Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Bức thư gửi Tuyên Quang

Triệu Lam Châu
Thứ bẩy ngày 29 tháng 11 năm 2014 5:12 PM
Bức thư gửi Tuyên Quang

Tuy Hoà, ngày 28 tháng 11 năm 2014

Chào nhà văn Vũ Xuân Tửu
Lâu lắm rồi chúng ta không có dịp gặp nhau, kể từ khi cùng dự Trại viết Tam Đảo năm 2001 tới giờ, bạn nhỉ.
Dẫu vậy mình vẫn theo dõi quá trình sáng tác của bạn đều đều. Bạn đã từng đoạt Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văng nghệ quân đội. Thật là vui và mừng cho thành công của bạn nhiều lắm.
Hôm nọ nhận điện thoại của bạn từ Tuyên Quang hỏi thăm, mình rất vui.
Trong Tuy Hoà này mình vẫn khoẻ và nghỉ hưu từ năm 2012 rồi.
Hẳn bạn cùng gia đình vẫn khoẻ và đang sung sức trên con đường sáng tạo văn chương!
Mình có bài hát về Tuyên Quang và một số bài nữa – mời bạn cùng nghe cho vui nhé.

Trong tâm thức của tôi từ thời còn là học sinh phổ thông, thì chiến khu Việt Bắc, đặc biệt là vùng Tuyên Quang (Thủ đô gió ngàn) – là một hình tượng đẹp lồng lộng cả về tình người và cảnh đẹp mê hồn của non ngàn hùng vĩ, qua những vần thơ say đắm của nhà thơ Tố Hữu:

Vui sao một sáng tháng năm
Đường về Việt Bắc, lên thăm Bác Hồ
Suối dài xanh mướt nương ngô
Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn…

Thế rồi khi cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta chống Pháp thắng lợi, Trung ương Đảng và Chính phủ rời Việt Bắc trở về Hà Nội, nhà thơ Tố Hữu có ngay một kiệt tác thơ Việt Bắc. Trong đó có câu:

Mình về mình có nhớ ta
Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào…

Những địa danh ấy của Tuyên Quang vang động trong lòng tôi sao mà thân thương và quyến rũ thế, quyến rũ vô cùng.
Và sau này khi Báo Tiền Phong và Nhà nước ta tổ chức các cuộc thi hoa hậu, thì rất nhiều cô gái của vùng Tuyên Quang lọt vào giải cao. Đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ, diễn viên… nổi tiếng về sắc đẹp, có rất nhiều người quê Tuyên Quang. Có lẽ chính vì vậy chăng, mà người ta nói: Tuyên Quang là Miền gái đẹp…
Ồ… nếu bạn là đàn ông, khi nghe câu nói trên – mà không gợi lên một cảm hứng đẹp đẽ và rạo rực nào trong lòng mình – thì rõ ràng bạn không phải là đàn ông nữa đâu! Thật đấy!
Tôi cứ nghĩ vẩn vơ: Câu nói trên được người đời truyền tụng về mảnh đất Tuyên Quang xa xôi – có lẽ là được xuất phát từ mấy anh chàng nhà thơ lãng mạn nào đó thôi! Đúng vậy. Và bây giờ câu nói ấy đã trở thành cửa miệng của rất nhiều người khi nói về Tuyên Quang.
Đó là một niềm tự hào và vinh dự chính đáng của Tuyên Quang.

Triệu Lam Châu tôi sống xa quê Nà Pẳng (Đức Long, Hoà An, Cao Bằng) từ năm 1970 tới giờ. Mỗi lần về thăm quê lúc nào cũng vội vàng trả phép, nên nhiều khi không nắm hết những sự kiện tưởng chừng như nhỏ nhoi đã từng xảy ra ở cố hương. Năm 1990 trong một lần về thăm bản nhỏ Nà Pẳng của mình, tôi được biết ba cháu gái dòng họ Triệu của tôi, là Triệu Thị Danh, Triệu Thị Vịnh và Triệu Thị Thời đã đi làm dâu ở Tuyên Quang. Hồi ấy tôi cảm thấy thật bình thường. Nào có gì đặc biệt đâu? Song sau này khi nghe bạn bè truyền tụng: Tuyên Quang là Miền gái đẹp – Tôi mới suy ngẫm: Ba đứa cháu gái họ Triệu mình được trai Tuyên Quang chọn làm vợ và đã nhập thành cư dân của Miền gái đẹp ấy – Kể ra cũng đáng vui và tự hào lắm thay!

Viết đến đây, tôi lại chợt nhớ tới bài hát rất nổi tiếng Nổi trống lên, rừng núi ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân (Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật). Nhạc phẩm này nói về vùng cao Việt Bắc quê tôi đó.
Ngay câu mở đầu của bài ca, Hoàng Vân đã viết: “Ngày mai em vừa tròn hai mươi tuổi - Cô gái vùng cao xinh đẹp vô cùng…” Theo nhận định của Triệu Lam Châu thì Nổi trống lên, rừng núi ơi và Quảng Bình quê ta ơi, của Hoàng Vân – Là hai kiệt tác của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam!

