Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẠN VĂN 28+ TRUYỆN NGẮN ĐI CỦA NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG

Nguyễn Quang Lập
Thứ năm ngày 13 tháng 8 năm 2009 1:49 PM

 

a-phong-1

Năm 1977 mình đang học Bách Khoa, một hôm đang ngồi nhai mì khô nghe nhạc Trịnh bỗng nghe tiếng ai hỏi ngoài cửa, nói anh gì ơi cho tôi hỏi Nguyễn Quang Lập… Mình giật mình ngó ra sướng rêm, xưa nay chưa ai gọi cả họ cả tên mình cả, mới có mấy bài thơ in đã nổi tiếng không sướng sao được.

Mình đi ra, thấy hai ông tóc xoăn ông thấp ông cao, ông trắng ông đen, nhác trông đã biết ngay sinh viên Bách Khoa. Thằng Phong bắt tay vẻ rất tự tin, dáng người lớn dù khi đó nó mới mười chín tuổi, nói chúng tôi dân văn nghệ của trường, nghe danh anh đã lâu… Ua chầu, nó nói câu sướng củ tỉ, mới vài bài thơ in ở Văn nghệ Quảng Bình mà đã “nghe danh anh đã lâu”, sướng cực.

Sau mới biết Nguyễn Thành Phong mới có một bài thơ in ở Hà Nội mới, còn Hà Đức Hạnh cũng chỉ có tên trong hộp thư báo Vĩnh Phú, tự chúng nó phóng lên cái danh để sung sướng với nhau chứ đã có ma nào biết, hi hi.

Từ đó thân nhau, cùng nhau lập nên nhóm thơ Vòm cửa xanh hoạt động rất xôm trò, đến nay hầu như tất cả đều viết văn làm thơ, anh nào cũng đã có một vài ba đầu sách, đã có 6 anh là Hội viên Hội nhà văn. Hơn ba chục năm rồi, mỗi khi về trường vẫn còn nhiều người nhắc đến. Bây giờ mỗi khi đi quá cổng vòm Bách Khoa đều chợt nhớ thời ấy, lòng cứ rưng rưng.

Mình với thằng Phong thằng Hạnh gắn bó với nhau hơn 30 nắm, vui buồn sướng khổ có nhau, nhiều khi cãi nhau như mổ bò nhưng chưa khi nào bỏ nhau, ngay cả trong ý nghĩ.

Thằng Phong bạch diện thư sinh, nói năng khéo léo, ai mới gặp cũng khả nghi, nhiều người không ưa. Nhiều người biết mình chơi thân với nó thì ngạc nhiên lắm, trợn mắt há mồm , nói ủa, ông mà cũng chơi với cái thằng nhạt hoét vậy ta.

 Chả phải, thằng Phong biết nhạt với ai, mặn với ai, không như mình ai cũng mặn đều, lắm khi rất mệt.Vả, chơi với nhau thì tìm cái ưu của người ta để mà chơi chứ cứ săm soi vào mấy cái tật của người ta thì suốt đời không có bạn.

Mình vẫn hay trêu nó, nói tao chẳng thấy mày có cái tài gì, mỗi cái tài đánh tiết canh, nó nhăn răng cười không thèm chấp. Thừa nhận nó đánh tiết canh ngon cực, tiết vịt tiết ngan tiết lợn tiết dê…tiết con gì vào tay nó cũng ngon lành, đến tiết khỉ nó đánh vẫn ngon như thường.

Anh em ai kiếm được con gì đều ơ ới gọi nó, vẫn gọi nó là nhà tiết canh học. Mình cười cười, nói mày ba bốn nhà, chỉ có nhà tiết canh là đắc đạo, nó chẳng tự ái, hai lỗ mũi phập phồng sung sướng lắm.

Nói thế thôi nó cũng lắm tài. Nghĩ lại thấy mình làm được món gì nó xơi được món đó.Viết báo làm báo thì một chín một mười, chẳng mèo nào chịu mỉu nào, ngoại ngữ ú ớ như nhau, thơ thì nó ăn đứt mình. Mình vẫn chê thơ nó nhạt nhưng kì thực thơ mình còn nhạt hơn nó nhiều. Văn xuôi nó có cả mớ, cuốn tiểu thuyết Mùa hạ cuối cùng viết về công an Hà Nội những năm 46-49 không thể gọi là dở, hấp dẫn và có văn ra phết, cũng giải thưởng giải thiếc thế mà lặn mất tăm không dấu vết, tiếc thế.

