Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI BAY ĐỖ HOÀNG

Trần Quang Đạo
Thứ ba ngày 16 tháng 6 năm 2009 9:53 PM

     Tôi và Đỗ Hoàng thân nhau ngót nghét 25 năm. Thân đến mức tuần không gặp nhau một lần để hàn huyên 3 chuyện thơ, rượu và mỹ nhân là thấy thiêu thiếu một cái gì đó, như là thiếu vị mặn mòi của cuộc sống. Một lần có chai rượu ngon mang đến cơ quan, tôi phôn cho Đỗ Hoàng. Nhâm nhị vài chén thấy mắt Đỗ Hoàng lấp lánh say chuyện, một thi tứ chợt đến, tôi ngồi vào máy tính gõ ngay lập tức bài thơ tặng anh. Bài thơ “đặc tả” chân dung có đoạn: Có đám mây in hình trong tim/ bay như có hơi rượu/ mùa xuân dậy thì lúc lỉu những tượng hình chữ nghĩa/ đi không định được hướng/ phía con đường mỹ nhân sập bẫy cũng vui lòng... Đỗ Hoàng rất thích câu bay như có hơi rượu. Rồi Đỗ Hoàng nâng chén, chạm cốc với tôi uống cạn ly. Mắt Đỗ Hoàng lúc này bắt đầu bay, và rồi thêm vài ly nữa, mắt thi nhân bay theo lối riêng mình.
BAY TRONG ĐỜI
     Trước khi biết Đỗ Hoàng tôi đã đọc thơ anh. Và cũng mới chỉ đọc được một bài, đó là bài Nhặt từ bùn đăng trên báo Người Hà Nội hồi cụ Tô Hoài còn làm lãnh đạo. Dạo ấy, tờ Người Hà Nội cũng là một tờ báo văn nghệ thuộc loại sang, in được thơ ở đó là một điều vinh dự. Bài Nhặt từ bùn của Đỗ Hoàng in trong cùng một trang thơ của Lớp viết văn khoa 3, Trường Viết văn Nguyễn Du. Tôi đọc và rất thích, thích bởi cái tứ mới lạ và câu chữ, hình ảnh sáng tạo. Có những câu qua nhiều năm tôi vẫn nhớ như in: Nhặt từ bùn/ hòn than lấp lánh nắng trời/ nhặt từ bùn hạt thóc/ qua tay mẹ lại mọc/ như tình yêu ủ chín bất ngờ/ và cũng bất ngờ/ nhặt từ bùn câu thơ/ thời gian không hoá thạch.. Tôi hỏi nhà thơ Nguyễn Đình Chiến Đỗ Hoàng là ai, quê ở đâu thì được Nguyễn Đình Chiến cho hay anh là người Quảng Bình. Tôi liền đến Trường viết văn tìm gặp Đỗ Hoàng để làm quen, để nhận đồng hương lấy chỗ đi lại chơi bời. Tối đó tôi gặp được ngay Đỗ Hoàng, khi anh đang “ba hoa” với ai đó về chiếc máy ảnh “chụp một phát được 15 kiểu”. Anh nói anh làm báo Đảng Bình Trị Thiên, được họ trang bị cho một cái máy hiện đại để chụp ảnh các chính khách. Nếu máy “phọt phẹt” chụp miệng lãnh tụ cười như mếu khi in ra báo thì chỉ có mà mất việc. Anh nói nhiều và toàn những chuyện trên trời dưới biển về việc làm báo Đảng, tôi mắt tròn mắt dẹt nghe chăm chú, dù biết anh đang tăng từ ba hoa lên năm hoa. Khi biết tôi là người cùng huyện, lại xã gần cạnh nhau, anh rất mừng. Anh nói năm 1970 - 1971 anh coi thi tốt nghiệp cấp 2 ở đó. Lúc đó tôi mới nhìn kỹ anh. Hoá ra tôi đã từng gặp anh khi anh coi thi đúng phòng thi của tôi năm đó. Hồi đó anh đẹp trai, tóc xoăn tự nhiên vuốt từ trán ra sau trông rất nghệ sỹ. Thầy Hoàng coi thi phòng chúng tôi hôm đó là người đã kè kè đánh bóng chuyền với cô Đoá,  một hoa khôi giáo viên thời đó, để ve. Nhưng khổ nổi thầy Hoàng nói năng thì hay mà đánh bóng chuyền thì dở ẹc, nên cô Đoá đã yêu một thầy giáo khu 3 to cao, có cú đập bóng cháy lưới. Hồi đó bọn chúng tôi mới chớm tuổi dậy thì, hay tò mò để mắt đến chuyện của người lớn, nên rất thương thầy Hoàng. Những khi thầy buồn vì cô Đoá đi chơi với thầy giáo khu 3 là thầy mượn của thầy Lam hiệu trưởng chiếc đàn ghi ta, ngồi bật bông trong rất ảo não. Thầy hay hát bài hát có câu: Em còn nhớ ngày nào đôi ta cùng nhau thề bên suối vắng. Dù xa nhau sông cạn đá mòn. Tình yêu ta mãi mãi vẫn còn. Mà giờ đây không còn chi nữa. Ôi đớn đau khi ánh trăng tàn. Sau này khi đã thân nhau, Đỗ Hoàng hay nói đùa với tôi : “Biết mày giỏi như thế này, ngày xưa coi thi toán tao đánh trượt luôn”, rồi nghiêng mặt lên cười ha hả.
