Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

H ÃY CẢNH GIÁC VỚI THAM VỌNG

Đắc Trung
Thứ bẩy ngày 1 tháng 5 năm 2010 8:28 AM
 
 
      Ở đời sự huỷ hoại nhân cách con người nhanh nhất là tham vọng, đặc biệt tham quyền lực và tiền bạc. Tham vọng là sự ham muốn đến mê muội, điên cuồng, vượt qua giới hạn đạo lý. Để có tiền người ta có thể bất chấp pháp luật kể cả giết người. Để có quyền lực người ta có thể dùng mọi thủ đoạn kể cả hèn hạ và tàn nhẫn với ngay người thân thích ruột thịt của mình nhằm đạt mục đích. Ngô Khởi người nước Vệ, khát vọng giầu sang quyền lực đã khiến ông ta quyết rời bỏ nước Vệ tới nước Lỗ tìm cách du thuyết cầu tiến và may mắn được tướng quốc nước Lỗ là Công Nghi Hưu trọng dụng, tiến cử trở thành quan đại phu Năm 410 trCN, nước Tề muốn xưng bá, dùng mạnh át yếu đã xuất binh đánh Lỗ. Lỗ Mục Công nghĩ tới việc phong Ngô Khởi làm Đại tướng thống lĩnh quân đội tổ chức nghênh chiến nhưng còn e ngại bởi vợ của Ngô Khởi là con gái một quan đại phu nước Tề sợ rằng khi lâm trận Ngô Khởi sẽ thiếu quyết đoán nên còn do dự. Ngô Khởi biết được việc ấy đã nhẫn tâm giết chết vợ để tỏ lòng trung thành với nhà vua cầu mong chức đại tướng. Vì quyền lực mà cha con, anh em, họ hàng cùng huyết thống giết chết nhau tranh giành ngôi báu. Vì quyền lực mà lạnh lùng nhẫn tâm chu di ba họ người khác. Vì quyền lực mà các phe phái sát phạt chém giết nhau. Vì quyền lực mà nạn binh đao bùng nổ xương chất thành núi, máu chảy thành sông.Vì quyền lực mà dùng đủ mưu mô nham hiểm, tàn bạo sát phạt lẫn nhau, gieo thù rắc oán, đời này kiếp khác, mà khốn nạn thay, nhiều khi chỉ tranh cướp nhau cái «quyền» để người khác sai khiến như nô lệ, «quyền» để bợ đỡ xu nịnh một cách hèn hạ, «quyền» vênh váo tự phụ lố bịch đến không còn nhân cách. Ban đầu thì những suy nghĩ và hành động của họ cũng theo sự cuốn hút trong sáng, thậm chí chấp nhận hy sinh vì lý tưởng tốt đẹp. Nhưng rồi sự cám dỗ như ma quỷ của quyền lực và tiền bạc khiến cái động cơ đáng trân trọng đó không còn nữa. Trước hết là không dám chấp nhận hy sinh, thu vén cá nhân, tính toán thiệt hơn ...Dần dần toàn bộ suy nghĩ và việc làm đều bị chi phối bởi quyền lực và danh lợi. Luôn tự coi mình là quan trọng và thích được người khác nể sợ mình. Phát biểu gì, làm gì, đứng đâu cũng thích nổi hơn người khác, lấn át người khác. Thích đi đứng khệnh khạng, thích điều mình nói ra được những kẻ xu nịnh gọi là «lời vàng ngọc» nhằm chỉ đạo thiên hạ. Thích được phỏng vấn, được lên hình trên ti-vi, in ảnh vào mặt báo, đến dự họp được mời ngồi ghế trên, được giới thiệu trịnh trọng đầy đủ mọi chức vụ, được đứng dậy khẽ cúi đầu đáp lại những tràng vỗ tay lẹt bẹt... Nghĩa là rất khoái được tung hô, tâng bốc. Háo danh, hám lợi. Hãy coi chừng ! Nhiễm bệnh rồi đấy. Một thứ bệnh xã hội nan y vô phương cứu chữa. Đó là «bệnh nghiện quyền lực», nguy hiểm hơn cả Sida, Aids và tệ hại hơn cả ma tuý.  Bởi các bệnh đó còn có thuốc, có các trung tâm cai nghiện, chứ bệnh này không thể chữa trị, rất dễ chết, mà chết nhục nhã. Bởi «bệnh nghiện quyền lực» dẫn người ta đến tham vọng mù quáng. Tham vọng mù quáng dễ làm người ta đánh mất mình và bán mình cho quyền lực. Thiện tính bị diệt, ác tính nổi lên và trong tuyệt vọng điên cuồng người ta có thể bất chấp thủ đoạn dù nham hiểm thâm độc để đạt tham vọng.
