Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn Nam Ninh: Một kỹ sư điện nghiêm cẩn Một nhà văn điềm tĩnh nghiệp văn chương

Phạm Ngọc Chiểu
Thứ năm ngày 5 tháng 6 năm 2014 5:53 AM

 Điếu văn của BCH hội nhà văn Việt Nam đọc tại lễ truy điệu tiễn biệt nhà văn Nam Ninh tổ chức ngày 03/06/2014 tại nhà tang lễ bệnh viện 354, Hà Nội

 

Thưa quý vị, Thay mặt các cơ quan, đoàn thể.
Thưa gia quyến và bạn bè thân hữu gần xa của nhà văn Nam Ninh !

Hôm nay, chúng ta có đông đủ tại đây để làm lễ tiễn biệt nhà văn Nam Ninh – Một đảng viên cộng sản, một kỹ sư điện nghiêm cẩn, một nhà văn điềm tĩnh nghiệp văn chương, một người chồng, một người cha, người ông mẫu mực và quý mến của gia đình bà quả phụ Trần Thị Minh Dung về thế - giới – người – hiền !
Nhà văn Nam Ninh cất tiếng khóc chào đời ngày 05/10/1943 trên quê lúa xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình trong một gia đình nông dân trung lưu. Là con út của gia đình do cần cù lao động và biết chắt chiu toan tính làm ăn nên có của ăn của để, nhưng cảnh nhà có nỗi éo le mẹ già, mẹ trẻ nên học hết cấp 2 phổ thông, Nam Ninh phải giã biệt người cha thân yêu và nơi chôn rau cắt rốn, theo mẹ phiêu bạt ra đất than Quảng Ninh để kiếm sống và theo học cấp 3. Mùa hè năm 1965 với tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 phổ thông và học lực khá, đặc biệt là giỏi môn toán, Nam Ninh không được học tiếp lên Đại học cho dù mấy năm đó muốn học lên đại học không phải thi, chỉ cần học lực trung bình là được tuyển thẳng. Lý do của sự ngang trái này là ở sự đánh giá nhìn nhận con người theo quan niệm lấy lý lịch xuất thân làm tiên quyết, dẫu rằng ông cụ thân sinh ra nhà văn Nam Ninh từng làm phó chủ tịch huyện sau cách mạng tháng 8 năm 1945 và hai anh trai ông đều tham gia bộ đội chống pháp, một người đã hi sinh.
Bị chặn đứng đường học hành, biết thân phận mình chịu sự oan uổng của cách nhìn thành phần chủ nghĩa, Nam Ninh nộp đơn xin vào làm công nhân nhà máy điện Uông Bí và thật may là nguyện vọng của ông được chấp nhận, Ông thành thợ học việc rồi thành thợ sửa chữa của nhà máy, được ăn cơm tập thể, ngủ nhà tập thể, tháng tháng lĩnh lương. Với người bình thường, được như thế vào những năm tháng chiến tranh ác liệt sẽ dễ dàng bằng lòng an phận. Nhưng Nam Ninh không thế, ông âm thầm ước mơ phải phấn đấu học lên đại học. May thay, bản tính chăm chỉ chịu khó, lối sống đúng đắn, trung thực của Nam Ninh đã có sức thuyết phục lãnh đạo nhà máy nên ông được cử theo học khoa phát dẫn điện hệ tại chức trường đại học bách khoa Hà Nội. Năm 1980, với tấm bằng kỹ sư trong tay, ông được rút lên làm cán bộ kỹ thuật phòng thí nghiệm điện của nhà máy. Từ đây, thế giới công chức mở rộng cửa đón Nam Ninh, ông được điều lên ban thi đua công ty điện lực 1 Hà Nội rồi quay về làm cán bộ giám sát điện năng sở Điện lực Quảng Ninh, sau đó làm phó phòng và được kết nạp vào đảng, rồi trưởng phòng kinh doanh của sở. Từ tháng 1 năm 1999, ông được rút về bộ công nghiệp làm chuyên viên rồi làm trưởng phòng giám sát điện năng của cục kiểm tra giám sát kỹ thuật an toàn công nghiệp và trưởng phòng an toàn điện của cục kỹ thuật an toàn công nghiệp Bộ công nghiệp (nay là cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp bộ công thương)
