Phòng, hình như là cái cách nói gọn, dân dã của người ngoại thành và những vùng lân cận để trỏ cái thành phố Hải Phòng ăn nằm với biển?
Đoàn nhà văn dự Trại sáng tác Quảng Bá do Hội Nhà văn và Bộ giao thông vận tải ( phối hợp tổ chức) bửng tưng một sáng đầu đông từ Hà Nội nhằm Hải Phòng thẳng tiến. Điểm hẹn là có cái tên cũ Ty Hoa Đăng hoặc Ty đảm bảo Hàng hải nay là Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc.
Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Lưu Văn Quảng vẻ cảm động và có chút chi đó hơi rụt rè nói về công việc cùng bề dày truyền thống của một đơn vị có tuổi đời 59 năm mà hồi thành lập Ty Hoa Đăng ông chưa sinh? Rằng lần đầu anh được tiếp kiến các tác giả mà lứa các anh biết tên nhưng chưa hề gặp trong đó có nhà thơ Vũ Quần Phương chẳng hạn?
Nhưng ngó suốt lượt những mái tóc phau phau hoặc muối tiêu có những bề dày viết lách này khác đương chăm chú dõi theo bản báo cáo, chính xác hơn là những bộc bạch chân tình của người đứng đầu một doanh nghiệp lớn của ngành kinh tế Biển Việt Nam, tôi chừng như phát hiện một hiệu ứng ngược, khác? Ấy là các nhà văn, nhà thơ hình như lần đầu được tiếp cận được làm quen (dẫu chỉ là hình thức nghe và coi hình chiếu lẫn video tài liệu) có tính vỡ vạc, khái niệm về việc đảm bảo an toàn hàng hải. Mang máng nghĩ thêm, những động thái chăm chú cuốn hút kia, biết đâu lại đang khởi đầu cho những dự định những chuyến thực tế dài ngày tại một trong 42 ngọn hải đăng trong hệ thống đèn biển suốt từ miền Bắc đến Cực Nam Trung Bộ thuộc phạm vi quản lý của Tổng công ty đảm bảo hàng hải? Và có ông viết nào đó với những dự định nào đấy sẽ cắm chốt ít ngày tại đảo đèn Long Châu? Hồi chiến tranh chống Mỹ, Long Châu mỗi công nhân đảo đèn phải chịu 300 quả bom Mỹ, mỗi mét vuông chịu hơn 2 tấn bom đạn. Nhưng Long Châu cũng còn sót lại những đàn sơn dương chính hiệu khác với thứ dê núi nhan nhản bây giờ? Mà ở đảo đèn ấy cũng chả thiếu cảnh những con rắn lục cực độc quấn thành từng búi cứ đu đưa trên cành cây? Rồi những ngọn hải đăng nổi tiếng khác như Hòn Dáu, Đại Lãnh, Kê Gà, Cồn Cỏ, Cửa Tùng, Của Việt… Khách văn ngạc nhiên hồi hộp nghe chính Lưu Đức Quảng kể về những ngày anh trực tiếp tham gia xây dựng 9 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa như Song tử Tây, An Bang, Đá Tây, Đá Lát… Rồi miên man vời với những ý tưởng trần trụi cùng lãng mạn về hình ảnh những người gác đèn biển cô đơn trên những hòn đảo heo hút xa vời vợi ngoài trùng khơi thuở trước đến một thế hệ bảo đảm hàng hải Việt Nam trẻ trung năng động đang tiệm cận với trình độ kỹ thuật hiện đại. Và không mấy hột thời giờ nữa từ đại bản doanh ở đất Phòng, những tín hiệu nối mạng từ trung tâm đến các trạm đèn, các trạm giữ luồng, thả phao chỉ cần thao tác kích chuột máy tính sẽ hiển thị ngay tắp lự thông số về vị trí tọa độ kèm thông tin về mỗi con tàu trong các địa phận lãnh hải!
Khách cũng được hướng dẫn lên Phòng truyền thống Tổng công ty. Ở một góc, đã thấy khách văn túm tụm. Tôi lách vô… Và thoáng ngay một cảm giác run rẩy nhẹ nhàng của thứ ký ức bỗng ập về.
