TNc: Báo điện tử Tổ quốc (Bộ VH-TT&DL) đã lí giải việc xã hội hóa văn chương cái được và chưa được. Giải thưởng văn chương Trannhuong.com đã được bài viết này nhắc đến coi đó là nét mới trong hoạt động văn chương...và cả những lăn tăn cần phải bàn...
Đời sống văn học
(Toquoc)- Thời gian gần đây, một số hoạt động văn chương mang tính xã hội hoá đã đi vào hoạt động và gây được sự chú ý nhất định. Bên cạnh sự tích cực mà các hoạt động mang lại nhằm tôn vinh và tìm ra giá trị của văn học thì vẫn còn những điều đáng bàn…
Cách đây mấy năm, giải thưởng Lá trầu được trao duy nhất một lần rồi công bố chấm dứt sự tồn tại. Ngay sau đó giải thưởng tư nhân mang tên Bách Việt được khởi động hứa hẹn sự bài bản và quy mô hơn. Thế nhưng sau khi một tập thơ được trao giải và nối tiếp với thể loại tiểu thuyết còn đang dang dở thì công chúng chưa biết kết cục của giải thưởng văn chương có giá trị lớn nhất, lên đến 40 triệu sẽ đi về đâu. Điều này một lần nữa cho thấy cái gọi là “xã hội hoá văn chương” thật không đơn giản.
Tuy nhiên, sự thất bại của các giải thưởng văn chương tư nhân thời gian qua không là nguyên nhân để các đơn vị tư nhân ngần ngại với việc xã hội hoá các hoạt động văn chương. Bằng chứng là mới đây nhất một cuộc thi văn chương trên mạng Yume diễn ra trong khoảng thời gian ngắn, chỉ với 3 tháng, nhưng đã thu hút được trên hai nghìn tác phẩm của một nghìn tác giả tham dự. Đây là cuộc thi văn chương mạng đầu tiên được tổ chức với thành phần ban giám khảo là các nhà văn: Lý Lan, Lê Minh Quốc, Nguyễn Ngọc Tư. Mặc dù cuộc thi đã kết thúc với việc tìm ra các gương mặt thứ hạng, nhiều tờ báo chính thống đã đưa tin. Song còn khá vắng vẻ sự xuất hiện những bình luận dài hơi như nhiều cuộc thi văn chương của nhà nước từ trước tới nay. Trong khi chỉ cần vài thao tác đơn giản là tất cả chúng ta có thể dễ dàng tìm được tác phẩm trên mạng Internet để đọc. Phải chăng cuộc thi văn chương mạng đầu tiên chưa đủ độ nóng để lôi kéo nhiều nhà chuyên môn, cũng như báo chí và một lượng độc giả từ “hiệu ứng” cuộc thi?
Nhìn vào danh sách tác giả đạt giải thưởng có một điều nhận diện rõ nét khác biệt của cuộc thi văn chương trên mạng là đa số họ còn rất trẻ. Một số tác giả đã được độc giả quen tên từ các cuộc thi khác như Võ Diệu Thanh, Hồ Huy Sơn và cũng không ít những tác giả còn rất mới. Và dù là tác giả mới nhưng tác phẩm không bị cho là “lần đầu cầm bút” trong kết cấu, xử lí tình huống, chi tiết… của một truyện ngắn. Điều đó chứng tỏ ít nhiều họ đã định hình được thế nào là truyện ngắn, là một tác phẩm văn học. Tuy nhiên, tác phẩm đạt giải cao chưa thực sự tạo được sự đột phá. Sự tròn chĩnh ấy khiến độc giả cảm giác quen thuộc, không mới và mang yếu tố “an toàn” của một cuộc thi. Vì dù gì thì tiêu chí và mục đích của một cuộc thi bao giờ cũng mang tính định hướng dư luận, thể hiện quan điểm của người cầm cân nảy mực và đơn vị đứng mũi chịu sào. Nếu tìm chất trẻ trong văn chương như một nét riêng của cuộc thi trên mạng thì độc giả lại có thể tìm thấy ở… tác phẩm đoạt giải thấp hơn, thậm chí là giải khuyến khích! Ở những tác phẩm đó, người đọc sẽ thấy tác giả không khai thác đề tài lớn, đề tài quen thuộc mà lại bắt đầu từ những điều nhỏ bé, có khi là vụn vặt của đời sống thường nhật. Nhưng từ đó lại mở ra nhiều vấn đề của cuộc sống đương đại.