      Tôi chê Đỗ Hoàng hay thất bại trong tình yêu, nhất là chuyện với cô Đoá và chuyện với một mỹ nhân tên X. sau này tôi có chứng kiến. Anh liền nói “thôi thôi, tau đùa đó, mi đừng kể với ai nhé. Mụ Yến (vợ anh) biết được thì chết”. Dù Đỗ Hoàng không cho kể, nhưng nếu không kể những chuyện này thì viết về anh có lẽ sẽ thiếu đi 30% sự thật, mà là sự thật khá hấp dẫn. Chuyện anh với cô X. rất dài, song tôi chỉ xin kể vắn tắt như sau: Có một cô gái bán vải rất xinh sống ở đường đê La Thành, đoạn kéo dài đến Kim Liên, gặp Đỗ Hoàng ở nhà một người bạn cách đó mấy dãy nhà. Cô đem lòng mê chàng thi nhân Quảng Bình có mái tóc quăn vuốt ra sau gáy bồng bềnh, mặt vuông chữ điền, cơ bắp cuồn cuộn, lại là một cao thủ “tứ đẳng huyền đai karate”. Đỗ Hoàng nói Đỗ Hoàng không yêu, nhưng tôi thì không nghĩ như vậy. Bởi một lần tôi đã thấy anh ở nhà người bạn, mặc quần đùi, áo sơ mi dài tay, cả người lấm đầy bùn, bèo cám bám khắp thân thể, bốc mùi tanh kinh khủng. Tôi hỏi thì được anh kể lại là anh đã “phi tường tẩu”, nhảy ào xuống ao rau muống bơi qua, rồi chạy bộ thoát thân từ Đê La Thành về đến Đại Cồ Việt, mặt mày tái dại. Anh nói: “Cái con X. nói dối, bỏ chồng đâu mà bỏ chồng. Chồng nó là lái xe đi tuyến miền Tây, đi cả chục ngày mới về. May mà vứt quần chạy, chứ mặc quần thì nó chém chết rồi...”. Tôi đùa: “Thế tứ đẳng huyền đai đâu mà không sử dụng, lại “phi tường tẩu” trông thảm hại thế này?”. Đỗ Hoàng ầm ừ không nói được gì. Sau đó anh nói, cô X. muốn lên lại cái lai quần cho anh, vì nó bị tuột chỉ mới nên cơ sự như thế. Tôi thì nghĩ khác. Tôi nghĩ anh tự “nhuận sắc” cho mình thêm mấy hoa nữa, thành bảy hoa rồi. Thế là từ đó tôi không gọi anh là Đỗ Hoàng nữa mà gọi anh là Bảy hoa. Tên đó liền được bạn bè gọi theo. Mỗi khi tôi gọi anh là Bảy hoa anh đưa nắm tay lên doạ: “Biết thế tau đánh trượt mi môn toán từ hồi thi cấp 2 rồi!”.
     Tôi theo làng văn sau Đỗ Hoàng, nhưng kết nạp vào Hội viên Hội nhà văn với anh một năm. Trong giới nhà văn, tôi vốn không cùng thời với thi nhân Thu Bồn, nên chỉ kiến nhi viễn chi. Nghe mọi người nói về sức dẻo dai, hoành tráng của anh thì quả khâm phục. Nhưng với Đỗ Hoàng, tôi đã thân thiết, được chứng kiến và nghe cả lời anh kể thì tôi hết sức khâm phục sức dẻo dai, độ hoành tráng của cơ thể được tôi luyện ở xứ gió Lào cát trắng và nước sông Kiến Giang mà nên. Vì thế mà không chỉ em X. nào đó mê mẩn mà có nhiều người mê anh, có người xáp lại, có người đứng từ xa nhìn ngó. Bởi anh là con người có thể “cử tạ được 180 phút không kể thời gian chép đề”.
     Ngoài yêu đương, chuyện uống của Đỗ Hoàng cũng là chuyện khá hấp dẫn. Khi Đỗ Hoàng uống bắt đầu ngà ngà là anh đọc thơ Đường nguyên bản. Tôi hết sức phục trí nhớ của Đỗ Hoàng, bởi anh thuộc nhiều bài thơ, đoạn văn từ đời nảo đời nào, mà lại đọc lưu loát, không sai một từ. Trong làng văn tôi từng biết có nhà thơ Vương Trọng, Trần Đăng Khoa, nhà thơ Nguyễn Đình Chiến có trí nhớ cực tốt. Vương Trọng có thể đọc lại một bài thơ lục bát của ai đó vừa đọc cho nghe, miễn là anh chú ý nhớ để đọc lại. Còn Trần Đăng Khoa thì thuộc nhiều thứ, từ cổ chí Kim. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiến thì đọc thuộc lòng cả một cái ký của anh đăng 7 kỳ trên báo quân đội nhân dân. Nhưng Đỗ Hoàng thuộc theo cách của riêng anh. Anh thuộc từ những bài toán sao từ đời củ tỉ nào đó, hay là một đoạn dài trong Tam quốc diễn nghĩa. Khi uống ngà ngà, Đỗ Hoàng hay lấy giấy bút của các cô phục vụ ngồi viết thơ Đường, rồi dịch nghĩa; khen dịch giả này dịch hay, dịch giả kia dịch chưa sát, “dịch vứt đi”. Mọi người chưa quen Đỗ Hoàng đều thán phục trí nhớ của anh.
     Khi say Đỗ Hoàng còn khen hết lời thơ của ai đó và cũng chê thậm tệ mấy tác giả làm thơ có cách tân về mặt hình thức. Đỗ Hoàng bảo thủ đến cùng ý kiến của mình. Anh bảo: “Đó là loại thơ rối rắm, loại thơ vứt đi. Thơ Đường sống mãi hàng ngàn năm mà hình thức vẫn thế, vẫn giản dị, trong sáng, đễ hiểu, tràn đầy tình cảm”. Về khía cạnh này Đỗ Hoàng và Vương Trọng là hai người tốt nghiệp đại học toán có cách nghĩ giống nhau. Vì vậy mà Đỗ Hoàng đem thơ của mấy tác giả làm thơ cách tân, trong đó có nhà thơ Hoàng Vũ Thuật là bạn anh dịch ráo trọi ra lục bát. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật rất tức, song không biết làm gì liền điện ra nói: “Mi thử dịch thơ thằng Đạo ra lục bát thư coi, nó đánh cho què chân”.
     Ngoài mấy thứ “bay” khi uống rượu say như trên, khi say Đỗ Hoàng còn đố mọi người giải toán. Một lần Đỗ Hoàng đọc một bài toán sao có gà vịt chân cẳng gì đó đố Vương Trọng. Vương Trọng dù tốt nghiệp đại học toán, nhưng do uống bia hay quên gì đó mà không giải được, Đỗ Hoàng liền đứng lên, mặt ngước lên nghiêng nghiêng, rướn người, kiểng chân như chực bay, giải cho mọi người hiểu. Giải xong, miệng Đỗ Hoàng nở một nụ cười mãn nguyện, hé ra chiếc răng vàng duyên.