Tháng 2/2007, kỹ sư Lê Ninh hoàn thành chức phận công chức, về nghỉ cùng vợ con tại nhà số 3 ngách 629/22 Kim Mã, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình Hà Nội với tấm huy chương chống mỹ cứu nước, huy hiệu “vì sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp Việt Nam” và bằng khen của bộ trưởng.
Thưa quý vị !
Nói về Nam Ninh mà chỉ nói phần đời công chức của ông thì mới là nói chưa được một nửa cuộc đời ông. Nam Ninh còn có chức phận nhà văn và chức phận với gia đình.
Hãy nói về hai chức phận quan trọng này của Nam Ninh.
Trong một lần tâm sự với bạn bè, Nam Ninh kể rằng chính ông cũng không nhớ mình bắt đầu cầm bút từ khi nào. Chỉ nhớ đó là thời gian học việc rồi làm thợ dựng cột, kéo dây ở nhà máy nhiệt điện Uông Bí. Đó là những ngày nắng lóa mắt, trèo lên cột điện nóng giẫy, gò lưng kéo vắt dây điện, tối về người đau ê ẩm, bát cơm độn không muốn nuốt, tương lai mờ mịt, người bứt rứt không yên, thế là cầm bút viết. Viết linh tinh, viết để giải tỏa, một hôm viết cái truyện về trẻ con, dài 4 trang, đọc lại thấy hay hay liền tắc lưỡi chép sạch sẽ gửi cho hội văn nghệ Quảng Ninh, truyện được đăng. Như được liều thuốc kích thích, Nam Ninh hào hứng viết truyện mới. Ưng nhất là truyện ngắn “Chuyện trong một gia đình”. Viết xong, tình cờ đọc báo văn nghệ, thấy báo mở cuộc thi viết truyện ngắn, thế là mang truyện ra bưu điện gửi. Thật bất ngờ, truyện được báo đăng, và lúc tổng kết cuộc thi “Chuyện trong một gia đình” được trao giải khuyến khích vào năm 1971. Đây là một dấu mốc quan trọng đưa dẫn Nam Ninh vào đường văn chương để ông có một đam mê mới, một sự nghiệp mới.
Sau “Chuyện trong một gia đình”, Nam Ninh viết “Trong phòng trung tâm” gây xôn xao dư luận, khen có, chê có. Mặc, Nam Ninh viết tiếp những truyện khác rồi tập hợp, chọn lọc, đưa in cùng phần truyện của nhà văn Lê Hường, tên sách là “Cây sao đen” Do nhà xuất bản Quảng Ninh ấn hành. Từ viết để giải tỏa đến viết in trên báo, và đến lúc có nửa đầu sách, vui đấy và mừng lắm, nhưng cây bút trẻ Nam Ninh đột ngột ngừng viết. Sáu năm im lặng trên văn đàn là để Nam Ninh dồn sức học đại học, thực hiện ước mơ thời cắp sách. May sao, có bằng kỹ sư ngành điện trong tay, Nam Ninh lại quay về với văn chương, Viết “Căn nhà ở phố” và một loạt truyện ngắn khác để năm 1985 tập truyện “Căn nhà ở Phố” của riêng một mình Nam Ninh ra mắt bạn đọc. Niềm vui sáng tạo được khơi thông. Nam Ninh say mê viết tiếp các truyện ngắn mới và tháng 1 năm 1993 tập truyện ngắn thứ hai mang tên “Khoảng trống đêm tất niên” của Nam Ninh đến tay bạn đọc. Điều đáng nói là tập truyện xinh xắn này được hội nhà văn và tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao giải B trong kỳ trao giải thưởng “Văn học công nhân” lần thứ 6 vào ngày 29-04-1996 “Không khí xã hội toát ra trong tập truyện là cái cũ, cái gò bó, chật hẹp đang được khép lại. Các nhân vật xấu có, bao dung có, nhỏ nhen có, nhưng cùng bước qua một trang mới, một bối cảnh mới… nghệ thuật truyện ngắn nhiều độ nén, đa dạng, lấp lánh nhiều trang miêu tả nội tâm sống động, gợi cảm” “những truyện ngắn trong tập truyện này ghi chép được một thời kỳ đầy biến động của lịch sử…”
