TNc: Chiều 21-2-2014 tại NXB Hội Nhà văn đã có buổi ra mắt tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng của Cầm Sơn. Đông đảo văn nhân và ngững người từng làm nghề rừng đã đến dự. Đây là tiểu thuyết của cựu giám đốc lâm trường viết chính về mình. Dưới đây là bài viết của nhà LLPBVH Bùi Việt Thắng, xin giới thiệu cùng các bạn.
(Đọc Xuyên qua cánh rừng, tiểu thuyết của Cầm Sơn, NXB Hội Nhà văn, 2013) Từ chất sống…
Với nhà văn nói chung, nhà tiểu thuyết nói riêng thì, chất sống là điều kiện tiên quyết của sáng tác. Không phải vô cớ mà ngay những ngày đầu Cách mạng và Kháng chiến, Nam Cao đã đề ra cho mình, và các nhà văn thế hệ mình, phương châm “Sống đã rồi hãy viết!”. Ngày nay, nói theo cách mới, chính là sự trải nghiệm của nhà văn. Nhưng lại có một quan niệm khác cho rằng, nhà văn phải là người có thân phận thì những trang viết của mình mới thấm thía lẽ đời, sự đời, vì “sự đời nước mắt soi gương”, vì trước cuộc bể dâu nhà văn mới đau đớn lòng mà thốt lên bằng ngôn từ. Tôi chỉ mới gặp Cầm Sơn có một lần, nói chuyện cũng chỉ được dăm ba câu trong cái không khí náo nức (có phần ồn ào) của buổi gặp mặt cuối năm do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 19-1-2014 vừa qua. Nếu không đọc trước Xuyên qua cánh rừng thì không nghĩ được ông này có thể viết tiểu thuyết. Vì sao? Vì cứ nghĩ, con người xởi lởi, hồ hởi đứng trước mình kia, nếu có chăng, chỉ có thể đi qua cuộc đời, bên cạnh cuộc đời, sức mấy mà đi xuyên qua được cõi trần gian, nhân thế. Nhưng đọc sách của người này xong thì tôi phải sửa chữa lại cái nhận định tức khắc dường như không trùng khớp với bản chất của đối tượng. Hóa ra là cảm giác ban đầu đôi khi linh ứng, nhưng đôi khi cũng đánh lừa ta. Thứ nữa, sau khi có vài ba thông tin cá nhân, mới biết người này đến với văn chương bắt đầu bằng …thơ. Nghĩa là tình cảm thường dẫn dắt suy nghĩ của anh ta khi cầm bút, nghĩa là khi viết thơ người này tựa hẳn vào sự mách bảo của con tim, của những run bật cảm xúc, thậm chí của trực giác. Trước khi ra mắt tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng, Cầm Sơn đã sở hữu ba tập thơ Tình rừng, Tình núi, Miền xanh. Và như thể để tập dượt cho cuộc chơi tiểu thuyết, anh đã thử thách mình bằng một tập truyện ký Đỗ quyên Đỏ. Tôi có cảm giác khi viết tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng, Cầm Sơn đã dồn toàn bộ tâm huyết để “đánh một trận sạch không kình ngạc”. Hay nói cách khác là bao nhiêu vốn liếng đời sống anh đều tập trung cho một trận đánh lớn với quyết tâm giành thắng lợi trên mặt trận văn chương. Gần 250 trang tiểu thuyết đã cho thấy tác giả dốc cạn - cả sở trường, cả sở đoản - cho trận đánh chữ nghĩa đầu tiên và cũng có thể là cuối cùng!? Nếu tôi đặt tên cho bài viết của mình là Đất không giấu mặt, thì cũng có thể hiểu là, tác giả không hề có ý định cất giấu hay ngụy trang cái kho chuyện của mình khi huy động hết toàn bộ nhân lực, vật lực cho một tác phẩm dài hơi mà chúng ta vẫn thường gọi là tiểu thuyết. Xuyên qua cánh rừng của Cầm Sơn không mở rộng không gian - thời gian của câu chuyện để có được cái phẩm tính mà các nhà nghiên cứu gọi là “chất sử thi”. Anh chọn chiều sâu, chọn điểm, khoanh vùng đối tượng để mổ xẻ, phân tích bằng ngôn từ những chuyện của rừng và người trồng rừng, cả đời gắn bó với rừng, như ca từ của một bài hát vào đầu những năm 60 thế kỉ hai mươi “Rừng ơi! Ta đã về đây/ Mang sức của đôi tay/ Lao động khó khăn không quản lùi”. Nói cho cùng thì, cho đến nay mặc dù đang sinh tồn trên một dải đất lắm biển, nhiều rừng, nhưng dường như chúng ta chưa hiểu hết rừng và biển khi thực tế cho thấy thậm chí không ít người chỉ giỏi phá rừng hơn bảo vệ, tái sinh rừng. Tương tự chúng ta chỉ biết bòn vét đại dương để thu lợi chứ chưa biết bảo vệ lãnh hải bao la, như là không gian sinh tồn tương lai của cộng đồng.
