Trang chủ » Tin văn và...

NHÀ VĂN LÊ BÍNH QUA ĐỜI

Theo vanvn
Thứ ba ngày 16 tháng 2 năm 2016 8:38 PM



Ngày 16-2-2016 (tức ngày mùng 9 tháng Giêng năm Bính Thân), nhà văn Lê Bính, sinh năm 1947, quê ở xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ Thái Bình, đã qua đời vì bệnh nặng, hưởng thọ 68 tuổi.

Nhà văn Lê Bính có 9 năm công tác trong ngành địa chất, năm 1974 về công tác tại Hội văn nghệ Thái Bình cho đến khi nghỉ hưu. Ông chuyên viết truyện cho thiếu nhi, đã in 9 tập truyện và 1 trường ca, như các tập: Chùm hoa nhãn, Tuổi ấu thơ, Câu chuyện tuổi thơ, Người làng ta, Tuổi trẻ ông đại tá,, Người quê, Vườn cây đong nắng, Hát dọc đồng bằng… Nhà văn Lê Bính đã được trao tặng nhiều giải thưởng văn học: 3 lần Giải thưởng văn học Lê Quý Đôn của tỉnh Thái Bình; 2 lần giải ba viết cho thiếu nhi của Hội nhà văn VN và tổ chức UNICEF;

TNc xin chia buồn cùng gia quyến nhà văn Lê Bính và cầu mong linh hồn ông thanh thản về Trời. Xin giới thiệu bài viết về nhà văn Lê Bính của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu.

NHÀ THƠ ĐẦU TIÊN

Tùy bút Nguyễn Linh Khiếu

Đến bây giờ thì tôi đã gặp được hàng nghìn nhà thơ. Mỗi ngày chỉ cần đi một vòng từ nhà đến toà soạn báo cơ quan cũng gặp cả chục nhà thơ tiếng tăm đang lừng lẫy trên văn đàn Việt Nam đương đại. Thế nhưng tôi không sao quên được nhà thơ đầu tiên mà cuộc đời mình may mắn được gặp. Đó là một nhà thơ đích thực và vô cùng tôn kính. Âu sự may mắn ấy cũng là do trời ban cho mình.

Năm ấy tôi mười lăm tuổi, cách nay đã hai mươi hai năm, tôi đang học lớp 8 trường cấp 3 Thái Ninh (Thái Thuỵ, Thái Bình), một buổi sớm chúng tôi được tập trung lại ở sân vận động rất lớn của huyện để nghe một nhà thơ nổi tiếng nói chuyện thơ. Khi đó cả 3 khối dễ đến hơn 1.000 học sinh. Cả hơn một ngàn học sinh và các thầy cô giáo nhà trường tập trung nghe nhà thơ nói chuyện ngoài trời trong một buổi rất nhiều gió. Chỉ tiếc là tôi không sao nhớ được đó là buổi sáng hay buổi chiều và đó là mùa đông hay mùa xuân. Nhưng tôi nhớ gió rất lớn vì hình ảnh áo quần và tóc nhà thơ bay phần phật như những lá cờ trên thảm cỏ xanh sân vận động thì là một ấn tượng thật sâu nặng không sao quên được.

Đến nay tôi không làm sao nhớ được nhà thơ nói gì. Có lẽ cả hơn một ngàn con người có mặt hôm đó cũng chẳng ai có thể còn nhớ nhà thơ nói gì. Tôi chỉ láng máng nhớ rằng hình như nhà thơ nói và đọc những bài thơ khen ngợi các lò vôi lò gạch của các hợp tác xã tiên tiến nào đó. Chẳng biết có đúng không. Quả thực trí nhớ của tôi cũng lơ mơ. Mong nhà thơ đầu đời của tôi hết sức đại lượng ân xá. Mà thực ra đã hơn hai mươi năm rồi còn gì, thời gian như mưa trời xối xả. Mưa trời là cưa trời mà. Riêng tôi chỉ còn nhớ nhà thơ nói rất say sưa. Ông vừa nói chuyện vừa đọc thơ. Khi ông đọc thơ hình dáng ông trở nên hết sức mê đắm ngụp lội giống hệt như những lão nông say rượu bí tỷ, như những con nhang hầu bóng lên đồng nhập hồn lay động không làm sao mà dứt được như tôi thường gặp nơi làng quê của mình.