     Không những thế, khi say Đỗ Hoàng thường phóng xe như bay trên đường, làm mấy phen bánh xe ô tô suýt đè phải người. Lần Đỗ Hoàng đâm xe ở bên kia cầu Chương Dương, làm anh không chỉ toạc một miếng bắp chân to bằng bàn tay, mà còn đền cho người ta 3 triệu (hồi năm 1997 là khá to). May Đỗ Hoàng là người da lành, nên chỉ độ hơn tuần sau, mọi người gọi uống bia, anh phóng xe máy đến, đi tập tễnh vào “trăm phần trăm mừng tai qua nạn khỏi”. Còn nhớ lần  Đỗ Hoàng được vào Hội Nhà văn, tôi mời cơm ở quán Phù Đổng. Mọi người đều ngà ngà. Không hiểu do tức ai, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo quát to rồi lấy tay ấn vào cái đĩa giữa bàn làm cho nó vỡ đôi. Thấy to tiếng mấy đứa đàn em của tôi đứng lên. Tôi vội can ngăn ngay, nhưng Đỗ Hoàng đứng lên nói một câu gì đó hơi khó nghe, nên mấy đứa đàn em của tôi nhảy đến trước mặt. Mọi người can ngăn nên không có chuyện gì xảy ra. Đỗ Hoàng sợ nên bỏ cuộc rượu ra về. Đến khuya chúng tôi ra quán nhậu đêm trên đường Lý Thái Tổ, mọi người nhắc Đỗ Hoàng, tôi liền bốc máy gọi anh. Anh bảo” “tau đến, tau đến!”. Chúng tôi đợi mãi, đợi mãi mà vẫn không thấy Đỗ Hoàng đến, liền gọi điện, nhưng “máy ngoài vùng phủ sóng”. Mọi người quên Đỗ Hoàng để tiếp tục cuộc vui, thì thấy một chiếc xe xích lô nhào đến, đỗ trước quán chúng tôi đang ngồi. Đỗ Hoàng lóp ngóp từ trên xích lô cà nhắc bước xuống, mặt bị trầy xước nhẹ, quần toạc đến đầu gối. “Suýt nữa bị 18 bánh xe công lý chẹt chết”, Đỗ Hoàng vừa nói vừa thở. Hỏi ra mới biết nhà Đỗ Hoàng trọ xa mãi tận Thanh Trì. Nghe anh em gọi, dù say, nhưng biết là cuộc vui chưa tàn nên lấy xe phóng đi như bay. Đến đoạn bến xe Giáp Bát thì không biết loạng quạng thế nào ngã nhào vào bánh trước chiếc xe 18 bánh dài ngoằng. May tài xế kịp phanh, nên xe chỉ bị cong vành, người bị thương tích tí chút. Xe thì thuê xích lô chở đến gửi ở bãi đỗ xe của Bộ Giáo dục - Đào tạo, xong vù lên đây. Hú vía, suýt nữa thì nước nhà mất một nhà thơ, còn chúng tôi mất một người bạn, vì rượu.
     Lần khác Đỗ Hoàng, tôi, nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, nhà văn Hoàng Minh Tường nhóm một cuộc rượu ở mạn Ngọc Hà. Lúc đó anh Trịnh Thanh Sơn có mấy cô bạn gái khá xinh cũng được anh mời tới uống. Có gái đẹp, cuộc uống như được hâm nóng. Đỗ Hoàng uống nhiều, chẳng ăn một chút gì vào bụng. Anh uống say và bắt  đầu điệp khúc thường ngày trong các cuộc uống. Biết tính anh, mọi người chỉ cười vui. Rồi Đỗ Hoang say thật. Hỏi ra mới biết, từ sáng đến lúc đó (đã 1 giờ chiều) Đỗ Hoàng gần như chỉ uống rượu suông. Tôi có việc bận buổi chiều nên gọi taxi để về. Đỗ Hoàng ngăn lại, bảo để anh chở tôi về. Tôi không đồng ý để Đỗ Hoàng chở mà tôi cầm tay lái. Ngồi sau xe, Đỗ Hoàng móc túi lấy điện thoại gọi và quát mắng một ai đó, rồi bỗng, “oạch”, anh “rơi tự do” đầu quay lại phía ngược đường, nằm bất động. Tôi hoảng quá vội phanh xe, bế Đỗ Hoàng lên vỉa hè, rồi chạy xe vào gọi Hoàng Minh Tường và Trịnh Thanh Sơn ra đưa anh vào viện. Nhưng khoảng 5 phút sau chúng tôi quay lại đã thấy anh đứng dậy, tay ôm cái cặp trong đó có 3 triệu đồng vừa lấy tiền quảng cáo, người đứng nghển lên, mặt đầy máu, trông như một con gà sống bị cắt tiết nhưng không chết, vùng chạy ra giữa sân. Chúng tôi gọi xe chở anh đi cấp cứu, nhưng anh không chịu lên, bèn để anh nằm ở hiên nhà một nhà cạnh đường rồi gọi điện cho con anh đến chở về. Đến tối tôi gọi điện cho con anh thì biết anh không việc gì. Thật hú vía! Nếu chẳng may hôm đó có chiếc xe máy hay ô tô đi sát thì có ân hận cũng đã muộn màng.
     Bình thường không uống rượu và không tranh luận về thơ ca và gái gú, mà chỉ nói chuyện bình thường, thì Đỗ Hoàng hiền khô. Đặc biệt, cái nụ cười phô chiếc răng vàng duyên nói lên vẻ chân chất mộc mạc ở anh. Nhưng khi đã ngà ngà Đỗ Hoàng tranh luận về thơ hăng hái lắm. Tôi từng chứng kiến nhiều cuộc như vậy, nhưng có một cuộc làm tôi nhớ mãi là lần có nhà thơ Mai Văn Hoan ra Hà Nội để chờ đi tham quan Trung Quốc. Trưa anh Hoan có mời tôi ra quán uống, song bận việc, nên tôi mời lại anh, Đỗ Hoàng, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý chiều 5 giờ uống đế tiễn Mai Văn Hoan đi thượng lộ bình an. Nào ngờ cả nhóm đó về nhà Nguyễn Hữu Quý lôi chai rượu sán lùng ra uống tiếp. Trong khi uống, không biết do nguyên cớ từ đâu lại mang Truyện Kiều ra bàn. Đỗ Hoàng cho rằng Nguyễn Du viết Trăm năm trong cõi người ta thì từ trăm năm là rất thường, còn Mai Văn Hoan cho là hay. Hai người tranh luận từ 2 giờ chiều đến 5 giờ mà không ngả ngũ. Mai Văn Hoan tức quá bỏ đi. Tôi ngồi ở quán đợi, đợi mãi vẫn chưa thấy mọi người ra, liền gọi điện cho Nguyễn Hữu Quý mới vỡ lẽ. Thế là cuộc rượu tiễn anh Hoan bị phá bỏ.
