nữa là để chỉ ra cái được, cái hay, góp phần nâng cao thụ cảm thẩm mỹ đang bị xuống cấp của không ít người xem.

Sài gòn những ngày đầu mùa mưa

T.H