Trang chủ » Tin văn và...

Kết quả điều tra, nghiên cứu bước đầu về “Mó nước “hiểu” tiếng người” ở Cao Bằng: NHÀ VĂN HOÀNG QUẢNG UYÊN, MÓ NƯỚC ĐẦY VÀ...SỰ CẠN NGHĨ

Đỗ Lãng Quân
Thứ sáu ngày 20 tháng 11 năm 2009 10:09 AM
TNc: Sau khi chúng tôi cho đăng bài Rằng Phặt không thể hiểu tiếng người của nhà văn, nhà báo Hoàng Quảng Uyên thì nhận được ý kiến phản hồi của bạn Đỗ Lãng Quân và bạn Đỗ Lãng Quân đã gửi các bài viết in trên CAND và ANTG. Chúng tôi thấy việc thông tin hai chiều là rất cần thiết như lời TBT Nông Đức Mạnh đã nói, vì vậy Trannhuong.com đưa lên các bài viết về Rằng Phặt đã được in trên CAND và chuyên đề ANTG. Chúng tôi để đường dẫn các bài dưới đây để bạn đọc tiện truy cập:

Đường dẫn đọc bài Hoàng Quảng Uyên trên Trannhuong.com

Đường dẫn đọc bài trên An ninh thế giới 
http://www.cand.com.vn/vi-VN/phongsu/2009/11/122605.cand

Đường dẫn đọc bài trên CAND 
http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2009/11/122601.cand

- Hiện tượng kỳ thú ở Rằng Phặt cần được bảo vệ và nghiên cứu xứng tầm !

Sau khi tìm hiểu ở hiện trường, các nhà khoa học khẳng định: việc nước ở Rằng Phặt dâng lên khi có tác động của âm thanh là có thật; điều đó hoàn toàn có thể lý giải được bằng nguyên lý khoa học, đề nghị cơ quan chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu nhằm quản lý và bảo vệ mó nước trước khi nó bị phá huỷ hoặc bị những tác động xấu làm chấm dứt hiện tượng tự nhiên hy hữu, hàm chứa nhiều ý nghĩa trong đời sống cũng như trong nghiên cứu khoa học đó...

Sau khi chuyên đề An ninh thế giới (ANTG) đăng 2 bài phóng sự xung quanh một “Mó nước “hiểu tiếng” người” ở Cao Bằng (bài đầu phát hành và ngày 21/10/2009), nhiều độc giả và một số nhà khoa học đã tâm huyết gửi các phản hồi về toà soạn nhằm tìm lời giải đáp cho một câu chuyện “lạ lùng”. Đặc biệt, một số tờ báo đã khá “nồng nhiệt” đăng tải những nhận định hơi vội vàng và thiếu thận trọng của người viết không hề có chuyên môn về địa chất rồi tự coi đó là một kết luận về “sự kiện Rằng Phặt”. Để rộng đường dư luận, với tất cả sự tôn trọng các ý kiến phản biện, với sự cầu thị tìm hiểu chân lý khoa học để giúp độc giả khám phá  hiện tượng thiên nhiên kỳ thú ở Rằng Phặt, các CTV chuyên đề ANTG đã “theo chân” nhóm các nhà khoa học “danh chính ngôn thuận” trở lại Cao Bằng nghiên cứu mó nước “hiểu” tiếng người.
           Hai nhà khoa học trực tiếp lên Cao Bằng làm việc, gồm: TSKH Vũ Cao Minh, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Địa chất (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam); TS Nguyễn Hữu Hùng, Tổng thư ký Hội cổ sinh địa tầng Việt Nam. Cùng thời gian này, chúng tôi cũng nhận được “công trình” tâm huyết “giải mã” hiện tượng hy hữu ở mó nước Rằng Phặt của PGS.TS. Lê Trọng Thắng , Trưởng  Bộ môn Địa chất công trình - Địa kỹ thuật, Trưởng phòng Đào tạo Đại học và Sau đại học, Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Như độc giả đã biết, TSKH Vũ Cao Minh, với tư cách là một chuyên gia hàng đầu về địa chất, từng nhiều năm nghiên cứu và thành công ở các địa hình kaster dữ dội khắp miền núi phía Bắc Việt Nam; ông Minh đã tiếp cận tài liệu về mó nước Rằng Phặt từ khi các nhà báo mới từ Rằng Phặt trở về (chưa hề viết bài). Vào thời điểm đó, tức là chưa có một ý kiến tranh luận nào, ngay từ bài viết đầu tiên về Rằng Phặt, TSKH Vũ Cao Minh đã bày tỏ (trên mặt báo) sự mong muốn được lên tận thực địa xã Hồng Quang tiến hành nghiên cứu mó nước kỳ thú “cả trong đời thường và trong nghiên cứu khoa học” (như lời ông nói). Ở bài thứ 2 (vẫn chưa có một ý kiến tranh luận nào), ông Minh còn tâm huyết hứa với độc giả rất cụ thể: khoảng 20 ngày nữa (tính từ khi báo phát hành), ông sẽ lên Cao Bằng ngõ hầu tìm câu trả lời hầu độc giả.