Cuộc thi văn chương mạng đầu tiên đã khép lại, đơn vị tổ chức có đưa ra thông tin là năm sau sẽ tiếp tục. Người đọc kỳ vọng trong các cuộc thi sau sẽ tìm thấy những tác phẩm mang màu sắc riêng biệt của văn chương trẻ, văn chương mạng.
Không rầm rộ như giải văn chương mạng Yume, mới đây, giải văn chương của một cá nhân mang tên Trannhuong.com cũng được khởi xướng. Lời phát biểu tại lễ trao giải, nhà thơ Trần Nhương đã giới thiệu về giải thưởng: “Giải thưởng văn chương Trannhuong.com dựa trên tiêu chí hay và được bạn đọc đón nhận. Giải này do trang mạng Trannhuong.com bình chọn không có Hội đồng, không có bỏ phiếu, chủ yếu là tác phẩm ấy có sức sống và nhanh chóng được bạn đọc đón nhận đã tự bỏ phiếu giúp cho Trannhuong.com làm việc tôn vinh. Giải văn chương Trannhuong.com không định kì 5 năm hay 3 năm mà thấy có tác phẩm hay và được bạn đọc đón nhận là trao giải. Chúng tôi chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Chúng tôi không câu nệ vào việc tác phẩm ấy đã được giải Quốc gia hay hội đoàn nào trước đó. Giải không lấy tiền thưởng làm thước đo giá trị mà lấy sự yêu mến của người đọc là sự vinh quang của tác giả”. Tác phẩm được giải lần này là Bão táp triều trần của Hoàng Quốc Hải và Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường.
Trong bài viết này, chúng tôi xin không bàn về chất lượng tác phẩm đoạt giải. Nhưng đọc quy chế giải thưởng này thoạt đầu thấy cũng khá ổn vì quy tụ được các tiêu chí: hay, được độc giả đón nhận. Nhưng nghĩ kỹ hơn thì thấy còn có vẻ thiên về cảm tính. Bởi tiêu chí hay trong số đông công chúng - đại chúng, chưa chắc đã là tiêu chí của nghệ thuật. Điều này đồng nghĩa với việc một cuốn sách bán chạy, tái bản nhiều lần chưa chắc đã là sách hay và ngược lại. Hay một cú clik chuột vào tác phẩm trên mạng ai đảm bảo là độc giả đó đọc hết, đọc nghiêm túc về tác phẩm? Rồi việc không câu lệ thời gian định kỳ thì ai biết cái giải thưởng này còn tồn tại hay không? Sở dĩ mỗi giải thưởng văn chương tồn tại từ trước đến nay gắn với thời gian định kỳ đều có lý do của nó. Ví dụ như đến ngày này, tháng này công chúng được dịp chờ đợi, phỏng đoán… Nếu giải thưởng đó bị để trống, thì chúng ta biết rằng năm đó tình hình văn chương thế nào, hoặc ban tổ chức chưa nhìn thấy toàn diện v.v… Thứ nữa, nếu không có định kỳ - một thời gian chốt cụ thể thì rất khó thực hiện tiêu chí hay. Giả sử trong vòng 6 tháng năm nay có một cuốn sách hay và được quyết định trao giải, nhưng rồi 6 tháng sau lại có đến 2,3 cuốn nữa mới xuất hiện và hay hơn gấp nhiều lần cuốn đã được trao kia thì sao? Nếu có định kỳ rõ ràng thì cái cuốn đầu tiên kia - tưởng chừng đã là hay ở thời điểm đó chưa chắc đã được giải. Trong tiêu chí còn có hai đòi hỏi nghe khá mâu thuẫn với việc không câu lệ thời gian định kỳ trao giả, đó là tác phẩm vừa phải “có sức sống”, lại phải vừa “nhanh chóng được bạn đọc đón nhận”. Vậy xin hỏi, tác phẩm cần bao lâu thời gian thử thách mới là tác phẩm “có sức sống” để có thể được giải thưởng tư nhân này?.
