Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỔI MỚI THƠ NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU ?

Nguyễn huy Thông
Thứ sáu ngày 7 tháng 8 năm 2009 4:56 PM

1- Trả lời được câu hỏi này sao cho chính xác, thấu tình đạt lý quả là khó khăn vô cùng. Song, nếu chúng ta chịu khó đào sâu suy nghĩ, xuất phát từ chính thực tế phát triển của thơ ca hiện nay thì vẫn có thể tìm ra được lời giải đáp thỏa đáng. Điều dễ nhận thấy là thơ của một số bạn trẻ đã mang đậm hơi thở cuộc sống, thể hiện rõ bản sắc riêng của tác giả, được công chúng hoan nghênh. Nhưng có một thực tế là số lượng thơ được xuất bản ngày một nhiều, nhưng sự “bung” ra về số lượng thơ này không đi đôi với nâng cao chất lượng, số lượng bài thơ hay để lại ấn tượng đẹp cho bạn đọc còn quá ít ỏi. Tôi cảm thấy dường như một số tác giả trẻ còn rất lúng túng chưa biết chọn hướng đi nào cho đúng, nên bắt đầu từ nội dung hay hình thức để đổi mới thơ. Chúng ta cần hoan nghênh và khuyến khích, cổ vũ những tìm tòi, đổi mới thơ đúng đắn, góp phần làm cho thơ thăng hoa. Chúng ta không đánh giá thấp vai trò quan trọng của hình thức nghệ thuật thơ. Nhưng giữa nội dung và hình thức thơ, theo chúng tôi nghĩ, có lẽ rất nên nhấn mạnh đến yếu tố đầu tiên là nội dung. Có nội dung rồi thì chắc tác giả sẽ tìm được hình thức thể hiện thích hợp. Chính vì vậy mà chúng tôi cho rằng khi bàn về vấn đề đổi mới thơ thì trước hết nên bắt đầu từ vấn đề quan trọng nhất là đổi mới nội dung thơ.
2- Như mọi người biết, hiện nay công cuộc đổi mới toàn diện đất nước ta đã và đang nảy sinh biết bao vấn đề mới mẻ, phức tạp, bao sự đổi thay đến chóng mặt về cơ cấu kinh tế, diện mạo xã hội và đời sống của các tầng lớp dân cư kéo theo vô vàn sự chuyển biến trong ý nghĩ, tâm hồn, cách sống của mỗi người. Đó chính là nguồn đề tài phong phú, là nội dung muôn màu muôn vẻ cho các văn nghệ sĩ, trong đó có những người làm thơ sáng tác. Muốn tìm được cái mới đích thực trong nội dung hiện thực thì người viết phải chịu khó lăn lộn trong thực tế cuộc sống. Phải thực sự hòa đồng, khiêm tốn học hỏi “cùng xương thịt với nhân dân của tôi” (Xuân Diệu) thì mới hy vọng tìm ra được cái mới về nội dung hiện thực và hình thức thể hiện. Người cầm bút cần chú ý quan sát thực tế, ghi chép tư liệu, học tập lời ăn, tiếng nói, cách suy nghĩ và những phẩm chất  tốt đẹp của quần chúng để tự làm giàu vốn sống và kiến thức xã hội của mình. Khi đã thực sự đồng cảm với quần chúng thì tự nhiên tâm hồn, tình cảm của người viết sẽ trở nên thanh thản, sảng khoái, khỏe khoắn, sẽ tìm được nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào. Từ đó mà phát hiện được những khía cạnh, nội dung mới lạ, độc đáo của những đề tài quen thuộc và những đề tài mới. Rõ ràng là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều thành phần đã và đang tác động đến ý nghĩ, tâm tư, tình cảm và cả lối sống của các tầng lớp xã hội. Rồi rất nhiều nội dung quan trọng của các vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân; vấn đề xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế mở v.v…trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất đáng cho người sáng tác nghiên cứu phản ánh, thông qua bút pháp và hình tượng nghệ thuật. Viết làm sao cho chân thực, sinh động, lôi cuốn hấp dẫn công chúng quả là một thách thức không nhỏ đối với người viết.
3- Có một số bạn trẻ làm thơ phàn nàn rằng cuộc sống hiện nay chẳng có gì đáng viết. Theo chúng tôi, nhận thức như vậy có lẽ là do các tác giả này chưa có ý thức tìm hiểu kỹ càng thực tế cuộc sống phong phú hoặc vin vào đó để làm cái cớ thoái thác nhiệm vụ phản ánh hiện thực, nhằm tập trung viết về những đề tài theo sở thích riêng của họ. Chính vì không thấy rõ tầm quan trọng của việc phản ánh hiện thực trong thơ mà một số cây viết trẻ đã cực đoan, say sưa viết về cái “tôi” lạc lõng của mình với tâm trạng cô đơn, buồn bã, đau đớn, không thừa nhận cuộc đời này. Cái “tôi” của họ không hòa vào cái “ta” chung của tập thể. Nói thẳng ra là họ viết cho chính bản thân, vì nhu cầu “muốn giải tỏa những ẩn ức và tâm trạng cá nhân dồn nén”. Có tác giả thể hiện tâm trạng rối bời, bi quan quá mức hoặc có những ý nghĩ, ví von chắc chỉ phù hợp với riêng người viết như: “Đêm đêm/ rũ bỏ thể xác/ tôi đi hoang” hoặc “Sẽ đến lúc, nhìn con mẹ lại ngỡ là chồng của mẹ”. Một số bạn phê phán câu nói nổi tiếng, rất hay của nhà thơ Pháp Pôn Ê-luy-a (1895-1952): “Thơ đi từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả” là “cổ rồi, bỏ đi rồi”. Đối với những tác giả này chỉ có chủ nghĩa cá nhân trong thơ mà thôi. Họ còn quay sang khai thác khía cạnh tình dục (sex) một cách rất tự nhiên chủ nghĩa, lộ liễu...