Đây là lời bình, là sự đánh giá của hai vị đồng chủ khảo, nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Xuân Cang về “Khoảng trống đêm tất niên”, những ghi nhận xác đáng về ngòi bút truyện ngắn Nam Ninh. Giúp ông nhận ra thế mạnh của mình, bước mạnh bạo trên con đường Văn nghiệp. Dễ hiểu vì sao mấy năm sau, ông liên tiếp gửi đến bạn đọc các tập truyện ngắn “Cuộc ly hôn hẹn trước” và “Dòng chảy”
Sau ngày chuyển công tác và gia đình về Hà Nội, cuộc sống đa dạng của đất đế đô. Cùng với đó là có bạn bè văn chương động viên, đặc biệt là sự hậu thuẫn hết lòng của người vợ hiền Trần thị Minh Dung, Nam Ninh say viết và cộng với thực tế phức tạp thấy được sau những chuyến đi kiểm tra ngành điện khiến ông thấy cần thay đổi cách viết. Ông muốn viết dài, không viết ngắn nữa và ông thử sức ở chuyện “Chuyện bạn bè” dung lượng 118 trang in. Rồi ông viết liên tiếp hai tiểu thuyết “Khoảnh khắc đời người” và “Đường vòng” lấy cảm hứng từ thực tế ngành điện. Nhưng sau đó, Nam Ninh lại quay về với truyện ngắn. Mấy năm tham gia làm báo “Người Hà Nội cuối tuần” phụ trách chuyên mục “Theo dòng lịch sử” ông nghiền ngẫm sách sử để viết in đều kỳ trên báo các chuyện lịch sử nước nhà, sau đó in liền ba cuốn “Định đô”, “thế thời phải thế”, và “Bước ngoặt” để ghi nhận công sức làm báo của mình. Chưa hết, tư cách nhà văn thôi thúc ông cầm bút sáng tạo một hướng đi mới – viết truyện ngắn về đề tài lịch sử và kết quả là tập truyện “Bảy ngày mở hội” của ông đến với bạn đọc.
Tiếc thay, vừa tìm lại thế mạnh của mình và tìm được hướng đi mới, thêm niềm vui vì sắp nhận giải thưởng “Văn học công nhân” giải nhì tặng cho cuốn “Đường Vòng” thì Nam Ninh đột ngột lâm bệnh trognj và ông đã ra đi vào hồi 6h35’ sáng ngày 1 tháng 6 năm 2014, hưởng thọ 72 tuổi.
Thưa bà quả phụ Trần Thị Minh Dung cùng các con cháu và toàn thể tang quyến !
Vẫn biết mỗi người sinh ra ở cõi người, không ai trách được quy luật khắc nghiệt Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Nhưng nhà văn Nam Ninh mất đi sẽ để lại một sự trống vắng khó bề khỏa lấp, một nỗi đau buồn tiếc thương đâu dễ nguôi ngoai không chỉ với bà và con cháu trong nhà mà với cả anh em, bè bạn, đồng nghiệp chúng tôi. Xin chân thành chia sẻ nỗi niềm này cùng với bà và tang quyến !
Thưa hương hồn nhà văn Nam Ninh !
Một đời kiên trì, say mê phấn đấu, ông đã hoàn thành mọi chức phận cuộc đời, ông cũng đã đi đến tận cùng sức lực sáng tạo của mình trên con đường văn chương. Thành quả lao động nghệ thuật của ông đã được bạn đọc, bạn nghề đón nhận. Xin ông yên lòng thanh thản ở cõi vĩnh hằng !
Thưa quý vị cùng tang quyến !
Xin tất cả dành phút tưởng niệm để vĩnh biệt nhà văn Nam Ninh quý mến !
1 Phút mặc niệm.
Xin trân trọng cảm ơn !

 Hà Nội, 16h48’ ngày 02/06/2014
Người chấp bút nhà văn Phạm Ngọc Chiểu