         Nhóm tác giả viết bài cho chuyên đề ANTG, với tất cả sự tôn trọng chân lý khoa học, chỉ dám gợi mở vấn đề, chứ tuyệt nhiên chưa bao giờ đưa ra một kết luận cụ thể nào về hiện tượng thú vị mà chúng tôi đã ghi hình, ghi âm kỹ càng từ mó nước. Thậm chí, chúng tôi còn “rộng đường tranh luận” đến mức, bên cạnh việc đăng tải ý kiến các chuyên gia hàng đầu về địa chất, chúng tôi còn trích dẫn cả ý kiến của những công dân hết sức bình thường, cả đời sống quanh quẩn ở khu vực có mó nước, chỉ tò mò nghe đồn về Rằng Phặt thì nhàn rỗi ghé xem..., ví dụ như ông Hoàng Quảng Uyên (đã đăng ở bài thứ 2).
            Phân tích một chút như thế để thấy rằng, việc ông Minh và TS Nguyễn Hữu Hùng lặn lội lên Cao Bằng, vượt qua cái lạnh căm căm đầu mùa rét sương 2009 để vào Hồng Quang leo núi, sục xuống mó nước lạnh buốt, chui vào hang núi tối om là bởi vì tiếng gọi của niềm say mê khoa học tự thân - chứ không nhằm mục đích “vạch mặt” sự thiển cận của một số ý kiến thiển cận khi tranh luận về mó nước Rằng Phặt. Tại Cao Bằng, ông Minh và cộng sự đã báo cáo, trình “giấy tờ văn bản”, trao đổi kết quả nghiên cứu bước đầu, kiến nghị các biện pháp bảo vệ và tôn vinh mó nước với đại diện UBND tỉnh Cao Bằng và một số ban ngành hữu quan. Không cần bình luận, không màu mè đao to búa lớn, hai chuyên gia địa chất, địa mạo của của chúng ta đã rời thị xã Cao Bằng từ khi bầu trời miền phên giậu mùa giá rét còn chưa sáng để có thể là người đầu tiên tiếp cận mó nước Rằng Phặt sau một đêm trời đất Hồng Quang ngủ ngon lành (tức là khi mó nước chưa bị “nhiễu” bởi tiếng ồn). Khi vách núi hình mặt quỷ vẫn nứt toác gương mặt, những hõm sâu hốc mắt, hốc miệng còn ẩn tàng trong sương sớm đầy hăm doạ, khi sương còn đọng trắng mơ màng trên các bờ cỏ triền đồi dọc lối đi bộ đến Rằng Phặt, các chuyên gia đã rón rén đi vào mó nước “hiểu” tiếng người. Từ hôm trước đó, được tin TSKH Vũ Cao Minh lên nghiên cứu, cán bộ địa phương đã được quán triệt cho lực lượng bảo vệ, ngăn không cho người vào hò hét, đập gõ đá gây nhiễu loạn các túi khí có thể đang tồn tại để gây áp lực đẩy nước ra mỗi khi có tiếng động, âm thanh. Chúng tôi và các phóng viên Đài PTTH Cao Bằng, với camera chuyên dụng cũng nín thở “theo dõi” hai vị chuyên gia địa chất tác nghiệp. Lãnh đạo Đảng uỷ xã Hồng Quang cũng đã kịp thời có mặt. Quả là, khi chưa bị “tấn công” bởi đám đông hiếu kỳ, mó nước dâng lên, rút đi rất “nhạy”. Nó cũng nhạy hơn với các âm thanh xao động.
