Trang chủ » Tin văn và...

Nhạc sĩ Hoàng Hà tạ thế!

Hoàng Quý
Thứ năm ngày 5 tháng 9 năm 2013 5:45 AM


Nhạc sĩ Hoàng Hà, tên khai sinh: Hoàng Phi Hồng, sinh ngày 01.12.1929 tại Hà Nội.
    Năm 13 tuổi, gia cảnh khó khăn, Hoàng Hà làm công nhân cho một xưởng in để phụ giúp gia đình, đồng thời làm liên lạc giúp mẹ vốn là giao liên và cơ sở của nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ.
    Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, vào tháng 10, Hoàng Hà thoát li trực tiếp tham gia cách mạng. Khi ấy ông 16 tuổi. Trở thành Tổng phụ trách thiếu niên toàn huyện Yên Lãng (Phúc Yên), tình yêu âm nhạc của ông khởi đi từ đây.
    Năm 1947, Hoàng Hà viết ca khúc đầu tay mang tên “Căm hờn”. Được đón nhận, ông viết tiếp:  “Dưới mái chùa yên ấm”, “Bao giờ trở lại”, “Hò dân công”, “Vui lên đường” và nhiều ca khúc phục vụ kháng chiến.
    Năm 1956, với ca khúc “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì”, tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Hà được khảng định. Năm 1957, ông tham dự Đại hội thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tư cách những người sáng lập. Tấm thẻ hội viên số 01 trao cho ông là minh chứng thời khắc đáng nhớ ấy.
    Năm 1962, với sự động viên của người thầy, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Hoàng Hà theo học khoa sáng tác – lý luận hệ đại học của Trường Âm nhạc Việt Nam ( nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tốt nghiệp, ông về làm biên tập âm nhạc tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng từ đây, ông thêm một bút danh khác là Cẩm La. Hàng trăm tác phẩm âm nhạc gồm ca khúc, nhạc cảnh, nhạc thiếu nhi, nhạc không lời... của ông ra đời kể từ đây. Suốt kháng chiến chống xâm lược Mỹ, “Cùng hành quân giữa mùa xuân” và rất nhiều ca khúc cách mạng gắn liền với bút danh Cẩm La nổi tiếng.
    Đêm 26.4.1975, tại nhà riêng ở Hà Nội, linh cảm ngày toàn thắng sẽ tới, nhạc sĩ Hoàng Hà viết ca khúc bất hủ: “Đất nước trọn niềm vui”. Và 4 ngày sau, trưa 30.4.1975, “Đất nước trọn niềm vui” cất lên và chói sáng trong ngày Việt Nam toàn thắng. Kể từ ngày vĩ đại ấy, “Đất nước trọn niềm vui” trở thành tài sản của âm nhạc Việt Nam, trở thành tài sản của lịch sử.
    Tháng Chạp 1985, nhạc sĩ Hoàng Hà sống tại Thành phố Vũng Tàu. Tại đây ông viết  “Chiều biển”, “Mang theo mùa đông” (thơ Hoàng Quý), “Hợp xướng Trung du” (thơ Hoàng Quý), nhạc phim “Hà nội mùa đông 1946” (viết cùng con trai, nhạc sĩ Hoàng Lương), “Giao hưởng Côn Đảo” (viết cùng con trai, nhạc sĩ Hoàng Lương) và gần 100 ca khúc, nhạc không lời khác.
    Trên một nửa thế kỷ sáng tác của mình, nhạc sĩ Hoàng Hà để lại một tài sản âm nhạc lớn với nhiều ca khúc bất hủ, nhiều nhạc phim, nhiều nhạc không lời và rất nhiều nhạc cho nhạc cảnh, nhạc thiếu nhi... Thuộc thế hệ nối bước những Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tài Tuệ... và nhiều nữa, Hoàng Hà khảng định vị trí trang trọng trong lịch sử âm nhạc cách mạng.  

    Nhạc sĩ Hoàng Hà mất hồi 16 giờ hôm nay, ngày 04 tháng 9 năm 2013 tại Bệnh viện Lê Lợi Thành phố Vũng Tàu sau nhiều ngày trọng bệnh.
    Xin gửi tới anh linh nhạc sĩ cùng gia quyến lời chia buồn và tiếc thương của những người làm Văn học Nghệ thuật!
    
                        Hoàng Quý