TNc: Hồi chống thực dân Pháp tôi thường nghe bài hát "Nông dân là quân chủ lực", vậy mà bây giờ nhiều nơi bà con thành người làm thuê. Đọc bài báo này trên Tuổi trẻ sao mà xót xa
TT - Sáng 10-5, đoàn Thanh tra Chính phủ đã có cuộc đối thoại với hàng trăm người dân vùng tứ giác Long Xuyên về các vấn đề liên quan đến đất đai. Tại cuộc đối thoại này, người dân cho biết họ đang trở thành những người làm thuê ngay trên đất của mình.
Ông Đặng Văn Kim với giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất do cha ông khai phá trong buổi làm việc với Thanh tra Chính phủ sáng 10-5 - Ảnh: Nguyễn Triều
Theo dự kiến, đoàn Thanh tra Chính phủ chỉ tổ chức đối thoại với 53 hộ dân khiếu kiện ở huyện Hòn Đất (Kiên Giang), nhưng sự việc không thể diễn ra như dự kiến do nhiều người dân hai tỉnh Kiên Giang và An Giang đến rất đông.
“Thưa bà con, theo kế hoạch chúng tôi chỉ đối thoại với 53 hộ khiếu kiện kéo dài, nhưng vì nghe tin Thanh tra Chính phủ về nên bà con đến đây đông quá, chúng tôi không thể đối thoại mà phải đổi qua lắng nghe ý kiến bà con. Bà con có bức xúc gì, chúng tôi xin ghi nhận” - ông Nguyễn Chiến Bình, phó tổng Thanh tra Chính phủ, nói.
Dân nói gì?
Lập đoàn công tác giải quyết khiếu nại
Ông Trần Đức Mậu - chủ tịch UBND huyện Hòn Đất - cho biết trong số 166 hộ đăng ký nội dung khiếu nại tại buổi làm việc, có đến 155 hộ đề nghị xin lại đất trước đây gia đình họ đã khai phá, bảy hộ khiếu nại các quyết định hành chính và các khiếu nại khác liên quan đến tranh chấp đất đai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Hoàng Sa yêu cầu UBND huyện Hòn Đất ngay sau buổi tiếp xúc cần lập ngay đoàn công tác đủ thành phần, do thanh tra và ngành tài nguyên - môi trường làm nòng cốt rà soát lại toàn bộ tình hình khiếu nại, khiếu kiện của người dân để giải quyết dứt điểm.
|
Giơ tay phát biểu đầu tiên, ông Trần Văn Hội - sống tại xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành (Kiên Giang) - nêu hàng loạt nghịch lý trong việc quản lý đất đai của địa phương khiến người dân phải nhiều năm mang đơn đi khiếu nại.
Cụ thể năm 1996, UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi đất vùng tứ giác Long Xuyên để giao cho Công ty Kiên Tài (Đài Loan) làm dự án trồng bạch đàn với tổng diện tích 60.000ha.
Nhưng sau đó công ty này giải thể, thay vì trả lại đất cho dân sản xuất, chính quyền địa phương lại giao cho một số doanh nghiệp khác hoặc cấp cho cán bộ, thậm chí bỏ hoang.
Các doanh nghiệp, nông trường được giao đất sau này cũng không sử dụng mà cho dân thuê lại. “Đơn cử như Nông trường mía Kiên Lương được giao 1.600ha đất rồi khoán lại cho cán bộ, cán bộ thông qua “cò” cho người dân thuê lại” - ông Hội bức xúc.
Ông Đặng Văn Kim ở ấp Kênh 9, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho hay trước đây người dân chấp hành chủ trương thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp, đến lúc doanh nghiệp giải thể, dân xin lại đất thì địa phương từ chối với lý do người dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không có cơ sở xem xét.
Ông Kim bức xúc: “Ông cha tôi vào đây khai phá có giấy phép do Nhà nước cấp, có nộp thuế. Hồi đó Nhà nước chỉ cấp sổ nông nghiệp gia đình chứ có cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đâu mà đòi chúng tôi”.