         Trong vài tiếng đồng hồ thực hiện các thao tác điều tra, nghiên cứu, 2  nhà địa chất đã ghi nhận được sự biến động (nước lên, nước xuống) của mó nước. Đó là những hoạt động lên xuống với mức nước và thời gian để dâng nước, rút nước không đồng đều. Đặc biệt, trong quá trình nước dâng lên, nếu có tác động của âm thanh (tiếng gọi, tiếng hú) thì nước lên nhanh hơn, nhiều hơn. Đông đảo người có mặt đều ồ lên, thú vị trước một hiện tượng đẹp: nước dâng lên tới 16cm sau khi có tiếng gọi. Trực tiếp xắn quần, cầm dụng cụ lùa nước vào trong lòng mó, trực tiếp hú gọi và xách tay nải đi tìm hệ thống hang động gió lùa trọng khu vực, trực tiếp ghi nhận nước dâng lên nhiều hơn, rõ rệt hơn, nước rất “nhạy cảm” với các tác động của con người, tại mó nước, TSKH Vũ Cao Minh đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với chúng tôi và các đồng nghiệp của chúng tôi ở Đài PTTH Cao Bằng, xin trích từ băng ghi hình:
          Hỏi: “Thưa ông, với tư cách là một chuyên gia hàng đầu về địa chất, sau trọn vẹn một buổi sáng “xắn quần móng lợn” đi điều tra nghiên cứu tại hiện trường mó nước Rằng Phặt, ông đã có thể có những nhận định ban đầu như thế nào?”.
TSKH Vũ Cao Minh: “Chúng tôi đã tiến hành đo đạc các biểu hiện nước dâng lên và rút xuống, thử nghiệm các tác động của con người gây ra hiện tượng nước dâng và nước rút ra sao..., chúng tôi có những nhận xét thế này: mó nước Rằng Phặt đang vào mùa cạn kiệt, mực nước trung bình (khi không có tác động của âm thanh và các hiện tượng nâng lên rút xuống khác) nước đã hạ thấp đến gần đáy mó. Tôi có hỏi bà con rất kỹ, được biết: đến dịp gần Tết Ta của mỗi năm, mực nước trong mó sẽ còn cạn thêm một ít nữa so với hiện nay (thời điểm ngày 16/11/2009). Theo kết quả đo đạc, ghi nhận, phân tích, đánh giá ban đầu, có thể thấy tương đối rõ ràng: hiện tượng nước dâng lên và nước rút đi ở mó là có thật. Và, mó nước này khá “nhạy cảm” với các tác động của thiên nhiên và con người. Chúng tôi làm cả các thí nghiệm như gây tác động, áp lực lên bề mặt mó nước, thì rất rõ ràng: lần nào có tác động nước cũng dâng lên ngay sau đó. Tôi và TS Nguyễn Hữu Hùng cũng đã tiến hành khảo sát bước đầu dọc hệ thống địa hình kaster rất phát triển, rất tiêu biểu ở trong khu vực, hoàn toàn có thể đặt vấn đề nghiên cứu kỹ hơn về tác động của âm thanh (tiếng vỗ tay, tiếng hú gọi) và của gió lùa trong các hang động karst dọc từ vách núi, theo các hang hốc ngầm để tác động vào mó nước. Nhất là vào thời điểm mực nước cao hơn, độ “nhạy cảm” của mó nước tốt hơn, thì lúc đó, việc bà con cất tiếng gọi nước lên là hoàn toàn có thể xảy ra. Và việc bà con trả lời chúng tôi rằng, suốt nhiều năm qua, hễ khi bà con nào cất tiếng gọi, nước đều dâng lên là  có cơ sở thực tiễn của bà con. (Trước ống kính truyền hình, các nhà khoa học và những người chứng kiến, các cụ già người Nùng kể: trước đây, lần nào gọi nước cũng lên, mãi gần đây, vì hang bị bồi lấp gần kín, vì số người hiếu kỳ kéo đến, liên tục hú gọi và gây các tác động cơ học khác độ thì “nhạy cảm” của mó nước mới có biểu hiện “nhiễu loạn” đi - PV ) ”.
Hỏi: “Ông lý giải thế nào về chuyện “khó tin nhưng có thật” đó: mỗi khi có tiếng gọi thì nước dâng lên để cho... trâu xuống uống nước, để lấy nước tưới cây, ngào đất làm gạch - những câu chuyện quá quen thuộc từ nhiều đời qua - ở Rằng Phặt?
TSKH Vũ Cao Minh: “Tôi khẳng định lại một lần nữa, hiện tượng nước dâng lên do tác động của âm thanh và con người là hiện tượng rất đáng lưu ý, hết sức độc đáo. Tôi đã lục tìm văn liệu địa chất Việt Nam và thế giới, hiện tại chưa thấy ghi chép về điều này. Nhưng, hiện tượng khoa học này hoàn toàn có thể giải thích được: bởi mó nước Rằng Phặt này nằm trong một thung lũng sâu, hai bên hai dãy núi cao, như vậy tác động của âm thanh khi ta gọi thì hoàn toàn có thể là nguyên nhân gây ra những áp lực vào các dòng chảy ngầm. Nhân đây, chúng tôi cũng hơi đi sâu vào chuyên môn một chút. Chúng tôi đã nghĩ tới cái cơ chế có thể làm cho nước trào lên, đó là những bẫy không khí, những vòm khí có trên mặt nước ngầm ở trong hang động sâu mà đứng trên mặt đất như thế này chúng ta không nhìn thấy được. Nhưng, mỗi khi có tác động của gió lùa trong các hệ thống hang động trên núi, của những tiếng hú gọi, thì hoàn toàn có thể làm cho nước trào ra ở cửa có mó nước Rằng Phặt”.
