Trang chủ » Tin văn và...

THƯ NGỎ CỦA HỘI NHỮNG NGƯỜI YÊU KÍNH NGUYỄN TRÃI-NGUYỄN THỊ LỘ

Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi-Nuyễn Thị Lộ
Thứ năm ngày 22 tháng 10 năm 2009 12:16 PM
 

Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 
Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ
Thư ngỏ
Kính gửi:
- Ông Nguyễn Hoàng Sơn, chịu trách nhiệm xuất bản tạp chí Phong cách
          - Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp, phụ trách biên tập tạp chí Phong cách
          - Các hãng thông tấn báo chí TW:
                         + Ban Tuyên giáo TW Đảng
                         + Hội nhà báo Việt Nam
                         + Các báo, tạp chí, đài phát thanh truyền hình TW
Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ trong nhiều năm qua đã không quản bao khó khăn gian khổ, vận động tổ chức Hội thảo, in sách, xây đền, dựng tượng… nhằm tôn vinh những người anh hùng dân tộc đã hy sinh vì sự trường tồn của đất nước. Cụ thể: Đã có cuộc hội thảo khoa học lớn về Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ do lãnh đạo xã Trần Phú, nơi có đền thờ riêng Cụ Nguyễn Thị Lộ, phối hợp với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam do Tổng thư ký Hội Dương Trung Quốc, Giáo sư Vũ Khiêu làm đồng chủ tọa, ngày 19-12-2002 và sau đó ra đời tập Kỷ yếu nhan đề: “Lễ nghi Học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên” do nhà giáo Hoàng Đạo Chúc tổ chức và chủ biên (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2004). Trong đó có nhiều bài tham luận rất quan trọng, có giá trị đặc sắc và có sức thuyết phục cao của nhiều nhà trí thức hàng đầu Việt Nam, như Giáo sư Vũ Khiêu, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Đinh Xuân Lâm, nhà văn Hoàng Quốc Hải…  Tất cả đã cất lên tiếng nói của lương tri, đánh giá đúng phẩm chất đạo đức và tài năng của Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ: “Bà đã soạn thảo và cho chấn chỉnh nhiều phong tục từ trong cung cho đến ngoài triều… xin chỉ dụ của Vua để mở mang học vấn dân tộc, khuyến khích phụ nữ học chữ thánh hiền” (Nữ sỹ Như Hiên Nguyễn Ngọc Hiền); Giáo sư Vũ Khiêu nhấn mạnh: “Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ đã dâng trọn cuộc đời cho sự bền vững của vương triều Lê và sự phồn vinh của non sông Đại Việt” ( Lễ Nghi Học sỹ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên - Nhà xuất bản văn hóa Thông tin, năm 2004). Bên cạnh đấy còn xây dựng được ba ngôi đền ở Tân Lễ, Thái Bình; Khuyến Lương, Hà Nội, Lệ Chi Viên, Bắc Ninh; riêng ở Tân Lễ còn dựng được tượng Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ bằng đồng. Cả dân tộc, những người có lương tri trên toàn thế giới đều vui mừng, phấn khởi khi những người con của thời đại Hồ Chí Minh đã dũng cảm “xé màn đêm lịch sử”, trả lại chân giá trị cho Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ.
Nhân kỷ niệm ngày giỗ thứ 567, đúng trước ngày giỗ Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ 4 ngày, cuốn “Nguyễn Trãi - Hợp tuyển thơ” do NXB Hội Nhà văn phối hợp với Trung tâm văn hóa Tràng An và Hội những người Yêu kính Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ xuất bản, sọan giả Gia Dũng, hoàn thành.  Đây là món quà vô giá dâng lên Anh linh người anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới nhân dịp kỷ niệm đại lễ của dân tộc 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội. Khó có thể kể hết những việc làm đầy tình nghĩa, vô tư không hề vụ lợi của các hội viên Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ để có được kết quả như hôm nay.