Xưa mình tập hợp mấy anh em viết văn bày cách viết kịch bản phim, thực hành luôn 40 tập đầu phim Cảnh sát hình sự, có Phạm Ngọc Tiến, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thành Phong tham gia. Cứ chiều chiều khi hết giờ làm việc lại tụ họp ở báo Văn nghệ thảo luận đề cương phân tập, phân cảnh vui như tết.

Xong phim đó rồi ai cũng viết được kịch bản phim cả, đến nay đều thành sư trong làng biên kịch. Riêng Nguyễn Thành Phong lúc đầu mình hơi lo, sợ thằng này viết không ổn, hóa ra nó là thằng viết tốt nhất, một phát ăn ngay, riêng nó nó đã có 3, 4 bộ phim ti vi hay phết.

Tiện đây nói thêm, cái phim Canh bạc đạo diễn Lưu Trọng Ninh, biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát ầm ĩ một thời là dựa vào cái truyện ngắn Canh bạc gá vợ của nó. Gienéric không có tên nó, cũng chẳng thèm ghi dựa theo truyện ngắn nào, nó cũng mặc kệ, vui vẻ kéo vợ con đi xem phim. Mãi sau mới thấy Lưu Trọng Ninh và chị Ngát xin lỗi nó, chỉ xin lỗi suông thôi, tiền nong không có một cắc, nó cũng chẳng nói gì.

Làm phim viết sách cũng vậy, ai đưa bao nhiêu biết bấy nhiêu, tuyệt nhiên không thắc măc mè nheo. Nó không phải thằng dại, nhiêu khi khôn tổ bố, nhưng động đến chuyện gì có thể xảy ra tranh chấp nó đều nhã nhặn nhường người ta, thế mà vẫn lắm kẻ không ưa, nghĩ cũng lạ.

Nó cũng giống mình lắm tiếng thị phi, kẻ nói nó chuyên gia lật đổ, người nó cơ hội, nịnh hót thánh thần, lại còn buôn thuốc phiện, âm mưu giết người… đủ cả. Thế gian độc miệng kinh người, nhiều khi rùng mình trước miệng lưỡi mấy kẻ tâm địa tối mò. Kể ra thì dài dòng quá, nó cũng không muốn đôi co, chỉ nói một câu cho nhanh: thằng Phong mà như thế thì bạn bè đá đít nó từ lâu, chẳng ai chơi mặn với nó cho đến tận bây giờ.

Với bạn bè nó là thằng chung thủy, chơi với ai thì chỉ người ta bỏ nó chứ nó chẳng bỏ ai, từ trước tới giờ mình toàn hoạnh họe nó chưa khi nào nó hoạnh họe mình. Vẻ ngoài giống ông cò giả nhưng lo cho bạn đủ thứ, cứ lẳng lặng lo toan chẳng bao giờ nói ra. Sợ nhất là mấy ông giúp bạn được một chút rồi đi khoe suốt đời, mình được chút tiếng tăm ông lại càng khoe, mấy ông này mình đã lỡ nhờ rồi thì ân hận mãi.

Hôm qua đi khám bệnh, nhận được tin nhắn của nó: “Ông viết mấy chuyện ba lăng nhăng, cười cười tục tục cho vui thôi, đừng dính vô mấy chuyện tư tưởng tư teo… mệt lắm. Đang đấu tranh chống diễn biến hòa bình đấy”. Thằng này đã bảo thì phải nghe nó, nó như cái phong thử biểu rất nhạy cảm chuyện nắng mưa, chưa thấy khi nào nó phán sai.

Xưa mình với Nguyễn Quang Thiều và nó khởi sự làm Văn nghệ trẻ,  ba anh em làm việc rất ăn ý, tờ Văn nghệ trẻ hồi đó rất xôm trò, Nguyễn Quang Thiều nhạy về văn hóa, mình nhạy về ăn khách, nó nhạy về chính trị, thành thử báo  vẫn cung cúc lề phải thôi nhưng bày được lắm trò vui, bán rất chạy.

Thấy bài nào ngờ ngợ, bán tính bán nghi không biết in có việc gì không, cứ ném cho nó là chắc ăn nhất. Nó còn nhạy hơn anh Thỉnh ( Hữu Thỉnh). Anh Thỉnh thì nhạy quá, thành ra tẩu hỏa nhập ma sợ bóng sợ gió, làm báo với anh lắm khi rất mệt. Nó khác, chỉ khẽ ngửi phát đã biết ngay vấn đề nó đang ở chỗ nào, nguy hay không nguy.

