Trang chủ » Tin văn và...

'Bản năng' và những phát ngôn ấn tượng

Kỳ Duyên
Thứ bẩy ngày 8 tháng 12 năm 2012 7:55 AM

 Có dân tộc nào mà lịch sử lập nước, giữ nước lại luôn phải đối đầu với "lòng tham" như dân tộc Việt Nam? Tham nhũng và... tham Biển Đông.

Trong tuần này, có một câu chuyện nhỏ, mà phạm vi bàn luận của nó vô tình lại rất lớn.

Nỗi Sợ ám ảnh

Đó là bài văn nghị luận của một nữ sinh phổ thông về chủ đề: Sợ.

Chỉ có mỗi chữ Sợ, nhưng nó "gói trọn" cả hiện tượng tâm lý loài người, mang tính bẩm sinh và bản năng, trước cái đa dạng, đầy bất ổn của đời sống. Từ thuở hồng hoang ở trần, mặc áo vỏ cây đến thời hiện đại, con người có đủ các thương hiệu thời trang nức tiếng thế giới Gucci, Versace, Louis Vuitton, Dolce Gabbana (D&G), DKNY...

Nhưng nỗi sợ vẫn cứ là một tâm thức thường trực khi đời sống ngày càng văn minh. Có nỗi sợ của con người mang tính phổ  biến: Sợ chết, sợ thất bại, sợ khó khăn.... Cũng có cái sợ cao quý- "sợ phụ một tấm lòng trong thiên hạ". Để cuối cùng bài viết bàn về cái sợ "phải đạo"- biết sợ pháp luật. Thực chất, đó là nỗi sợ khi phải đối diện với "tòa án lương tâm".

Những nỗi sợ mang tính thuận lẽ đời.

Có điều, em nữ sinh chưa biết giờ đây, khoa học còn chứng minh, có những nỗi sợ quỷ quái ám ảnh con người. Bởi thế  giới thì vô cùng rộng lớn, còn con người lại vô cùng mong manh, bé nhỏ. Thế giới vô hạn, còn con người hữu hạn.

Đó là sợ Thứ 6 ngày 13, cái ngày mà những người phương Tây đặc biệt kiêng kị, xa lánh, lo rủi ro. Đặc biệt, có những nỗi sợ rất ngược với niềm đam mê của người Việt, người phụ nữ Việt. Đó là: Sợ số 666. Sợ...tiền. Sợ soi gương...


 
Có những người sợ thứ 6, ngày 13
 

Cũng có nỗi sợ chung, mang tính phổ biến của thời công nghệ điện tử phát triển - nỗi sợ phải sống "thiếu điện thoại di động". Đó là nỗi sợ không có thông tin. Con người ta hoặc giầu lên, hoặc nghèo đi về trí não, hoặc thành công, hoặc rủi ro, thất bại trong sự nghiệp nhiều khi cũng bởi hai chữ - thông tin này đây!

Có cả nỗi sợ rất đáng thương, làm cư dân mạng xôn xao như mới  đây. Đó là người hành khất Jeffrey Hillman trên  đường phố New York được người cảnh sát tốt bụng Lawrence DePrimo tặng cho đôi giầy mới trị giá 100 USD, khi thấy ông chân trần giữa giá rét.

Dù vậy, người hành khất tội nghiệp này đã không dám xỏ chân vào giầy. Đơn giản, ông sợ bị mất, hoặc bị mất mạng vì món "tài sản" lớn bất ngờ. Lòng tốt đặt đúng chỗ, nhưng sự hàm ơn thật cay đắng làm sao. Đó là nỗi sợ của con người khốn cùng, không nơi bấu víu, dù ông có hai đứa con đã trưởng thành.

Nhưng có một nỗi sợ rất "nghịch lý", từ lâu, trở thành nỗi ám ảnh chung với nhiều người trong xã hội. Bởi tính vô đạo của nó. Và nó tàn phá niềm tin ở không ít con người lương thiện.

