Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Văn chương Việt Nam như bóng đá Hàng Đẫy

Nguồn: Báo mới
Thứ sáu ngày 2 tháng 1 năm 2015 11:19 AM

Đã lâu không thấy sự xuất hiện của nhà văn “Tướng về hưu” trên văn đàn và cả báo chí. Ông giải thích cho sự biến mất của mình bằng một câu ngắn gọn: “Với văn chương thì tôi già rồi”.


Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp


Gà què ăn quẩn cối xay


Danh sách Những tựa sách bán chạy nhất tại Việt Nam vừa được công bố gần đây thì những cái tên như Iris Cao, Hamlet Trương, Nguyễn Nhật Ánh… vượt lên cả những tác gia của thế giới. Thậm chí cuốn “Buồn làm sao buông” của Anh Khang còn “vượt mặt” cả “Hỏa ngục” của Dan Brown để trở thành cuốn sách được tiêu thụ nhiều nhất. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Năm 1996, tôi có dịp sang New York (Mỹ), một vị phó giám đốc nhà xuất bản gặp tôi và hỏi: anh là loại nhà văn gì? viết về cái gì? Tôi thực sự bối rối, nói rằng tôi viết tùy hứng, như một người đi câu, không quan trọng mình câu được mấy con cá.

Thế hệ nhà văn như tôi không xem văn chương là một nghề kiếm sống, nhưng quan niệm này hiện đang có sự dịch chuyển. Nhiều trường hợp, các nhà văn sống được bằng nghề, xây dựng được thương hiệu một nhà văn hiện đại dù có sử dụng những “mánh khóe”.

Các nhà văn trẻ thường viết theo lối tự nhiên chủ nghĩa. Mọi ngóc ngách cuộc sống được họ phơi bày một cách chi tiết, trần trụi nhưng lại kích thích người đọc. Vì thế một số cuốn sách bán chạy của các tác giả trẻ có thể gây hiện tượng bề mặt nhất thời chứ cái họ viết chưa thực sự thuyết phục. Tuy nhiên, vẫn có những tác phẩm giản dị, gợi mở nhiều điều, ít “ngoa ngôn” nhưng lại hay và đượm.

Văn chương “thị trường” muốn tồn tại thì phải có tính giải trí, ông nghĩ sao về quy luật này?

Thời nay, người ta không còn thích thú với những cuốn sách dày cộp mà đọc những thứ thường nhật, dễ đọc và dễ quên. Đó là điều đáng buồn nhưng có lẽ là quy luật xã hội mà chúng ta phải chấp nhận.

Thiết nghĩ, viết văn chính là đi tìm sự bình ổn trong lòng mình. Nhưng suy cho cùng, người ta tìm đến với văn chương mỗi khi “khó ở” hay muốn rời xa đua tranh ganh ghét đời thường, thì tính giải trí của văn học quan trọng lắm chứ.

Nhà văn trước hết là viết cho mình, nhưng đồng thời nhà văn cũng phải kiếm sống. Biết tiết chế hai vấn đề này quả thực rất khó, nhất là với những người trẻ bị hấp dẫn bởi cuộc sống vật chất hiện nay.

Cách hay nhất là người viết nên hướng đến những người đọc có khả năng chia sẻ giá trị, chia sẻ sự đồng điệu chứ không phải bất kỳ đám đông nào ngoài đường.

Như ông nói thì thị trường văn học hiện có rất nhiều thuận lợi cho các nhà văn trẻ?

Bạn đọc trong nước hiện đang rất “đói” những tác phẩm hay nên đây là “khu chợ” tự do cho các nhà văn chào hàng. Tuy nhiên, chúng ta ít khi tính đến chuyện xuất khẩu văn chương ra nước ngoài. Văn học ra nước ngoài liên quan đến dịch, chào hàng, xuất bản vì vậy rất cần huấn luyện viên, ông bầu, nhà tổ chức đứng sau nhà văn.

Nếu so sánh thì văn chương Việt Nam như đám đá bóng Hàng Đẫy (Hà Nội) đầy tính nghiệp dư, còn văn học thế giới cũng như bóng đá Anh vừa tạo tiền bạc, tạo hưng phấn và tạo cả những mối quan hệ.