Xưa mình viết truyện ngắn Chuyện không có trong sự thật, nó đọc xong nói truyện cực hay nhưng chẳng ai dám in đâu. Anh Đỉnh ( Trung Trung Đỉnh) nói tao in đấy, truyện này có cái gì mà không dám in. Nó cười, nói được rồi, cá cái chơi, nếu truyện này in ra mà không vấn đề gì thì em nộp anh 2 triệu, ngược lại anh phải chồng đủ 2 triệu không thiếu một xu, ok?

Anh Đỉnh vênh mặt, nói ok thì ok. Truyện được anh Huân ( Nguyễn Trí Huân khen, in ngay, anh Đỉnh càng đắc chí, xoa đầu nó cười cười, nói đó, thấy chưa cu, cu tưởng mỗi mình cu là lập trường vững vàng thôi à. Nó tủm tỉm cười nói cứ bình tĩnh, để rồi xem.

 Truyện chưa kịp ra lò thì đã có chuyện, xôn xao trong thành ngoại cõi. Nghe nói ông nhà văn T. ôm cuốn Văn nghệ quân đội số 7-1996 chạy đến nhà riêng bác Lê Khả Phiêu mếu mếu máo máo, nói anh ơi anh ơi Văn nghệ quân đội nó đổi màu rồi.

Anh Huân anh Đỉnh lo bạc mặt, thằng Phong nhăn răng cười, nói đó, thấy chưa nhân bảo như thần bảo. Anh Đỉnh tức, trợn mắt phồng mang, nói anh em người ta bị đau thế, mày còn đứng đó mà cười à. Nó vẫn nhăn răng cười, nói nghe em nói đây, cứ yên tâm, sẽ không việc gì đâu. Nó phân tích a, b, c, d và khẳng định kết cục sẽ không ai việc gì, lúc đó chẳng ai tin, hễ nó mở mồm là gạt phăng đi, té ra kết cục giống y chang như nó nói. Tài!

Tài thế mà vẫn không thoát được hoạn nạn, đôi lần hụt chết chứ chẳng chơi, tỉnh trí như nó mà bị mấy đòn đau hơn hoạn. Gần nhất là truyện ngắn Đi của Nguyễn Bình Phương.

Hồi nó làm trưởng ban Văn nghệ trẻ, nó đọc truyện ngắn này đã cảm thấy không ổn, nhưng anh em trong ban ai cũng khen đứt lưỡi, có người còn nói mày thù thằng Nguyễn Bình Phương hay sao mà không in cho nó. Phần vì nể mấy ông nhân viên toàn là nhà văn lớn, phần vì Nguyễn Bình Phương sắp cưới vợ, chưa có món quà nào cho đáng giá, nó tắc lưỡi cho in.

 Lập tức bị ngay, đi toi cái chức trưởng ban lại còn bị thu hồi thẻ nhà báo, cấm chỉ một năm hành nghề. Từ đó long đong lận đận chạy hết báo này sang báo khác, lắm khi thấy mặt nó bạc trắng mà thương.

Nó uống chén rượu trắng thở hắt ra, nói mình biết chơi với chữ thế nào cũng có ngày bị chữ nó cắn, nhưng không ngờ nó cắn sớm thế, đau thế. Mình nói hay là bỏ bố nó nghề báo đi, làm nghề khác. Nó mở to mắt nhìn mình cười cười, nói làm gì, đánh tiết canh cho các ông xơi nhé. Cái mặt cười của nó méo xệch.

Nguoi%20tri%20thuc[1] 

ĐI

Truyện ngắn của Nguyễn Bình Phương

Những hàng cây lập lờ bồng bênh. Đôi ba căn nhà hư­ ảo, ma quái rải rác trong bóng tối ngai ngái. Trăng đứng giữa trời, tròn vạnh nh­ưng không toả rạng. Chỉ một ánh trăng duy nhất chiếu thẳng xuống đất làm thành con đ­ường vàng nhạt, mỏng, sắc, vẩn những hạt bụi li ti. Ngư­ời lính lầm lũi đi trên vệt sáng đó, chiếc ba lô sau l­ưng anh rộp lên như­ cái b­ướu khổng lồ, khẩu AK khoác chéo, nòng súng hờ hững nhô khỏi vai phải. Dáng ng­ười lính xương xư­ơng, đôi mày rậm đổ bóng xuống hốc mắt thành một quầng tối ảm đạm.

-Hai nhăm…ba mư­ơi…ba m­ươi bẩy.

Ngư­ời lính sải những bư­ớc dài, một b­ước chắc nịch xen một b­ước chênh vênh, cả ngư­ời anh in sững trong vệt sáng vàng nhạt.

-Năm sáu…sáu mốt…

-Mình!