Đó là nỗi sợ của người ngay sợ kẻ gian, người chính trực sợ kẻ ăn cắp, tham nhũng, người đứng đắn sợ kẻ "Chí Phèo".

Bài viết của cô nữ sinh chưa trải nghiệm, vô tình chạm đến nỗi đau sâu sắc của cả xã hội.

Đó là mới đây, các báo liên tục đưa tin người lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng gặp gỡ các cử tri Hà Nội sau Kỳ họp Quốc hội khóa XIII.

Chưa bao giờ, những bức xúc của cử tri lại bộc lộ thẳng thắn đến thế. Vì họ chưa hài lòng với kết quả phê bình và tự phê bình theo NQ Trung ương 4. Bởi phát động thì rầm rộ mà.... Thậm chí, nhiều vị ra trước QH chỉ "nhận trách nhiệm" là xong.

Nhiều cử tri còn đề nghị vạch rõ đích danh chân tướng "một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái".

Ông Trần Viết Hoàn (phường Liễu Giai), nguyên Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch, thế hệ những con người một lòng một dạ đi theo lý tưởng vạch rõ: Đó chính là những kẻ tranh thủ một thời làm quan, cậy quyền, cậy thế để vơ vét, đục khoét tiền của dân, của nước. Lớp người này lấy đồng tiền làm cứu cánh, làm cái đà cho danh vọng, cái lọng để che thân, làm cán cân của công lý, làm cái cần cho lý trí, tiền là hết ý...

Dân không hiểu vì sao cả bộ máy lại không có sự chuyển biến? Thất thoát cả trăm nghìn tỷ đồng mà chỉ cần một lời xin lỗi là xong? Như vậy thì muôn thuở không chống được tham nhũng mà chỉ mở đường cho tham nhũng.

Ông Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) e chủ trương này lại tiếp tục "ngâm tôm" kéo dài như rất nhiều Nghị quyết khác của QH, lúc ban hành thì rất rầm rộ nhưng hiệu quả chưa thấy đâu vv...và...vv...

Đó là những phát ngôn của người dân đầy ấn tượng.

Là những nỗi sợ cay đắng.

 
"Nếu chỉ có sự kiên nhẫn, bền bỉ, chống tham nhũng khó đạt hiệu quả triệt để"
 
Nhưng vị lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng cũng có phát ngôn ấn tượng không kém: Rất khó để ai đó tự nhận ra khuyết điểm của mình. Đụng đến lợi ích là va chạm, là phản ứng, nhất là khi lợi ích đã thành nhóm. Ông còn mượn một câu vè của dân gian, thâm thúy: Miếng ăn là miếng tồi tàn/ Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.
Đụng đến miếng ăn- miếng nhục, dù là miếng tồi tàn, đâu dễ. Có lẽ chưa bao giờ vị cán bộ lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng lại phải thú nhận đau xót về sự băng hoại đạo đức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đến như vậy.

Nhưng ông cũng đủ già đời, cái già đời của người chuyên hoạt động ở chính trường, khi cảnh báo: Không nên xem chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm vừa được QH thông qua là "cây đũa thần", đưa ra là giải quyết ngay được nhiều vấn đề. Bởi trong thực tế vẫn còn có nhiều người không chịu thừa nhận khuyết điểm, sai lầm của mình.

Đó là một nỗi sợ khác, sợ nhận... khuyết điểm!

Nhưng xin đừng tưởng đó là nỗi sợ yếu đuối. Đó đích thị là nỗi sợ của sự gan lì, trơ trẽn, vừa bản lĩnh, vừa dày dạn cuộc đời. Nỗi sợ đó có hai mặt: Mặt bên này là sợ, vì sĩ diện cho thanh danh. Nhưng mặt bên kia, là... không hề biết sợ.