Hỏi: “Là một  người có kinh nghiệm về địa chất, cảnh quan, địa mạo, từng có nhiều đóng góp quan trọng cho việc quy hoạch, tôn vinh đề án Công viên địa chất toàn cầu ở Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), với “đặc sản” kỳ lạ mó nước Rằng Phặt, theo ông, chính quyền địa phương cần phải “ứng xử” như thế nào?”.
TSKH Vũ Cao Minh: “Tôi cho rằng, một mặt cần phải có những khảo sát nghiên cứu chi kiết, “xứng tầm” hơn, đồng thời cần có phương án bảo vệ khu đáo mó nước này. Hiện nay, lượng bà con hiếu kỳ kéo đến rất đông, họ làm các “thí nghiệm” tác động xấu đến cảnh quan, môi trường, kể cả địa mạo của mó nước (có tình trạng ném đá vào... lấp bỏ  mó nước) như hiện nay... là một cách ứng xử chưa khoa học. Qua kinh nghiệm làm việc về địa chất nhiều năm của mình, tôi đánh giá, mó nước Rằng Phặt hàm chứa một hiện tượng thiên hiên rất đáng lưu tâm về mặt khoa học, đồng thời nó cũng là một khu vực có cảnh quan đẹp với những dãy núi đá vôi, các rừng đá nhỏ, những thung lũng karst tiêu biểu. Nên bảo vệ, trân trọng đặt mó nước trong tổng thể cảnh quan kỳ thú của các chuỗi du lịch đã có “tên tuổi” ở nước non Cao Bằng.
Với cá nhân tôi, sự thực khoa học cũng như câu chuyện “cổ tích” về các cô Xằm, Sỏi, Mỏi giữ kho vàng khoa bạc kể trên quả thật là rất đẹp. Bà con người Nùng ở địa phương, từ nhiều đời qua đã có quan sát một hiện tượng tự nhiên có thật để từ đó sáng tạo ra “huyền thoại” rất hay. Điều đó đã làm cho thiên nhiên phong phú, sống động lên. Tôi đã xem rất chi tiết các thước phim mà nhóm nhà báo ở Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Cao Bằng đã quay vào mùa nước lớn, thì thấy nước dâng lên cuồn cuộn rất đẹp (những thước phim này sẽ được tải lên báo mạng điện tử của Báo Công an nhân dân, chuyên đề ANTG - PV). Nay, vì đã vào mùa khô, mực nước thấp cho nên nó chỉ chảy lên thành luồng với tiếng nước chảy như thác trong hang hang ngầm mà bà con và du khách vẫn chui “thưởng thức” vào khi đến thăm mó nước”.
- Xin cảm ơn TSKH Vũ Cao Minh.
Nếu cứ gọi hoặc vỗ tay liên tục thì nước ở Rằng Phặt sẽ ngừng chảy ra !!!
         PGS.TS. Lê Trọng Thắng , Trưởng  Bộ môn Địa chất công trình - Địa kỹ thuật, Trưởng phòng Đào tạo Đại học và Sau đại học, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, sau khi đọc bài viết đầu tiên về mó nước Rằng Phặt trên ANTG, khi chưa có bất cứ tranh luận nào xung quanh câu chuyện này, đã viết thư đến tòa soạn, ngõ hầu giải thích hiện tượng “hiểu” tiếng người kể trên. Điều đặc biệt là: sau khi giải thích hiện tượng nén khí trong lòng hang tối khiến nước dâng lên khi có dao động âm thanh (như tiếng gọi, tiếng hú, tiếng bước chân người...), PGS Lê Trọng Thắng còn dự báo được cả việc đám đông hiếu kỳ kéo đến sẽ làm nhiễu loạn các các túi khí “nhạy cảm” ở trong hang: khi ấy, việc gọi nước lên sẽ bớt “ứng nghiệm” dần, nếu không bảo vệ, thì nó sẽ… biến mất. Rõ ràng, với những gì lộn xộn đáng quan ngại diễn ra ở Rằng Phặt hiện nay đã và đang chứng minh nhận định của PGS Thắng là đáng tin cậy.