Rồi tôi lại nhớ đến bài hát Nhớ về Pác Bó của nhạc sĩ Phan Nhân (Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Tác giả ca khúc nổi tiếng Hà Nội niềm tin và hy vọng). Ngay câu mở đầu bài hát Nhớ về Pác Bó đã gặp ngay hình tượng cô gái Tày đẹp xinh dẫn ta vào hồn núi rừng Cao Bằng hùng vĩ giàu truyền thống cách mạng:

Anh nhớ mãi ngày gặp em
Cô gái Tày đẹp xinh, với sắc áo chàm đẹp xinh
Mà giọng hát nghe sao thiết tha dịu êm
Nghe sao ngọt ngào như nước suối
Trong veo như nước suối giữa rừng sớm mai.

Em đưa anh về sông Bằng
Ngày xuân phong lan xanh mộ Kim Đồng
Về Pác Bó nghe Khuổi Nậm hát ca (á a).
Ôi mênh mông trời Cao Bằng
Rừng sâu non cao in hình bóng Người…

Cô gái Tày đẹp xinh trong nhạc phẩm Nhớ về Pác Bó, rõ ràng là người Cao Bằng quê tôi đấy. Và trong cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011, cô gái Cao Bằng Triệu Thị Hà đã đăng quang ở ngôi vị cao nhất, với một sự trả lời bột phát, thông minh sáng láng và đầy bất ngờ - làm ngỡ ngàng tất cả mọi người. Thay vì trả lời câu hỏi: Bạn hãy kể đôi nét về văn hoá quê mình – Triệu Thị Hà đã cất lên một câu hát lượn Nàng ới (Điệu dân ca đặc sắc của Cao Bằng), và nói – đấy là điệu dân ca trữ tình quê em, rồi mời mọi người hãy lên thăm Cao Bằng, quê hương cách mạng, giàu lòng mến khách…Cả Hội trường hôm ấy đã hoan nghênh nhiệt liệt sự trả lời hết sức độc đáo của Triệu Thị Hà. Và cô đã thành Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2011.

Vậy thì những người con gái Cao Bằng đẹp cũng không kém gì gái Tuyên Quang đâu nhé. Thế mà, không hiểu sao Cao Bằng vẫn chưa bao giờ được gọi là Miền gái đẹp..?.
Những ai yêu quê hương Cao Bằng của mình, cũng cảm thấy một chút gì đó như là
buồn tủi… và như thể phảng phất một chút ghen mờ hồ nào đấy… Không hiểu vì sao nữa cơ…Đọc đến đây, hẳn có người sẽ chép miệng rằng: Anh chàng Triệu Lam Châu này sao mà lắm chuyện thế?
Đúng vậy. Nếu vì yêu quê hương mà có ý nghĩ “Lắm chuyện như thế” – thì cũng có sao đâu cơ chứ?

Thế rồi đầu năm 2008 hai đứa cháu gái nữa của Cao Bằng quê tôi là Triệu Thị Lan và Đoàn Thị Hường cũng sang công tác và sống ở Tuyên Quang. Vậy là hai cháu này cũng nhập thành cư dân của Miền gái đẹp rồi. Đặc biệt cháu Lan có giọng hát rất hay và chuẩn. Cháu là người bản Lủng Tao mờ sương bồng bềnh trên sườn núi Khau Mi-à (Cao Bằng), mà trong bài hát Lủng tao, trong lời bà nội kể của Triệu lam Châu – đã từng có câu – Là một xứ Mường Tiên long lanh…

Một buổi chiều thu năm 2008 tôi đang hướng dẫn học trò thực tập địa chất trên núi Nhạn, Tuy Hoà, Phú Yên (Nơi có Đêm thơ Nguyên tiêu đầu tiên trong cả nước – từ năm 1981) – thì nhận được điện thoại cháu Triệu Thị Lan gọi từ Tuyên Quang mờ xa. Và cháu đã hát cho tôi nghe qua điện thoại bài Lủng Tao, trong lời bà nội kể. Giọng hát của cháu vẫn trong trẻo và dạt dào cảm xúc như ngày nào, nhưng sao chiều ấy trên núi Nhạn cao vời đầy ánh thu trong – tôi lại như nghe và hình dung thấy ánh lấp loáng sóng nước Lô Giang của miền Tuyên Quang xa xăm…. Hẳn lúc ấy cháu Lan đang đứng bên dòng sông Lô mênh mang chan chứa bao nỗi niềm của lịch sử và tình người – hoà cùng nỗi nhớ quê Lủng Tao của Mường Tiên long lanh, mà cất lên tiếng hát vàng của lòng mình gửi đến Tuy Hoà trong một buổi chiều thu thanh bình và đầy quyến rũ.
Và tôi bỗng ngước nhìn lên ngọn núi Chóp Chài cao chót vót… Hình như ở phía trên trời cao vời lồng lồng lộng của áng mây xanh kia – là hình ảnh ảo huyền, như phập phồng, hổn hển của Miền gái đẹp Tuyên Quang kia rồi.

Và… bất thần Bà Mẹ Hoa (Đấng sáng tạo của muôn loài theo tâm thức của người Tày) ban ngay cho Triệu Lam Châu một ánh thu thần diệu chói chang như ánh chớp. Một giai điệu nao lòng bắt đầu xuất hiện: Anh chưa đến Tuyên Quang…
Vậy là chỉ một giờ sau đó, trên núi Nhạn của Tuy Hoà, Phú Yên, bên chân ngọn Tháp Chàm cổ kính, tôi đã hoàn thành cả nhạc lẫn lời bài hát Anh chưa đến Tuyên Quang.
Triệu Lam Châu xin trân trọng gửi tác phẩm này đến đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang – Miền gái đẹp và đông đảo bạn nghe nhạc yêu quý.

Triệu Lam Châu