Lại một nghi án đạo thơ cần làm sáng tỏ
Trịnh Anh Đạt
Thứ hai ngày 8 tháng 12 năm 2014 8:13 PM
Trịnh Anh Đạt
Tuyển thơ “ Đánh giặc, làm thơ, mười thế kỷ” do soạn giả, nhà thơ Gia Dũng tuyển chọn, NXB Văn Học cấp phép, ấn hành vào tháng 8 năm 2014, đã gây ấn tượng mạnh với đọc giả trong và ngoài nước. Tuyển thơ nặng gần 5 kg, gồm 2021 trang ruột, với 362 tác giả thơ, được chia làm 2 phần:
PHẦN I/ “Ông cha ta đánh giặc - làm thơ”, gồm 85 tác giả. Mở đầu là bài “Thiên đô chiếu” của Vua Lý Công Uẩn (974 – 1028) và khép lại phần này là bài “Vô đề” của cụ Huỳnh Thúc Kháng (1875 – 1947).
PHẦN II/ “Chúng ta đánh giặc – làm thơ”, gồm 277 tác giả. Mở đầu là bài “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890- 1969)
Trịnh Anh Đạt (tôi) được tuyển chọn 3 bài, (trang 955) gồm “Rau má”, “”Mẹ ơi” và “Người về bến cũ”
Soạn giả, nhà thơ Gia Dũng có ý định ra tiếp tuyển thơ gồm 108 bài thơ hay viết về Mẹ, trong đó có bài thơ “Mẹ ơi” của tôi rút ra từ tuyển thơ trên. Mừng ít, lo nhiều, tôi quyết định biên tập, nâng cao chất lượng bài thơ, để không phụ lòng mến mộ của công chúng yêu thơ. Sau khi gửi cho “Viện Gia Dũng”, tôi có gửi bài thơ này cho cựu giáo chức, cử nhân văn chương Bùi Trọng Thể, hiện là phó chủ nhiệm CLB thơ Dương Kinh, nơi mà tôi gắn bó hơn 10 năm qua, cũng xuất phát từ lời hứa của Bùi cử nhân về việc bình bài thơ “Mẹ ơi” khi tiếp cận văn bản thơ đầu tiên, vào đầu tháng 5/ 2014. Nguyên văn bài thơ (Đã chỉnh sửa)
MẸ ƠI
Mừng mẹ tuổi 95
Mẹ rằng: Đứng chẳng vững chân
Thì lưng còng xuống cho gần đất hơn
Lên chùa ngại bậc rêu trơn
Niệm vầng nhật nguyệt trước cơn bão người!
Đạn bom một thuở một thời
“Gậy Trường Sơn” gác chái hồi còn đây
Bao nhiêu ơn nghĩa cao dầy
Con đi hết cuộc đời này chẳng quên…
Làng ta lên phố đổi tên
Xóm giềng ngăn cách, dậu phên thay rồi
Tình người nhạt miếng trầu ôi
Hồn làng hóa đám mây trôi phiêu bồng…
Con về thỏa nỗi nhớ mong
Dâng xe lên mẹ, ấm vòng tay ôm
Tập đi…bước thiệt bước hơn
Bốn chân dại, hai chân khôn dò đường…
Chín lăm, mẹ vẫn tinh tường
Ví xe với gậy Trường Sơn…rồi cười
Bảy mươi, giọt mắt con rơi
Nép vào bóng mẹ, mãi thời trẻ trai.
Hà Nam một lần về thăm mẹ
14/ 5/ 2014
T.A.Đ
Tôi gửi bài thơ qua hòm thư điện chiều ngày 24/ 11/ 2014 cho hai nhà giáo Bùi Trọng Thể và Đặng Trinh Tư. Sáng hôm sau, tôi nhận được thư của Bùi cử nhân (Trích nội dung) “…Và rất tiếc khi phải thông tin cáo lỗi với anh vì sự dang dở của bài thơ “Mẹ ơi”, vì lẽ cũng có bài “Mẹ” tôi tình cờ đọc được trên mạng, bài thơ của tác giả Trà Thanh Lam đã xen vào, phá vỡ những dự định của người đọc và cảm ơn anh. Anh tìm đọc bài thơ này thử xem.