      Cứ thế quyền lực và tiền bạc như một thứ vi trùng ngấm dần vào máu làm huỷ hoại “tâm”, tê liệt “tình” khiến họ dần dần biến chất. Cũng vì quyền lực và tiền bạc mà các băng nhóm tội phạm sẵn sàng tổ chức những cuộc tàn sát đẫm máu thanh toán nhau, vũ trang chống lại chính phủ và lập nhiều đường dây buôn bán ma tuý xuyên quốc gia, reo rắc tội ác, huỷ hoại sự sống biết bao sinh mạng.
      Theo Khổng Tử quyền lực, tiền bạc không có trong tiêu chí của thành đạt và hạnh phúc. Những người đã từng một thời nắm quyền lực khi về già khó mà có được sự thanh thản trong lòng. Bởi dù ít hay nhiều, vô tình hay cố ý đều có thể đã làm tổn hại đến người khác. Mà làm tổn hại người khác bằng đao kiếm, súng đạn hay quyền lực thì cũng như nhau cả thôi. Nhiều khi quyền lực và tiền bạc là họa chứ không phải phúc. Ở Hàng Châu (Trung Quốc) có một pho tượng bằng sắt lở lói. Đó là tượng Tần Cối quỳ lạy trước mộ Nhạc Phi. Không biết do ai dựng lên và cũng không ai phá đi. Người đời mỗi khi tới đó thắp hương khấn vái cúi lạy Nhạc Phi thì lại lấy roi quất, hoặc dùng tay tát vào mặt Tần Cối. Nhạc Phi là danh tướng, mưu lược gia kiệt suất trí dũng song toàn. Thuở nhỏ gia cảnh bần hàn, cuộc sống khổ cực. Là người có chí lớn, nghiên cứu binh thư, văn chương, thiên văn, địa lý. Tính tình cương nghị quả cảm. Khi nhập ngũ mới 19 tuổi, được mẹ xăm vào lưng bốn chữ: “Tinh trung báo quốc” để nhắc nhở con. Ông là vị tướng tung hoành chốn sa trường và chiến thắng hiển hách. Nhưng do Tống Cao Tông, vị vua hèn yếu nghe lời tên gian thần Tần Cối vu cho ông tội “mạc tu hữu”(có lẽ) mưu làm phản và giết hại Nhạc Phi khi ấy ông mới 39 tuổi. Tần Cối người Kiến Khang, xuất thân quan lại, 25 tuổi làm Giám sát ngự sử, rồi Ngự sử trung thừa triều Nam Tống. Là kẻ đầy tham vọng quyền lực, bằng mọi thủ đoạn hắn leo tới chức Tể tướng. Để củng cố địa vị Tần Cối lập mưu giết hại các vị đại thần có công khai quốc như Nhạc Phi,Trương Tuấn, Hàn Thế Trung. Giữ chức Tể tướng 18 năm hắn thay phó Tể tướng 18 người. Quan trong triều ai không cùng vây cánh là hắn giết.
      Tượng Tần Cối bằng sắt hoen rỉ quỳ lạy Nhạc Phi bị mọi người khinh bỉ là thể hiện lòng dân, là sự đánh giá của hậu thế và lịch sử. Đó cũng chính là họa, là kết cục nhục nhã và bi thảm của những kẻ tham quyền lực. Quyền lực có cả “ma”, cả “lực”, phúc họa liền kề, là con dao hai lưỡi. Có thể kẻ nắm quyền lực lại chết bởi quyền lực do mình nắm. Quyền lực càng lớn kẻ thù càng nhiều, sự báo thù, báo ứng càng thê thảm.
       Chỉ sử dụng quyền lực vì mục đích cao cả và đúng pháp luật thì mới tránh được họa .