Trước tôi là những tấm hình đen trắng, dường như trích đoạn một quá vãng của Ty đảm bảo hàng hải Hải Phòng. Nổi bật tấm chân dung anh hùng lao động Phùng Văn Bằng đang miệt mài công việc. Người công nhân Phùng văn Bằng coi đèn cửa Nam Triệu thuộc Ty bảo đảm hàng hải được phong tặng danh hiệu anh hùng năm 1963 cũng là cá nhân duy nhất của ngành bảo đảm hàng hải mang danh hiệu anh hùng lao động suốt từ bấy đến nay. Bài tập đọc Người gác đèn Cửa Nam Triệu không biết in ở sách giáo khoa lớp mấy nhưng thế hệ U60 đảm bảo nhiều người giờ hẳn nhớ, còn thuộc?
… Suốt buổi thăm, tấm ảnh người anh hùng Phùng Văn Bằng cùng bài tập đọc trong sách giáo khoa dường như cứ am ám mãi ? Mà bài tập đọc ấy, trích của nhà văn Bùi Ngọc Tấn? Phùng Văn Bằng, Bùi Ngọc Tấn là người của đất cảng, của ngay Hải Phòng đây? Mà nhà văn Bùi Ngọc Tấn nghe tin đang lâm trọng bệnh?
Chiều ấy, gặp nhà văn Đào Thắng, phụ trách Trại, tôi xin phép vắng mặt chương trình thăm và làm việc với Đại học Hàng hải…
Việc đầu tiên, tôi nhờ người của Tổng Công ty đưa đến gia đình anh hùng Phùng Văn Bằng.
Ngoại ô Quận mới Dương Kinh. Một cái gara hơi bị hoành tráng có thể đảm đương chữa trị nhiều chứng bệnh thuộc về ô tô. Chủ gara, một người trai trẻ đậm người lễ phép đón tôi nhưng vẫn toát lên vẻ tò mò. Khi nghe người dẫn đường giới thiệu, mọi sự bỡ ngỡ cũng qua nhanh. Thì ra đây là Phùng Ngọc Tiến con trai út của ông Phùng Văn Bằng.
Tiến mau mắn dẫn tôi sang khu nhà bên cạnh. Một căn nhà khá khang trang tọa lạc trên một khu đất thoáng. Nghe Tiến giới thiệu mẹ anh ở đây với người anh trai cả, Phùng Văn Chúng.
Bữa nay người con trai cả đi làm vắng. Vợ anh, con dâu ông Bằng niềm nở tiếp khách. Cô cho biết, bà Bằng đang gội đầu trên gác chút nữa xuống…
Tôi xin phép lên gác thắp hương cho ông Bằng. Ngay ngắn trên ban thờ là hình ảnh người công nhân gác đèn biển Phùng Văn Bằng. Ảnh thờ chắc chụp không lâu trước thời điểm ông mất ( năm 2000) nhìn hơi khác với tấm ảnh trưng ở phòng truyền thống Tổng công ty. Nghe nói ảnh ấy do phóng viên Vũ Tín TTXVN thường trú ở Hải Phòng chụp. Vũ Tín từng đoạt 2 giải ảnh quốc tế những năm Hải Phòng kiến thiết và đánh Mỹ.
Bên trái ban thờ là một khung kính trưng quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động với kiểu chữ nghiêng rất bắt mắt. Và nội dung khá chi tiết ( hơi khác với nội dung phong tặng bây giờ gọn và tắt cho danh hiệu anh hùng)
Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng danh hiệu anh hùng lao động cho Đồng chí Phùng Văn Bằng, tổ trưởng tổ gác đèn biển Ty bảo đảm hàng hải Hải Phòng. Đã nêu cao tinh thần trách nhiệm xung phong công tác nơi xa đất liền, bền bỉ chịu đựng gian khó, luôn luôn biểu thị tinh thần làm chủ, tích cực vượt khó khăn lôi cuốn được mọi người hăng say công tác, bảo vệ tốt hệ thống đèn biển đảm bảo thường xuyên ánh sáng cho tàu các nước ra vào Cảng an toàn. Có công xây dựng tổ trở nên gương mẫu nhất của Ty bảo đảm hàng hải.
