Trang chủ » Tin văn và...

"Quốc hội không phải là nơi anh phát biểu thuê, bấm nút thuê"

Xuân Hải
Thứ tư ngày 23 tháng 7 năm 2014 8:23 AM

Xuân Hải (thực hiện)/Infonet

Đại biểu Quốc hội bấm nút tại hội trường
 Trao đổi với PV Infonet sáng 21/7 về ý kiến “có đại biểu phát biểu bài của người khác” của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) mới đây, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trường đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa khóa 12 nhận định rằng "Chủ tịch Quốc hội đã nói lên sự thật".

Mới đây tại cuộc họp của UBTVQH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phản ánh tình trạng ĐBQH “phát biểu bài của người khác” và Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng có tình trạng “đại biểu bấm nút hộ nhau”. Vậy ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Lê Văn Cuông: Tôi cho rằng tình trạng "đại biểu phát biểu ý kiến của người khác" cũng đã từng xảy ra từ khóa XI và XII nhưng ít hơn, kín đáo hơn và tế nhị hơn, nhưng đến khóa XIII có lẽ tình trạng này phát triển nhiều hơn và lộ liễu hơn nên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng mới phải nói như vậy và đề nghị rút kinh nghiệm. 
Bên cạnh đó, tình trạng đại biểu “bấm nút hộ” cũng đã được Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đưa ra. Theo tôi đây có thể là những trường hợp đại biểu đi vắng, không họp nhưng những người ngồi bên cạnh cùng đoàn lúc biểu quyết vẫn điểm danh hộ và bấm nút hộ. Đây cũng là vấn đề mà Quốc hội và dư luận cần quan tâm. Bởi vì nếu để trường hợp hợp này phát triển thì rất nguy hại đến vai trò của ĐBQH vì họ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, nhưng không làm tròn nhiệm vụ mà đại diện cho một nhóm lợi ích khác, nói theo tiếng nói của người khác, chứ không phải nói theo tiếng nói của nhân dân và lợi dụng danh nghĩa của QH, vị trí QH để mưu đồ lợi ích cá nhân và tạo nên mối quan hệ để bao bọc lợi ích của mình. Như vậy nó sẽ không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò của người ĐBQH.
Tình trạng trên nếu không uốn nắn kịp thời, không nêu ra trước công luận thì nó sẽ trở thành phản ứng dây truyền làm cho uy tín của QH giảm sút, làm cho người dân phải nghi ngờ. 
Tôi rất đồng tình và đánh giá cao với ý kiến phản ánh của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng và Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã thẳng thắn nêu ra. Đây cũng thể hiện sự dũng cảm, dám nói lên sự thật, trực tiếp phản ánh phê phán những vấn đề không lành mạnh, không tốt trong nghị trường QH. 


Như vậy là đã bắt được “bệnh”, còn “chữa bệnh” như thế nào thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Muốn ngăn chặn tình trạng này, trước mắt cần phải thẳng thắn có ý kiến với các ĐBQH đã có tình trạng như vậy, có thể có ý kiến bằng văn bản gửi trực tiếp và nhắc nhở đại biểu trên nghị trường. Đồng thời, yêu cầu các vị trưởng, phó đoàn ĐBQH phải quản lý, giám sát chặt chẽ khi phát hiện ra những đại biểu vi phạm tình trạng trên.
Ông Lê Văn Cuông (Ảnh: Xuân Hải)
Tức là phải "chấm điểm" đại biểu theo từng năm, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Theo tôi, QH cần phải có cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá, phân loại ĐBQH, chứ lâu nay việc này vẫn còn buông lỏng, không quán xuyến được hoạt động của đại biểu. 
Tôi cho rằng, cần phải có phân loại hoạt động của ĐBQH, nhất là những đại biểu phát biểu có nhiều đóng góp, được cử tri và báo chí đồng tình thì cuối nhiệm kỳ QH cần có thiết chế tôn vinh như trong bóng đá có bầu chọn quả bóng vàng vậy. Đối với các đoàn ĐBQH, hàng năm phải phân loại đại biểu, đại biểu nào hoạt động tốt hay chưa tốt hoặc hoạt động trung bình, đưa ra các tiêu chí rõ ràng. 
Theo tôi, việc bầu chọn ĐBQH hàng năm hoạt động tốt phải để cho báo chí bình chọn thì mới khách quan, vì báo chí thường xuyên theo dõi hoạt động của QH và theo dõi ý kiến cử tri nhận xét đánh giá hoạt động của đại biểu, của QH. Sau đó, UBTVQH có thiết chế tôn vinh những đại biểu nhân dân và có thể tặng cho họ một kỷ niệm chương để động viên, khuyến khích, qua đó các đại biểu cũng phải phấn đấu vươn lên để đạt danh hiệu đó, chứ hiện nay là “hòa cả làng”, những người hoạt động tích cực cũng không được tôn vinh hay cũng có khi những người hăng hái phát biểu thẳng thắn có khi còn chịu thiệt về sức ép của lãnh đạo của địa phương, thậm chí không cho tái cử hay phát biểu hăng hái quá, đụng chạm nhiều người ta cũng không thích, chỉ có thể phản ánh bằng cách tế nhị mà thôi, hết nhiệm kỳ thì thay đổi, nhường chỗ cho người khác. 


Có ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử lý đối với các đại biểu “phát biểu bài của người khác” hoặc "bấm nút hộ nhau”, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Về vấn đề này trước hết QH, Đoàn ĐBQH nên nhắc nhở trực tiếp cho các đại biểu vi phạm để người ta sửa chữa, nếu người ta tiếp tục tái phạm thì có thể phê bình, nêu tên trước QH.
Còn có biện pháp nào tốt hơn nữa không, thưa ông?
Ông Lê Văn Cuông: Theo tôi về lâu dài cần xây dựng luật về vận động hành lang đối với ĐBQH, HĐND. Tức là đưa ra những gì cần ĐBQH, Đại biểu HĐND được vận động và những gì cấm được vận động. Như một số nước trên thế giới đã áp dụng chẳng hạn, người ta cũng có quy định về vấn đề này. 
Thực ra đây cũng là vấn đề cụ thể hóa Hiến pháp của nước mình về quyền của con người, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do có ý kiến thế này thế kia, nhưng phải nằm trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp của nước ta. 
Về quyền tự do phát ngôn của người dân và đặc biệt là quyền tự do của người đại biểu dân cử như thế nào, vận động hành lang ra làm sao, nội dung nào được vận động và những nội dung nào không được để thể hiện trách nhiệm, tính độc lập của mình chứ còn nếu bầu đại biểu để làm cái anh đi nói thuê, đi bấm nút thuê cho người khác là không được. Quốc hội không phải là nơi anh được cử tri bầu ra để anh đi phát biểu thuê, bấm nút thuê đâu!.
Xin trân trọng cảm ơn ông!