Song trong tạp chí Phong cách số tháng 9.2009 lại có bài: “Nguyễn Thị Lộ và những nỗi niềm” của tác giả Bùi Anh Tấn (trang 181 - 182) với nhiều sai lầm về quan điểm lịch sử và có thái độ không đúng mức, thiếu tôn trọng với hai Cụ: Tuy trong bài tác giả có mở ngoặc là “tóm lược”, nhưng tất cả những cái gọi là “tóm lược” ấy chỉ để phục vụ mục đích của cá nhân ở phần cuối với cái tiểu mục: “Vĩ thanh - những nỗi niềm còn lại”. Trong phần này tác giả chỉ trích: “Sự suy tôn quá đáng, biến bà Nguyễn Thị Lộ thành bậc thần thánh bằng những danh xưng Thánh Mẫu, Đức Bà… rất giống những ông hoàng bà chúa… của tín ngưỡng dân gian đồng bóng”. Tác giả còn dẫn ra những tình tiết không trung thực, bỉ bôi những việc làm đầy tình nghĩa của những người có lòng yêu kính Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và Lễ Nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, tỏ rõ thái độ coi thường hai Cụ như: “Chuyện trước khi đắp tượng bà, người ta đã ngồi thiền hai ngày để xin “Đức Bà” hiện về cho thấy dung nhan… Sau đó một nhà ngoại cảm (khá tên tuổi) đã đến khấn vái gọi hồn Nguyễn Trãi lẫn bà Nguyễn Thị Lộ lên nói chuyện. Kết quả hai ông bà đã về tâm sự những điều rất hay, rất chính trị”. Kết bài tác giả hạ một câu: “Thánh Mẫu, Đức Bà hay Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, cuối cùng có hơn chăng là hạnh phúc của cô bán chiếu gon ven đường sống cùng danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi… Bà đã là nhánh lan rừng rực rỡ, thơm ngát ôm lấy cây bách Nguyễn Trãi cùng tỏa hương cho đời. Sá gì một danh xưng phải không thưa bà Nguyễn Thị Lộ?”.
Chúng tôi chỉ xin dẫn những việc làm của nhân dân ở xã Tân Lễ, Hưng Hà, Thái Bình, quê hương của Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ, nơi đã dựng tượng Cụ: Các cấp Đảng, Chính quyền và bà con không phân biệt tôn giáo chung tay xây dưng khu đền ngày một khang trang. Khu đền không chỉ là nơi thờ cúng hai Cụ, mà còn là nơi tổ chức các sinh hoạt văn hóa: Thành lập và sinh hoạt đều “Câu lạc bộ Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ”, lập quĩ khuyến học, động viên khen thưởng những học sinh xuất sắc, học sinh nghèo vượt khó, những người con của quê hương trên khắp mọi miền Tổ Quốc có công với quê hương đất nước… Bên cạnh đấy, câu lạc bộ còn tổ chức xây dựng tủ sách về Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ và danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi… Thường xuyên tổ chức các cuộc đọc sách báo, ngâm thơ… Giúp nhau trong việc xây dựng gia đình văn hóa mới, kinh nghiệm làm giàu, xây dựng nếp sống văn minh lành mạnh, gia đình hạnh phúc, tổ chức các cuộc tham quan danh lam thắng cảnh, những địa điểm tâm linh, thông qua đó tăng cường tình yêu quê hương đất nước, hướng con người đến cái đích của chân, thiện mỹ. Vậy những việc làm ấy có phải là  “Sự suy tôn quá đáng, biến bà Nguyễn Thị Lộ thành bậc thần thánh bằng những danh xưng Thánh Mẫu, Đức Bà… rất giống những ông hoàng bà chúa… của tín ngưỡng dân gian đồng bóng” như tác giả Bùi Anh Tấn viết đăng trên tạp chí Phong cách không? Nếu có ở đâu đề nghị tác giả và tạp chí chỉ rõ để Hội chúng tôi cùng các địa phương chấn chỉnh. Còn nhiều dẫn chứng sai trái thiếu căn cứ cùng thái độ không đúng mức với hai Cụ và tình cảm trong sáng của nhân dân dành cho hai Cụ trong bài của Bùi Anh Tấn, mà không rõ vì lý do gì tạp chí Phong cách lại cho đăng tải đúng vào dịp ngày giỗ hai Cụ (!)
 Khi nhân dân cả nước và những người có tâm đức trên toàn thế giới đều thành kính hướng về ngày giỗ hai Cụ với lòng biết ơn sâu sắc và trân trọng thì, tạp chí Phong cách và tác giả Bùi Anh Tấn không viết được những lời tỏ lòng biết ơn với tiền nhân, lại có những lời lẽ tỏ ý miệt thị cay nghiệt và vô lễ như vậy có nên chăng? Đó phải chăng chính là thái độ bội bạc trước sự hy sinh to lớn của tiền nhân, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”.
Chúng tôi khẩn thiết yêu cầu ban lãnh đạo tạp chí Phong cách cùng tác giả Bùi Anh Tấn cần xem lại thái độ của mình, để các bài viết của tạp chí Phong cách ngày càng dân tộc, hiện đại, có chỗ đứng xứng đáng trong làng báo chí cách mạng Việt Nam và trên trường quốc tế.
  Trân trọng!
Hà Nội ngày 5.10.2009
T/M Hội những người yêu kính Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ
Nhà giáo: Hoàng Đạo Chúc
 31/250 đường Kim Giang - Đại Kim - Hoàng Mai - Hà Nội
Tel: 04. 35598631 - 0945346383