         Sau đây chúng tôi xin trích nguyên văn những gì ông Lê Trọng Thắng đã viết:
“Theo tôi, vấn đề mà bài viết trên ANTG nêu có liên quan đến hiện tượng hang cacto hình thành có cấu tạo như một xiphong, tạo nên những mạch nước đứt quãng theo mùa hoặc hình thành những bồn chứa nước có nguồn cấp phụ thuộc vào mùa mưa vẫn thường gặp trong tự nhiên. Dưới đây là cấu tạo của xiphông:
  
                        Hình 1- Tạo túi nước                Hình 2- Tạo mạch nước ngắt quãng
 
Trong tự nhiên dạng xiphong kiểu như hình vẽ không phải là hiếm. Tuy nhiên, dạng xiphông tạo nên hiện tượng “thần bí” như bài báo nêu  là hy hữu, nhưng hoàn toàn có thể thành tạo trong tự nhiên, và hiện tượng đó là có thể giải thích được bằng cơ chế vật lý. Dưới đây là cấu tạo của dạng xiphông kép:
 
                                                 Hình 3- Dạng xiphong kép
       Hệ thống có thể ít nhất với 2 xiphông nối liền nhau. Xi phông 1 được cung cấp nước từ một nguồn ngoài vào từ miền cấp. Khi mực nước trong xiphông 1 dâng cao, vượt qua cổ xiphông (điểm A) thì nước tràn sang xiphông2. Qúa trình cấp nước từ xiphông 1 sang xiphông 2 diễn ra theo thời gian. Mực nước trong xiphông 2 dâng cao dần. Khi mực nước trong xiphông 2 cao hơn vị trí điểm B, sẽ tạo nên nút bịt không cho khí từ trong xiphông 2 thoát ra qua cổ xiphông tại điểm C. Nếu nước trong xiphông 1 tiếp tục cung cấp cho xiphông 2, mực nước trong xiphông 2 dâng nên, dồn ép không khí ở phía trên tạo thành túi khí bị nén. Qúa trình mực nước trong xiphông 2 dâng lên ngang bằng vị trí điểm C sẽ tạo áp lực khí nén lớn nhất. Nếu nước trong xiphông 1 tiếp tục cung cấp cho xiphông 2 thì nước sẽ thoát qua điểm C và ra ngoài. Hiện tượng có bọt khí sủi lên là do khí bị nén  thoát theo nước ra ngoài. Như vậy, qúa trình tự nhiên đã tạo nên áp suất cao trong túi khí và cân bằng áp lực khí và nước trong toàn bộ hệ thống. Khi chúng ta nói hay vỗ tay hoặc tạo bất cứ một rung động nào trong không khí, sóng âm sẽ tác động vào nước và tác động vào túi khí bị nén. Qúa trình dao động của sóng âm thanh làm cho mực nước trong xiphông2 dao động. Khi mực nước bị ép xuống, nước sẽ tràn qua cửa xiphông (điểm D) để ra ngoài. Khi mực nước dềnh lên, nước bên ngoài sẽ bị hút vào trong xiphông.
            Như vậy, với cơ chế vật lý này, bất cứ tác động nào làm tăng áp suất không khí trong xiphông 2 đều làm cho nước thoát ra chứ không chỉ là câu “thần chú” Về mùa mưa, khi nước trong xiphông 1 được bổ cập và cung cấp cho xiphông 2 nhiều và đều đặn, nước có thể sẽ thoát ra liên tục ở cửa xiphông 2 (mó nước). Trường hợp nếu gọi hay vỗ tay liên tục thì có thể dẫn đến hiện tượng nước chảy ra sẽ giảm dần, hoặc đến lúc nào đó nước sẽ ngừng chảy ra, do mực nước trong xiphông 2 và áp lực túi khí nén bị suy giảm.
(...)
         Theo chúng tôi, thiên nhiên luôn tạo nên những điều kỳ diệu. Muốn đánh giá khách quan hiện tượng này cần có sự nghiên cứu đầy đủ mới có thể đưa ra được kết luận đúng đắn. Nếu hiện tượng “hiểu” tiếng người đã từng xảy ra, do các tác động làm thay đổi trạng thái cân bằng khí, đến nay không còn biểu hiện nữa, thì chắc rằng sau thời gian nào đó, quá trình này sẽ được tái lập, và mó nước sẽ lại ‘Hiểu” được tiếng người. Tuy nhiên, nếu con người đào bới hoặc làm thay đổi các điều kiện tự nhiên thì Mó nước sẽ mãi mãi không “Hiểu” được tiếng người nữa. Bởi vậy, để có những đánh giá đúng, chính quyền địa phương cần có giải pháp theo dõi và bảo vệ mó nước này. Sự xuất hiện của mó nước là dấu hiệu cho thấy tiềm năng nước ngầm trong cacto của vùng và cần được điều tra nghiên cứu để phục vụ cấp nước sinh hoạt và phát triển kinh tế cho địa phương”.