     Trong các cuộc rượu, Đỗ Hoàng cũng rất hay ca ngợi vợ con. Anh khen chị Yến đẹp, thông minh, đảm đang; hai đứa con đẹp trai, học giỏi. Nếu có ai có ý phản biện là Đỗ Hoàng nổi cáu, chỉa mũi nhọn vào người đó, chê một vài khiếm khuyết của họ ngay. Biết tính Đỗ Hoàng, mấy người bạn đều hùa vào khen vợ con anh. Và quả thật thì chị Yến vợ Đỗ Hoàng cũng xinh gái, đảm đang, một mình dạy học nuôi con, chăn vịt lấy thêm thu nhập để xây nhà, cho ông chồng lang bạt kỳ hồ từ Huế ra Hà Nội, từ Hà Nội vô đồng bằng sông Cửu Long, từ đồng bằng sông Cửu Long ra Hà Nội dư hai lăm năm. Còn con Đỗ Hoàng, cháu Huy, ra ở với bố, ăn học, chơi đàn ghi ta khá hay, biết sống tự lập, làm kinh tế bằng việc mở quán điện tử lấy tiền chăm bố làm thơ và rong ruỗi trong đời.
     Bao năm sống cạnh Đỗ Hoàng, tôi chưa bao giờ thấy anh dư dật. Hai bố con rau cơm qua ngày. Nhưng hễ có chút tiền nhuận bút, tiền giải thương văn chương này nọ, thậm chí là chạy quảng cáo lấy tiền về để trong túi chưa kịp nộp toà soạn, cứ tưởng là tiền của mình, bao giờ cũng ới bạn bè đi uống. Có nhiều thì Đỗ Hoàng trả hết, có ít thì “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tuy thiếu tiền như vậy, nhưng không bao giờ Đỗ Hoàng ngữa tay vay hay xin mọi người một thứ gì. Thấy hoàn cảnh của anh, nhiều lần tôi ngỏ ý giúp đỡ, nhưng anh khua tay gạt đi, bảo: “Đạo còn nuôi con nhỏ, mình sống thế quen rồi, với lại tớ lớn tuổi, ai đi lấy tiền gạo của em út”. Con người thơ trong Đỗ Hoàng luôn thường trực nên anh sống lúc nào cũng tình cảm và thương bạn bè hết mực. Tôi nhớ năm 1996, khi tôi còn ở ngoài đê, lụt về hai bố con Đỗ Hoàng ra thăm, anh cởi giày, xắn quần xăm xắm đi vào nhà bảo có việc gì cần giúp để anh giúp. Anh nói nhiều lần với với thằng con út: “thương chú Đạo quá, thương chú Đạo quá!” làm tôi hết sức cảm động. Hồi nhà thơ Nguyễn Hữu Quý mới chuyển vợ con ra Hà Nội, anh cũng nhanh chân đến giúp chuyển đồ đạc, cười nói rôm rả, mừng cho bạn hợp thức hoá được gia đình.
     Vì sống lúc nào cũng bay, nên đường công việc của Đỗ Hoàng hết sức lận đận. Tốt nghiệp cao đẳng toán lý, Đỗ Hoàng ra dạy học, năm 1971 đi bộ đội “ăn cơm Bắc đánh giặc Nam”. Sau giải phóng, có chút năng khiếu viết lách, nên Đỗ Hoàng xin được vào làm phóng viên ở tờ báo Dân, Cơ quan ngôn luận của Tỉnh Đảng Bộ Bình Trị Thiên. Nếu bằng lòng làm phóng viên dạng công chức như thế, chắc Đỗ Hoàng sẽ có cuộc sống bình lặng, tuy không giàu nhưng cũng đầy đủ. Song máu văn chương trong Đỗ Hoàng luôn thường trực trong người, nên năm 1983 anh xin thi vào Trường viết văn Nguyễn Du. Khổ nổi do lúc nào cũng lơ mơ trong tâm trạng bay, nên trong việc làm thủ tục chuyển lương, anh bảo cô kế toán khai tăng cho 2 bậc, khi ra học, thấy lương cao quá, có người viết thư vào Báo Dân hỏi, sự việc bại lộ, anh bị buộc thôi học, bay vào Đồng Nai cuốc rẫy, viết báo lấy tiền nuôi thân. Khoá sau Đỗ Hoàng lại thi tiếp vào Trường viết văn Nguyễn Du. Lần này thì đầu xuôi đuôi lọt. Tốt nghiệp ra trường, Đỗ Hoàng xin được về làm phóng viên ở báo Lao động - Xã hội. Song rồi ở đây anh lại bị tai nạn nghề nghiệp khi viết phóng sự về một ông giám đốc tiếp bạn của anh ăn nhậu, có mời anh đi theo cùng. Đỗ Hoàng viết phóng sự mà như viết tiểu thuyết, cứ hư cấu đại đi cho nó hấp dẫn. Báo ra, ông giám đốc và mấy người bạn của anh ngỡ ngàng. Ông giám đốc nọ đến Toà soạn đòi kiện. May có mấy người bạn xin ông ta cho, nên ông ta không kiện nữa. Song Đỗ Hoàng cũng bị kiểm điểm. Sau đó xin sang làm ở Tạp chí Lao động - Xã hội. Ở đây Đỗ Hoàng tiếp tục bị gặp tai nạn, khi thu được tiền quảng cáo, đem chiêu đãi mấy người bạn hết, không có tiền trả cho Toà soạn, đành phải thôi việc. Lang thang mất một thời gian, Đỗ Hoàng được anh Phạm Tiến Duật thương đưa về làm ở tờ Diễn đàn Văn nghệ. Tưởng yên thân tại đây, song một lần anh Duật khen thơ của một người làm thơ có những cách tân, Đỗ Hoàng uống rượu ở đâu đó về “ngứa mồm” liền vặc lại anh. Kết quả, hai người sống như mặt trăng mặt trời, Đỗ Hoàng đành dứt áo ra đi, dù trong lòng hàm ơn anh Duật đã đưa về báo, giới thiệu vào Hội Nhà văn. Lang thang xin việc không được, mãi mấy năm sau anh Hoàng Minh Tường thương, nhận về làm ở tờ báo Du Lịch. Nhưng rồi anh Tường bị thất sủng, ra đi, Đỗ Hoàng cũng ra đi theo. Mấy năm sau được nhà thơ Hữu Thỉnh giới thiệu cho làm ở Tạp chí Nhà văn đến nay. Không biết, Đỗ Hoàng có ở yên ở đấy cho đến khi về hưu không? Có trời mới biết được! 
     
Làm chuyện lạ đời: DỊCH THƠ VIỆT RA THƠ VIỆT

     Lâu nay chúng ta thường đọc những tác phẩm văn học nước ngoài hay những sáng tác bằng chữ Hán, chữ Nôm của người xưa được dịch ra chữ Quốc ngữ. Nhưng hai năm trở lại đây, có một người dịch thơ Việt ra thơ Việt, gây sự chú ý, ngỡ ngàng trong làng văn chương nước nhà. Người làm cái việc “động trời” đó là nhà thơ Đỗ Hoàng.
