Trang chủ » Tin văn và...

VÁC ĐÁ TỰ GHÈ CHÂN MÌNH

Hoàng Quảng Uyên
Thứ hai ngày 23 tháng 11 năm 2009 11:12 AM
 
TNc: Câu chuyện về mó nước Rằng Phặt hiểu tiếng người gây nên tranh luận gay gắt. Trannhuong.com với tinh thần khách quan, thông tin hai chiều nên đã đưa bài của nhà văn Hoàng Quảng Uyên. Sau đó nhận được phản hồi của Đỗ Lãng Quân, chúng tôi lại đưa lên. Nhà văn Hoàng Quảng Uyên vừa gửi bài nói lại với Đỗ Lãng Quân. Chúng tôi đưa lên để bạn đọc cùng tham khảo. Chúng tôi xin cám ơn hai tác giả đã mượn sân chơi Trannhuong.com để đối đáp với nhau...

(Bác bỏ những vu vạ của Đỗ Lãng Quân về sự kiện mó nước hiểu tiếng người)
 
Thưa ông Đỗ Lãng Quân.
.
Ông Đỗ Lãng Quân...( Trần Nhương cắt 20 từ mà không ảnh hưởng gì đến nội dung của tác giả)... là người đi nhiều, viết lắm. (số lượng cao). Vừa rồi Đỗ Lãng Quân được mời lên Cao Bằng truyền đạt kinh nghiệm trong một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Ông có đưa bố đẻ của ông lên cùng. Trong những ngày ông cụ nằm ở khách sạn ông đã mời tôi đến chơi, đàm đạo cùng ông cụ cho đỡ buồn. Chúng tôi đã có những buổi nói chuyện chân tình, vui vẻ, tâm đắc. điều đó chắc ông chưa thể quên ngay được.
Thưa ông Đỗ Lãng Quân, tôi rất cảm ơn ông vì ông đã viết và gửi bài viết cho báo Cao Bằng “nhờ Xiêm hoặc Đạt (những học viên dự lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí) gửi tới lãnh đạo báo Cao Bằng” (những chữ trong ngoặc kép là tôi trích từ văn bản của ông). Báo Cao Bằng thấy đó là bài viết về tôi nên đã chuyển cho tôi đọc. Ông đừng ngạc nhiên hỏi: “Hoàng Quảng Uyên làm sao có được văn bản này?”. Ông tỏ ra rất khoái chí khi viết: “Ông nào đó có tên là Uyên”. “một gã ký tên Hoàng Quảng Uyên”. “Hoàng Quảng Uyên, ngài đã thấy ngài hồ đồ chưa”. Hay “Ông Uyên có bị ... say rượu không nhỉ”.v..v. Đó là những lời vu vạ, miệt thị hết sức vô văn hóa. Dẫu vậy tôi vẫn thật lòng cám ơn ông, bởi vì nếu ông không viết bài này thì tôi chẳng có cớ gì viết bài trả lời cho mọi người hiểu rõ ông là ai, tài năng của ông cao đến đâu!. Ông đã luôn luôn dùng từ sòng phẳng, công lý thì khi ông đã nói đi, phải cho tôi nói lại, thế mới “toại lòng nhau”. (tôi cũng mong mỏi với tài năng của ông, ông gửi bài này cho một tờ báo nào đó ở trung ương đăng tải toàn bộ, không cắt bỏ, không sửa chữa. được thế tôi cám ơn ông lăm lắm).
Bây giờ tôi sẽ tự bảo vệ mình trước những điều ông vu vạ tôi.
Thứ nhất: Tôi đã thóa mạ các đồng nghiệp của Đỗ Lãng Quân ở đài phát thanh – truyền hình Cao  Bằng như thế nào?.
Ông Đỗ Lãng Quân viết: “các đồng nghiệp của tôi biết mình đúng, nhưng ông Uyên cứ cả vú lấp miệng em, viết một bài “meo” khắp các diễn đàn để thóa mạ họ”. Tôi xin nói ngay, tôi chỉ “meo” cho trang web trannhuong.com 2 bài, trong 2 bài đó chỉ 1 lần duy nhất tôi “có ý kiến” về đài Cao Bằng như thế này: “tôi cũng không muốn người xem truyền hình Cao Bằng qua chương trình “Rằng Phặt” mà quy kết, đánh giá năng lực những người làm chương trình.” Viết như thế mà bảo thóa mạ ư? Nếu như vậy phải sửa lại nghĩa của từ thóa mạ trong các từ điển tiếng Việt. Xin ông Đỗ Lãng Quân tìm kỹ trong 2 bài viết của tôi có từ nào, câu nào tôi thóa mạ đồng nghiệp của ông, tôi sẽ có thưởng cho ông.
