Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BUỔI XIN LỖI BẤT THÀNH

Bảo Hà
Thứ năm ngày 27 tháng 4 năm 2017 2:45 PM

Đêm trước buổi xin lỗi, vợ chồng ông Hàn Đức Long thức trắng.

Ông nói với tôi, đó là do chứng mất ngủ kinh niên khi còn ở tù. Nhưng nhìn ánh mắt long lanh sáng, tôi hiểu ông mong chờ ngày này đã quá lâu. Cứ nhìn cái cách vợ ông cho người mổ con lợn to nhất chuồng, làm cả chục mâm cơm mời họ hàng tới ăn, để chiều cùng ra xã nghe xin lỗi với chồng là biết, với bà nhà có ‘hỷ’ lớn thế nào. Ai hỏi, bà cũng chỉ cười nói ‘phấn khởi lắm’.

Tôi băn khoăn tự hỏi, ông Long cũng như ông Nguyễn Thanh Chấn hay ông Huỳnh Văn Nén thì trên đất nước Việt Nam này có ai mà không biết? Việc các ông được minh oan, trả tự do có tờ báo nào không đăng tải? Vậy tại sao các ông lại khát khao một buổi xin lỗi công khai ở quê nhà đến vậy?

Ông Long tâm sự với tôi, ông vẫn chưa tham gia một việc làng nào từ khi về đến giờ bởi vẫn chờ buổi xin lỗi, khi đó ông mới chính thức được minh oan. Còn vợ ông nói: “Ngày nào chồng tôi còn chưa chính thức được xin lỗi, ngày đó chúng tôi còn phải chịu ánh mắt gièm pha của dân làng”.

Sau luỹ tre làng, bên cạnh bản án tử hình tuyên xuống ông Long còn là bản án dư luận tròng vào cổ người vợ cùng những đứa con. Đó còn là “bia miệng ngàn năm” gắn lên một dòng họ.

Nhà cháu bé bị hại lại cách nhà ông Long chỉ một đoạn đường làng vài trăm mét. Gần 4 năm trước, bà vợ ông Long kể với tôi trong ánh mắt ngập nước: “Mỗi lần giáp mặt bố mẹ hay người thân cháu bé, họ lại chửi…”. Nay bà chỉ mong buổi xin lỗi sẽ khiến gia đình cháu bé hiểu và tin chồng bà không phải hung thủ.

Trưa đó, ăn cơm xong, bà vào buồng mang ra một chiếc sơ mi trắng mới nguyên. Bà khoác lên người ông Long rồi cẩn thận cài từng chiếc khuy. Hai ông bà nắm chặt tay nhau, ra uỷ ban xã.

Tôi không còn tìm thấy ở ông Long ánh mắt vô hồn của đêm đầu được thả về sau 11 năm tù. Tôi cũng không còn tìm thấy gương mặt khổ đau, nỗi tấm tức của vợ ông cách đây 4 năm. Đó là khi bà ngồi tâm sự hàng tháng, hàng năm tay nải vạ vật ở vỉa hè Hà Nội, gặm mỳ tôm sống ngóng chờ nỗi oan khuất của chồng được gột rửa.

Hội trường nhà văn hoá xã đã được sắp đặt trang trọng. Phía trên sân khấu, một tấm biển nền đỏ chạy dòng chữ “Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội công khai xin lỗi ông Hàn Đức Long” treo nghiêm trang ở chính giữa.

Theo thông báo, 14h buổi xin lỗi sẽ bắt đầu. Nhưng từ 13h nhiều cụ già, phụ nữ trung niên và cả trẻ nhỏ đã đổ về sân uỷ ban. Cửa hội trường vừa mở, họ lần lượt kéo vào, ngồi ngay những hàng ghế đầu. Một người phụ nữ tay ôm bức ảnh thờ. Trong ảnh là một bé gái.

Người phụ nữ đó chính là mẹ của cháu bé nạn nhân trong vụ án cách đây 12 năm - vụ án mà ông Hàn Đức Long bị xác định là hung thủ. Trong đầu tôi hiện ra đôi mắt người đàn bà nhìn trân trân lên ban thờ đặt ảnh bé gái, thoắt long lên giận dữ, thoáng lại chua xót tức tưởi. Khi ấy người mẹ đó chỉ nói: “Mẹ chồng tôi đến chết vẫn không nhắm mắt vì hung thủ hại cháu nội chưa bị trả giá”.

Chỉ vài phút sau, những tiếng gào thét giận, giữ, những cuộc giằng co xô đẩy diễn ra. Mẹ cháu bé cùng vài người phụ nữ bất ngờ lao ào ào lên sân khấu. Họ giật phăng tấm biển rơi xuống đất chỉ trong chớp mắt. Vừa giật họ vừa gào: “Công lý ở đâu? Ai đền mạng cho con tôi? Tự ông ta đã nhận tội, có ai ép đâu, sao giờ lại thả ra rồi nói là oan? Thử hỏi nếu là con, cháu nhà các người, các người có chịu được không?”. Những tràng gào thét đứt quãng như vậy cứ dồn dập.

Lực lượng an ninh cố đẩy nhóm người nhà nạn nhân vẫn điên cuồng gào thét xuống phía dưới hội trường. Lúc đó là 14h20. Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội tay cầm văn bản, đứng vào bục phát biểu. Đứng hai bên ông là hai thanh niên, người che tay, người cầm kẹp giấy chắn những chiếc dép bay lên từ dưới hội trường.

Ở một phía cánh gà sân khấu, vợ chồng ông Long đứng nép người sau nhóm công an. Gương mặt ông Long thẫn thờ. Chỉ lúc sau, ông được vợ dìu về nhà rồi ngất.

Lúc này, trong hội trường không ai nghe thấy ông Phó Chánh án đọc gì. Chỉ biết, ông đọc chừng 3 phút xong văn bản rồi cả đoàn cán bộ vội vã rời khỏi hội trường, bỏ lại hàng trăm người dân dõi theo ánh mắt tò mò, khó hiểu, bỏ lại nhóm người nhà nạn nhân vẫn điên cuồng chửi bới, ‘đòi công lý’. Tôi tự hiểu, buổi xin lỗi đã kết thúc.

Sau vụ việc ở Mỹ Đức, đến buổi xin lỗi oan sai không trọn vẹn này, tôi càng nhớ nhận định của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng: “Nguy hiểm nhất là dân không tin xử lý của chính quyền”.

Nếu có gì thể hiện rõ thông điệp ấy, thì đó chính là khoảnh khắc tấm biển đề dòng chữ xin lỗi công khai bị giật xuống. Hình ảnh ấy, như một sự đổ vỡ một niềm tin vào pháp luật, vào công lý của người dân.

Vụ xét xử kéo dài 11 năm kia không chỉ lấy đi tự do của ông Long, mà ở đó, tôi nhận ra nó còn lấy đi cả niềm tin của gia đình nạn nhân. Họ đã liên tục bị xát muối vào vết thương. Không thể trách họ, hay là thuyết giảng về “nguyên tắc suy đoán vô tội” hay là “thượng tôn luật pháp”, khi họ đã ở tận cùng nỗi đau và sự tuyệt vọng.

Niềm tin đã mất ấy, một hay nhiều lời xin lỗi không thể lấy lại được.

Bảo Hà