Trong khi đó, tỉnh Kiên Giang đã dành hẳn 300ha đất tại ấp Ranh Hạt, xã Bình Giang để cấp cho 73 cán bộ, nhưng phần lớn không trực tiếp sản xuất mà sang nhượng hoặc cho người dân thuê lại.
“Cách đây vài năm Tỉnh ủy có kết luận và phó tổng Thanh tra Chính phủ lúc đó là ông Mai Quốc Bình đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi đất đã cấp cho cán bộ. Đến nay có cán bộ nào bị thu hồi đất đâu. Trong khi dân muốn có đất sản xuất phải thuê lại chính miếng đất của mình. Dân chúng tôi chỉ mong được xin lại phần đất của mình mà thôi” - ông Kim nói.
Thuê “đầu gấu” đuổi dân
Thậm chí theo phản ảnh của người dân, có trường hợp doanh nghiệp được giao đất nhưng không sản xuất mà cho người dân thuê lại rồi “lật kèo” giữa chừng nên xảy ra tranh chấp. Người dân gõ cửa cơ quan chức năng đề nghị giải quyết thì bị từ chối, doanh nghiệp thuê “xã hội đen” vào đuổi dân đi.
Ông Nguyễn Chiến Bình cho biết đợt tiếp xúc của Thanh tra Chính phủ với người dân huyện Giang Thành gần đây cũng nghe phản ảnh tình trạng này. “Chuyện này huyện Giang Thành thừa nhận là có. Để xảy ra tình trạng người giàu thuê côn đồ vào giải quyết tranh chấp với bà con là không ổn”.
Ông Lâm Hoàng Sa - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - thừa nhận có tình trạng cán bộ cấp xã, huyện và ở cả cấp tỉnh đùn đẩy trong tiếp nhận giải quyết khiếu nại của người dân, dẫn đến những vụ việc kéo dài, vượt cấp gây bức xúc trong dư luận. “Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tôi xin nhận lỗi trước bà con vì để xảy ra tình trạng này” - ông Sa nói.
Theo ông Nguyễn Chiến Bình, tình trạng nông dân không đất sản xuất phải thuê lại chính mảnh đất của mình là có thật và yêu cầu UBND tỉnh Kiên Giang cần xem xét nghiêm túc vấn đề này.
Ông Bình giao Cục III Thanh tra Chính phủ phối hợp với thanh tra tỉnh Kiên Giang rà soát tất cả trường hợp khiếu nại liên quan đến đất đai vùng tứ giác Long Xuyên (gồm các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên) để sớm có phương án giải quyết dứt điểm.
NGUYỄN TRIỀU
"Đất ông cha tôi khai phá, chính quyền địa phương đem giao cho người khác. Tôi khiếu nại thì không ai giải quyết, đến khi tòa đem ra xử thì người ta đã có sổ đỏ nên tôi bị xử thua. Tôi hơn 80 tuổi, sắp chết rồi mà thành người không đất. Tôi đề nghị thanh tra họp dân, nếu dân nói đất đó không phải của tôi thì tôi không còn gì để nói, bằng dân nói đó là đất của tôi thì phải trả cho tôi chứ!"
Cụ Trần Thị Xinh (81 tuổi, ở ấp Kênh 5, xã Bình Giang, Hòn Đất)
"Tôi thấy bà con ngồi đây nhiều gương mặt khắc khổ quá. Nông dân mà không có đất sản xuất thì đâu còn là nông dân nữa. Giải quyết những tồn tại của chính quyền và những bức xúc của bà con cần phải có quá trình. Xin bà con bình tĩnh và tin tưởng để cùng Thanh tra Chính phủ, cùng chính quyền từng bước tháo gỡ, không nên vì một lý do nào đó mà nôn nóng làm rối thêm tình hình"
Ông Nguyễn Chiến Bình (phó tổng Thanh tra Chính phủ)
|
Nguồn tuoitre online