Thứ hai: Hoàng Quảng uyên đã xúc phạm, thóa mạ cán bộ và nhân dân xã Hồng Quang như thế nào?
Đỗ Lãng Quân viết: “Nhưng dẫu thế nào cũng không nên xúc phạm, thóa mạ các cán bộ và bà con “được” ông Hoàng Quảng Uyên nhắc đến trong bài.” Tôi xin trích đoạn tôi đã “xúc phạm”, “thóa mạ” người dân Hồng Quang: “Tôi đặt ra yêu cầu để bà Họp thực hiện màn “gọi nước”. Bà Họp lom khom chui vào dưới vòm đá, hô hét, khua gậy, ném đá, gõ vào vách đá nhiều lần đến mệt phờ mà nước chẳng chịu lên cho. Bà ngồi thở, giải thích “nó xuống sâu quá rồi, không nghe thấy”. Tội nghiệp cho bà cụ quá. Tôi bồi dưỡng cụ ít tiền để cụ về còn kịp thả trâu.”.Tôi tả chính xác sự việc diễn ra như thế mà bảo là thóa mạ, xúc phạm thì thật không thể hiểu nổi. Còn đây là đoạn tôi “thóa mạ”, “xúc phạm” cán bộ xã Hồng Quang (mà trực tiếp là bí thư Đảng ủy Trần Văn Hải): “Suốt trong quá trình thí nghiệm, Bí thư Trần Văn Hải, Phó bí thư thường trực Lâm Thị Lợi và các cán bộ xã Hồng Quang không tỏ vẻ khó chịu, bực tức. Khi tôi đọc cho mọi người nghe biên bản xong, Bí thư Trần Văn Hải trầm ngâm, lưỡng lự một chút rồi cầm bút ký xác nhận những hiện tượng không thể chối cãi (mặc dù cán bộ văn phòng có ý ngăn: ký thế, khác gì tự tát vào mặt mình!). Tôi vô cùng cảm phục thái độ và tấm lòng của Bí thư Trần Văn Hải: chân thật, không lèo lá, quan cách, giúp đỡ chúng tôi hết mình. Nhìn vẻ mặt buồn buồn của bí thư Hải khi ký, tôi thấy mình như có lỗi với các anh, các chị và nhân dân xã Hồng Quang. Giá như mình “đồng tình” phủ một lớp “huyền thoại”  lên Rằng Phặt, mình “góp sức thêu dệt“ Rằng Phặt trở thành một điểm du lịch ký thú, đón tiếp hàng nghìn khách tham quan mỗi ngày, góp phần “xóa đói, giảm nghèo” cho xã Hồng Quang – Một xã vào loại nghèo nhất của huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng thì “hay biết bao!”. Đỗ Lãng Quân hãy soi thật kỹ xem trong đoạn ấy có những lời “thóa mạ”, “xúc phạm” gì để chỉ rõ cho bạn đọc biết nhưng tôi cấm ông không được bẻ queo câu chữ như kiểu, biến câu nói của một cán bộ xã “ký thế, khác gì tự tát vào mặt mình” thành: “đặc biệt, Ông Uyên còn lên báo xỉ vả ông Trần Văn Hải, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Quang là “tự tát vào mặt mình””.
Thứ ba: Ông Hoàng Quảng Uyên đã “ép” bí thư Trần Văn Hải ký vào “một văn bản viết tay loằng ngoằng” như thế nào?.