     Đỗ Hoàng không phải dịch thơ Việt ra thơ Việt để giải trí, mà anh có một chủ đích hẳn hoi. Hồi trước, khi chưa có Blog cá nhân, Đỗ Hoàng đem phô - tô mang phân phát cho bạn bè cùng đọc. Khi có Blog, anh tải lên đó tất cả những bài thơ đã dịch của mình. Thật lạ, từ khi những bài thơ đó được tải lên Blog, số người truy cập tăng nhanh, số người comment nhiều, và tạo thành hai luồng ý kiến trái ngược nhau: đồng tình và phản đối. Thậm chí có nhiều ý kiến mang tính chất “khủng bố”, làm cho nhà thơ Đỗ Hoàng phải rút lui khỏi Blog một thời gian.
     Đỗ Hoàng viết văn, làm thơ và dịch cả thơ chữ Hán. Tập thơ Tuý thì ca xuất bản năm 2001, anh dịch thơ Đường có những câu rất hay, ví dụ: “Rửa gươm trong sóng bể dâu/ Ngựa ăn cỏ máu tận đầu Thiên Sơn” (Nguyên văn: Tẩy binh điều chi thượng hải ba/ Phóng mã Thiên Sơn tuyết trung thảo - Bài Chiến thành Nam của Lý Bạch). Vào một buổi chiều cách đây hơn năm, tôi với Đỗ Hoàng ngồi nhâm nhi mấy cốc bia bên gốc sấu cổ, khi đã ngà ngà, anh liền đọc thơ. Lúc đầu tôi tưởng anh đọc thơ của anh sáng tác, nhưng không phải, mà đó là thơ người khác được anh dịch ra lục bát. Tôi cứ tưởng anh làm cho vui. Bẵng đi một thời gian, khi làng Blog xôn xao chuyện Đỗ Hoàng dịch thơ Việt ra thơ Việt tôi mới tìm đọc, thì đã bị anh xóa hết. Tôi liền “truy lùng” tóm gọn anh và lấy về được một tập bản thảo thơ dịch hơn 20 bài. Đỗ Hoàng nói nhỏ: “Đọc xong nhớ gửi trả mình nhé, đừng phát tán nguy hiểm lắm”. Tôi nghĩ, chắc Đỗ Hoàng còn sợ những tin nhắn trên Blog, nên lo xa như vậy. Tôi hứa chỉ dùng một vài dẫn chứng để viết bài, sau đó trả anh ngay, anh mới yên tâm bắt tay tôi phóng xe máy đi nhà in.
     Đọc cả tập thơ dịch Đỗ Hoàng đưa, tôi thấy những nhà thơ được anh dịch nhiều nhất là Hoàng Vũ Thuật, Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tùng… Một lần, hỏi chuyện Đỗ Hoàng, tôi được biết anh dịch thơ Việt ra thơ Việt bởi sự “phản ứng” với một số cây bút sáng tác thơ cách tân, làm thơ bí hiểm, người đọc không hiểu nổi. Anh là đại biểu bảo vệ cách làm thơ truyền thống, bởi “thơ trọng ở tình cảm, đổi mới nội dung mới đáng quý, còn hình thức thơ như chúng ta từng có đã đủ để sáng tác được nhiều bài thơ hay”. Không những thế, Đỗ Hoàng còn viện dẫn cả Lục Du bên Tàu: “Công phu thâm xứ phi bình dị”. Thơ ca làm khó hiểu, rắc rối là hạ thấp thơ, anh không thể nào chịu nổi. Cơn “dị ứng” nổi lên, anh lôi ngay bài thơ Mãi viên trà của người bạn thân thiết nhất là Hoàng Vũ Thuật ra dịch. Sáng tạo lại trong cơn xúc động bởi sự ức chế, nên Đỗ Hoàng dịch rất nhanh. Dịch xong, đọc lại thấy hay, bài thơ như được “nâng cấp”, Đỗ Hoàng liền mang sang nhà nhà thơ Lê Đình Cánh - môt người thơ sành lục bát - đọc cho ông nghe. Lê Đình Cánh “tiếp sức” cho Đỗ Hoàng bởi những lời khen ngất trời. Đặc biệt ông thích hai câu cuối: “Kết vào nhau tựa thêu thùa/ Linh hồn tôi với ngải bùa cỏ cây” (nguyên bản: kết dính vào nhau/ linh hồn tôi/ dính vào cành lá). Không những thế, ông còn khuyến khích Đỗ Hoàng dịch tiếp và gửi in báo.
Được đà, trong một tháng, anh dịch được hơn chục bài. Dịch được bài nào anh xuất bản mồm cho các bạn thơ, bạn rượu của mình nghe. Nhiều người khen ngợi. Thế là anh tung lên mạng. Nhà thơ Tùng Bách ở tận Vũng Tàu khen trực tiếp trên Blog bằng mấy câu lục bát: “Hoan hô bác Đỗ thật cừ/ Dịch Văn Cầm Hải cứ như uống trà/ Nguyên bản em đọc không ra/ Xem qua bản dịch thế mà lại hay”.
     Tôi đã đọc hết những bài thơ của Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tùng, Trịnh Thanh Sơn… do Đỗ Hoàng dịch. Phải công nhận anh dịch lục bát rất khá. Không có một câu thơ nào lỗi vần. Ý tứ lại chuẩn. Bài thơ Giấc mơ đi qua của Vi Thùy Linh được anh dịch thành lục bát, nói như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là “hay một cách bất ngờ”. Tôi xin trích một khổ thứ hai trong bài thơ đó, nguyên bản: Đêm qua rơi dải khăn mây/ Gió đợi chờ nhau thơ thác/ Này đọt yêu thương/ Lớn trên tay những mầm khao khát. Bản dịch: Mây đêm buông xuống bất ngờ/ Thơ reo tiếng nhạc, gió chờ đợi nhau/ Tình yêu có phép nhiệm màu/ Dồn khao khát nhớ lên đầu ngón tay.
Không giống như dịch thơ chữ Hán ra thơ Việt, Đỗ Hoàng dịch rất sát nghĩa, song dịch thơ Việt ra thơ Việt, có những chỗ anh “phải thêm lời, ý tứ vào bài thơ mới rõ nghĩa, vì bản chính tắc tị”. Vì vậy anh bảo nhiều khi phải “nghĩ nát óc” để đọc thơ, luận nghĩa. Đọc để hiểu được thơ của các nhà thơ “đổi mới” đã khó, dịch nó lại càng khó hơn. Khó bởi phải dịch làm sao thật sát, thật hay để người có bài thơ được dịch phải chịu, người đọc, người nghe phải khen. Thành công cũng có, song thất bại cũng không ít. Nguyên nhân thất bại là do không hiểu nổi bài thơ của tác giả đó nói gì, hoặc phải thêm ý của mình vào quá liều lượng. Đỗ Hoàng đơn cử một ví dụ nhỏ về tiêu đề một bài thơ của Hoàng Vũ Thuật, có tên Mãi viên trà. Khi mới đọc, Đỗ Hoàng không thể hiểu nổi. Sau này, có dịp vào Đồng Hới, Quảng Bình, anh mới thấy có cái quán tên Mãi Viên Trà mới vỡ lẽ. Thế mà khi dịch, chữ “Mãi Viên Trà” anh không thể nào dịch được, đành để nguyên.
