- Thảo luận tại tổ về chương trình làm luật của QH chiều nay (21/5), các ĐB có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc luật Biểu tình vẫn chưa có tiến độ cụ thể.
Chưa có luật nên lúng túng
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thấy để cụ thể hóa Hiến pháp, các luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là rất cần thiết, nhưng chưa thấy đưa vào chương trình.
Tại tổ TP.HCM, ĐB Huỳnh Thành Đạt cũng phản ánh thời gian gần đây sinh viên rất bức xúc trước vấn đề chủ quyền Tổ quốc: "Hiện họ đang có điều kiện biểu hiện lòng yêu nước ôn hòa, nhưng thời gian tới tình hình căng hơn, số lượng tăng thêm mà không có khuôn khổ thì sẽ rất khó kiểm soát".
Luật sư Trương Trọng Nghĩa chỉ ra bối cảnh TQ xâm phạm chủ quyền cho thấy nhu cầu được biểu tình của nhân dân rất lớn, việc xảy ra biểu tình quá khích, đập phá chính là do ta lúng túng vì chưa có luật. ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng thấy quyền lợi của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài bị xâm phạm do biểu tình quá khích nhưng không có căn cứ xử lý vì chưa có luật về biểu tình.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị đưa dự thảo luật Biểu tình vào kỳ họp thứ 8, thông qua ở kỳ tiếp theo (nghĩa là trong năm 2015) để người dân có cơ sở biểu tình ôn hòa, đúng luật.
Trao đổi bên lề QH chiều qua, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng nhận định làm luật Biểu tình không đơn giản: "Nếu không cẩn thận có thể trở thành luật Chống biểu tình. Chính bài học thực tiễn vừa rồi sẽ giúp nhiều về nhận thức để có một luật về biểu tình đúng nghĩa, tạo ra hành lang pháp lý cho người dân thể hiện ý nguyện của mình một cách chính đáng, góp phần tác động vào sự phát triển của xã hội".
Chưa có luật nhưng có nghị định
Tại tổ Hà Nội, các ĐB như Nguyễn Đình Quyền (Phó chủ nhiệm UB Tư pháp QH), Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp) cũng đề nghị đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, xây dựng và đưa vào chương trình luật Biểu tình.
Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son trực tiếp giải trình về vấn đề này: Luật Biểu tình chưa có nhưng đã có nghị định số 38 năm 2005 của Chính phủ về một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.
"Mục tiêu của nghị định này là giữ gìn trật tự nơi công cộng, góp phần bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng Son nói.
Ông Nguyễn Bắc Son chỉ ra nghị định này nêu rõ các điều cấm như lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân để thực hiện hoặc lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người nhằm gây rối trật tự công cộng hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác...
Quy định về tập trung đông người ở nơi công cộng thì nêu rõ phải đăng ký trước với UBND có thẩm quyền, thủ tục đăng ký cũng được nêu trong nghị định, ông Nguyễn Bắc Son chỉ ra: "Luật Biểu tình ra chắc chắn sẽ có tầm cao hơn, nhưng cũng không ngoài các nội dung của nghị định".
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói: Không ngăn người dân bộc lộ tình cảm, trách nhiệm, nhưng tất cả các hoạt động đó đều phải thực hiện theo pháp luật.
ĐB Lê Hiền Vân, Phó chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô, cũng đồng tình luật Biểu tình lúc này chưa hợp, chưa cần thiết. Phó đoàn ĐBQH Hà Nội, ông Chu Sơn Hà tổng kết nội dung thảo luận tổ về chương trình làm luật của QH cho biết đoàn Hà Nội có 2 ý kiến không đồng tình đưa luật Biểu tình vào chương trình.
Nghị định 38/2005 của CP về biện pháp bảo đảm trật tự công cộng: Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm 1. Lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân để thực hiện hoặc lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người nhằm gây rối trật tự công cộng hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều 7. Quy định về tập trung đông người ở nơi công cộng Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Quy định này không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức. Điều 11. Xử lý vi phạm pháp luật về trật tự công cộng 1. Đối với những trường hợp tập trung đông người trái pháp luật, gây rối trật tự công cộng hoặc thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại điều 5 nghị định này thì các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan để ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. |
C.Hoàng - C.Quyên - H.Nhì - Ảnh: L.A.Dũng