Ngày 25/ 11/ 2014”
Không khó khăn, tôi đã vào googlo và đọc được tới 3 bài thơ viết cùng đề tài về mẹ của tác giả Trà Thanh Lam (Tên thực là Võ Văn Sửu)
I/ MỪNG MẸ TUỔI 90
Đăng 07: 49 ngày 02/ 01/ 2014
Năm nay mẹ tuổi 90
Các con cảm thấy bồi hồi trong tim
Một đời chìm nổi đi tìm
Miếng cơm manh áo nổi chìm đôi mươi
Nếu còn chín đứa người ơi
Một vai gánh vác phần đời khổ đau
Các con xa vắng, mẹ sầu
May hơn người khác qua cầu chiến tranh
Hòa bình về lại nguyên lành
Đến nay tất cả đã thành lứa đôi
Chú út cũng đã hai rồi
Cháu đều khỏe mạnh, trí thời khôn ngoan
Một đời mẹ cõng gian nan
Mấy mươi xuân ấy cũng tràn niềm vui
90 năm, một con người
Trắng trong vạt ướm, một đời thủy chung
Thời gian như nước dưới sông
Chúng con chúc mẹ trăm năm bạc đầu
3/ 2/ 2014
(Con cháu dâu rể, đồng kính tặng mẹ nhân dịp 90 tuổi)
-----
Trên vandanviet. net
Mẹ - Thơ Trà Thanh Lam
Thứ 7 – 24/ 05/ 2014 – 12: 47
Thông tin cá nhân:
Tác giả Trà Thanh Lam
Tên thật là Võ Văn Sửu
Nguyên giảng viên trường Đại học Tài chính, kế toán (Bộ Tài chính) mới nghỉ hưu.
Địa chỉ: Tổ dân phố 3, thị trấn La Hà, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi.
ĐT: 0965 845 037
Email: vovansuu@tckt.edu.vn
II/ MẸ
Mẹ tôi đứng chẳng vững chân
Cái lưng còng xuống để gần đất hơn
Bước đi như thấy đường trơn
Còn đâu sức đội được cơn bão trời…
Đạn bom một thuở tơi bời
Một còn một mất rối bời gió mây
Công ơn biết khó đong đầy
Con đi hết cuộc đời này chẳng quên
Làng xưa nay đã đổi tên
Xóm giềng san sát giậu phên thay rồi
Còn đâu một luống trầu hôi
Vườn cau in bóng một thời trổ bông
Con về mẹ đỡ ngóng trông
Câu thơ viết để ấm vòng tay ôm
Bước đi giờ đã run run
Hai chân thật, một chân khôn dò đường
Chín mươi, mẹ vẫn tinh tường
Câu thơ - Ví dặm vẫn còn như in
Mắt mờ nhưng vẫn kiếm tìm
Hoàng hôn sẽ đến im lìm mẹ ơi
Dù đi góc biển chân trời
Dấu xưa in bóng hình người chiều nay.
Chiều xuân 2/ 2014
TRÀ THANH LAM
Trà Thanh Lam
@ Tác giả giữ bản quyền
Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gởi từ Quảng Ngãi ngày 24/ 5/ 2014. Xin vui lòng ghi rõ nguồn vandanviet.net khi đăng lại.
(Các bạn lưu ý: Cuối bài thơ tác giả ghi: Chiều xuân 2/2014! Nhưng trên vandanviet.net ghi rõ ngày giờ gửi là: Thứ 7 – 24/05/ 2014 – 12: 47’)
III/ MẸ TÔI
(Kính tặng mẹ)
Mẹ tôi tóc đã hoa râm
Giường kê thấp xuống cho gần đất hơn
Lên đồi ngại bậc dốc trơn
Đi xa sợ té “tay vươn giữa trời”
Một vai gánh nửa cuộc đời
Đắng cay mẹ nhận ngọt bùi dành con
Chác chao duyên phận chẳng tròn
Nước cô đơn
Gội
Tóc buồn tiếng rơi
Khổ đau dấu kín vào người
Trắng trong ngọn nến giữa đời lắt lay
Sông sâu sóng vỗ đò đầy
Con thuyền đơn độc những ngày bão giông
Các con đứa bắc người đông
Một mình mẹ với cánh đồng lúa ngô
Những khi sóng gió bất ngờ
Mẹ đau, đau cả
Bến bờ
Bãi sông
Một đời mẹ cứ ngóng trông
Câu thơ khăc khoải nối vòng tay ôm
Bước đi giờ đã run run
Hai chân thật, một “chân khôn” dò đường
Chín mươi mẹ vẫn tinh tường
Câu thơ điệu Ví đêm trường ngâm nga
Đời sông lắng mãi trong ta
Nắng trưa
Mưa tối
Chiều tà mây bay
Hoàng hôn sẽ đến mỗi ngày.