Tôi nghĩ những gì được kể trong tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng là câu chuyện về tình yêu của con người với rừng, rộng ra với tự nhiên như là bà mẹ sinh thành đang bị lũ con tham lam tàn phá. Bài học về “nhân tai”, chứ không phải là “thiên tai”, đang nhỡn tiền trước mỗi chúng ta, được đặt ra khá tâm huyết trong tiểu thuyết đầu tay của Cầm Sơn. Đọc Xuyên qua cánh rừng, riêng tôi, thấy quý cái tâm nguyện, cái vốn sống dày dặn của tác giả, đã vượt qua được cái gọi là “đề tài” vốn nhiều khi như một cái “vòng kim cô” đối với người sáng tác. Tôi nghĩ tiểu thuyết của tác giả Cầm Sơn, về một khía cạnh nào đó, có thể coi như là một thứ “gia phả của rừng”. Lấy chuyện rừng để nói chuyện đời, tôi nghĩ, cũng là một lối nẻo vào văn chương của Cầm Sơn. Đọc Xuyên qua cánh rừng của Cầm Sơn, tôi cứ váng vất nhới tới kiệt tác Rừng Nga của nhà văn Liên-xô tài danh L. Lê-ôn-nôp. Tuy nhiên, như người ta nói, mọi sự so sánh đều khập khiễng.
Đến chuyện nghề…
Nhân vật là vấn đề cốt tử của tiểu thuyết từ xưa tới nay, không có ngoại lệ. Trong tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng, thật tình và công bằng mà nói, chưa có nhân vật điển hình như cách nghĩ lâu nay của chúng ta. Nhưng có hai cặp nhân vật khá sinh sắc, có thể nói là “bắt mắt” độc giả: cặp nhân vật Nhứng - Linh (tức Trần Hoàng) và cặp nhân vật Hạnh (tức Hồng) - Đức. Hai cặp nhân vật này ban đầu khá hứa hẹn vì họ không đơn giản, vì họ có nội tâm, vì họ có quan hệ phức tạp (thậm chí họ sẵn sàng “nổi loạn”), và vì nhiều lẽ khác nữa. Nhưng đáng tiếc là “tấm lưới” này ban đầu dự định được đan dệt công phu. Nhưng về sau không rõ vì lí do gì mà mọi chuyện bị “lược” đi. Phải chăng cốt truyện bị “tãi” ra nhiều nhánh? Phải chăng cái “lưới tình” mà tác giả giăng ra đã bị “rò rỉ”, hay nói sát sàn sạt là bị “thủng” một lỗ khá lớn? Thành thử nhân vật bị rơi tuột. Nói cách khác, có thể vì chưa có nhiều kinh nghiệm viết tiểu thuyết, nên tác giả đã bị “việc” cuốn hút, đôi khi lãng quên “người”. Bằng chứng là: ở chương I, nhân vật Nhứng xuất hiện khá ấn tượng. Nếu tác giả chi chút cho nhân vật này ở các chương tiếp theo thì hứa hẹn sẽ có một nhân vật nữ khá sắc bén, thậm chí có thể đóng vai trò là “cái lõi” của tiểu thuyết. Tiếp sang chương II, Nhứng lập tức bị “bỏ rơi”, nhường chỗ cho Hạnh (tức Hồng). Cứ thế, hai nhân vật nữ này bị cuốn chìm trong vụ việc. Tương tự, Linh (tức Trần Hoàng) và Đức cũng bị cuốn phăng vào cơn bão của chức quyền, danh phận. Có thể nói, mười hai chương tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng như là mười hai cơn bão rừng nhỏ, to khác nhau, ào ạt cuốn đi bao nhiêu số phận. Công bằng mà nói, ở đoạn kết tiểu thuyết có một “khoảng lặng” khá thấm thía. Đó là bức thư của Hạnh gửi Đức trước lúc chất độc da cam hủy hoại cuộc đời cô. Phút chót của đời người, ai cũng nói thật, Hạnh cũng vậy. Ở thời khắc đó độc giả chớm nhận ra nội tâm của nhân vật Đức. Nhưng hơi muộn, vì tiểu thuyết cũng đã kết thúc.