Ngày 3-5- 1963
Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa
Hồ Chí Minh
Bên cạnh là tấm Huân chương Lao động Hạng Nhất Hồ Chủ Tịch tặng Phùng Văn Bằng năm 1962
Chứng thấp khớp một bên chân khiến bà vợ ông Bằng xuống thang gác một cách vất vả. Dù tôi ngỏ lời muốn được tiếp chuyện bà trên gác. Bà năm nay tuổi 76 người mảnh, nom còn khỏe… Ngó cung cách sấy tóc và chải đầu cho mẹ chồng, thoáng nghĩ đến những đảm đang tháo vát của dâu con nhà ông Bằng? Bên cô con dâu và cậu con trai út, câu chuyện bà vợ ông Bằng khá là cởi mở với khách.
Chuyện lui về những năm xa… Như đang thấp thoáng ngày nào khung cảnh thành phố Cảng cuối những năm năm mươi của thế kỷ trước. Những tất tả, hối hả, kiến thiết và hình ảnh cô tổ trưởng duyên dáng mảnh mai của tổ vận chuyển thuộc Phòng vật tư Ty bảo đảm hàng hải Nguyễn Thị Lời. Cùng làm việc ở Ty Hàng hải, cô có nghe đâu đó về tấm gương điển hình của người công nhân bên xí nghiệp đèn Nam Triệu tên là Phùng Văn Bằng. Cô cũng biết đến những sáng kiến cải tiến để đèn bất kể thời tiết nào cũng không tắt, chịu gian khổ khắc phục khó khăn này khác… Nhưng ám ảnh cô lâu nhất vẫn là hình ảnh con thuyền nan mong manh nối người ấy với đất liền phải chèo suốt một ngày. Mà người ấy cô hề biết mặt? Lần đó trong một đại hội mừng công của Ty, cô tổ trưởng Nguyễn Thị Lời mới biết mặt người thợ gác đèn Phùng Văn Bằng. Cô Lời đến đại hội mừng công với tư cách là chiến sĩ thi đua ( Nguyễn Thị Lời sau này liên tục có 6 năm là CSTĐ cấp thành phố) Hóa ra họ cùng quê Thanh Miện đất tỉnh Đông. Lần quen biết ấy cho đến đám cưới của họ năm 1958 là cả một câu chuyện dài.
Và cả không ít những gian nan trắc trở mà người vợ trẻ ấy đã xẻ chia gánh vác cùng chồng. Năm 1960 có con trai đầu lòng. Chồng biền biệt ngoài đảo đèn xa khơi Nam Triệu. Hình như những đảm đang lo toan của vợ cùng tổ ấm gia đình đã tiếp thêm sức mạnh cho anh công nhân Phùng Văn Bằng để gắng gỏi qua nhiều gian nan. Danh hiệu anh hùng LĐ của chồng, người vợ cũng góp một phần không nhỏ?
Ánh sáng đảo đèn Nam Triệu những năm xa ấy như đang được thế hệ con cháu của người anh hùng Phùng Văn Bằng tiếp nối? Bằng cớ là anh con trai trưởng Phùng Văn Chúng nay là Phó giám đốc xí nghiệp khảo sát đảm bảo hàng hải thuộc Tổng Công ty ( TCT). Nhớ năm 1981, Chúng có giấy báo nhập học trường Trung cấp Hàng hải, ông Bằng động viên con, nhà chưa có ai đi bộ đội, con nên đi… Vâng lời cha, Chúng lên đường nhập ngũ. Môi trường quân đội, Chúng được rèn luyện, trưởng thành được kết nạp vào Đảng.