     Một lần gặp nhà thơ Hoàng Vũ Thuật ở Đồng Hới, tôi cho anh xem bài thơ Mãi Viên Trà do Đỗ Hoàng dịch. Hoàng Vũ Thuật đọc rất chăm chú. Đọc xong, ngẩng lên anh bảo: “Hoàng dịch rất chuẩn, lục bát có thần”. Nhưng sau đó mặt anh lặng buồn, nhìn ra cửa biển nói tiếp: “Đỗ Hoàng cũ lắm rồi. Bài thơ nào cũng dịch ra lục bát theo âm điệu của thế kỷ 18 thì còn gọi gì là thơ đời nay nữa…”. Tôi kể lại chuyện Hoàng Vũ Thuật đã nói cho Đỗ Hoàng nghe. Đỗ Hoàng “xù lông” nói cái câu đã từng nói rất nhiều lần, ở rất nhiều nơi về thơ lục bát: “Thơ lục bát là quốc hồn, quốc tuý. Truyện Kiều hay và mới đến muôn đời. Hoàng Vũ Thuật ngông cuồng!”.
     Tôi không dám bình luận gì thêm bởi Đỗ Hoàng đang trong cơn “cuồng nộ”. Chuyện người dịch thơ Việt ra thơ Việt đến nay chưa có hồi kết. Bởi càng ngày càng có nhiều người làm thơ theo lối mới, nghĩa là “không làm thơ theo lối tranh cảnh” như Phạm Quỳnh đã nói, mà thơ của họ đa chiều, lấy sự ám ảnh và nhịp tâm hồn làm trọng. Do đó, người dịch thơ còn phải “lao động” dài dài, và cần phải lao động có năng suất mới đạt được hiệu quả mong muốn. Rất may, hiện nay Đỗ Hoàng đang làm biên tập ở Tạp chí Nhà Văn, nên có điều kiện thuận lợi hơn. Và tôi nghĩ, không chừng, theo gót anh, có nhiều nhà thơ khác cũng đi dịch thơ Việt ra thơ Việt trong tương lai. Chuyện này dễ gây nên một “cú sốc” trong làng thơ Việt. Biết đâu, từ đó nảy sinh ra một cuộc tranh luận mang độ nóng cao, tạo đà cho cuộc cách mạng thơ trong giai đoạn mới? Khi đó, tên tuổi Đỗ Hoàng sẽ đi vào lịch sử văn học!
     Tôi không muốn bình luận gì về chuyện dịch thơ này, vì người dịch là bạn tôi và người được/ bị dịch cũng là bạn/ đồng nghiệp của tôi. Tôi rất muốn đứng về một phía. Song học cha ông, “dĩ hoà vi quý”, nên chỉ xin phép được chép ra một bài thơ mà Đỗ Hoàng đã dịch để bạn đọc cùng xem xét, suy ngẫm.       
KINHNGHIỆMXANH
Tôi nằm dưới bóng râm thời trang/ Kinh nghiệm xanh rì rào thành phố/ Đất nước tôi/ Những vòng môi mặn đỏ phù sa/ Ngọn tầm vông chuyển giao đất trời/ Tư duy tâm Đổi mới/ Giấc chiêm bao lịch sử nóng ran/ Công trường/ Và chiếc nôi đầy đặn ngữ pháp khóc cười/ Văn hiến/ Đi tìm chồng cho mẹ Âu Cơ/ Mà mất biết bao chùm điện tử/ Không hoá giải/ Hình quê hương trong khói hát mồ hôi. (Văn Cầm Hải)            

Bảndịch:           
KINH NGHIỆM XANH       
Tôi nằm dưới bóng thời trang/ Ôi, kinh nghiệm xanh râm ran phố phường/ Đất nước tôi mấy đoạn trường/ Phù sa mặn đỏ thêm hường vòng môi!/ Ngọn tầm vông chuyển đất trời/ Tư duy đổi mới hồn người tâm can!/ Chiêm bao lịch sử nóng ran/ Công trường sôi động mở mang xứ nghèo/ Nôi đầy cười khóc, lời yêu/ Nền văn hiến để dệt thêu bóng cờ/ Tìm chồng cho mẹ Âu Cơ/ Bao chùm điện tử bất ngờ mất đi!/ Muốn hoá giải, phỏng được gì/ Mồ hôi khói hát cũng vì hình quê!

Tới đỉnh: DỊCH KIM VÂN KIỀU TRUYỆN RA LỤC BÁT
     Một hôm Đỗ Hoàng đến chỗ tôi chơi mặt mày hớn hở. Tôi hỏi kiếm được tiền à, thì Đỗ Hoàng nói: “Tiền là con vịt, tớ còn có cái gấp một vạn lần tiền. Đó là thơ, mà lại là thơ dịch Kim Vân Kiều truyện mới oai hùng. Tớ hì hục dịch Kim Vân Kiều truyện ra lục bát mất hai năm, không làm được việc gì để cả hai bố con đói khát. Đúng 6 giờ 30 phút sáng ngày 17 thánh 5 năm 2009 bản dịch hoàn thành với gần 6.000 câu lục bát”. Có lẽ chơi với Đỗ Hoàng đã lâu tôi thấy đây là lần thứ hai anh có vẻ mặt tươi vui, bằng lòng như vậy (lần trước là khi vừa in xong cuốn Tâm sự người lính - tập thơ này sau bị đình bản). Tôi chưa tin, song trân trọng niền vui trên gương mặt anh nên rót rượu nâng cốc chia vui. Có rượu vào Đỗ Hoàng càng bốc. Anh nói cụ Nguyễn Du dịch bỏ nhiều đoạn trong Kim Vân Kiều truyện nên bản dịch chỉ có 3.254 câu, còn anh dịch hết nên bản dịch dài đến gần 6.000 câu. Cụ thể, trong nguyên bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân có gần 1.000 câu thơ do Kiều (572 câu), Thúc Sinh (110) câu, Sở Khanh (8 câu), Giác Duyên (4 câu), Tống Ngọc (44 câu) sáng tác. Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều có nhắc đến việc Kiều sáng tác, nhưng không có tác phẩm nào được dịch. Chẳng hạn thơ luận về Bạc mệnh, thơ viết ở gốc cây, thơ vịnh, thơ thù tạc...  mà cụ Nguyễn dịch: Khúc nhà lay tựa nên chương/ Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân, hay Rút trâm sẵn giắt mái đầu/ vạch da cây vịnh bốn câu, ba vần... Khi tôi dịch ra thơ lục bát tôi dịch tất cả, nên dài hơn Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngừng một chút để chợp ngụm rươu,  anh nói thêm: “Cụ Nguyễn dịch hay, rất hay, nhưng khi miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật dùng ước lệ khá nhiều, có đoạn nói hơi quá, xét về mặt tâm lý hiện đại thì không hợp. Về từ ngữ, nhiều câu dùng từ còn gượng, nên ép vần”.