Nhà thơ đầu tiên tôi được gặp, quả thực có nhiều nét giống như tôi thường tưởng tượng. Nét đầu tiên phải là khác người. Đúng, nhà thơ quả vô cùng khác người. Hình dung ông thật cổ quái. Hành vi ông thật lạ lùng phóng túng. Ông người thấp, chân ngắn lưng dài nhưng đầu lại rất to. Phải chăng toàn bộ sinh lực dồn cả nơi đầu. Trong đầu ông chắc chắn là chất chứa toàn bộ các bồ sách của thiên hạ. Trông ông khoát chân, múa tay, nhăn mặt, rên rẩm, cười ngất ngưởng và ngặt nghẽo đọc thơ trên sân vận động lộng gió trước cả ngàn con người trong khi tóc bay áo bay quần bay phần phật như cờ. Thực là một chân nhân dị tướng, đúng phong độ của những bậc kỳ tài đang thuyết pháp truyền đạo.

Ông đang mang sứ mệnh giáo hoá cái đạo thơ thiêng liêng cho những mục đồng nơi xóm bãi hoang dã khuất nẻo. Sứ mạng ấy thật thần thánh và cao quí nhưng quả thực lũ mục đồng kiêm học trò này như một lũ vịt. Chúng u u cạc cạc được dịp tụ bạ chòng ghẹo cấu chí lẫn nhau. Than ôi, nghe thơ đích thị chúng là một lũ vịt nghe sấm. Thương thay cho ông. Ông thực là người cao cả mang đàn gảy tai trâu. Chúng nghe làm sao mà hiểu được, mà chúng có hiểu thì giời ạ thực tình cũng chẳng để làm gì. Chúng có chăm chú im lặng ấy là vì sợ các thầy cô lườm nguýt và nguyền rủa mà buộc phải giả vờ chăm chú im lặng. Còn quả thực chúng tò mò là chính. Tò mò muốn xem nhà thơ là người như thế nào mà viết những bài thơ hầu như thầy có cố công giảng giải đến rã họng, đến nổi giận đùng đùng thì chúng cũng không sao hiểu được. Đầu óc của lũ trẻ nửa học trò nửa chăn trâu ngu lâu nó chỉ có thế. Với lại, nơi làng xóm, nơi đồng bãi có biết bao điều hấp dẫn cuốn hút chúng hơn. Tò mò thích thú hơn là khi thấy nhà thơ hình dung thật cổ quái và hành vi thật lạ lùng, tất cả quả tình là vô cùng khác người. Sứ mạng giáo hoá đạo thơ của ông hôm ấy tôi không dám nói là công cốc nhưng tôi dám chắc cũng chẳng đạt được là bao. Chắc chỉ có riêng tôi một thằng bé nhà quê từ nứt mắt đã bất chấp dám ngấm ngầm mơ trở thành nhà thơ thì ấn tượng về ông còn lờ mờ được như thế.

Sau buổi ấy ông cùng nhà trường phát động một phong trào thơ báo tường rầm rộ. Ngày ấy lưu truyền trong học sinh là phong trào phát hiện thiên tài cho tỉnh. Mọi người phải làm thơ. Ai không làm thơ thì coi chừng. Chi đoàn thanh niên quán triệt sâu sắc và gay gắt đến từng người. Thơ ca thêm một mức độ nữa của sự khiếp sợ. Nhiều đứa sợ đến phát ốm. Than ôi lũ nửa học trò nửa chăn trâu này thà bắt chúng cuốc đất cả cánh đồng chúng còn có thể cố sức được chứ bắt chúng làm mỗi đứa một bài thơ thì của đáng tội chúng đành chịu bị đuổi học chứ thực tình không viết được một câu.

Thế nhưng, kẻ vụng trộm tọng tọe làm thơ và ngấm ngầm mơ trở thành nhà thơ là tôi thì thật là được dịp trời cho. Hắn hăng hái viết thơ báo tường của lớp, chắc là phải nhiều lắm dễ đến hàng chục bài. Nghe nói tất cả các bài báo tường của học sinh nhà trường trong phong trào sáng tác thơ văn đó đều gửi cho nhà thơ nổi tiếng kia để ông lựa chọn chăm bón các búp trên cành, để chấn hưng nền thơ tỉnh nhà và để phát hiện nhân tài cho đất nước. Bây giờ nghĩ lại tôi giật mình và vô cùng xấu hổ vì nhận ra rằng hoá ra ngày mới lớn mình bị mắc căn bệnh vĩ cuồng vô cùng trầm trọng.