Vợ Chúng cũng làm ở phòng hành chính TCT. Anh con trai thứ 2 Phùng Văn Tuyển là thuyền trưởng tàu thuộc xí nghiệp Đông Bắc TCT không may mất vì bạo bệnh. Vợ Tuyển là tổ trưởng XN trang trí ( vệ sinh tàu quản lý phao luồng) Người con trai thứ 3 Phùng Văn Tuyên cũng là một thuyền trưởng giỏi của XN Đông Bắc thuộc TCT. Hai thế hệ đảm bảo hàng hải của một gia đình Phùng Văn Bằng có đến 7 người cùng làm ở một TCT có lẽ hơi hiếm?
… Ghé số 10 Điện Biên Phủ quen thuộc nhưng nhà văn Bùi Ngọc Tấn không có nhà. Từ thời điểm phát hiện ra khối u ở phổi, nhà văn dời xuống nhà con trai. Theo hướng dẫn của người bạn từ Hà Nội, tôi tìm đến cái phố có cái tên đến kinh, phố Thiên Lôi. Cứ mường tượng mong chờ một hình ảnh quen thân mở cửa ra là Bùi Ngọc Tấn lù lù với cái cười lành cố hữu.
Nhà văn vẫn lù lù. Nhưng là ở trên giường. Vẫn cái cười lành, nhưng héo hắt. Ông nghển phía tôi với chất giọng lào khào nhưng nghe vẫn rõ, có phải hỏi thăm nhiều không. Là khu vực này trước đây không hiểu sao sét táng xuống ghê quá nên có tên lạ ấy. Mà cũng lạ, khi đặt tên thành phố vẫn chuẩn thuận tên ấy? Nghe chuyện ông, bà vợ cười theo nhưng cũng cái cười héo hắt ấy. Bà thở dài, mấy đêm rồi ông đau không ngủ được. Đã phải dùng mocphin. Lạ, bạo bệnh thế nhưng nước da có sáng ra? Ông cười theo nhận xét của tôi, là nhiều người đến thăm cứ quở thế?
Ngồi với ông với những mẩu rời rạc không đầu không cuối. Cố mường tượng một quá vãng Bùi Ngọc Tấn trong những lần gặp trước khi ông chưa vướng bạo bệnh. Lòng người trai ba mươi/Vui như trẻ lên mười/ Yêu như tuổi mười bảy/ Buồn như sắp năm mươi ( thơ Quang Dũng) Chuyển từ báo Tiền Phong về ở hẳn Hải Phòng, có nhiều người viết như Bùi Ngọc Tấn khi ấy. Nhà văn Châu Diên không về làm báo Hải Phòng Kiến thiết như Bùi Ngọc Tấn mà về ở hẳn tại nhà máy xi măng trực tiếp đứng lò với công nhân hy vọng thai nghén một tác phẩm để đời. Bớt hăng hơn, Bùi Ngọc Tấn chi dùng kha khá thời gian ở mảng người tốt việc tốt. Hải Phòng có nhiều gương điển hình tiên tiến có các anh hùng lao động. Bùi Ngọc Tấn phát hiện ra Phùng Văn Bằng rồi rất thân với Ty Hải Đăng mà thời Tây gọi là Lục Lộ Thủy. Bùi Ngọc Tấn sống với Phùng Văn Bằng nhiều ngày, đã đi các đảo Long Châu, Hòn Dáu, Cô Tô. Phóng sự dài kỳ về Phùng Văn Bằng trên Hải Phòng kiến thiết được Báo Nhân Dân đăng lại. Và, Hồ Chủ Tịch đã đọc những bài ấy của Bùi Ngọc Tấn rất kỹ, đánh dấu bằng cả bút chì đỏ. Không biết có phải cú hích ấy mà Phùng Văn Bằng đâm nổi trội và sau này trở thành anh hùng? Nhưng những ghi chép của Bùi Ngọc Tấn khi ấy khố chuội trong bạn đọc. Một lần ông bộc bạch tự giễu thế này.
Khi ấy tôi viết như bổ củi. Ngoài viết báo, tôi viết thêm văn như người lộn xích xe đạp. Tôi viết như người làm chủ một gia đình 6 người một gia đình nhỏ mấy cũng cần phải ăn. Tôi tập trung sức vào viết cuốn Hải đăng. Tôi tâm đắc với câu của Nguyễn Kiên, văn nghệ nó như cái đình, các ông Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài đã ngồi chiếu giữa đã ăn cỗ nhất cả rồi. Anh em mình đến sau, chả ai trải chiếu cho mình cả đâu. Phải tự kiếm lấy hòn gạch ngồi ghé vào đâu đó rồi cắm đầu vào mà viết.