 Vài lời tản mạn gửi ông nhà văn Hoàng Quảng Uyên

          Chúng tôi nghĩ rằng: các tờ báo, các trang web có quyền đăng tải ý kiến của ông nào đó tên là Uyên về hiện tượng thú vị không dễ lý giải ở Rằng Phặt, nhưng, dẫu thì nào thì cũng không nên xúc phạm, thóa mạ các cán bộ và bà con “được” ông Hoàng Quảng Uyên nhắc đến trong bài theo cách đó. Đấy là chưa kể, ông Hoàng Quảng Uyên  chữ bẻ đôi về địa chất cũng mù tịt, lại dám ngông nghênh tự tuyên bố: đã lý giải được hiện tượng mà các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực địa chất mới chỉ... dám phỏng đoán. Sự thật là các “kết luận” của ông ta, cuối cùng đã sai 100% so với các khảo sát đánh giá do các nhà khoa học chính thức tổ chức nghiên cứu tại Rằng Phặt (như ANTG đã phản ánh). Vì sao có sự sai lầm của ông Hoàng Quảng Uyên?
             Tôi lại xin mạo muội được tập huấn cho ông Uyên hiểu những phông kiến thức tối thiểu của người viết văn viết báo, như sau: ta phải xét sự vật hiện tượng trong hoàn cảnh của nó (ông Uyên đến mó nước khi nó cạn trơ đáy, để “hả hê” phản bác lại miêu tả của các tác giả đến trước ông trong mùa nước đầy trong mó); phải thống nhất quan điểm trong tranh luận (cùng một ngày, độc giả được đọc 2 ý kiến trái ngược nhau hoàn toàn của cùng một gã ký tên Hoàng Quảng Uyên, trên báo Tiền Phong và chuyên đề An ninh thế giới). Điều quan trọng hơn, làm báo phải có cái Tâm. Ông đi vạch lá tìm sâu để đánh đồng nghiệp, thấy đồng nghiệp viết đúng, ông quay ra bẻ hành bẻ tỏi chuyện, kiểu như: ông miêu tả trời nắng đẹp trong bài trước, nay tôi đến trời lại đang mưa, ông đi trước sao dám lừa độc giả!!! Tôi thề có Chúa, ông Uyên “đánh” các nhà báo viết hiện tượng quá xôn xao ở quê ông, là bởi vì ông tự ái, vì ông cảm thấy bị qua mặt. Vì ông nghĩ mình là nhất, cớ sao có những đứa dám “vuốt mặt không nể mũi”. Cụ thể như sau: ông Uyên tên thật là Hoàng Dương Quý, ông lấy bút danh Hoàng Quảng Uyên là bởi vì ông có quê ở huyện Quảng Uyên. Mó nước kỳ lạ chúng tôi viết nó ở huyện Quảng Uyên, xã Hồng Quang, cách nhà ông Uyên vài cây số. Gần 60 năm ở đó mà ông không biết, thằng Hà Nội leo lên “đớp” mất đề tài hay, thế là ông nổi đoá. Ông vạch lá tìm sâu, tìm không thấy sâu, ông thả sâu róm vào rồi vu vạ cho người khác. Rõ khổ các đồng nghiệp của tôi ở Đài PTTH Cao Bằng, nơi vốn rất nhạy cảm với tin đồn, nơi rất dễ hoảng sợ trước cái danh nhà văn nhà báo từng ghé chân về Trung ương (sau bật về quê) của ông Hoàng Quảng Uyên, các đồng nghiệp của tôi biết mình đúng, nhưng ông Uyên cứ cả vú lấp miệng em, viết một bài “meo” (email) cho khắp các diễn đàn để thoá mạ họ, họ biết làm sao??!! Họ vốn hiền lành, cái việc cãi nhau trên báo, kiện cáo nhau là “nghề” của ông Uyên rồi, còn họ, họ chưa “nhúng tay” vào cái thế giới “một đời kiện chín đời thù” trên mặt báo đó bao giờ...
