Trang chủ » Tin văn và...

TƯỚNG NGUYỄN QUỐC THƯỚC: LÃNG QUÊN CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT-TRUNG LÀ CÓ TỘI

Theo Petrotime
Thứ tư ngày 17 tháng 2 năm 2016 2:46 PM


Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước: “Trong cuộc chiến tranh để bảo vệ biên giới năm 1979, quân và dân ta đã giành chiến thắng. Chẳng có lý do gì để những người đã nằm xuống vì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị lãng quên”.

tuong nguyen quoc thuoc lang quen la co toi

Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: “Bất luận lý do gì cũng không thể lờ đi sự kiện lịch sử”.

Có thể thấy cuộc xâm lược của quân Trung Quốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam năm 1979 là quá rõ ràng. Cuộc chiến này đã khiến thế giới hiểu rõ tham vọng của Trung Quốc. Nó khiến họ mất uy tín quốc tế, bộc lộ sự bành trướng Đại Hán, bản chất nói một đằng làm một nẻo trái với cái gọi là chủ trương “phát triển hòa bình” của Trung Quốc khi đó.

Cuộc chiến ấy đã để lại hậu quả nặng nề và những mất mát to lớn. Trong đó, biết bao xương máu của quân và dân ta đã nằm xuống trước họng súng của quân thù.

37 năm đã trôi qua nhưng những nỗi đau thương từ cuộc chiến như vẫn còn vẹn nguyên đối với mỗi gia đình thân nhân các liệt sỹ, những người bạn chiến đấu và là nỗi mất mát lớn của toàn dân tộc ta.

Tuy nhiên, có một sự thật là vì cuộc chiến ấy ít được nhắc đến nên dường như nó đang bị lãng quên với thế hệ sau.

Chia sẻ với Báo điện tử PetroTimes, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VIII, IX, X bày tỏ quan điểm: “Bức tranh lịch sử không thể bị khuyết chỉ vì một lý do nào đó. Máu xương của những người đã hi sinh không thể đổ xuống một cách vô danh như thế được”.

“Nói về cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979, chúng ta cần nhìn về bối cảnh đất nước tại thời điểm đó. Khi quân đội Trung Quốc tấn công tổng lực vào biên giới Việt Nam, chủ quyền của nước ta đang bị đe dọa nghiêm trọng, không còn cách nào khác, lệnh tổng động viên lập tức được ban hành.

Khi đó, hàng vạn người tự giác lên đường bảo vệ tổ quốc. Sẵn sàng hi sinh xương máu, đối mặt với hiểm nguy đến tận hơi thở cuối cùng để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ và độc lập cho dân tộc”, người lính năm xưa nghẹn lời.

tuong nguyen quoc thuoc lang quen la co toi

Thân nhân liệt sỹ thắp hương ở nghĩa trang biên giới. Ảnh tư liệu.

Tướng Thước bày tỏ: “Bây giờ khi đất nước đã hòa bình, tại sao ta lại không tri ân, tôn vinh họ như những người anh hùng từ các cuộc chiến bảo vệ tổ quốc trước đây. Có những cuộc chiến thậm chí đã diễn ra hàng nghìn năm về trước vẫn được dân tộc ca tụng. Có những con người đã hi sinh từ hàng nghìn năm trước nhưng vẫn được tưởng nhớ. Vậy cuộc chiến đấu bảo vệ dân tộc năm 1979 vì lí do gì bị lãng quên?”.

“Việc lãng quên họ chính là một sự thiếu sót lớn và rất đáng trách. Hơn thế nữa, đó là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến biên giới năm xưa. Họ nằm dưới mộ sâu có yên không? Gia đình, vợ con, bạn bè và những người thân thích của họ sẽ nghĩ gì về chuyện này? Đã có ý kiến cho rằng, nhắc đến những chuyện này cũng có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc nhưng tôi khẳng định, nói như vậy là ngụy biện”, ông nói.

Tướng Thước cũng nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không tôn vinh, không tri ân những người đã tự giác đi theo lời kêu gọi tổng động viên như vậy thì khi đất nước lâm nguy ai sẽ là người đứng lên cầm súng bảo vệ tổ quốc. Hơn nữa, nhìn lại tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có thể thấy: Có những cuộc chiến tranh diễn ra hàng nghìn năm về trước vẫn còn được nhắc đến, tôn vinh, vậy thì tại sao cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 bị quên lãng?

Nếu chúng ta không tôn vinh, không tri ân những người đã nằm xuống trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc năm 1979 là có tội với họ”.

Ông cũng đặt ra vấn đề: “Ngành giáo dục nên kiến nghị đưa sự kiện này vào sách giáo khoa lịch sử. Thực tế cho thấy, phần lớn học sinh tiểu học, trung học, thậm chí đa số trong 1,4 triệu sinh viên hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh này…

Hàng vạn người con ưu tú của chúng ta đã bỏ mình để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía bắc của Tổ quốc, tại sao không có một dòng nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không”