Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"LỀ PHẢI" HAY "LỀ TRÁI" ĐÂY ?

Phạm Viết Đào.
Chủ nhật ngày 9 tháng 8 năm 2009 3:52 PM
TNc: Trong bài viết này, nhà văn Phạm Viết Đào có lấy Trannhuong.com làm tí minh họa nên tôi góp vài lời. Ý kiến của ông bộ trưởng lề nọ lề kia tôi cũng thấy lạ. Kiểu này ông ấy chia hai phe rồi còn gì. Tôi phản đối chia lề như vậy. Tất cả báo chí chúng ta đi một đường vì đất nước Việt Nam yêu quý, vì sự vĩnh hằng độc lập, dân chủ tự do của Tổ quốc. Muốn vậy báo chí phải có tiếng nói trung thực và người quản lý phải biết nghe lời nói thật. Báo chí khi còn là mỹ phẩm, còn là cái loa được tay người chỉnh volume thì rất khó phát triển. Và như thế vai trò người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng còn đâu nữa...


Gần đây dư luận nhắc nhiều về ý kiến của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ( Bộ TT-TT ) trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải phóng đã giải thích mục đích của việc chuẩn bị ban hành hàng loạt quy chế quản lý báo chí: “Chính là để chúng ta ( báo chí)  tự do hơn, lâu nay chúng ta quản lý theo mệnh lệnh. Chúng ta hoàn toàn có tự do nếu đi đúng lề đường bên phải, và chúng tôi cố gắng làm cho các đồng chí lề đường đó...”

Đọc xong ý kiến của ông Bộ trưởng Bộ TT-TT tôi cứ băn khoăn: Không biết ông Bộ trưởng Bộ TT-TT dùng hình tượng “ lề phải ”, “ lề trái ” một khái niệm trong hoạt động giao thông vận tải để thông điệp ý gì đây?

Bởi vì đây là thuật ngữ chỉ cơ cấu vận hành của ngành giao giao thông vận tải là ngành mà các đối tượng tham gia là những phần tử máy móc cơ giới; nhiều khi người vận hành nó do sơ sẩy, lỡ tay, mất tập trung, không làm chủ lập tức biến nó trở thành cỗ máy giết người hung bạo?

Liệu Bộ TT-TT có nhìn nhận, quản lý đội quân báo chí-văn học-nghệ thuật, một bộ phận nhạy cảm của xã hội như quản lý những xe côngtơnơ, những hung thần xa lộ không ?  

Bộ TT-TT có soạn ra các quy chế phân định các luồng lạch thông tin y chang như các luồng lạch giao thông thông thường ? Liệu việc làm này có sái với chức năng thông tin là loại chức năng của bất kỳ một xã hội nào kể từ sơ khai, nguyên thuỷ cho đến văn minh hiện đại nếu muốn quản lý và phát triển hội một cách lành mạnh, khoa học, dân chủ và văn minh đều phải tạo cho nó hoạt động đúng chức năng...

Người viết bài này chưa nghe nói có quốc gia nào quy định cho báo chí chỉ được hoạt động trong “lề phải” cả; nhiều nước trong các bộ luật báo chí đã quy định cụ thể, chi tiết một số điều mà báo chí không được đưa, nếu đưa tin sẽ bị xử phạt.

Mặt khác đối với hoạt động giao thông vận tải, việc phân luồng phải, trái nào cũng chỉ là tương đối và nhất thời: cấm là cấm cái việc đi ngược với cái chiều quy định trên cái làn đường quy định chứ không tuyệt đố hoá chuyện cấm đi ngược chiều này. Người ta cấm đi ngược chiều từ Bờ Hồ xuống chợ Giời trên đường Hàng Bài-Phố Huế chứ không cấm việc đi từ Bờ Hồ đến Chợ Giời...Chưa kể một số nước như Anh, Sangapo lại quy định theo chiều quy định ngược lại: phải là trái mà trái là phải...

Trong lĩnh vực thông tin, báo chí khi ông Bộ trưởng nói chỉ được tự do bên “lề phải” có nghĩa là chiều ngược lại là trái quy chế, là phi pháp, là không có lối đi, là cấm tiệt...Nếu như vậy thì nó sẽ không còn là xã hội thông tin theo nghĩa thông thường; chức năng thông tin của báo chí không tránh khỏi bị méo mó...