Bạn đọc đọc đoạn sau đây của Đỗ Lãng Quân  sẽ thấy sự vô lý đến nực cười: “Nhưng ông Uyên lại tin vào một thứ hết sức vớ vẩn. Đó là tờ giấy viết tay được ông Uyên viết, rồi nỉ non ép người ta ký vào đó, rằng “Mó nước tự dâng lên, tự rút đi”, bất chấp lãnh đạo xã Hồng Quang phản ứng dữ dội, bất chấp ông Trần Văn Hải bị “lập lờ đánh lận”, ký xong ông ta biết mình bị lừa đã lập tức quay ra chửi ông ... Uyên”. ở đây ông Đỗ Lãng Quân  đã “trao cho” Hoàng Quảng Uyên cái quyền năng của một thượng đế: Ông Uyên đến Rằng Phặt viết vớ vẩn rồi ép bí thư ký vào! Lãnh đạo xã Hồng Quang còn ai cao hơn Bí thư Đảng ủy, làm sao tôi ép được (và tôi cũng không thể ép được trưởng công an xã Bế Văn Tín và một số khách tham quan ở Bắc Ninh và các địa phương khác ký vào biên bản được.) Còn đoạn ông Đỗ Lãng Quân bảo: “Ông “nhà báo” Uyên còn yêu cầu bà Lâm Thị Lợi, phó Bí thư thường trực xã Hồng Quang phải mang con dấu của Đảng ủy ra khu vực có mó nước để ... đóng dấu vào văn bản ông Uyên vừa viết tay.” Ông Đỗ Lãng Quân bất chấp văn phạm để viết “yêu cầu”  lại “phải”, làm sao phải được nhỉ? Thưa ông Đỗ Lãng Quân? tôi không chờ đóng dấu là vì không cần phải “cẩn thận” đến mức ấy vì biên bản này đã có đủ tư cách pháp lý, không tin tôi sẽ gửi cho ông văn bản để ông đem lên công an giám định xem nó vớ vẩn hay là đủ tư cách pháp lý.
ở đây, để “bảo vệ” cán bộ xã Hồng Quang, Đỗ Lãng Quân đã lươn lẹo, bẻ queo câu chữ, đánh lận con đen trong bài viết của mình, điều đó vô tình đã hạ thấp, chế diễu và xúc phạm Bí thư Trần Văn Hải và Phó bí thư Lâm Thị Lợi – người đọc sẽ thấy hiện lên một ông Bí thư xã Hồng Quang nhu nhược, ngu ngơ, kém hiểu biết bị Hoàng Quảng Uyên “một nhà báo mạo nhận, giả danh” ép cho phải ký đến khi biết mình “bị lừa” bèn lập tức quay ra chửi ông... Uyên. Chao ôi, viết như thế mà viết được sao!
Đỗ Lãng Quân còn viết: “ông Uyên tự giới thiệu mình là người được nhà nước cho ăn học đến nơi đến chốn về toán học và vật lý học” đúng là tôi viết như thế, thực ra chỉ là một đoạn trích ngang lý lịch của tôi chứ tôi không hề có ý ngông nghênh, vênh váo. Tôi nói là được học đến nơi đến chốn không có nghĩa là tôi giỏi toán học và vật lý học. Đỗ Lãng Quân hiểu chệch đi thì tôi cũng phải chịu thôi. Tôi chẳng bực bội gì về điều này nhưng tôi cực lực phản đối về lối vu vạ của Đỗ Lãng Quân khi viết: “chúng tôi một lần nữa được xác tín điều này: ông Hoàng Quảng Uyên hiện tại không có thẻ nhà báo, cho nên việc ông lên báo Cao Bằng, báo Tiền Phong nói mình là “nhà báo Hoàng Quảng Uyên” là một sự ngộ nhận, mạo nhận, giả danh !!!”. Viết thế Đỗ Lãng Quân muốn khẳng định những bài viết của Đỗ Lãng Quân là đúng vì Đỗ Lãng Quân có thẻ nhà báo, còn những điều ông Uyên viết đều sai, “vớ vẩn” vì không có thẻ!. Tôi xin nói ngay điều này (mong bạn đọc đừng cho tôi là ngông nghênh, huênh hoang). Tôi được kết nạp vào Hội nhà báo Việt Nam lần đầu vào năm 1983, từ bấy đến nay tôi luôn luôn được cấp thẻ hội viên Hội nhà báo Việt Nam do đó tôi có quyền xưng danh tôi là nhà báo, là đúng pháp luật. Khi tôi còn công tác ở các cơ quan báo chí, ngoài thẻ Hội viên hội nhà báo Việt Nam tôi còn có thẻ nhà báo do Bộ văn hóa cấp để hành nghề, từ khi tôi không còn làm ở các cơ quan báo chí nữa lẽ dĩ nhiên tôi nộp lại thẻ nhà báo cho nhà nước. Khi đó tôi xưng danh là nhà báo tự do. Không ai có quyền tước đi danh xưng nhà báo của tôi và cũng không ai có quyền bắt tôi không được viết báo, in báo. Nếu quan niệm như Đỗ Lãng Quân thì trong hơn mười nghìn hội viên Hội nhà báo Việt Nam hiện nay có rất, rất nhiều nhà báo “ngộ nhận”, “mạo nhận”, “giả danh” vì không có thẻ nhà báo mà chỉ có thẻ hội viên, mà khi đã ngộ nhận, giả danh thì rất dễ bị tống vào trại giam – Nhà giam nào chứa nổi gần chục nghìn nhà báo giả danh đó – ai sẽ vào trại giam? Những nhà báo “giả danh” hay nhà báo vu vạ Đỗ Lãng Quân? - một người có thẻ nhà báo, dùng thẻ nhà báo để dọa nạt, vu vạ những người làm công tác báo chí ... yếu bóng vía.