     Nghe Đỗ Hoàng nói thế, tôi cắt ngang lời anh: “Thôi, anh đừng có bảy hoa nữa. Anh mà dịch Kim Vân Kiều truyện ra lục bát cở 6.000 câu thì tôi sẽ chiêu đãi anh một bữa. Tôi thử hỏi anh, cụ Nguyễn dịch Kim Vân Kiều truyện ra Truyện Kiều đã là một kiệt tác. Anh muốn đốt đền để nổi tiềng à?”. Đỗ Hoàng đặt chén rượu xuống, nghển cổ nghiêng nghiêng người nói: “Ai chả biết Truyện Kiều là một kiệt tác. Nhưng biết đâu Đỗ Hoàng cũng làm nên một kiệt tác thứ hai? Chú mày mất bữa rượu rồi!”. Thấy tôi có vẻ còn nghi ngờ, Đỗ Hoàng liền đọc đoạn kết: Ngẫm ra ân oán tại người/ Hiền tâm, ác bá cũng nơi lòng mình/ Đã rằng vì nghĩa, vì tình/ Sá chi cái lũ yêu tinh hung tàn/ Xưa nay dưới chốn trần gian/ Núi xương, sông máu, non ngàn trắng phơi/ Mệnh, tài đày đoạ kiếp người/ Tơ duyên nghiệp chướng, nợ đời phải mang/ Cửu tuyền còn chuyến đò ngang/ Nợ chưa trả hết, sao sang bến chiều?/ Càn khôn hoang lạnh cô liêu/ Càng gây oan trái, càng nhiều tội danh/ Cõi trần mờ mịt mong manh/ Con người, con ngợm cố giành giật nhau/ Nhãn tiền trông thấy mà đau/ Đời nay là vậy, muôn sau thế nào/ Lại mơ có những anh hào/ Hùng tài đại lược, chí cao phi thường/ Cho Kiều không phải đoạn trường/ Cho bao cây cỏ bên đường bình yên/ Chỉ còn tìm đến cõi tiên/ Đỗ Hoàng thử hỏi có nên dịch Kiều?”. Nghe Đỗ Hoàng đọc, da gà trên tay tôi nổi lên. Thơ dịch không trùng câu chữ của Nguyễn Du mà lại trùng ý tứ. Chữ nghĩa bóng bẩy, cái tình lại hay. Tôi từ nghi ngờ đến kinh ngạc. Thế là Bảy hoa làm chuyện động trời rồi! Phen này thiên hạ tốn giấy bút đây. Rồi cả mấy anh nghiên cứu Truyện Kiều, mấy nghiên cứu sinh làm về Truyện Kiều, cả thầy giáo... cũng phải đọc Kim Vân Kiều truyện của Đỗ Hoàng để mà đối chiếu, so sánh với bản dịch của Nguyễn Du.
     Chuyện Đỗ Hoàng dịch thơ Việt ra thơ việt là làm một chuyện lạ đời. Có người đồng tình có người không đồng tình. Đặc biệt mấy người bị Đỗ Hoàng đem thơ ra dịch rất ghét anh. Nay anh đưa Kim Vân Kiều truyện dịch ra lục bát khác nào cho nổ một quả bom vào tâm hồn người đọc bấy lâu vẫn mê mẩn Truyện Kiều. Sẽ có những ý kiến phản bác dữ dội, bởi “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì dân ta còn, dân ta còn thì nước ta còn”. Chiểu theo lập luận đó mà suy thì Đỗ Hoàng sẽ nhừ đòn búa rìu dư luận. Tôi nói điều đó với Đỗ Hoàng, nhưng anh không những không lo sợ mà dường như còn ra vẻ thách thức: “Tớ sẽ tìm nhà tài trợ, tớ sẽ in nó trong nay mai, xem thiên hạ phản ứng thế nào”. Rồi đang trong cơn hứng, Đỗ Hoàng nói: “Cụ Nguyễn Du tránh nhiều đọan không dịch, ví dụ như Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề. Tớ dịch hết, vì đó là sex, một khẩu vị mà hiện nay cũng có lượng độc giả đáng kể”. Nhưng rồi bỗng Đỗ Hoàng trở nên đăm chiêu, anh nói: “Đỗ Hoàng dịch Kim Vân Kiều truyện là dịch theo cách cảm của mình, cách cảm của người hiện đại. Dịch để làm phong phú thêm văn bản bản dịch, cung cấp cho độc giả để họ so sánh. Mình không nói mình dịch hay hơn cụ Nguyễn, vì nói như thế là hồ đồ, song dịch Kim Vân Kiều truyện là do sở thích cá nhân. Sau này khi in ra tùy bạn đọc đánh giá. Mà Đỗ Hoàng cũng nghĩ, biết đâu Đỗ Hoàng dịch như vậy cũng như ta tổ chức thi sáng tác Quốc ca dạo nào, cuối cùng bản của cụ Văn Cao vẫn là độc nhất vô nhị”.
     Nghe Đỗ Hoàng nói thế tôi nghĩ anh có vẻ cũng biết sợ. Nhưng rồi không chừng, có chén rượu vào, ngà ngà say lại Bảy hoa thì không biết sự thể sẽ đi tới đâu?
NEO Ở THƠ CA
     Năm 22 tuổi, Đỗ Hoàng bắt đầu có thơ in trên báo. Bài thơ Ngày mùa in trên Văn nghệ Quảng Bình đã mở đường cho anh đến với thơ ca, có những câu giờ đọc lại còn xúc động: Hỏa tuyến lên đường mùa còn đương gặt/ Chia tay rồi xao xuyến cả dòng sông. Từ bài thơ đầu tay in năm Đỗ Hoàng 22 tuổi, đến nay hơn 30 năm sau, anh đã cho ra đời 8 tập thơ, 8 tập tiểu thuyết, chưa kể 3 cuốn tập hợp các bài báo, trong đó có cuốn về lĩnh vực kinh tế được xuất bản.