            Chưa hết, để phản bác lại chúng tôi, ông Uyên rất là non tay. Ông Uyên đưa một ông Vương Hùng, người đã ngoài 80 tuổi, từng công tác ở Ty Văn hóa (cũ) Cao Bằng đến “thăm thú” mó nước trong vài chục phút rồi “xúi” ông già người vùng cao phát biểu  trên báo về lĩnh vực địa chất địa mạo, về các dòng sông ngầm, và các cái “bẫy không khí”... Ông Uyên trích lời ông Hùng lên báo và coi đó như chìa khoá giải mã “bí ẩn” từ  mó nước. Tờ báo nào dám đăng thì kể cũng là… rất liều. Nay lời vàng ngọc đó được khoa học chứng minh là “chưa đúng”, liệu cái tiếng xấu ấy, ông Uyên đem đổ cả lên đầu ông Vương Hùng ư? Ông Uyên lại còn trích cả vài bài thơ văn gì đó trên báo trong cái bài tranh luận dưới danh nghĩa đi tìm “chân lý” khoa học ở hiện tượng mó nước “hiểu” tiếng người Rằng Phặt, thật là “thơ  ngây”, hợm mình đến... không hiểu nổi! Tôi rất kính trọng ông Vương Hùng, tôi nghĩ, ông Hùng không nên dại dột để ông Uyên “đánh tráo khái niệm” mãi như vậy.
           Có một chi tiết thế này: ông Uyên lên báo giải thích, Rằng Phặt chiết tự theo tiếng bản địa, nghĩa là một mó nước nó sôi lên ùng ục, từ nhiều đời qua, được người Nùng đã đặt tên cho “hiện tượng thiên nhiên kỳ thú” quê mình như thế, rất rõ ràng. Ông Uyên viết như thế trên tờ báo trước, đến số báo sau, ông Uyên lại đi chứng minh là nước nó không sôi lên (vào mùa nước cạn) một cách đầy vênh váo. Như thế có phải ông Uyên đã tự  mâu thuẫn. Mâu thuẫn hơn nữa, chính ông Uyên trích lời bà con rằng: mó nước hoàn toàn có thể “gọi” nó dâng lên, bây giờ nhiều người đến quá nó loạn lên rồi (đúng như PGS Lê Trọng Thắng nói ở trên); nhưng trích xong, ông Uyên lại quên béng, và thế là ông quay ra tiếp tục không tin các phát biểu do chính ông trích dẫn đó đó, ông ép Bí thư Đảng ủy xã ký vào văn bản: không có chuyện tác động âm thanh, nước tự lên tự xuống. (Ở đây xin mở ngoặc một chút, rất ngớ ngẩn thôi: việc có vài người ký vào một văn bản viết tay loằng ngoằng, điều đó không có nghĩa là những “cam kết” trong văn bản đó là sự thật ở ngoài đời, thưa ông Uyên. Giả dụ, có 100 người bạn ông Uyên hoặc bạn tôi, họ cùng ký tên vào một văn bản đẹp đẽ nói rằng ông Hoàng Quảng Uyên có 3 mắt, bốn chân, thì – không lẽ -  ngay lập tức hoặc ngay... vài  năm sau, ông Uyên mọc thêm mắt, thêm chân ra được ư?). Ông Uyên kiên quyết không tin rằng cái mó nước sôi lên sùng sục được bà con ngàn đời căn cứ vào hiện tượng mà đặt thành tên (Rằng Phặt, Phặt nghĩa là sự sôi sục, cuồn cuộn - chính bà con, chúng tôi và ông Uyên cùng đã giải thích như vậy); ông cũng không tin vào lời kể “gọi là nước dâng lên” của hàng trăm người, từ lãnh đạo xã đến người dân ở Hồng Quang, không tin vào hiện tượng tự nhiên đã được người xưa đặt thành “cổ tích” (nước dâng lên giữ kho vàng kho bạc), không tin vào những thước phim vô cùng sinh động mà các nhà báo đã quay và phát sóng..., không tin vào lời của TSKH Vũ Cao Minh, chuyên gia hàng đầu về địa chất và địa hình karst ở Việt Nam... Không tin vào những điều hết sức thuyết phục đó - nhưng ông Uyên lại tin vào một thứ hết sức vớ vẩn. Đó là tờ giấy viết tay được ông Uyên viết, rồi nỉ non ép người ta ký vào đó, rằng “mó nước tự dâng lên, tự rút đi”, bất chấp lãnh đạo xã Hồng Quang phản ứng dữ dội, bất chấp ông Trần Văn Hải bị “lập lờ đánh lận”, ký xong, ông ta biết mình bị lừa (do ông Hải không đọc văn bản, hoặc văn bản bị sửa chữa sau khi ông Hải ký) đã lập tức quay ra chửi ông... Uyên (băng ghi âm nội dung này, hiện giờ chúng tôi có thể cung cấp cho bất cứ ai nghe thử). Thưa “nhà văn nhà báo” Hoàng Quảng Uyên, ngài đã thấy ngài hồ đồ chưa?
