Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHĨ VỀ NHÂN CÁCH VÀ BẢN LĨNH

Đắc Trung
Thứ bẩy ngày 1 tháng 5 năm 2010 8:22 AM

    
        Nhân cách là biểu tượng giá trị cuộc sống mỗi người. Cao thượng hay thấp hèn, quân tử hay tiểu nhân đều thể hiện ở nhân cách. Có thể mất mọi thứ nhưng không thể mất nhân cách. Lịch sử đã để lại không ít gương sáng của những nhân cách lớn : triều Tây Hán, Tiêu Hà giữ chức Tể tướng phò Lưu Bang. Năm 206 trCN giúp Lưu Bang đánh chiếm Hàm Dương, kinh đô nước Tần. Vàng bạc châu báu, gác tía lầu son, mỹ nữ tuyệt sắc giai nhân không làm ông rung động. Ông lệnh cho thuộc hạ phải thu thập, bảo quản toàn bộ hồ sơ lưu trữ đem đến cho ông đọc. Nhờ thế ông nắm được mọi tình hình từ đất đai, địa hình sông núi, dân số lao động, kinh tế, chính trị, văn hoá, phong tục tập quán ...giúp Lưu Bang hoạch định kế sách trị quốc.
      Xét thấy Tiêu Hà có nhiều công lớn, suốt đời thanh bạch, vua Hán Cao Tổ ban lệnh cho Tiêu Hà được chọn vùng đất nào trù phú để vua ban. Chần chừ mãi, nhà vua thúc ép Tiêu Hà mới chọn mảnh đất cằn cỗi ở vùng quê hẻo lánh dựng nhà cho gia đình mình. Nhà rất bình thường, chẳng có tường bao, cổng kín. Bạn bè không hiểu ý ông, hỏi, Tiêu Hà đáp: «Tôi thân làm Tể tướng, nếu vì xây dựng nhà riêng mà phải đuổi dân đi nơi khác thì sao xứng đáng là Tể tướng. Tôi chọn nơi đất cằn này sống sẽ có rất nhiều điều lợi. Thứ nhất, là giáo dục con cháu phải biết lao động cần cù và tiết kiệm, chúng sẽ sớm trở thành người lương thiện. Hai là, không phải lo nghĩ về sau con cháu tranh giành của cải, cũng chẳng lo kẻ có quyền thế cướp đoạt». Con cháu của Tiêu Hà tuân theo lời ông dạy luôn giữ được nếp sống nghèo mà trong sạch, yên phận giữ mình không màng danh lợi. Bởi thế trong cuộc đấu tranh giành quyền lực nhiều công thần khác như Hàn Tín, Bành Việt đều gặp họa bị chết thê thảm nhưng gia đình dòng tộc Tiêu Hà vẫn bình yên vô sự.
      Năm 283 trCN, Liêm Pha nổi tiếng là tướng giỏi được vua phong làm Thượng khanh. Lạn Tương Như là quan văn có tài ngoại giao, dùng thuyết pháp mà lấy được ngọc báu trở về nước Triệu, phò tá vua Triệu hợp hội với nước Tần thắng lợi, có công lớn được vua ban chức ngôi vị trên Liêm Pha.
      Vốn tự đắc, Liêm Pha hận Lạn Tương Như, cho rằng mình đổ xương máu chốn sa trường, Tương Như chỉ là mọt sách uốn ba tấc lưỡi mà được đặt trên mình nên tìm cách rêu rao nói xấu hạ nhục Tương Như. Tương Như biết nhưng vẫn luôn nhẫn nhịn cốt giữ hoà khí. Mỗi khi thiết triều ông thường cáo ốm để Liêm Pha không phải đứng sau mình. Có lần Tương Như ngồi trên xe ra cửa, Liêm Pha chặn đường. Tương Như tìm lối khác tránh bạn. Lính dưới quyền ông ức quá trách ông sao sợ, chịu hèn. Ông khuyên giải, hỏi: «Liêm tướng quân so với vua Tần, ai đáng sợ?». Quân sĩ đáp: «Liêm tướng quân sao so được với vua Tần ạ ». Tương Như nói: «Khi xưa ta phò tá Triệu Vương tới Mãnh Trì hội kiến với vua Tần, nhục mạ quần thần họ, mà vua Tần không dám ỷ thế làm nhục vua ta. Vậy nay lẽ nào ta sợ Liêm Pha. Ta tránh Liêm tướng quân cốt để giữ hoà khí. Bởi nước Tần sở dĩ không dám diễu võ dương oai với nước Triệu vì Triệu đang có ta và Liêm Tướng Quân. Nay nếu ta và Liêm Tướng Quân bất hoà thì liệu Tần Vương có để cho nước Triệu yên không ? Sở dĩ ta nhún nhường là vì ta đặt lợi ích xã tắc lên trên, ân oán cá nhân xuống dưới đó thôi».