Chưa hết, Đỗ Lãng Quân còn luôn diễu cợt tôi: “Ông ta luôn vỗ ngực là nhà văn”. Tôi vỗ ngực hay không thì mọi người đều biết nhưng tôi có quyền và tự hào khi giới thiệu mình là nhà văn bởi những đóng góp văn chương của tôi và tôi là hội viên hội nhà văn việt nam. Nhưng mà thôi tôi không nói dài nữa .
Thứ tư: Đỗ Lãng Quân đã làm xiếc chữ như thế nào để dựng chân dung một nhà báo, nhà văn “giả danh”.
Dưới con mắt của Đỗ Lãng Quân thì Hoàng Quảng Uyên là người luôn đi kiện để giới chữ nghĩa Cao Bằng không thể chơi được! Cho nên cái việc ông ta “kiện” Đỗ Lãng Quân (thực ra chỉ là trao đổi lại cho đúng sự thật) là điều dễ hiểu! Tôi xin được nói ngắn như thế này: Tôi công nhận là khi tôi phát hiện đạo văn, đạo thơ, đạo tranh, phát hiện những vi phạm pháp luật, phát hiện tham nhũng ... tôi đã phanh phui và đấu tranh đến cùng do đó việc “thêm kẻ thù” là điều dễ hiểu. Trong các vụ kiện những năm gần đây tôi luôn luôn thắng. Xin nêu một điển hình là vụ kiện lãnh đạo đài phát thanh và truyền hình Cao Bằng. Đỗ Lãng Quân viết: “Hỏi ra mới biết, lãnh đạo đài phát thanh truyền hình Cao Bằng từng bị ông Hoàng Quảng Uyên đâm đơn kiện ra tòa, tòa xử có bản án hẳn hoi ... “. Đỗ Lãng Quân đừng viết “lửng lơ” để hại tôi như thế. Tôi xin nối vào dấu ba chấm một sự thực như sau:Đài truyền hình Cao Bằng thuê Hoàng Quảng Uyên làm một phim tài liệu 30 phút có tên Non Nước Cao Bằng với giá 14 triệu đồng. Tôi đã làm xong, trao sản phẩm có biên bản nghiệm thu nhưng lãnh đạo đài không trả đủ tiền, Tôi nhiều lần gặp giám đốc nhưng giám đốc vẫn không chịu trả. “Muốn đến đâu thì đến”. Cực chẳng đã tôi nói với giám đốc: “chú đừng trách anh nhé, anh sẽ tự xử lý.” Giám đốc bảo “tùy anh”. Tôi đã buộc phải làm đơn ra tòa dân sự để bảo vệ danh dự (đòi tiền chỉ là việc hết sức phụ). Tòa xử: Đài truyền hình phải trả ông Uyên đủ 14 triệu đồng và chịu toàn bộ án phí. Đó là sự thật. Một sự thật chưa nói hết, nếu tôi kiện tiếp giám đốc đài chắc chắn bị bãi chức vì có sự lập lờ trong giấy tờ! Những vụ khác cũng có kết quả tương tự.
Thứ năm: Lý do để ông Đỗ Lãng Quân vu vạ Hoàng Quảng Uyên.