2/ 2014
Bài thơ này được đăng dưới bài bình thơ “Cảm nhận bài thơ “Mẹ tôi” của Trà Thanh Lam”. Đăng bởi trathanhlam vào lúc 5: 31 ngày 15/ 10/ 2014. (Tác giả bài bình là Huỳnh Xuân Sơn)
Luận chứng:
1/ Bài “Mừng mẹ tuổi 90”
Đăng 07: 49’ ngày 02/ 01/ 2014
Trên trang blog trathanhlam, mặc dù dưới bài ghi ngày 3/ 2/ 2014
2/ Bài “Mẹ” đăng trên vandanviet.net
Vào thứ 7 – 24/ 5/ 2014 lúc 12:47’
Cuối bài thơ ghi thời điểm sáng tác 2/ 2014
3/ Bài “Mẹ tôi” đi trên “Thi đàn Việt Nam” dưới bài bình thơ “Cảm nhận bài thơ “Mẹ tôi” của Trà Thanh Lam” của nhà giáo Huỳnh Xuân Sơn, được đăng lúc 5: 31’ ngày 15/ 10/ 2014. Còn dưới bài bình có ghi: Sài Gòn 11/ 10/ 2014
Trên trang blog cá nhân trathanhlam.vnwblogs.com, trong chuyên trang “Ngày lễ Vu lan nhớ mẹ, thương cha” sau lời dẫn, tác giả cho đăng 2 bài thơ “Viếng cha” cuối bài thơ ghi: 2/ 2014 – 5/ 1 Tết Giáp Ngọ. Dưới bài “Mẹ tôi” ghi: 2/ 2014 – 4/ 1 Giáp Ngọ, kèm dòng chữ màu đỏ, in đậm: CHỈNH SỬA 9/ 2014. Tuy nhiên dưới 2 bài “Viếng cha” và “Mẹ tôi” trang blog điện tử ghi rõ: Đăng bởi trathanhlam, vào lúc 13:52’ ngày 08/ 08/ 2014
Hệ thống lại, ta thấy:
Tất cả con số ngày, tháng, ghi dưới bài thơ “Mẹ” và “Mẹ tôi”của Trà Thanh Lam, là ngụy tạo. Giờ, phút, ngày tháng, năm, do trang điện tử tự động lưu đã phản ánh trung thực và khách quan thời gian đăng nhập bài viết. Như vậy bài thơ “Mẹ” được công bố sớm nhất vào ngày 24/ 05/ 2014, bài “Mẹ tôi” công bố vào ngày 15/ 10/ 2014, còn trên trang cá nhân của tác giả được công bố vào 08/ 08/ 2014, trong dịp lễ Vu lan.
Bài thơ “Mẹ ơi” của Trịnh Anh Đạt được sáng tác và công bố vào thời gian nào? Trên những phương tiện thông tin đại chúng nào?
1/ Lần đầu tiên xuất hiện trên trang web langphuonglinh.vn vào 22:32’ – thứ 3, ngày 13/ 05/ 2014
2/Trang blog hoaikhanh. vn, đăng vào: 12:10’ ngày 16/05/2014
3/Trên trang facebook Đạt Anh Trinh ngày 17/ 05/ 2014
4/ Tạp chí Văn học nghệ thuật xứ Thanh số 227, tháng 6/ 2014.
5/ Trang xuanloc.vn, đăng lại “Mẹ tôi” từ tạp chí xứ Thanh
6/ Tập thơ “Miền đất Dương Kinh” NXB Hội Nhà văn 07/ 2014
7/ Báo “Văn nghệ công an” (Bộ công an) số ra ngày 04/ 08/ 2014
8/ Báo “Bà Rịa,Vũng Tàu” số ra ngày 10/ 08 /2014 (Rằm tháng 7)
9/ Ngày 10/ 08/ 2014, tác giả trả lời phỏng vấn và đọc bài thơ “Mẹ ơi” tặng khán giả nghe đài trong chuyên mục thơ của đài PTTH tỉnh Thanh Hóa.