 
Tôi choáng váng khi đọc những dòng này của ông Uyên, nội trong một loạt bài viết về một sự kiện, có lúc ông nói: hiện tượng nước được “gọi” (tác động âm thanh) dâng lên là phổ biến (như trả lời An ninh thế giới),thậm chí, ông trích lời người ta trong bài viết của ông: “Chị Nông Thị Hành (người hiếu kỳ đến mó nước Rằng Phặt) bảo: “Hồi còn trẻ, ở Hạ Lang, đi chợ khát nước, qua Rằng Bả, gọi nước lên uống, cũng như ở đây”; thế nhưng, chỉ vài chữ sau đó, ông lại phản bác rằng không có chuyện nước lên do tiếng gọi, chẳng qua là nước tự lên tự xuống. Ông Uyên có bị... say rượu không nhỉ?
Nhân chuyến trở lại Cao Bằng cùng các nhà khoa học vừa rồi, nghe giới trí thức và các nhà văn nhà báo Cao Bằng kịch liệt phản đối ông Hoàng Quảng Uyên, chúng tôi thật sự lấy làm buồn bã. Ngay trong giới trí thức ở tỉnh nhà, nghe kể, ông Uyên từng đâm đơn kiện lãnh đạo Đài PTTH Cao Bằng, “kiện” Hội Văn học nghệ thuật, “kiện” cả mấy cái Hội đồng thơ văn gì đó... ở miền biên giới thanh bình ấy nữa. Chả trách, giới chữ nghĩa ở Cao Bằng đều tuyên bố với khách văn chương nơi xa đến: ông (bà) đã ngồi (ăn hoặc caphe) với Hoàng Quảng Uyên thì đừng gọi tôi đến. Và ngược lại! Tôi viết những dòng này, với mong muốn sòng phẳng mọi chuyện, những người viết, những cán bộ của Cao Bằng không nên “ưu ái”, lành hiền quá, để ông Uyên “làm mưa làm gió” với những dòng chữ thiếu cái Tâm của người cầm bút như thế nữa. Sự kiện mó nước đầy vơi Rằng Phặt tạm kết thúc với kết luận ban đầu của các nhà khoa học khả kính, nhưng bài học về sự cạn nghĩ của người viết hình như mới chỉ bắt đầu.
Báo Cao Bằng, cũng cần xem lại sự nuông chiều của mình với những bài viết đầy rẫy những “hạt sạn” của ông Hoàng Quảng Uyên, khi các vị đưa ra những nhận định sai lầm, khi các vị cho ông Uyên mượn diễn đàn để miệt thị người khác, đến lúc  sự việc “ba năm rõ mười”, rõ là ông Uyên nói hàm hồ xằng bậy thì các vị lại im lặng “hoà cả làng” được ư...? Tỉnh uỷ, Uỷ ban và cơ quan hữu quan tỉnh Cao Bằng cũng cần có cách xử lý thích đáng, chứ không thể để một người là “nhà văn, nhà báo” (ít ra là ông ta luôn vỗ ngực như vậy) sống ở tỉnh nhà tự ý cho mình cái quyền được chửi bới người khác trên diễn đàn công luận mà bất biết thế nào là sai là đúng. Ví dụ: chỉ đơn giản là nhân dịp một phóng sự truyền hình đầy tâm huyết, đầy thận trọng được phát trên Đài tỉnh (mời bạn đọc xem và đánh giá clip đính kèm) thế mà ông Uyên nhảy ra trước công luận, hồ đồ, cuồng ngôn loạn ngữ, đặt vấn đề về “trình độ nghiệp vụ” kém cỏi của cả phóng viên, biên tập viên và... lãnh đạo Đài PTTH Cao Bằng. Chúng tôi tải lên đây để độc giả, khán thính giả làm trọng tài. Rằng, cái căn cứ để ông Uyên quy kết, xúc phạm Đài PTTH Cao Bằng chỉ duy nhất là: đài tỉnh cho phát một phóng sự tử tế, công phu, không hàm chứa bất cứ “hạt sạn” nghiệp vụ và đạo lý nào. Hỏi ra mới biết, lãnh đạo Đài PTTH Cao Bằng từng bị ông Hoàng Quảng Uyên đâm đơn kiện ra toà, toà xử có bản án hẳn hoi....
Hoá ra, cả một số tờ báo Trung ương và địa phương, cả trang web trannhuong.com hình như đều đã bị ông Uyên lợi dụng để rỉa rói người khác theo những căm tức cá nhân và thiển cận của mình...?
Thật không hiểu nổi!
Cao Bằng, Hà Nội, tháng 11 năm 2009
Đõ Lãng Quân