     Đỗ Hoàng có gốc là nghề giáo. Song con đường trở thành nghề giáo là một con đường không do anh tự chọn, mà bị buộc học, vì anh vướng lý lịch. Dạy học hơn 2 năm, Đỗ Hoàng xung phong đi lính. Cuộc sống lính chiến đã đưa Đỗ Hoàng đến với thơ ca. Hồi đó Đỗ Hoàng viết nhanh, nhiều, song đa số là thơ phản chiến, sau này chọn lại in thành tập Tâm sự người lính, bị đình bản. Tôi nghĩ Tâm sự người lính là kết quả của những ẩn ức về lý lịch bị oan mà ra. Bởi ông cụ thân sinh Đỗ Hoàng trước có đi lính Khố đỏ, đánh nhau tận An - giê - ri, sau trở về nước đã đi theo bộ đội Cụ Hồ. Nhưng trong một trận đánh, ông đã bị tình địch là chính trị viên đại đội bắn chết rồi vu cho ông chạy theo địch. Đây là câu chuyện khá dài dòng, mang phong vị tiểu thuyết mà mỗi khi nhắc đến cha, Đỗ Hoàng đã kể cho tôi nghe trong cơn xúc động mạnh. Anh nói, từ khi bố anh bị bắt đi lính khố đỏ, ở nhà có một tay xã đội trưởng đem lòng yêu mẹ anh, vì mẹ anh là hoa khôi của xã. Nhưng khi bố anh về, bà quay lại với ông, thế là chuyện tình cảm bị thương tổn đã ngấm ngầm biến thành hận thù. Và kết quả là sau này ông xã đội trưởng đó trở thành chính trị viên đại đội, đã bắn bố anh trong một trận đánh. Vì vậy, Đỗ Hoàng mang một “cái án lí lịch”, đến nỗi khi đã có giấy của Bộ Đại học báo về đi học tiếng Pháp ở nước ngoài cũng bị đình chỉ và đổi cho đi học 10 + 3. Những ẩn ức đó anh dồn cho Tâm sự người lính, một tập thơ có “khẩu khí” phản chiến nói về thân phận người lính. Cái nhìn của Đỗ Hoàng trong Tâm sự người lính có một số lệch lạc nhất định theo cách nhìn chính thống. Bởi anh đã nhìn cuộc chiến bằng một con mắt khác, con mắt của kẻ bị chụp mũ lí lịch. Song có những bài thơ phản chiến mang đúng nghĩa của nó, như là nhạc của Trịnh Công Sơn trước 1975, khi đọc, ta không khỏi bất ngờ. Công bằng mà nói, Tâm sự người lính là một tập thơ hay nhất của Đỗ Hoàng, cho đến nay. Quen Đỗ Hoàng đã lâu, được Đỗ Hoàng tặng cho nhiều tập thơ, nhiều tập tiểu thuyết do anh viết, song về thơ, tôi chỉ nhớ Tâm sự người lính và mấy bài thơ lẻ, về tiểu thuyết tôi chỉ nhớ cuốn Phí một thời trai, là cuốn tiểu thuyết hay nhất của anh. Những lúc trà dư tửu hậu, chúng tôi thường bắt Đỗ Hoàng đọc những bà thơ hay của anh như bài: Bên thành Luy Lâu, Hoài vọng, Ngủ quên, Nhặt từ bùn... Đó là những bài thơ “đỉnh” của Đỗ Hoàng. Những bài thơ đó hay không chỉ ở câu chữ, tu từ mà hay ở cả ý tưởng, tư tưởng. Nó còn hay ở cách đọc thơ của Đỗ Hoàng trong cuộc rượu. Nó say sưa, lôi cuốn ở cách ngắt nhịp, nhã chữ của nghệ sỹ Bảy hoa và dáng đứng nghiêng nghiêng, nghển cổ đọc ở anh. Khi nào anh đọc bài Hoài vọng, đến câu: Tàn chiều tiềng vọng trăm năm/ Nhà em nghìn bậc then căm cắm cài, hay bài Bên thành Luy Lâu đến câu: Bá vương mộng mị tàn đi/ Thành xưa một chỗ, để ghi nhớ. rằng... là chúng tôi đều vỗ tay tán thưởng.
     Nhiều lúc tôi tự hỏi, không biết Đỗ Hoàng không theo nghiệp văn chương mà cứ làm cái nghề gõ đầu trẻ thì với tính cách bay như anh liệu có đi hết đường đời dạy học? Chỉ biết rằng, từ ngày tôi quen Đỗ Hoàng thì tôi thấy anh vịn vào thờ mà sống, vịn vào thơ để cùng thơ bay đến với bạn đọc. Thơ ca đã trở thành chốn thiêng liêng, vỗ về những gian khó trong cuộc đời chật vật mưu sinh của anh; thơ ca đã trở thành nơi neo đậu để anh bay trong cõi đời không mấy êm chèo mát mái của số phận. Tôi nghĩ, nếu không có thơ ca, Đỗ Hoàng đã gục ngã từ lâu rồi.
     Tôi không có ý định phân tích thơ Đỗ Hoàng cho bạn đọc, bởi việc đó có các nhà nghiên cứu, phê bình. Để kết thúc bài viết này, tôi xin “đề cử” 2 bài thơ của Đỗ Hoàng để các bạn đọc, hiểu thêm thi sỹ Đỗ Hoàng.

NHẶT TỪ BÙN
Nhặt từ bùn
bông sen trắng
bông sen hồng
hương thơm ngàn năm.
Nhặt từ bùn
hòn than lấp lánh nắng trời
nhặt từ bùn hạt thóc
qua tay mẹ lại mọc
như tình yêu ủ chín bất ngờ.
Và cũng bất ngờ
nhặt từ bùn câu thơ
thời gian không hóa thạch!

BÊN THÀNH LUY LÂU

      Nghìn năm trận mạc về đâu
Chỉ còn lại một Luy Lâu phế thành
      Chỉ còn ngọn cỏ mông mênh
Hàng tre cổ tự, cội cành leo nheo
      Chỏng chơ đá gạch, cánh bèo
Kiếm cung dấu ngựa tan theo bụi đường
      Trong chiều phảng phất mơ sương
Người không tên, đất chẳng hương khói gì
      Bá vương mộng mị tàn đi
Thành xưa một chỗ, để ghi nhớ, rằng...
 
Bản đầy dủ do Trần Quang Đạo gửi Trannhuong.com