Cái sự "không hề biết sợ" đó được sản sinh ra trên nền tư pháp chưa đủ mạnh. Bởi lợi ích nhóm vốn là thứ lợi ích chằng chịt, xen kẽ, không dễ bóc tách, như vị cán bộ cao cấp nhất từng chia sẻ. Mà nỗi sợ "đụng chạm" cũng là nỗi sợ cố hữu của người Việt, từ lâu. Rút cục, dĩ hòa vi quý.

Bởi nếu biết sợ, "một bộ phận không nhỏ cán bộ" đã không suy thoái đến mức tham nhũng trầm trọng, tàn phá niềm tin của người dân, đặt miếng ăn lên trên hết!

Vì thế, mới đây, tại cuộc Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 11 vừa tổ  chức, ông  David John Whitehead, Chủ tịch Phòng Thương mại Úc tại Hà Nội (Auscham) cũng cho rằng nếu chỉ có sự kiên nhẫn, bền bỉ, chống tham nhũng khó đạt hiệu quả triệt để.

Không biết những ngọn lửa chống tham nhũng được nhóm lên trong lò, có đủ sức nóng lan tỏa làm "tan" tảng băng tham nhũng chình ình trên mặt nước không?

Giữa lúc "văn hóa từ chức"  còn... nhùng nhằng, kiểu anh hai "về", quan họ chúng em vui mừng, thì mới đây, Huấn luyện viên bóng đá Phan Thanh Hùng, sau thất bại của Đội tuyển VN ở AFF Cup 2012, đã thẳng thắn tuyên bố từ chức. Bóng đá VN có thể có nhiều đường đi... lắt léo, nhưng cái sự từ chức vì chưa tròn trách nhiệm, hoặc do bất lực, lại rất thẳng thắn, đàng hoàng, đáng mặt quân tử!

Đó mới chính là lòng tự trọng, là biết sợ với lương tâm của mình trước xã hội.

Sự thách thức của chữ Sợ?

Nhưng cả xã hội Việt Nam chúng ta những ngày này, cũng dường như đang phải đối mặt với sự thách thức cân não của chữ Sợ? Khi mà vụ việc hộ chiếu "lưỡi bò" còn chưa lắng xuống, gây nên nỗi tổn thương lớn trong lòng mỗi người Việt yêu nước, yêu tự do, độc lập dân tộc, thì mới đây, một vụ việc cố tình gây tổn thương khác của Trung Quốc lại xảy ra.

Đó là sự cố "gây đứt cáp" tàu Bình Minh 2 tại vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông, thuộc chủ quyền lãnh hải Việt Nam. Theo VietNamNet, ngày 6/12, 4 giờ 05 phút, rạng sáng 30/11, tàu Bình Minh 2 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bị các tàu Trung Quốc phá hoại cáp thu nổ địa chấn tại gần vùng biển gần đảo Cồn Cỏ.

Một quan chức của PVN cho biết, hàng mấy chục tàu cá Trung Quốc "bủa vây" tàu Việt Nam, không chỉ xâm phạm vùng biển Việt Nam đánh bắt hải sản, với số lượng rất lớn, tập trung ở khu vực từ Cồn Cỏ đến Nam Tri Tôn, có ngày lên tới hơn 100 lượt chiếc. Lần này là thủ đoạn mới, vừa đánh bắt hải sản trái phép, vừa cản trở, xâm hại tài sản của PVN ngay trong vùng biển Việt Nam.

Sự ngang ngược, cố tình xúc phạm, và xâm phạm chủ quyền này xảy ra giữa lúc đoàn đại biểu nhà nước TQ vừa có chuyến đi thăm VN, do một quan chức cao cấp dẫn đầu.

Thật lạ cho cách ứng xử  vừa vi phạm luật pháp quốc tế, vừa vi phạm đạo lý của con người ở thời đại văn minh: Miệng nói lời hữu hảo, hành động xâm phạm chủ quyền nước chủ nhà. Tìm trong từ điển, thật khó có một khái niệm nào, nói về "tình bạn" lại trái ngược đến thế: Lời nói hay và việc làm dở. Lời nói đẹp và việc làm xấu.

