(Dân trí) - Vào khoảng 7h sáng nay (14/5), hơn 1.000 công nhân thuộc Dự án Formosa Cảng nước sâu Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã tập trung tại các cổng chính của dự án, tuần hành trật tự phản đối Trung Quốc.
Đoàn người đi dọc quốc lộ 1A giăng băng rôn phản đối Trung Quốc
Cùng góp tiếng nói phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, sáng nay 14/5, hơn 1.000 công nhân đang làm việc tại Dự án Formosa Cảng nước sâu Vũng Áng đã tập trung ngay trước cổng chính Formosa thuộc địa bàn xã Kỳ Liên để phản đối Trung Quốc.
Ghi nhận của PV Dân trí, sau khi tập trung tại các nhà máy, cổng chính của Formosa một cách ôn hòa, trật tự bằng các băng rôn, biểu ngữ: “Tôi yêu Việt Nam - Hướng về Biển Đông”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam”, “Việt Nam muôn năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”… Đoàn người đi dọc quốc lộ 1A cùng hát vang bài ca “Như có Bác Hồ” để phản đối Trung Quốc.
Rất nhiều người dân hai bên đường, những người tham gia giao thông cùng hưởng ứng ủng hộ. Tất cả đều diễn ra trong ôn hòa, trật tự.
Anh Bùi Ngọc Cường, một công nhân tham gia tích cực trong cuộc tuần hành cho biết: “Những ngày qua, tôi liên tục theo dõi tin tức về diễn biến trên Biển Đông. Hành động của Trung Quốc là quá ngang ngược, phi lý, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế”.
Được biết đoàn công nhân sẽ tuần hành trong 3 ngày liên tiếp để phản đối hành động xâm lấn của Trung Quốc trên biển Đông.
Đoàn biểu tình đi dọc theo Quốc lộ 1A.
Xuân Sinh - Minh Đức
Nguồn: Dân trí
CÔNG NHÂN QUỲNH PHỤ THÁI BÌNH BIỂU TÌNH
Sáng nay, ngày 14 tháng 5 năm 2014 hơn 5000 công nhân Nhà máy Giày da Sao Vàng ở huyện Quỳnh Phụ, tình Thái Bình đình công, tuần hành biểu tình Phản đối Trung Quốc. Đoàn đi đến đâu, nhân dân hai bên đường đều tiếp tục nhập đoàn.... Xuất phát từ Công ty Giày da Sao Vàng (chủ là người Trung Quốc), hàng ngàn người công nhân đã tuần hành đi tới ngã ba thị trấn, rồi tới cổng Công ty May mặc Hoàng Anh (chủ người Việt Nam) để gọi thêm công nhân của công ty này lên đường tuần hành. Đoàn biểu tình đi dọc đường thị trấn, qua Ngã Tư Bạt, đi qua UBND huyện Quỳnh Phụ, Huyện ủy rồi Phòng thông tin xã hội, Huyện đội, Công an huyện, Đài Truyền thanh huyện rồi ra đường mới của thị trấn rồi tới cơ sở II của Sao Vàng.
Đi đến đâu, đoàn cũng được người dân bên đường hưởng ứng, mang cờ đỏ sao vàng đưa cho các công nhân đi biểu tình, nô nức mang nước uống và hoa quả tặng cho đoàn người. Đoàn người còn đi qua Huyện đội và Công an huyện để mời các lực lượng đang làm việc tại đó cùng xuống đường phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam.
Dân hai bên đường nhập đoàn liên tục khiến cho đoàn biểu tình lên tới cả vạn người. Cờ quạt rợp trời, tiếng hô vang dội cả một khu huyện lỵ. Khí thế anh hùng bốc ngùn ngụt tưởng như tiếng gọi non sông từ thưở Bà Trưng - Bà Triệu - Trần Hưng Đạo - Lê Lợi - Quang Trung dội về phù trợ, tiếp thêm hùng khí.
Đoàn tiến đến gặp người lãnh đạo cao nhất của Công ty giày da Sao Vàng để phản đối nhà cầm quyền Bắc Kinh xâm lược. Ông TGĐ công ty là người Trung Quốc đã ra gặp người biểu tình ngay lập tức, nghẹn ngào nói trong nước mắt rằng ông chỉ là người làm ăn về kinh tế, chứ không đại diện về chính trị cho nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ông rất xúc động và khâm phục trước tinh thần yêu nước và anh hùng của người dân Việt Nam nói chung và của các anh chị em công nhân nói riêng.
Ông quyết định ra tuyên bố cho toàn thể cán bộ công nhân viên của Công ty nghỉ việc hai ngày để đi biểu tình.
Toàn bộ hành trình biểu tình sáng nay, những người biểu tình tự giác đi vào bên phải đường, để các phương tiện giao thông vẫn lưu thông liên tục. Đoàn hô khẩu hiệu rất khí thế, không có khẩu hiệu hoặc hành động quá khích. Lực lượng chức năng được cử đến điều tiết giao thông, giữ gìn trật tự cũng rất tôn trọng người dân và ủng hộ cho cuộc biểu tình ôn hòa được thành công tốt đẹp. Khoảng 11h00 cuộc biểu tình sáng nay kết thúc.
Chiều nay, tiếp tục biểu tình.
Ngày mai và các ngày sau cũng tiếp tục biểu tình, cho đến khi giàn khoan Trung Quốc cút khỏi lãnh hải Việt Nam.
Như vậy, đây là điểm đầu tiên ở Miền Bắc, công nhân của một khu công nghiệp chủ là người Trung Quốc biểu tình chống Tàu.