Riêng tôi sau buổi đó còn bí mật gửi riêng những bài thơ "vô cùng tâm huyết" của mình cho ông. Nay còn sót lại đôi ba bài mà dán và chuột đã đọc nham nhở tôi vô cùng xấu hổ và bỗng dưng thật sự thương ông vì ngày ấy tôi đã do quá tâm huyết với thơ ca mà hành hạ ông quá tàn nhẫn bằng hàng chục bài thơ vô hình dạng, hết sức lôi thôi, nhem nhuốc và bảy phần mười sai chính tả. Tôi cứ ân hận, không biết sau khi đọc những bài thơ "tâm huyết" của tôi ngày ấy ông có bị nhiễm chứng viêm xoang hay không?

Nhưng ngày ấy, thú thực tôi thấy mình thật sự vĩ đại. Cố nhiên là so với lũ trâu bò và cào cáo châu chấu hay cá tôm, và cũng cố nhiên là đôi khi cũng dám mạo muội so với các bạn đồng học. Nói gì thì nói viết được những câu văn vần dù là bắt chước mười mươi trong sách giáo khoa vẫn hơn hẳn khối người. Mang trong mình ý tưởng vĩ đại tôi càng làm thơ dữ tợn. Làm trong mọi trường hợp, chỉ miễn là nó có vần và đủ 5 chữ, bảy chữ hay câu trên thì sáu câu dưới phải tám và v.v..

Trời cũng không phụ tôi, ngày ấy tôi có một người bạn gái rất thân. Tôi vẫn cùng bạn đi chung chiếc xe đạp của bạn để đến trường mà trường lại cách nhà đến 7 km. Nên tôi thường lén lút đưa cho bạn đọc trước khi gửi tới nhà thơ. Bạn tôi ngày ấy rất đồng tình, thán phục và khích lệ đối với tôi và hình như nàng cũng nghĩ tôi là một người vĩ đại. Bởi đôi mắt đen lay láy của nàng khi đó nhìn tôi vô cùng đắm đuối. Được nàng khích lệ tôi càng làm thơ dữ dội và cứ được mươi mười lăm bài tôi lại gửi tới nhà thơ tôn kính. Thật thương thay cho nhà thơ vô can phải chịu trận. Một đứa thì nhuốm mùi vĩ cuồng còn một đứa lại mắt đen lay láy chúng nó hùn nhau lại thế là nhà thơ tôn kính phải gánh chịu cơn nhập đồng của mối tình đầu sặc mùi bùn đất của hai đứa trẻ mục đồng kiêm học trò. Đó là trận thơ lem luốc vô nhân dạng. Than ôi khổ thân nhà thơ nổi tiếng.

Dẫu sao nhà thơ tôn kính cũng đọc thơ của chúng tôi. Bằng chứng ấy là 3 lần ông viết thư cho tôi. 3 bức thư thiêng liêng đó tôi cất giữ cả chục năm trời nhưng chẳng hiểu vì sao nay tìm không thấy lại nữa. Trong thư ông nói rất nhiều chuyện cao siêu và thú thực cả hai đứa chúng tôi cùng nhau đọc cả trăm lần nhưng không hiểu được điều gì. Nào là Viên Mai nói ý tại ngôn ngoại, nào là Tagor gọi thơ như những chú chim bay lạc, nào là Phạm Đình Hổ, Nguyễn Du, nào Puskin... nào là những ông phải gió nào đó nói thơ phải thế này thế khác. Không biết các ông ấy nói gì, chỉ biết mặc dù rất cổ vũ và khuyến khích nhưng nhà thơ tôn kính cũng rất băn khoăn, than phiền và không ngừng hy vọng ở những bài thơ sau. Cả 3 bức thư cuối thư bao giờ nhà thơ cũng không quên nói rằng rất mong nhận được những bài thơ mới hay hơn. Vâng, những bài viết sau bao giờ chả hay hơn những bài viết trước thế là hai đứa chúng tôi lại tiếp tục gửi và gửi triền miên... và đến một lúc do vừa bận học vừa bận yêu mà chúng tôi quên cả làm thơ và gửi thơ. Mối liên lạc giữa tôi và nhà thơ tôn kính chẳng hiểu từ lúc nào mà phai nhạt.

Sau khi học hết phổ thông tôi thi vào khoa Văn trường Đại học tổng hợp Hà Nội (Ngày ấy tôi nghe cái tên mà mọi người vẫn gọi là Đại học Tổng hợp Văn nó linh liêng lắm, lôi cuốn lắm, oai vệ lắm!), nhưng thật bất ngờ, cái môn văn mà mình tự cho là có năng khiếu, có tài năng văn chương trời phú, là thế mạnh của mình ấy chỉ được đúng 1 điểm. Mặc dù hai môn sử và địa có khá hơn nhưng tôi vẫn bị trượt thẳng cẳng. Giấc mộng văn chương bị một vố trời giáng vô cùng khủng khiếp. Lòng kiêu hãnh của một năng khiếu thơ bị tổn thương nặng nề. Cứ ngỡ sau đận ấy máu háo danh và cuồng thơ từ bé của tôi sẽ chừa.