Ngay tờ New York Times của Mỹ, ngày 5/12 mới đây cũng phải dẫn lời Giáo sư ĐH Bắc Kinh Zhu Feng: Hành động gây đứt cáp tàu Bình Minh 2 là "rất phản cảm".

Có dân tộc nào mà lịch sử lập nước, giữ nước lại luôn phải đối đầu với "lòng tham" như dân tộc Việt Nam? Tham nhũng và...tham Biển Đông.

Tham nhũng chưa có phương cách diệt được, bởi lợi ích nhóm có nhiều chiếc vòi bạch tuộc. Mới đây, Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa công bố về nạn tham nhũng, Việt Nam đứng thứ 123 trong số 176 quốc gia và vùng lãnh thổ, tụt 11 bậc so với năm ngoái.

Thì nay, đất nước lại phải tiếp tục đối mặt với lòng tham "cường quốc đại dương" của Trung Quốc. Với những chiếc vòi bạch tuộc còn thâm hiểm hơn, bất ngờ hơn và  ghê gớm hơn, đe dọa an ninh quốc gia, chủ quyền độc lập dân tộc, đe dọa cả các nước trong khu vực có lợi ích từ Biển Đông.

Đó là Chiến tranh tâm lý, chiến tranh truyền thông và chiến tranh kinh tế. Điều đó, đòi hỏi dân tộc Việt không bao giờ được cả tin, không bao giờ được ngây thơ vào "lòng tốt" đầu môi chót lưỡi. Và phải có nhiều phương án đối phó khôn ngoan, tỉnh táo, trong một thế giới nhiều bất an, bất ổn, phải giao hảo với "bạn láng giềng" nhiều mẹo lắm mưu, mà mưu nào cũng hiểm.

Để có thể chung sống trong thế giới đó, bảo vệ được độc lập, chủ quyền, mà không bao giờ đánh mất mình, như câu kết của bài văn về nỗi sợ.

Nhưng dân tộc Việt chúng ta có Sợ không?

Câu trả lời mới đây của Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh: Không thể chấp nhận các hành động của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, tính từ bờ biển, theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc.

Trước đó, Việt Nam không đóng dấu vào hộ chiếu của du khách, mà cấp thị thực rời, không rơi vào cái bẫy thừa nhận yêu sách đường lưỡi bò. Cũng tức là không công nhận bản đồ chín đoạn.

Sâu xa hơn, câu trả lời của dân tộc Việt còn nằm ở lịch sử hàng nghìn năm bị Bắc thuộc, vậy mà đất nước Việt Nam vẫn mãi thuộc về người Việt Nam. Nằm ở lòng yêu nước Việt muôn đời mạnh mẽ như những con sóng bạc đầu. Nhất là những ngày này, hàng trăm, hàng nghìn bài viết trên các trang mạng, mạnh mẽ và quyết liệt một tinh thần giữ nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Câu trả lời của dân tộc Việt nằm ở ý chí bảo vệ độc lập tự do dân tộc mãi sáng lòa và sắc nhọn. Ở bản sắc văn hóa Việt chưa bao giờ bị đồng hóa. Ở tiếng nói Việt kiêu hãnh và ở đức tin mãnh liệt từ trong quá khứ, cái Thiện vẫn sẽ chiến thắng cái Ác.

Xã hội sẽ  ra sao nếu như ai ai cũng không biết sợ pháp luật? Xin mượn câu hỏi của em nữ sinh, tác giả bài văn nghị luận về nỗi sợ, để làm cái kết của bài này.

Chỉ xin sửa lại một chút: Xã  hội sẽ ra sao, thế giới này sẽ ra sao, nếu như có những kẻ tự cho mình cái "đặc quyền" không hề coi pháp luật xã hội, pháp luật quốc tế là "cái đinh gì"?
 
Nguồn: Tuanvietnam