Lễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ IV, năm 2012. Ảnh: TTXVNLễ trao giải thưởng Hồ Chí Minh lần thứ IV, năm 2012. Ảnh: TTXVN

Hoang mang

Hơn tuần nay nhiều gia đình tác giả có tên trong danh sách tạm hoãn lần lượt gửi đơn kiến nghị, tâm thư tới Chính phủ và các đơn vị liên quan. Sau gia đình nhà thơ Xuân Quỳnh gửi thư cho Thủ tướng, gia đình nhạc sỹ Thuận Yến cũng làm đơn gửi nhiều cấp ngày 26/2. “Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên khi được biết nhạc sỹ Thuận Yến không nằm trong danh sách nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt này”, bà Hồ Thị Thanh Hương, vợ nhạc sỹ nói. Bởi mấy tháng trước gia đình được Hội Nhạc sỹ Việt Nam thông báo tin vui Thuận Yến cùng Trọng Bằng và Doãn Nho được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Đóng góp của Thuận Yến theo gia đình, được ghi nhận qua các giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước đợt 1 năm 2001, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Các ca khúc Thuận Yến được đề nghị xét tặng giải đợt này: Gửi em ở cuối sông Hồng, Con gái mẹ đã thành chiến sĩ, Vầng trăng Ba Đình, Chia tay hoàng hôn, Người về thăm quê.

Bà Đinh Tuyết Lan, con gái NSND Đinh Ngọc Liên cũng thảo lá thư gửi Thủ tướng. Bà nói bố mình vượt qua ba vòng xét duyệt, hồ sơ đầy đủ và đứng đầu danh sách đề nghị với 100% phiếu bầu của hội đồng nhưng không có tên trong danh sách được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đinh Ngọc Liên sinh 1921 là nhạc sỹ chỉ huy dàn nhạc kèn của Đoàn quân nhạc Việt Nam từ thời chống Pháp. Ông cũng là một trong những người có công xây dựng Đoàn quân nhạc Việt Nam trở thành chính quy, là người phối khí, chuyển soạn nhiều ca khúc cách mạng và đánh dấu bước đi đầu tiên của khí nhạc Việt Nam sau này.

Một số tác phẩm của ông được đề nghị giải thưởng lần này: Cụm tác phẩm nhạc nghi lễ, ca khúc Phủ Thông chiến thắng, Hải cảng về ta, khí nhạc Xuân chiến thắngVọng gác tiền tiêu miền duyên hải. “Khi ông còn sống cũng như đã mất, chưa bao giờ gia đình đòi hỏi cái gì gọi là “bản quyền” về các tác phẩm vẫn được sử dụng, chỉ lấy đó là niềm tự hào”, bà Lan viết trong thư. Gia đình thắc mắc rằng các nhạc sỹ cùng thời ông như Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận đến các nhạc sỹ đàn em, học trò được vinh danh rồi nhưng ông vẫn chưa.

Giữ uy tín cho giải thưởng

Các hồ sơ do Bộ VHTTDL trình lên Văn phòng Chính phủ đều qua ba vòng hội đồng, đủ điều kiện trên 90% phiếu bầu. Tuy nhiên ngày 21/11/2016, Văn phòng Chính phủ có công văn số 10005 thông báo chưa xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho 8 tác giả (đồng tác giả), Giải thưởng Nhà nước cho 31 tác giả, đồng tác giả và không nêu rõ lí do. Đó là một trong những điều khiến các tác giả và gia đình chưa “tâm phục khẩu phục”.

Trong danh sách trượt giải đợt này còn có GS.NSND Trần Bảng-đạo diễn, soạn giả và nhà nghiên cứu chèo sinh 1926. NSƯT, đạo diễn Trần Lực, con trai Trần Bảng kể, biết tin không có tên trong danh sách bố anh bảo “bình thường”. “Tôi hỏi có muốn con viết đơn, ông bảo thôi viết làm gì bởi đi xin giải thưởng như này đã là không hay rồi”, Trần Lực nói. “Tôi mong hội đồng có lời giải thích cụ thể tại sao bố tôi bị gạt ra. Không phải là chuyện được hay không, quan trọng là lời giải thích và lí do chính đáng”, Trần Lực nói.

Bà Đinh Tuyết Lan-con gái NSND Đinh Ngọc Liên nói với Tiền Phong:“Gia đình chẳng kiện tụng gì, chỉ có tâm thư với nguyện vọng để có được câu trả lời”. Trong tâm thư gửi Thủ tướng, bà Lan nêu tâm nguyện của gia đình mong nhận được sự công bằng và ghi nhận cống hiến của NSND Đinh Ngọc Liên. Trong khi đó, Trần Lực cho biết NSND Trần Bảng phản ứng bằng cách “không thèm quan tâm”. “Tôi nghĩ Giải thưởng Hồ Chí Minh có giá trị nhưng cách hành xử kiểu mập mờ làm ảnh hưởng tới giá trị giải thưởng”, Trần Lực nói thêm.

Anh Nguyễn Thành Thanh, con trai cố tác giả Nguyễn Thành Đại-một trong những tác giả trượt giải thưởng Nhà nước thắc mắc không biết hồ sơ của bố mắc chỗ nào. “Việc đưa ra xét, nâng lên đặt xuống đến khi tưởng xong xuôi lại hạ bệ khác nào xúc phạm”, anh Thanh nói. Anh khẳng định gia đình không làm đơn khiếu nại mà mong chờ các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc xem xét lại trường hợp bố anh cũng như các trường hợp bị hoãn khác một cách công tâm.

Thực tế, Nghị định 90 về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước có điều quy định về giải thưởng, tuy nhiên Thông tư hướng dẫn lại không đề cập. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhiều người cho rằng giải thưởng chỉ là một phần, một tiêu chí quan trọng không kém là sự lan tỏa, sức sống của tác phẩm. “Nếu chỉ xét giải thưởng thì không cần tới ba cấp hội đồng, chưa kể có những tác phẩm giá trị không dự thi”, một lãnh đạo hội chuyên ngành nói. Được biết, Bộ VHTTDL đang tiến hành làm lại hồ sơ để trình Chính phủ các trường hợp tạm hoãn.