Lòng ôm thất bại ê chề đầu đời, tôi đành lên thị xã Thái Bình học Cao đẳng sư phạm với hy vọng sau này trở thành một giáo làng bất đắc chí. Sau khi trượt đại học, tôi vô cùng xấu hổ thực tình không dám gặp lại các bạn học phổ thông. Nhiều khi tôi đành an ủi mình: một thằng bé nhà quê chân đất mắt toét xin được vào học trường cao đẳng sư phạm cũng là may mắn lắm rồi. Dần dà các bạn bè mới quen, nhất là rất nhiều các bạn gái xinh xắn và bóng đá đã làm tôi nguôi ngoai nỗi buồn văn chương.

Sống ở thị xã, cũng lại chẳng hiểu duyên cớ nào có một chiều tôi vào hiệu sách nhân dân. Thấy cuốn sách Búp trên cành chợt nhớ có lần nhà thơ kính yêu nhắc đến tên tạp chí này, tôi tò mò hỏi cô mậu dịch cho xem. Mở được vài trang thấy tên và thơ của mình in trong đó. Cuốn tạp chí đã cũ. Thế mà nào mình có biết. Trời ơi, năm trước giá chúng tôi biết điều này chắc hai đứa chúng tôi phải phát điên. Nay thì bạn cũng đã đi học xa và thơ chán cũng chả làm nữa thơ có in thì cũng còn có nghĩa gì nữa cơ chứ.

Nói là nói thế để tiếc bạn thôi, chứ sau đó mấy ngày tôi và mấy người bạn học đã vào Hội văn nghệ Thái Bình tìm nhà thơ. Nhưng nhà thơ chứ đâu phải người thường mà dễ gặp. Mãi đến lần thứ 4 tôi mới gặp được nhà thơ. Ông quả đích thực là một dị nhân bí hiểm, tôi chẳng làm sao mà hiểu được ông cả. Ông mời chúng tôi uống trà và hút thuốc bằng một chiếc điếu cày óng đen. Đóm châm thuốc là một xấp giấy xé dọc bản thảo thơ - có lần tôi thấy cả bản thảo thơ của mình trước đây đã gửi cho ông. Tôi nhớ khi đó quả thực mình có cay cay trong mũi nhưng cũng đã trấn tĩnh được rằng hoá ra các bản thảo thơ mình đã gửi tới nhà thơ cũng phần nào có ích chứ không hoàn toàn là hành hạ nhà thơ.

Qua đi lại được nhà thơ và các nhà thơ và nhà văn khác của Hội Văn nghệ Thái Bình như các nhà văn Bút Ngữ, Đức Hậu, Đỗ Vĩnh Bảo, nhà thơ Kim Chuông, Dương Côn, hoạ sĩ Hà Trí Dũng... chỉ bảo và khích lệ tôi lại lao vào cuộc cuồng thơ mới, chỉ tiếc lúc này tôi không còn người bạn gái thân để đọc trước nữa. Thấm thoát, tôi đã in được gần chục bài thơ trên Văn nghệ Thái Bình. Rồi số phận lại dun dủi tôi đi học xa không có cái duyên may được các văn nghệ sĩ Thái Bình thường xuyên chăm sóc nữa.

Đến bây giờ sau 22 năm trời tôi đã trở thành nhà thơ nơi đất khách. Cái ước mơ của tuổi lên mười đã trở thành hiện thực. Sống và làm thơ nơi quê người tôi luôn day dứt nhớ về quê hương mình, nhớ tuổi học trò và người bạn gái ấu thơ và cũng chưa bao giờ quên nhà thơ đầu tiên tôi gặp trong đời. Ông chính là người đã góp phần không nhỏ biến những ước mơ tuổi thơ lấm lem bùn đất của tôi một phần đã trở thành hiện thực - Nhà thơ đầu tiên ấy tôi làm sao quên được - Đó là Nhà thơ tên Bính họ. Từ đó đến nay tôi không có cái duyên phận được gặp lại ông. Nhưng tôi nghe nói ông vẫn làm việc ở tập san Văn Nghệ Thái Bình. Một ngày nào đó về thăm quê nhất quyết tôi sẽ tìm thăm ông. Vì ông là nhà thơ đầu tiên, là người thầy đầu tiên của đời thơ tôi.

Hà Nội, 1997