Một hoạt động mang tính xã hội hoá văn chương xuất hiện trong thời gian gần đây phải kể đến nữa là sự ra đời của Quỹ hỗ trợ Văn chương và Cuộc sống được đứng đầu bởi một mạnh thường quân. Mục đích của Quỹ là hỗ trợ kinh phí in ấn để tác phẩm của nhà văn đến được với công chúng. Ngoài ra còn chia sẻ với nhà văn có cuộc sống khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo, tai nạn bất ngờ, hoặc các hoạt động văn học khác cần hỗ trợ kinh phí. Nói như nhà thơ Bằng Việt thì “Đây là một việc làm hết sức có ý nghĩa, có tính nhân văn cao đẹp. Nó đã góp phần không nhỏ vào việc hỗ trợ và tạo chỗ dựa cho những nhà văn nhà thơ gặp khó khăn trong cuộc sống”. Thực tế, sau một thời gian ngắn hoạt động Quỹ đã làm được nhiều việc thiết thực, có thể kể đến, như thăm hỏi tặng tiền các nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, Sơn Tùng; Hỗ trợ kinh phí xây dựng Quỹ Phùng Quán tại Huế; Hỗ trợ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức trại sáng tác cho các nhà văn trẻ; Hỗ trợ in ấn cho một số nhà văn, nhà thơ…
Với một quy định khá “mở” dành cho tác phẩm đã đạt được chất lượng nghệ thuật nhất định; hoặc là được hỗ trợ hoàn toàn kinh phí, hoặc là tác giả vay số kinh phí đó để tự in. Nếu được hỗ trợ hoàn toàn thì tác giả buộc phải đưa tác phẩm qua Hội đồng thẩm định tuyển chọn (Hội đồng này của Quỹ). Còn nếu tác giả vay kinh phí thì không phải thông qua Hội đồng thẩm định tác phẩm đó. Nhưng có một câu hỏi đặt ra là, giả sử tác phẩm đó “qua” được Hội động thẩm định của Quỹ nhưng không qua được ban biên tập của bất cứ nhà xuất bản nào thì sao? Bởi vì một trong những mục đích cuối cùng của Quỹ là tác phẩm phải được in ra và đến được với công chúng. Trừ khi Hội đồng thẩm định của Quỹ chính là thành phần Ban biên tập của các nhà xuất bản - rào cản cuối cùng để tác phẩm được in. Mà thường những tác phẩm “khó khăn” trong khâu biên tập, thẩm định luôn hứa hẹn là những tác phẩm đáng đọc và được trông chờ. Vậy thì việc Quỹ hỗ trợ văn chương và cuộc sống can thiệp vào bản thảo tác phẩm có cần thiết không? Hay là cứ để tác phẩm trực tiếp đến với Nhà xuất bản và chờ đợi câu thẩm định của họ rồi quyết định “hỗ trợ”? Còn nếu vẫn duy trì như quy chế hiện nay, e Quỹ phải có một đội ngũ thẩm định tương đồng với đội ngũ biên tập của các nhà xuất bản. Nếu không, độc giả dễ nghĩ rằng loạt sách mà Quỹ hỗ trợ “đóng dấu” với tạng “đèm đẹp”, “đường được”, “hiền hiền”…
Theo như quy chế hoạt động của Quỹ thì sẽ có các cuộc thi theo từng thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết hàng năm. Mỗi cuộc thi sẽ mời các nhà văn, nhà lý luận phê bình có uy tín thẩm định, chọn ra tác phẩm xứng đáng để trao giải, góp phần tôn vinh lao động nghệ thuật của các tác giả. Mong rằng, khi cuộc thi được khởi động sẽ không bị rơi vào vết xe đổ như các giải thưởng tư nhân thời gian qua.
Việc các cá nhân, các tổ chức tự tổ chức giải thưởng tư nhân, thành lập Quỹ hỗ trợ văn chương là việc nên làm, không có gì đáng bài bác. Nó thể hiện một sự phát triển gần như tất yếu của đời sống văn chương ngày hôm nay, nhất là trong giai đoạn kinh tế khó khăn, văn chương không được coi trọng như trước. Vẫn còn người yêu văn chương, dấn thân vì văn chương đã là quý lắm rồi, và giải thưởng, bất kể giải thưởng có ý nghĩa tinh thần hay vật chất càng đáng trân trọng. Nhưng có lẽ, cái mà công chúng yêu văn chương mong chờ, chưa chắc đã là một giải thưởng có giá trị vật chất lớn, chưa chắc đã là sự nở rộ của nhiều hệ thống giải thưởng tư nhân mà là sự tạo lập một địa chỉ văn chương uy tín, lâu bền. Để làm được điều đó là mong muốn, là mục đích hướng tới của tất cả các hệ thống giải thưởng văn chương, không riêng gì giải thưởng tư nhân.
Hiền Nguyễn