Nhưng cuộc đời thật nó khác? Hải Đăng hình như tắt ngóm? Rồi Bùi Ngọc Tấn bặt tăm với tai nạn nghề nghiệp… Sau 25 năm dừng bút, ông mới viết trở lại. Và Bùi Ngọc Tấn đã biết cách tìm lại thời gian đã mất trong thời kỳ viết lại đầy sung sức này. Rừng xưa xanh lá. Chuyện kể năm 2000. Biển cả và chim bói cá. Viết về bè bạn. Truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn… lâu nay vang xa và bầu nên một tên tuổi Bùi Ngọc Tấn.
Trở lại với bài viết về anh công nhân gác đèn biển Phùng Văn Bằng. Thời điểm Phùng Văn Bằng sắp tuyên dương anh hùng lao động, Hải Phòng có ngay sáng kiến nâng cấp những bài báo về Phùng Văn Bằng lên thành cuốn sách. Bùi Ngọc Tấn lại phải lao vào việc. Mà đâu như chỉ hơn một tuần, bản thảo cuốn Người gác đèn cửa Nam Triệu được hoàn thành. Ty văn hóa cử nhà thơ Lê Đại Thanh đọc duyệt. Lại cẩn thận cử nhà thơ đi cùng với Bùi Ngọc Tấn mang bản thảo Người gác đèn cửa Nam Triệu xuống để đọc cho lãnh đạo công ty cùng nhiều cá nhân tiên tiến xuất sắc nghe. Bùi Ngọc Tấn có kể lại rằng, ông đọc mà toát hết cả mồ hôi cứ lo ngay ngáy. Chỉ sợ có điều gì trục trặc về những điều tôi nói quá lên cũng chỉ vì yêu anh quý anh mà thôi… Nhưng may, tất cả đều xuôn xẻ.
Sở văn hóa Hải Phòng cho in cấp tốc 4000 bản để kịp phát hành đúng buổi Thành phố mít tinh đón danh hiệu anh hùng lao động Phùng Văn Bằng.
Số phận Người gác đèn cửa Nam Triệu lại tiếp tục hanh thông. Nhà xuất bản Thanh Niên đổi tên thành Người gác đèn biển tập hợp in chung với mấy truyện ký khác viết về anh hùng lao động và thanh niên với cái tên Sống giữa những người anh hùng. Sách được Trung ương Đoàn thanh niên phát động học tập trong cả nước. Sách được in ba lần liên tiếp với số lượng 15 vạn bản!
… Chiều Phòng, chiều thành phố Cảng vẻ sậm sựt dở bấc, dở nồm. Cứ như không chịu lùi hẳn về một tiết đông? Ngạc nhiên khi tôi nói vừa ghé nhà người gác đèn cửa Nam Triệu, nhà văn Bùi Ngọc Tấn nhớ ngay ra một chi tiết nhà ấy có 4 con trai cơ đấy. Hồi nhận danh hiệu anh hùng, thành phố cấp cho căn nhà khá oách ở phố Hoàng Diệu nhưng Bằng từ chối bảo nhường cho anh em nào chưa có nhà…
Đang cháy lên những giọt dầu cuối? Nếu có phép mầu nào đó tái sinh một đời sống với nhiều chặng viết lách cùng hào quang của những thành đạt này khác nhưng có lẽ với nhà văn Bùi Ngọc Tấn, ánh đèn hải đăng cửa Nam Triệu thuở hoa niên bút mực ấy vẫn mãi mãi ấm áp lung linh?
Chớm đông năm Ngọ
X.B
Chú thích ảnh
1. Hải đăng Hòn Dáu và Đoàn nhà văn thăm ngọn Hải đăng Hòn Dáu
2. Vợ và con dâu ông Phùng Văn Bằng
ảnh XB