|
Khắc phục sự cố Trạm biến áp 500KV Hiệp Hòa |
Điều không ai hiểu nổi là vì sao đã biết rất rõ rằng chất lượng dây chuyền, máy móc thiết bị của Trung Quốc “chỉ ở mức trung bình, thường xuyên xảy ra sự cố”, mà vẫn chấp nhận?
Chỉ trong một tuần lễ của tháng 5/2013, liên tiếp 2 máy biến áp 500 KV công suất 900 MVA tại trạm biến áp Hiệp Hòa (Bắc Giang), một trạm biến áp có nhiệm vụ cung cấp điện cho khu vực Đông Bắc, nhằm mục tiêu bảo đảm nguồn năng lượng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, cùng bị xì dầu ra ngoài, hư hỏng nặng, buộc phải tách ra khỏi hệ thống.
Hậu quả là 8 tỉnh mất điện.
Hai máy biến áp trên đều là hàng Trung Quốc. Nhà thầu trúng thầu cung cấp thiết bị này là liên doanh Xian XD Transformer Co Ltd và Cty TNHH Đại Hoàng Hà. Hai máy biến áp hỏng khi vừa hết hạn bảo hành.
Cuối tháng 5, nhà thầu đã cử 6 chuyên gia, trong đó có 1 Phó Tổng giám đốc nhà máy sản xuất Xian XD Transformer sang Việt Nam để xác định nguyên nhân sự cố. Tuy nhiên, đoàn chuyên gia trên đã xách valy về nước sau khi… chẳng giải quyết được gì.
Sự kiện trên chưa kịp lắng trong lòng dư luận, thì mới đây, báo chí lại đồng loạt đưa một thông tin khiến không ít người bị sốc: Cty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam), một nhà máy có quy mô vốn trên 14.000 tỷ đồng (700 triệu USD), từ khi đưa vào khai thác đến nay, mức lỗ càng ngày càng trầm trọng.
Năm 2012 Cty lỗ 75 tỷ đồng; năm 2013 lỗ 759 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2014 ước lỗ 237 tỷ đồng. Và lỗ lũy kế đến nay đã là 1.071 tỷ đồng. Cứ đà này, thì việc Cty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình chìm ngập trong nợ nần, thậm chí phá sản, chỉ còn là vấn đề thời gian.
Lý giải cho việc 2 máy biến áp của trạm biến áp Hiệp Hòa bị hỏng, đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phân bua rằng: “Quá trình đấu thầu mua máy biến áp, triển khai lắp đặt được đấu thầu quốc tế rộng rãi theo hình thức hợp đồng trọn gói. Nhà thầu đã tiến hành đặt hàng cung cấp thiết bị và lắp đặt có sự giám sát của các chuyên gia và tư vấn. Công tác thí nghiệm, nghiệm thu, đóng điện được tiến hành theo đúng quy định, quy trình. Không có hiện tượng bất thường nào xảy ra”.
Còn nguyên nhân lỗ của nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Gia Trường, là do “Dây chuyền, máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình, thường xuyên xảy ra sự cố. Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc…”.
Dây chuyền không phù hợp khiến các chi phí tăng cao, đã đẩy giá thành mỗi kg sản phẩm của nhà máy đạm Ninh Bình lên cao hơn so với giá thành mỗi kg sản phẩm của các nhà máy cùng loại trong nước rất nhiều. Việc đấu thầu cung cấp thiết bị của nhà máy đạm Ninh Bình cũng được cho là… đúng quy trình.
Tất cả đều “đúng quy trình”. Nhưng máy biến áp vẫn hỏng. Dây chuyền sản xuất đạm liên tục gặp sự cố khiến kinh doanh thua lỗ.
Điều không ai hiểu nổi là vì sao đã biết rất rõ rằng chất lượng dây chuyền, máy móc thiết bị của Trung Quốc “chỉ ở mức trung bình, thường xuyên xảy ra sự cố”, mà vẫn chấp nhận? Trong khi nhà nghèo thì lẽ ra phải “ăn cho chắc, mặc cho bền”.
Và phương thức dự thầu của các nhà thầu Trung Quốc thì từ lâu đã được rất nhiều chuyên gia cảnh báo: Trong hầu hết các dự án đấu thầu quốc tế rộng rãi, nhà thầu Trung Quốc thường trúng thầu do lợi thế thiết bị giá rẻ. Thậm chí họ chấp nhận trúng thầu với bất cứ giá nào. Nhưng khi thực hiện dự án thì họ nại đủ lý do để cố tình chậm trễ nhằm đội giá.
Trường hợp không thể chậm trễ được thì chất lượng dây chuyền, thiết bị lại không đảm bảo, thường xuyên hỏng hóc, trong khi họ nắm độc quyền về thiết bị dự phòng, mà trường hợp nhà máy đạm Ninh Bình là một ví dụ.
Hai “ông lớn” EVN và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam không thể không biết điều đó.
Vậy thì những cái “đúng quy trình” nói trên do họ đưa ra, chỉ có thể được gọi bằng một cái tên chính xác là một thứ “quy trình làm nghèo đất nước”. Với ý nghĩa đó, thì họ đã thực hiện tuyệt đối đúng quy trình.