Trong vụ Rằng Phặt, Đỗ Lãng Quân khẳng định mó nước hiểu tiếng người mang mầu sắc thần bí với lối viết thổi phồng, thêu dệt không có giới hạn, hướng dẫn sai dư luận. Hoàng Quảng Uyên đã vào Rằng Phặt quan sát hai lần thấy một sự thật hiển nhiên là không gọi nước vẫn cứ tự lên xuống,rồi viết bài để: “không cho người dân coi hiện tượng bài báo nêu là thần bí để làm những việc vô nghĩa và chỉ mang lại những hậu quả không tốt.” (Thư của PGS.TS Lê Trọng Thắng – Trường đại học Mỏ địa chất gửi báo ANTG ngày 5/11/2009.) Thấy có người có ý kiến khác mình trên báo chí Đỗ Lãng Quân liền bật lò xo: “Tôi thề có chúa, ông Uyên “đánh” các nhà báo viết hiện tượng quá xôn xao ở quê ông là bởi vì ông tự ái, vì ông bị cảm thấy qua mặt. Vì ông nghĩ mình là nhất, cớ sao lại có những đứa dám “vuốt mặt không nể mũi”. Gần 60 năm ở đó mà ông không biết, thằng Hà Nội leo lên “đớp” mất đề tài hay”. Bạn đọc “kinh hoàng” với những câu chữ và suy luận rất bệnh hoạn của Đỗ Lãng Quân vì bệnh hoạn như thế nên Đỗ Lãng Quân viết một cách cay cú, hả hê: “thằng Hà Nội leo lên đớp mất đề tài hay”. Chả ai coi cái đề tài và hiện tượng ở Rằng Phặt như là một khúc xương để mà tranh nhau đớp như Đỗ Lãng Quân. nhiều người bảo với tôi: đối thoại với người có giọng điệu hạ đẳng như thế làm gì. Tôi xin nói thêm vào năm 2007 trên báo Cao Bằng đã in bài của tác giả Đàm Minh Thanh viết về Rằng Phặt mô tả đúng thực trạng, không nói vống lên, không thêu dệt, người đọc cho là hiện tượng bình thường, có một chút là lạ chứ không có gì là thần bí, nên không có ai chú ý. Nay có Đỗ Lãng Quân với tài năng của mình đã có một phát hiện vĩ đại, qua mặt cả Đàm Minh Thanh, gây xôn xao dư luận. Như thế người tự ái phải là Đàm Minh Thanh chứ không phải là Hoàng Quảng Uyên! Tôi chỉ viết đúng sự thật những gì tôi đã chứng kiến để điều chỉnh lại dư luận, đó là việc đảm bảo thông tin hai chiều như Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhắc nhở. Nói lại, trao đổi lại sao lại bảo là “đánh” đồng nghiệp!
Thứ sáu: Đỗ Lãng Quân thích làm thầy, thích dạy dỗ, thích có những phát hiện “động trời”
Đỗ Lãng Quân có bốn năm học báo chí, “làm việc” ở những tờ báo lớn, thỉnh thoảng có được mời đi một số nơi để trao đổi kinh nghiệm (theo một kênh nào đó). Mãi rồi thành quen, Đỗ Lãng Quân ngộ nhận mình là thầy thiên hạ, có quyền phán bảo từ trên cao. Nói vậy là tôi có cơ sở từ chính những dòng chữ còn in trên giấy trắng mực đen của Đỗ Lãng Quân chứ không phải nói vu vơ, chụp mũ. Này nhé: “Tôi lại xin mạo muội tập huấn cho ông Uyên hiểu những phông kiến thức tối thiểu của người viết văn, viết báo.” Vâng, cám ơn! tôi không có một ngày nào được học báo chí nên rất muốn được nghe “dạy”, nhưng “dạy” theo kiểu nói vống lên, thêu dệt, vu vạ, làm xiếc chữ, viết văn mà không hiểu nghĩa của các từ (như chiết tự chẳng hạn.) và dùng các từ mà người có liêm sỉ không bao giờ dám dùng (như từ “đớp” chẳng hạn). Nếu biết Đỗ Lãng Quân “dạy” thế thì chẳng nơi nào dám “mời thầy” cả.
Không chỉ muốn “dạy dỗ” Hoàng Quảng Uyên mà Đỗ Lãng Quân còn “dạy” ông Vương Hùng “một người rất đáng kính trọng”. Ông Đỗ Lãng Quân dạy ông Vương Hùng thế này: “Ông Uyên đưa một ông Vương Hùng, người đã ngoài 80 tuổi, đến “thăm thú” mó nước trong vài chục phút rồi xúi ông già người vùng cao phát biểu trên báo chí, tôi nghĩ ông Hùng không nên dại dột để ông Uyên “đánh tráo khái niệm” mãi như vậy”. Tôi đọc đoạn này cho ông Vương Hùng nghe, ông Vương Hùng giọng buồn buồn “viết đến thế ư, tưởng tài năng, nhân cách thế nào? không chấp”.
