Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SƠN NAM - NHÀ VĂN ĐỒNG QUÊ

Lê Văn Thảo
Thứ tư ngày 12 tháng 8 năm 2009 8:22 PM
TNc: Nhà văn Sơn Nam không được trao giải thưởng gì nhưng ông được nhân dân trao tặng danh hiệu cao quý Ông già Nam Bộ. Nhân ngày giỗ đầu ông trannhuong.com đã giới thiệu một loạt bài viết về ông. Hôm nay chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà văn Lê Văn Thảo (trích từ cuốn Đó là Sơn Nam do Lê Phú Khải biên soạn)


Sơn Nam là nhà văn đồng quê, như lời ông tự nhận xét: “đồng quê là nơi tính dân tộc thể hiện rõ nhất, gần gũi với thời thơ ấu của nhiều người…”. Và từ nhận xét đó, ông đã kết luận “đồng quê là cái nôi lớn của dân tộc”.
Từ Công tử ham đi
Tôi lần đầu gặp gỡ anh Sơn Nam là vào những ngày sau giải phóng 1975, tôi và anh cùng công tác chung ở Hội Văn nghệ TP. Nhưng đó là biết mặt, chứ con người, tác phẩm của anh thì tôi đã biết từ lâu, khi còn là cậu học sinh tại Sài Gòn tôi đã đọc tất cả những tác phẩm của anh  lúc đó. Đến 1975, thông qua các nhà văn như Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, tôi lại càng biết nhiều về anh.
Đến lúc đó, tôi mới biết cái bút danh Sơn Nam của anh từ đâu. Khi anh sinh tại ven rừng Gò Quao, Rạch Giá, Kiên Giang, hàng xóm chung quanh đều là người Khơ-me. Mẹ anh yếu không có sữa, những người phụ nữ Khơ-me thương tình san sẻ. Nhớ ơn bà nhũ mẫu Khơ-me cùng những kỷ niệm thời thơ ấu, khi viết văn anh đã lấy bút danh Sơn Nam. Sơn là một họ lớn của người Khơ-me, còn Nam là phương Nam, miền Nam nước Việt.
Sinh trong một gia đình thuộc hạng khá trong làng, Sơn Nam có đủ điều kiện để trở thành một công tử bột. Nhưng anh không chấp nhận cuộc sống an nhàn, luôn đi đây đó, mở mang hiểu biết của mình. Anh đã dành cả đời lang bạt, thu thập vốn sống phong phú về vùng đất miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long với những địa danh như “U Minh Rạch Giá, thị quá sơn trường, xuống sông sấu bắt lên rừng cọp tha…” Những hình ảnh ông thu thập được sau những chuyến đi này đã được ông đưa nhiều vào các tác phẩm của mình.
Cùng hòa theo khí thế Nam bộ kháng chiến, Sơn Nam đi theo cách mạng làm cán bộ Mặt Trận tỉnh Rạch Giá, sau đó vào Đồng Tháp Mười công tác tại cơ quan văn nghệ khu Tám. Cũng trong thời gian này, anh tham dự cuộc thi sáng tác của Hội văn nghệ Nam bộ năm 1953 và đoạt luôn hai giải nhất (truyện Bên rừng Cù Lao Dung) cùng giải nhì (Tây Đầu Đỏ). Sau hiệp định Genève 1954, ông ở lại miền Nam hoạt động theo yêu cầu của tổ chức. Ông liên tục bị bắt, bị cầm tù. Ra tù, ông làm việc trong các nhật báo, nhà xuất bản với nhiệm vụ giới thiệu, xuất bản, phát hành các sách có chọn lọc kêu gọi lòng yêu nước, yêu đồng bào, yêu dân tộc… Đây cũng là thời gian ông cho in những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình như Nguyễn Trung Trực anh hùng dân chài (1959), Tìm hiểu đất Hậu Giang (1960), Hương rừng Cà Mau (1962), Chim quyên xuống đất (1963)…
Năm 1974, Sơn Nam bị chính quyền Thiệu bắt đi tù trong vụ “Ký giả ăn mày” và phải đến ngày miền Nam được giải phóng ông mới được giải thoát.
Đến nhà văn đầu đàn
Sơn Nam là một trong những nhà văn đầu đàn tiêu biểu của Nam bộ cũng như của cả nước. Toàn bộ các tác phẩm của ông làm thành một cuốn “địa phương chí” đồ sộ, phong phú đa dạng về khối lượng, thấm đẫm tình quê hương đất nước cũng như đậm đà hơi thở đồng quê với các con sông, cánh đồng, rừng đước rừng mắm. Và đặc biệt, đồng quê, làng mạc, rừng núi luôn là đề tài được Sơn Nam yêu thích nhất.
Tôi không phải là dân Cà Mau, tôi chỉ sống một thời gian ngắn ở Cà Mau năm 1954. Thế nhưng, trong lòng tôi lại đặc biệt rất yêu mến vùng đất Cà Mau. Tôi viết rất nhiều về Cà Mau như tiểu thuyết Cơn dông, cùng rất nhiều truyện ngắn. Đã có lúc tôi tự hỏi mình yêu gì ở mảnh đất đó khi thờ gian sống htực tế tại đó không nhiều. Và bây giờ tôi đã hiểu, tôi yêu mảnh đất đó từ những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam mà mình đã được đọc. Truyện của Sơn Nam đã trở thành một thực tế sống trong con người tôi, không chỉ là văn học thuần túy nữa. Một sức sống văn học biến thành thực tế ngoài đời, đó chính là sức mạnh mà văn chương của Sơn Nam mang lại.
Khi Sơn Nam ra đi, nhiều người hỏi tôi Sơn Nam là người như thế nào? Tôi chỉ có thể nói: “Thường thì tác giả và tác phẩm luôn gần gũi với nhau, nhưng với Sơn Nam thì phải nói là con người và tác phẩm đã hòa nhập làm một. Cái chất thoáng đãng, mộc mạc, khoáng đạt, bộc trực từ anh thấm sâu vào tác phẩm. Đọc tác phẩm là có thể biết được con người anh”.
Và cứ như thế, dù nhà văn Sơn Nam đã ra đi nhưng sự nghiệp của ông vẫn sống mãi. Các nhà văn trẻ sẽ tìm thấy trong Hương rừng Cà Mau chất mật ngọt của những bài học quý giá về sự cần cù lao động của con người cùng vẻ đẹp của vùng đất Nam bộ.
L.V.T.