10/ Tuyển thơ “Đánh giặc, làm thơ, mười thế kỷ” Nxb Văn học, nộp lưu chiểu tháng 08/ 2014, cũng chọn in bài “Mẹ ơi”
Như vậy căn cứ vào hệ thống lưu giữ tự động trên các trang mạng, báo giấy, tạp chí, báo tiếng, báo hình…bài thơ “Mẹ ơi” của Trịnh Anh Đạt đã được công bố trước và phổ cập rộng khắp, không chỉ trong phạm vi toàn quốc, còn ở nước ngoài!
Đặc biệt là báo “Văn nghệ công an” Bộ công an, với số lượng phát hành lớn, có hệ thống đại diện khắp các tỉnh thành trong cả nước, nhưng sau khi báo phát hành đến nay vẫn không nhận được sự phản ứng hay phản biện việc Trịnh Anh Đạt, “đạo thơ”
Trên facebook cá nhân, vì bức xúc về việc ban biên tập báo “Bà Rịa , Vũng Tàu” tự ý biên tập thơ, không xin ý kiến của tác giả, tôi đã cho đăng và chụp hình số báo đăng bài thơ “Mẹ ơi” kèm mấy câu có vần:
“Thơ mình chắc chẳng ra gì
Các ông “thợ báo” đục đi mấy từ
“Định hướng xã hội” ninh nhừ
Thành lẩu thập cẩm…không cù cũng nôn!”
Đã thu hút sự quan tâm của những người yêu thơ khắp mọi miền. Có tới 8 lượt người chia sẻ bài viết, hàng trăm người nhấn like, và comment.
Nhà thơ Bùi Hữu Thiềm, từ địa đầu Tổ quốc (TP Móng Cái) viết:
“…Tôi rất yêu giọng điệu thơ lục bát của Trịnh Anh Đạt, thơ có hồn, có chiều sâu, ngôn từ chuẩn và đắt…”
Nhà văn, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Lê Xuân (TP Cần Thơ) Nhà thơ Lê Huy Mậu (TP VT) Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (TP HN), Nhà văn, nhà lý luận phê bình Vũ Nho (TP Ninh Bình)…Nghệ sĩ, nhà thơ Thai Chiên (TP Bắc Giang) viết:”…Tình người nhạt miếng trầu hôi/ Hồn làng hóa đám mây trôi phiêu bồng…” Có thể nói mà không sợ quá lời rằng: Đây là một trong những câu thơ để đời của nhà thơ Trịnh Anh Đạt…” Còn nhiều nữa! Các nhà văn, nhà thơ thành phố Hoa phượng đỏ cũng đồng loạt lên tiếng: Châu Ngọc Nguyễn, Công Nam, Nguyễn Đình Tâm, Lê Bá Hạnh, Bùi Thu Hằng, Quốc Nguyễn…Cẩn Nguyễn Lâm, Phạm Hải, Lê Huệ Tạ…(HN), Hoàng Tuấn Công, Lâm Bằng, Duy Ngộ, Quân Đỗ, Hằng Đỗ, Nguyễn Xuân Lai, Vũ Thị Sự, Thị Ngọc Trần (TP TH)…Lê Khánh Mai, Dung Thị Vân, Nguyễn Xuân Lộc (TP HCM)…Trang Tuyết Nhung, Trịnh Minh Nhật (QN,VP). Đặc biệt là người yêu thơ là Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài như: Mai Ly (Hoa Kỳ) Vanna Trương (Canada)…
Các bạn yêu thơ, quý trọng lẽ phải quý mến! Những chứng cứ được dẫn trên đây, mọi người đủ dữ liệu để phán quyết việc ai đạo thơ ai. Trong văn chương không có chuyện ăn may, phải có một quá trình khổ công rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm vốn sống…mới dẫn tới “Văn là người” được. Đây cũng là một bài học rút ra để những ai chưa đủ năng lực văn chương, xin đừng mơ mộng hão huyền…Xin được kết bằng câu thơ của người bạn thơ đồng tộc, đồng hương, nhà thơ Huy Trụ:
“Cho đời nhớ được một câu
Bạc đầu người viết chắc đâu đã thành!...”
Tôi yêu cầu phải có lời xin lỗi công khai, trên các phương tiện truyền thông, của người vi phạm luật bản quyền.