Không những Đỗ Lãng Quân muốn “dạy dỗ” Hoàng Quảng Uyên và ông Vương Hùng mà còn “dạy dỗ” Báo Cao Bằng: “báo Cao Bằng, cũng cần xem lại sự nuông chiều của mình với những bài viết đầy rẫy những “hạt sạn” của ông Hoàng Quảng Uyên, khi các vị đưa ra những nhận định sai lầm, khi các vị cho ông Uyên mượn diễn đàn miệt thị người khác, đến lúc sự việc “ba năm rõ mười” rõ là ông Uyên nói hàm hồ xằng bậy thì các vị liệu có nên im lặng “hòa cả làng” được không ...?”. Cao hơn một bậc, Đỗ Lãng Quân “dạy dỗ” cả tỉnh ủy, ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng: “tỉnh ủy, ủy ban và cơ quan hữu quan tỉnh Cao Bằng cũng cần có cách xử lý thích đáng, chứ không thể để một người là “nhà văn, nhà báo” sống ở tỉnh nhà tự ý cho mình chửi bới người khác trên diễn đàn công luận mà bất biết thế nào là sai, là đúng”. Và cuối cùng, Đỗ Lãng Quân “leo đến đỉnh điểm” của sự vênh váo, phê phán với giọng điệu “dạy dỗ” một số tờ báo ở trung ương,địa phương, trang web trannhuong.com (báo Tiền Phong cuối tuần, báo Cao Bằng, báo Tin tức – TTXVN, báo Dân Trí, báo Đất Việt ...) vì đã “liều” in bài của Hoàng Quảng Uyên và một số tác giả khác phản bác điều: Mó nước hiểu tiếng người: “Hóa ra, cả một số tờ báo Trung ương và địa phương, cả trang web trannhuong.com hình như đều đã bị ông Uyên lợi dụng để rỉa rói người khác theo những căm tức cá nhân và thiển cận của mình ...? Thật không hiểu nổi!”. Ai không hiểu? Thưa ông Đỗ Lãng Quân.
Còn nhiều điều tôi muốn nói nhưng chắc bạn đọc cũng đã mệt vì chỉ thấy nói tới chuyện cá nhân với cá nhân, còn câu chuyện Rằng Phặt hiểu hay không hiểu tiếng người chẳng thấy nói. Vâng, xin bạn đọc thông cảm, chịu khó chờ đợi tuần sau Hoàng Quảng Uyên sẽ có bài cụ thể về việc đó sau khi Đỗ Lãng Quân đã nói hết mọi nhẽ trong tờ ANTG. Hoàng Quảng Uyên sẽ cung cấp cho độc giả những chi tiết “hay mọi nhẽ” và có lời đề nghị với thiếu tướng, nhà văn Hữu ước, tổng biên tập báo CAND cho in bài trả lời của tôi trên báo ANTG để có thông tin hai chiều gửi tới bạn đọc. Tôi cũng sẽ gửi bài viết cho các báo Trung ương và địa phương, những tờ báo đã đăng tải sự kiện “Rằng Phặt”. Tôi biết việc in bài của tôi là rất khó vì bây giờ tôi đang ở trong tình thế một mình chống lại với một tập hợp những người luôn khẳng định: “Mó nước Rằng Phặt hiểu tiếng người”. Nhưng tôi tin phía sau tôi còn có bạn đọc, còn có những đồng nghiệp, bạn bè đã ủng hộ và giúp đỡ tôi và đặc biệt là còn có sự thật  một sự thật hiển nhiên ở Hồng Quang: Rằng Phặt không thể hiểu tiếng người.
Đỗ Lãng Quân cứ tưởng vác đá đập nát người khác, ai dè lại tự ghè nát chân mình. Thương thay. Khốn thay!
Xin cám ơn bạn đọc yêu quý. Tôi rất muốn nhận được sự chia xẻ của các bạn. Xin ghi số điện thoại và email của tôi để tiện liên lạc:
hoangquanguyen@gmail.com. ĐT:0973187740.
 
Cao Bằng, ngày 21 tháng 11 năm 2009