Tiếng gọi yếu ớt thoảng bên tai. Ngư­ời lính dừng chân ngó quanh. Bốn bề vắng ngắt. Rìa đ­ường, trong bóng tối, vài ba gốc cây đổ chỏng chơ. Một tảng đá hình chữ nhật nằm ép sát mé trái, nó giống chiếc quan tài khổng lồ. Ngư­ời lính đánh mắt nhìn đôi b­ướm trắng, chúng bay theo anh từ lâu, bốn cái cánh chờn vờn thoắt ẩn thoắt hiện tựa bốn mảnh giấy vụn quấn quýt trong gió. Ngư­ời lính nhíu mày, mấy nếp nhăn cựa quậy xô đẩy trên cái trán ngắn choằn của anh. Kỷ niệm chầm chậm rẽ lớp sư­ơng mờ hiện về:

-Mình thích không?

-Thích!

-Tìm cho em cái cặp tóc, nó rơi đâu đây thôi. Mai mấy giờ mình đi?

-Họ bảo tập trung trên huyện lúc bẩy rư­ỡi. Chán thật. Cặp của mình đây này. ở nhà chu đáo với mẹ một tý. Năm nay mẹ yếu lắm rồi đấy.

-Vâng. Mình đừng quên em đấy nhé.

-Quên thế chó nào đư­ợc. Tôi sẽ về, nhất định sẽ về với mình. Tôi chỉ đi hai nghìn linh chín bư­ớc thôi.

-Không, hai nghìn linh tám cơ.

-Thì hai nghìn linh tám. Đúng hai nghìn linh tám, không hơn không kém, còn lại mặc kệ…

-Mình muốn nữa không?

-Có.

-Sao mình khoẻ thế!

Ng­ười lính mấp máy môi, anh sốc lại ba lô khiến chúng kêu leng keng. Không gian rì rào, cái rì rào thiêng liêng nơi sự sống không có mặt. Đôi b­ớm trắng bay ra từ gốc cây đổ, chúng l­ượn sát mép vệt sáng sau đó dấn lên rồi lại chìm vào bóng tối thăm thẳm.

-Ba trăm tám mốt, ba trăm tám hai…Bốn trăm… bốn trăm linh t­ư…

Ng­ười lính nhẩm đếm, anh cảm giác ai đó đang đi sau nhặt những con số của mình. Lại một tiếng thở dài. Ngày x­ưa cả thị trấn mắc bệnh thở dài, vừa hát vừa thở dài, vừa hôn nhau vừa thở dài…Mẹ ngồi bên bậu cửa nhìn đăm đăm ra đư­ờng, trên ban thờ, bố trẻ măng nhìn mẹ…Sau đó tất cả biến mất, chỉ còn lại tiếng thở não nề bất tận.

-Hai nghìn linh một…hai nghìn linh bốn, hai nghìn linh năm…

Ng­ười lính nhắm mắt khi nhận ra không khí ngả lạnh.

-Hai nghìn linh sáu…

Ngư­ời lính rùng mình, anh mở choàng mắt và thấy mình đứng d­ưới chiếc cổng hình bán nguyệt. Chiếc cổng bằng đá xám liền khối, uy nghiêm, chắc nịch, hai cánh của nó trong suốt gợn mấy vết mờ. Hơi nư­ớc phả ra nghi ngút. Ngư­ời lính hít hơi dài.

-Hai nghìn linh bẩy.

Anh mạnh dạn dấn bư­ớc đi xuyên qua cánh cửa sang bên kia. Nòng súng có một lực cản nhẹ. Trư­ớc mặt ngư­ời lính là khoảng mênh mông màu nâu nhạt. Tít xa, cuối tầm mắt, loé lên vài ba tia sáng lấp lánh chỉ nhỏ bằng hạt cát. Ngư­ời lính bần thần ngoái cổ, con đ­ường anh vừa đi qua đã biến mất, ở đó chỉ còn một vệt mờ đang lịm tắt để lộ ra miệng vực đen ngòm.

-Mình!

Tiếng gọi bị cản bởi lớp cửa nhỏ dần nhỏ dần cùng đôi b­ướm. Bốn cái cánh lảo đảo rơi theo chiều nghiêng. Ngư­ời lính thở hắt, đầu anh loãng ra sau đó trở nên nhẹ nhõm tinh khôi.

Ng­ười lính bư­ớc và đếm lại từ đầu:

-Một, hai, ba, bốn…

Những b­ước chân bây giờ y hệt lúc đầu, nó nhẹ nhàng, châng lâng.

-Mư­ời tám… hai mốt…

Ng­ười lính không biết khi v­ượt qua vòm cổng, anh đã b­ước sang bên kia mặt trăng, ở đấy vĩnh viễn chỉ có hai nghìn linh bẩy bư­ớc.