      Liêm Pha biết chuyện ấy trong lòng vô cùng ân hận. Ông chọn một ngày, cởi trần ôm gậy đến nhà Lạn Tương Như nhận lỗi và xin được Tương Như đánh đòn trị tội. Lạn Tương Như hết sức cảm động, nước mắt lã chã ôm vị tướng già mời ngồi lên ghế. Từ đó hai đại quan văn và võ xoá bỏ hết hiềm khích, thề sống chết có nhau vì giang sơn xã tắc.
      Lý Tích là người tài trí, sâu sắc. Ông theo Lý Mật khởi nghĩa chống nhà Tuỳ, rồi sau đó cùng Lý Mật theo Lý Uyên lập ra nhà Đường. Về sau do Lý Mật bất mãn không phục nhà Đường về chuyện phong thưởng nên âm mưu tạo phản bị Lý Uyên (vua Đường Cao Tổ) giết chết.
      Lý Mật bị giết, nhiều bạn cũ của Lý Mật sợ liên luỵ đã xa lánh gia đình Lý Mật, thậm tệ hơn còn lợi dụng cơ hội nói xấu, đổ lỗi cho Lý Mật để lấy lòng Đường Cao Tổ.
      Lý Tích không làm vậy.
      Biết Lý Mật bị giết, ông kêu khóc thảm thiết, còn liều chết dâng biểu nói rõ mình là bạn thân của Lý Mật và xin được nhận lo mai táng cho Lý Mật.
      Đường Cao Tổ rất cảm phục tấm lòng thuỷ chung tình nghĩa với bạn của Lý Tích, không những không trị tội mà còn phong cho Lý Tích chức Lai Quốc công. Là người trí tuệ, mưu lược, một lòng trung, Lý Tích giúp triều Đường nhiều việc lớn được Lý Thái Tông (Lý Thế Dân) rất tin cậy bổ nhiệm làm Bình Bộ Thượng thư. Ông phò cả ba đời vua Đường từ Cao Tổ, Thái Tông và Cao Tông mà không hề phạm lỗi.  
      Bản lĩnh là chỗ dựa của nhân cách, luôn gắn bó, hỗ trợ nhau và không thể thiếu trong cộc sống. Bản lĩnh giúp nhân cách trụ vững trước bất kỳ áp lực nào.
      Năm 548 trCN, tướng quốc nước Tề là Thôi Trữ. Thôi Trữ giết vua Tề là Trang Công để thâu tóm quyền lực. Ông ta gọi quan Thái sử Bá đến. Thôi Trữ nói: «Nhất định ông phải viết Tiên Vương chết vì bệnh nặng ». Thái sử Bá nói: «Lịch sử không thể ghi chép hồ đồ. Viết theo sự thật là bổn phận của Thái sử». Thôi Trữ không ngờ Thái sử Bá dám chống lệnh, giận giữ hỏi: «Ông định viết thế nào?». Thái sử Bá đáp: «Tôi viết xong rồi, ông sẽ biết ngay thôi». Thôi Trữ cầm lên đọc thấy rõ: «Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân» (vào tháng 5 mùa hạ, Thôi Trữ giết vua). Thôi Trữ nói: «Ông phải viết khác đi, nếu không ta giết ông». Thái sử Bá lắc đâù:«Giết thì giết, ta không thể viết khác». Thôi Trữ liền chém đầu Thái sử Bá.
      Thái sử Trọng là em trai Thái sử Bá nghe tin anh bị giết liền đến thay chức vụ của anh. Thôi Trữ kinh ngạc vì thấy Trọng vẫn viết đúng như anh trai mình, liền rít lên: «Ông không biết Thái sử Bá đã bị chém hay sao?».Trọng đáp: «Thái sử chỉ sợ viết không trung thực chứ không sợ chết». Thôi Trữ lại chém Thái sử Trọng. Thái sử Thúc, em trai Thái sử Bá và Thái sử Trọng được vào thay. Ông cũng chép đúng như hai anh của mình và lại bị chém. Thái sử Quý, em út của ba Thái sử trên vào thay, vẫn viết: «Hạ ngũ nguyệt Thôi Trữ thích quân». Viết xong ông nói với Thôi Trữ: «Ông càng giết người thì càng chứng tỏ sự tàn bạo. Nếu tôi không viết thì người khác sẽ viết và thiên hạ cũng biết. Ông có thể giết chết Thái sử nhưng không thể giết chết được sự thật». Thôi Trữ nghe xong không dám giết.
      Bản lĩnh các quan Thái sử chân chính đã bảo vệ nhân cách cao thượng của họ khiến những loại gian hùng bạo tặc như Thôi Trữ phải sợ.