Nhân chuyện “ lề phải”, “lề trái “mà ông Bộ trưởng Bộ TT-TT đề cập, chúng tôi liên hệ tới một vài ví dụ thực tế đang diễn ra trong hoạt động thông tin báo chí mà bản thân thấy chưa biết loại này nên xếp vào loại “lề phải” hay “ lề trái” đây ? Đó là trường hợp một số bài viết của nhà thơ Bùi Hoàng Tám được hiển thị trên mạng Trannhuong.com ?

Chủ của mạng này là nhà văn Trần Nhương, các nhà văn vẫn gọi vui là mạng “ tư luận” nhưng lại không tư lợi; chủ mạng này chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về mọi viết bài viết của mình và các bạn bè gửi đến “ góp cổ phần “ nhưng lại “ phi lợi nhuận “...

Sau đây là một số thông tin đáng chú ý được nhà thơ Bùi Hoàng Tám, người đang là quân của báo điện tử Dân trí, một báo điện tử có số lượng người truy cập vào loại hàng đầu của Việt Nam.

“ Điều làm cho tôi, người viết bài này băn khoăn khi đọc xong những bài phỏng vấn hết sức công phu, trách nhiệm, đề cập khá sâu sắc, đúng mạch, gợi lên khá nhiều những vấn đề lớn của xã hội và đang là sự quan tâm của khá nhiều người; thế nhưng những bài phỏng vấn đó lại không xuất hiện tại những tờ báo được mệnh danh là công luận có chức năng thông tin những vấn đề mà công luận quan tâm.
Chúng tôi không muốn bình luận nhiều về những ý kiến phát biểu của những con người được nhà thơ Bùi Hoàng Tám trực tiếp phỏng vấn; họ là những con người mà khi nhắc tên không chỉ giới báo chí mà cả người đọc bình thường vẫn nhận biết?
Ý kiến của những con người như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, con người một thời lừng lẫy ở Pari, luôn xuất hiện trên trang đầu của những hãng thông tấn lớn của thế giới; rồi thì nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, con người một thời làm cho các phiên họp chất vấn của Quốc hội trở thành diễn đàn của mọi người dân; rồi ý kiến của nhà báo Hữu Thọ, Phan Quang đứng đầu những cơ quan ngôn luận lớn của Đảng ...Thế mà giờ đây những chính kiến của họ lại không một tờ báo chính thống, được duy danh là công luận dưới quyền quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông “ dám “ đăng ?
Liệu có phải do các Tổng Biên tập bị ám ảnh nặng nề bở cái quy chế “ lề phải “, “ lề trái “ mà ông Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ấn định?
Chắc chắn không ai dám cả gan xếp những ý kiến của các vị mà nhà thơ Bùi Hoàng Tám trực tiếp phỏng vấn là loại ý kiến thuộc “ lề trái “ cả? Vậy số ý kiến trên nếu không thuộc lề nào thì có khi bị coi là loại ý kiến mon men ở “ vỉa hè” cũng nên ???
Trước thực trạng này xin có bài thơ con cóc gửi ông Bộ trưởng Bộ Thông tin  và Truyền thông:

“ Lề phải” hay là “ lề trái ” đây ?
Sao ông úp mở giữa ban ngày ...
Viết lách thời ni răng mà khó rứa ?
Đại lộ, đường quan thành... “ vỉa hè”...

                            P.V. Đ
( Nguồn: vn.mybog.yahoo.com/phamvietdaonv )

Nhà văn Phạm Viết Đào dẫn ra 3 bài đã đưa trên Trannhuong.com. Tôi xin để đường dẫn để các bạn tiện tìm đọc
 
1/ Bài Hãy rửa tai để nghe những lời nói thật

 
http://trannhuong.com/news_detail/2184/NHÀ-BÁO-HỮU-THỌ:-HÃY-RỬA-TAI-ĐỂ-ĐƯỢC-NGHE-NHỮNG-LỜI-NÓI-THẬT

2/ Bài phỏng vấn với chủ đề: Trí thức ngày nay có hèn hay không hèn ?
 
 
3/ Bài phỏng vấn ông Nguyễn Văn An, Nguyên chủ tịch Quốc hội về vấn đề dân chủ