Điều mà bạn đọc phản ứng mạnh mẽ là trong khi không chú ý đến nội dung phản ánh hiện thực cuộc sống thì một số cây viết trẻ lại chạy theo chủ nghĩa hình thức, cốt làm cho thơ mình “hiện đại”, “tân kỳ”. Họ cố gắng tạo ra những bài thơ, câu thơ rất khó hiểu, bí hiểm, tắc tị, với những cách diễn đạt hết sức rắc rối, kỳ quặc, lập dị; câu thơ bị cắt vụn, xuống dòng vô tội vạ; từ ngữ dùng lạ hoắc hoặc xen lẫn, “độn” một số từ ngữ ngữ nước ngoài không cần thiết. Có tác giả bỗng dưng cắt những cặp thơ lục bát (6, 8) vốn là một chỉnh thể thành những câu thơ leo thang (2-3 từ) cho có vẻ lập dị, khác người.
Nhiều người yêu thơ, trong đó có các bạn trẻ đã nói với tôi: “Những bài thơ như vậy gây cho bạn đọc bất bình, thờ ơ, vì nó chẳng có tác dụng, giúp ích gì cho cuộc đời, cho tâm hồn con người. Nhà thơ Anh Ngọc đã viết: “Thơ hay phải được độc giả tiếp nhận và giữ lại…Còn nếu độc giả không giữ lại thì coi như hỏng”.
Đáng tiếc là những xu hướng tìm tòi không đúng nói trên chẳng những không bị phê phán đến nơi đến chốn để giúp các bạn làm thơ trẻ rút kinh nghiệm cho công việc sáng tác mà lại được một số người đề cao quá đáng, cho đó là cách tân “gây ấn tượng không để người đọc xuôi chiều trên trang giấy”
Chúng tôi nghĩ rằng bây giờ ít có ai lại hẹp hòi, bảo thủ, cứ bắt buộc tác giả phải làm thơ theo một, hai thể loại nhất định về những đề tài hợp với “gu” thị hiếu và yêu cầu của người đọc. Bạn có thể sáng tác theo các thể thơ dân tộc có vần, thơ tự do không vần, thơ văn xuôi v.v…đều được cả. Nhưng dù đổi mới về hình thức thơ như thế nào chăng nữa thì nó vẫn không thể thoát ly, cắt đứt, không tiếp thu những tinh hoa của thơ ca dân tộc và phải phù hợp với các nguyên tắc ngữ pháp của tiếng Việt. Và điều quan trọng nữa là đông đảo bạn đọc phải hiểu được ý thơ của tác giả định nói gì.
Có nhà phê bình nói: “Đổi mới thơ là để tạo ra được nhiều bài thơ hay, có sức rung động sâu sắc, neo lại trong tâm hồn và tính cách bạn đọc, gắn chặt và phục vụ đắc lực cuộc sống, chứ không phải là để tiếp tục làm cho thơ thêm mù mờ, khó hiểu như đánh đố người đọc, khiến công chúng xa lánh Nàng Thơ”.
4- Rõ ràng là đổi mới về nội dung và hình thức thơ là một quá trình đầy gian khổ, vất vả, đòi hỏi người viết phải khổ luyện, gắn mình với tập thể, với cuộc sống. Phải làm sao để cho thơ vừa dân tộc vừa hiện đại, thể hiện được những cảm xúc, tâm trạng, khát vọng chân thực của người viết và cũng là của công chúng đối với con người và cuộc đời. Theo thiển ý của chúng tôi thì đổi mới thơ đúng hướng chính là để thơ gần hơn, sát hơn với cuộc sống, cái “tôi” của nhà thơ hòa với cái “ta” chung, chứ không phải để quay về với cái “tôi” cá nhân chủ nghĩa của người viết hoặc chạy theo chủ nghĩa hình thức, xa lạ với người đọc. Thơ càng giản dị, trong sáng, dễ hiểu càng có sức lan tỏa, hấp dẫn, trở thành món ăn tinh thần bổ ích, quý giá không thể nào thiếu được của công chúng. Chỉ có như vậy mới làm cho nền thơ của chúng ta mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà thơ, dấu ấn của dân tộc và thời đại. Kinh nghiệm của những nhà thơ đi trước đã chỉ ra rằng: Muốn có một bản lĩnh thơ vững vàng, làm ra được những bài thơ hay tuyệt vời, góp phần vào việc đổi mới thơ ca thì người làm thơ, nhất là các bạn trẻ phải quyết tâm rèn luyện để có cách nghĩ, tầm nhìn chính xác, hăm hở lao vào thực tế cuộc sống, học hỏi và tích lũy vốn sống. Bên cạnh đó còn phải lao động thơ một cách bền bỉ, sáng tạo. Tôi rất thích những lời tâm sự rất chân thành của nhà thơ đa tài Nguyễn Đình Thi (1924-2003): “Thơ là cái tha thiết nhất của tôi và cả cái tìm tòi rất khổ của tôi (tuy nó có cái vui của nó)” và : “Hãy viết theo lương tâm và tình cảm tự nhiên, viết sự thật mình thấy và hiểu biết, viết vì lẽ phải mà mình nhận ra được, viết để cố gắng làm hay, làm đẹp cho con người”.
Hà Đông, 15-4-2009