Tiểu thuyết của Nghiêm Ca Linh
Người dịch: Lê Thanh Dũng
Nhà Xuất Bản Văn học
Công ty cổ phần Văn Hóa và Truyền thông Phương Đông ấn hành
(Sách đã phát hành 2-2012)
Một sự kiện xảy ra đã hơn bảy chục năm nhưng chưa bao giờ bị quên lãng, nó chỉ lặng đi để mỗi khi nhắc lại vẫn như còn nóng hổi. Một sự kiện đã tốn bao giấy mực của giới nghiên cứu lịch sử, giới sáng tác văn học và bao nhiêu thước phim điện ảnh nghệ thuật…
Đó là cuộc hủy diệt thành phố, tàn sát hàng vạn tù binh và dân thường do quân đội Nhật tiến hành khi tràn vào Nam Kinh, thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc.
Sự kiện xảy ra năm 1937.
Không phải thiên phóng sự chiến tranh, cũng không phải tác phẩm nghiên cứu lịch sử, “KIM LĂNG THẬP TAM THOA” là một tác phẩm văn học, một cuốn tiểu thuyết.
Tác giả nữ Nghiêm Ca Linh (ảnh) bằng giọng văn sắc sảo đã khắc họa một sự kiện lịch sử nhưng qua các nhân vật có thực có hư cấu và đều có tên có tuổi, có gốc gác, có đời sống riêng và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhân vật nào cũng được tác giả quan sát phân tích tâm lý một cách tinh tế và đầy tính nhân văn. Sự hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết khiến người đọc bị cuốn hút không phải là các sự kiện mà là những nhân vật. Dưới ngòi bút của tác giả, họ như đi lại len lỏi giữa những hàng chữ, họ sống họ giận dỗi xích mích cãi cọ nhau và họ yêu thương đùm bọc nhau, xả thân bảo vệ nhau trong thời khắc cam go nhất của mỗi người và của cộng đồng.
Có thể nói cả cuốn tiểu thuyết là một chuỗi dài những bất ngờ. Quan sát một sự kiện đang diễn ra, người đọc không biết câu chuyện sẽ đi theo hướng nào, khi biết rồi mới thấy nó phải thế, không thể khác được, nhưng người đọc chỉ biết khi nó…đã xảy ra.
Tầm tư tưởng của tác phẩm được khẳng định ở chỗ nó không khoét thêm nỗi đau lịch sử, không sa đà kể lể sự kiện đã trở thành xa xưa và nhất là không gợi lên sự thù hằn dân tộc. Sự đối kháng gay gắt ở đây không phải giữa hai dân tộc mà rộng lớn hơn nhiều nhưng lại cũng tinh tế hơn nhiều, đó là đối kháng giữa cái thiện và cái ác. Và tác giả không hề nhân nhượng trước cái ác và hết lòng tôn vinh cái thiện. Tác giả nói đến sự tàn ác lộng hành bất chấp pháp luật quốc tế của quân đội Nhật khi chiếm được thành phố nhưng người đọc hiểu rằng thực ra thông điệp của tác phẩm khái quát hơn, đó là: cầm quyền luôn luôn có nguy cơ dẫn đến lộng quyền và trở thành mầm mống của cái ác; nói cách khác, nhân cách, nhân tính luôn luôn thách thức kẻ cầm quyền.
Hãy nghe một đoạn đối thoại giữa vị linh mục của nhà thờ Wilson, bất động sản của Mỹ tại Nam Kinh và tên sĩ quan Nhật, chỉ huy quân đội chiếm đóng:
…Linh mục Engman đến trước mặt viên sĩ quan: “Tôi cảnh cáo các ông một lần nữa, đây là địa bàn của nước Mỹ, ông nổ súng giết người, tùy tiện bắt bớ người tị nạn trong lãnh thổ Mỹ, ông có nghĩ đến hậu quả không?”
Viên sĩ quan đáp lại: “Ông có biết thượng cấp của chúng tôi sẽ giải quyết hậu quả thế nào không. Họ sẽ nói: Đó chỉ là hành động mất kiểm soát của cá nhân trong quân đội, những người đó đã bị trừng trị theo quân pháp. Thực tế chẳng có ai truy cứu những ‘hành vi cá nhân’ cả. Hiểu chưa, ông linh mục? Trong chiến tranh hành vi mất kiểm soát xảy ra từng giây đồng hồ.” Viên sĩ quan nói lưu loát, phiên dịch cũng lưu loát….
Đấy là trong chiến tranh, nhưng trong đời thường cũng chẳng khác gì, thậm chí chẳng có “viên sĩ quan” nào nói cả, đó là cái “im lặng đáng sợ” mà người thấp cổ bé họng thường gặp phải.
Người ta hay nói một cách lạc quan và “nên thơ” rằng ngay cả trong con người độc ác nhất bao giờ cũng còn le lói chút lương tâm. Nhưng nhiều khi đốm lửa lương tâm cứ le lói chực tắt trong khi dã tâm và lòng tham không ngừng lớn lên không biết đến điểm dừng.
Đọc xong cuốn sách, người đọc có thể cảm nhận rằng những gì cuốn sách đề cập đến rộng hơn một sự kiện lịch sử.