Thế hệ chúng tôi, văn học đến với nước bạn hầu hết là tự phát, là giai đoạn mở đường nên còn rất phập phù, giống như con chim lạc rừng, lọt vào thành phố không biết chỗ nào tả, chỗ nào hữu. Cá biệt thì có trường hợp “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, tôi xem đây như là sự khai sáng “con đường tơ lụa” cho văn học Việt Nam.

“Các bạn đọc trẻ bây giờ thường đọc sách bằng tai. Khi chọn một cuốn sách, họ thường lên các diễn đàn, mạng xã hội để xem người ta nói về cuốn sách đó như thế nào. Nhiều tác giả trẻ đã biết tận dụng truyền thông để tạo sức nóng cho tác phẩm. Tuy nhiên, hiệu ứng đám đông này đang làm suy đồi văn hóa đọc của giới trẻ rất nhiều.
Việc chọn đọc tác phẩm theo phong trào dù giá trị của nó chưa được thẩm định khiến cho những giá trị văn học đích thực bị khuất lấp. Điều này thuộc trách nhiệm của các nhà phê bình, cần định hướng công chúng ngay khi tác phẩm vừa ra đời” - nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Bảo Ninh may mắn hơn tôi bởi ít nhiều có sự giúp đỡ chuyên nghiệp về mặt truyền thông của một số tổ chức ngoài nước. Điều này là vô cùng quan trọng nếu như muốn chuyên nghiệp hóa tầm quốc tế đối với văn chương Việt Nam.

Nhưng tiếc thay, đến bây giờ với công nghệ số, ngoại ngữ phát triển, lớp trẻ Việt Nam vẫn chưa đạt được đến sự kỳ vọng đó, vẫn chỉ ở câu chuyện “gà què” và “cối xay”.

Quá thiếu tài năng

Nhưng muốn vươn ra thị trường quốc tế thì điều quan trọng nhất vẫn ở chất lượng tác phẩm?

Chúng ta đang quá thiếu tài năng và sức sáng tạo. Tôi đã từng nghe một nhà phê bình nói rất trúng, rất đúng là văn học Việt Nam đang phải trả giá cho một giai đoạn khủng hoảng từ những năm trước, những năm 1980, 1990.

Thế hệ nhà văn lẽ ra phải viết sung sức nhất là thế hệ nhà văn khoảng 30 tuổi, thế hệ nhà văn sinh vào những năm 1980, nhưng đó lại là một thế hệ mất niềm tin, mất các giá trị.

Chúng ta muốn viết hay, muốn phấn đấu cho điều gì thì phải tin vào những giá trị, còn thế hệ 8X lại không biết giá trị của họ ở đâu, không biết giá trị của văn chương, của nghệ thuật ở chỗ nào.

Hiện văn hóa đọc của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của một chủ nghĩa đế quốc mới, bị xâm lăng bởi văn hóa tiêu dùng. Không đủ khả năng hiểu về văn hóa tiêu dùng nên rất nhiều người đã bị văn hóa tiêu dùng thôn tính, viết ra những thứ rất nhảm nhí.

Còn thế hệ trẻ hơn, lại nói về bản thân họ quá nhiều. Họ vẫn quẩn quanh trong cái tôi của mình mà không chịu nhìn ra và bước vào thân phận của người khác khiến cho độc giả đọc xong thốt lên “sao giống mình quá” rồi quên ngay sau đó. Tất nhiên, có những trường hợp ngoại lệ, nhưng không nhiều.

Nghĩa là không có nhiều hi vọng cho văn học Việt Nam ở thị trường quốc tế?

Không phải giáo sư Ngô Bảo Châu đạt Giải thưởng Fields là nền toán học của Việt Nam vươn lên được tầm thế giới. Văn học cũng thế, chỉ một vài tác phẩm chưa làm cho Việt Nam đạt được sự chuyên nghiệp hóa. Điều này cứ hi vọng ở những cú hích lớn trong tương lai, chứ thời điểm hiện tại càng nói lại càng xót xa.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Báo mới