Từ “chuyện” đến “truyện” là con đường đi đến sáng tạo của nhà tiểu thuyết. Một lần tôi ghi lại ý kiến khá sâu sắc này của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong buổi giới thiệu tác phẩm mới Người đàn bà nghịch cát (tập truyện ngắn) của nhà văn Nguyễn Đăng An, do nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức vào cuối tháng 8 năm 2013. Như đã nói ở trên, chuyện đời mà Cầm Sơn trải nghiệm, có thể nói rất phong phú. Phải là người sống đến độ nào đó mới thấm thía hết cái lí, cái lẽ đời. Chẳng hạn, trong bức thư cuối cùng Hạnh gửi Đức có viết “Thôi! Thế là Hạnh đã trút được tất cả, nhẹ nhàng và thanh thản rồi. Hạnh mừng vì Đức đã trọn vẹn. Đức biết dừng đúng trên đỉnh cái mỏm đồi của mình, thế là không phải đi tiếp đoạn đường xuống dốc. Xuống dốc tưởng dễ dàng nhưng nếu không khéo phanh thì cũng dễ nguy hiểm lắm”. Nhưng dường như độc giả có cái cảm giác chung như sau: “chuyện” đời dù hay đến mấy cũng chưa thể là một “truyện” hay, nếu nó được kể lại một cách thật quá, đúng quá theo công thức của chủ nghĩa hiện thực trước đây nhà văn thường tuân thủ “phản ánh hiện thực đúng như hình thức của bản thân đời sống”. Dẫu sao văn chương cũng cần phải “bịa đặt” như các bậc tiền bối đã chỉ dẫn. Nhà văn có cái quyền được “nói láo”, hiểu là tưởng tượng, tái tạo đời sống. Hóa ra ở chỗ tưởng là ưu điểm (chất sống dồi dào, sự thành thật đến tận cùng của tác giả), đôi khi lại trở thành nhược điểm. Tôi cứ nghĩ, giá như được đọc trước bản thảo của Cầm Sơn, tôi sẽ mạnh dạn đề nghị tác giả chịu khó “tháo dỡ” ra, viết lại (để cho “chuyện” hóa thân thành “truyện”). Biết đâu độc giả sẽ hân hoan hơn khi chào đón tác phẩm?! Nhưng như người ta vẫn nói, đôi khi vì chữ “nhưng” (hay là “giá như”), thì thậm chí lịch sử cũng đã khác xa so với cái đã xảy ra.
Và vĩ thanh…
Vĩ thanh thường chỉ có trong sáng tác. Nhưng trong trường hợp này, tôi vẫn muốn viết một khúc vĩ thanh. Ở phần kết tiểu thuyết Xuyên qua cánh rừng có kể chuyện Nhứng bị đi tù sáu năm (vì bung ra làm ăn rồi rơi vào lao lí), nhưng do cải tạo tốt nên được ân xá, giảm án hai năm. Nhứng trở về quê hương bản quán trong sự mở lòng của người thân. Có lẽ cái cảm hứng về tương lai của tác giả đã truyền sang nhân vật “Nhứng ngẩng nhìn lên, phía sau dãy nhà ăn là quả đồi Cây Nhội, mảnh đất đồi rừng ấy có mộ cụ Tổ nhà chồng Nhứng, đồng thời cũng là mảnh đất mà thằng Tiến đã được Nhà nước giao cho quản lí. Cây Nhội không biết đã bao nhiêu tuổi nhưng tán lá vẫn xanh tươi, sừng sững nổi bật trên nền trời đầy nắng”. Tôi nghĩ đấy là một kết thúc đẹp, theo lối “có hậu” truyền thống. Cuộc đời vẫn cần những đoạn kết “có hậu”. Tại sao không?! Ngẫm kĩ thì, đôi khi tấm lòng của nhà văn với đời, với người đã che đỡ bớt những khiếm khuyết của tác phẩm, nếu nhìn từ kĩ thuật văn chương./.
Hà Nội, tháng 2 năm 2014
B.V.T