Ngay cả trong thế kỷ 21 này, không phân biệt quốc gia nào, chẳng ở đâu những kẻ cầm quyền, dù ít dù nhiều, không có sự lộng quyền vượt quá pháp luật cho phép, cho dù luật pháp đó do chính kẻ cầm quyền đặt ra.
Đấu tranh giữa cái thiện và cái ác là muôn thuở. Do đó cuốn sách kể về một chuyện đã cũ nhưng lại nói đến vấn đề vẫn mới như chuyện hôm qua và hôm nay.
Tuy nhiên trong cuốn sách của mình, đồng thời với việc phân tích mổ xẻ nguồn gốc cái ác, tác giả đã dành sự trân trọng của mình để mô tả cái thiện. Người ta thường nói đàn bà hay đố kỵ, nhỏ nhặt, nhưng ở đây tác giả cho ta thấy phẩm chất cao đẹp của những người đàn bà bình thường thậm chí bị coi là cặn bã của xã hội, họ biết trả lại những gì không phải của mình, đó là nơi trú ẩn đó là miếng cơm hớp nước trong cảnh đói khát ngặt nghèo, hơn nữa trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc, họ sẵn sàng xả thân để cứu người. Họ cứu ai? Không phải người thân, không phải bạn bè và cũng không phải người quá xa lạ mà là những người cùng giới, những người sống ngay bên cạnh họ và khinh rẻ họ, miệt thị họ.
Lòng tốt đã thành thánh thiện.
Quan sát những thực tế diễn ra xung quanh ta hàng ngày hàng giờ, có người nói tội ác đã lên ngôi và tất cả những người có lương tri đều thấy hơn lúc nào hết, phải đánh thức sự tử tế.
Tôi bắt tay vào dịch tác phẩm này với một tâm thức như thế và tin rằng người đọc sẽ đồng cảm với tác giả và thấy cuốn sách tâm sự với mình nhiều điều hơn những gì người dịch cảm nhận được.
Cuối cùng, xin nói đôi điều về tên cuốn sách. Cố đô Nam Kinh của Trung Quốc qua ngàn năm lịch sử đã được gọi bằng nhiều cái tên, trong đó người ta cho rằng cái tên Kim Lăng là đẹp nhất. Ngày xưa các hoàng đế đều cho xây mộ mình trên núi hoặc đắp cao như núi, hơn nữa Hoàng đế phải tận mắt nhìn thấy trước khi qua đời. Chưa chết mà có mộ, nhìn thấy mộ, nói đến mộ thì sái, cho nên gọi là lăng, vì bấy giờ lăng chỉ có nghĩa là núi, là gò mà thôi. Nhưng rồi từ đó chữ lăng có thêm một nghĩa là mộ, thậm chí là nghĩa chính. Trung Quốc xưa lại hay lấy tên núi ở địa phương mình làm tên địa phương, những người đã từng sống ở Nam Kinh đều rất quen thuộc địa danh Tử Kim Sơn, một ngọn núi cao nằm ở phần phía đông thành phố. Kim Lăng chính là Tử Kim Sơn và là tên gọi của thành phố Nam Kinh. Hiện nay Tử Kim Sơn là một điểm du lịch nổi tiếng và cũng là nơi đặt Đài Thiên văn.
Thoa là cái trâm cài tóc của phụ nữ, thường được dùng để chỉ người con gái, nhất là người con gái nhan sắc. Vậy “Kim lăng thập tam thoa” có nghĩa nôm na là “Mười ba cô gái Nam Kinh.”
Lê Thanh Dũng Hà nội 2-2012
VỀ TÁC GIẢ
Nghiêm Ca Linh (ảnh) sinh ra ở Thượng Hải, cô là một trong những nhà tiểu thuyết và biên kịch viết bằng ngôn ngữ Trung Quốc đương đại nổi tiếng nhất ngày nay. Cô xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên vào năm 1986, và kể từ đó đã đều đặn cho in các tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận và kịch bản.
Các tiểu thuyết nổi tiếng nhất của cô viết trực tiếp bằng tiếng Anh là The Banquet Bug và The Lost Daughter of Happiness được Hyperion ở Mỹ và Faber & Faber Vương quốc Anh xuất bản. Cô cũng đã xuất bản một bộ tiểu thuyết và truyện ngắn chọn lọc có tên Rắn trắng và các chuyện khác.
Một số tác phẩm của Nghiêm Ca Linh có duyên với phim ảnh, trong đó có các bộ phim phát hành quốc tế như Xiu Xiu: The Sent-Down Girl (Joan Chen đạo diễn), Siao Yu (Sylvia Chang đạo diễn), Kim Lăng Thập Tam Thoa (Trương Nghệ Mưu đạo diễn)
Cô cũng đã viết nhiều kịch bản dựa trên các tác phẩm của riêng mình và của tác giả khác, bằng tiếng Anh và Trung Quốc, trong đó có một kịch bản gần đây nhất cho đạo diễn Trần Khải Ca về ngôi sao Kinh kịch Mai Lan Phương.
Cho đến nay cô đã giành được khoảng 30 giải thưởng văn học và phim ảnh. Tác phẩm của cô đã được dịch sang các tiếng Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Bồ Đào Nha, và Thái, và đang chuẩn bị dịch ra tiếng Hebrew, Hungary, Ý, Rumani và Việt Nam. (LTD)