Trang chủ » Tin văn và...

VỀ THĂM QUÊ HƯƠNG NHÀ VĂN THÚY TOÀN

Trần Nhương
Thứ tư ngày 14 tháng 9 năm 2011 6:03 PM




Nhân Nguyễn Thị Kim Hiền vừa từ Nga về thăm quê hương, nhà văn Thúy Toàn tổ chức chuyến đi về Bắc Ninh thăm quê ông. Nhà văn Thúy Toàn chủ nhà cùng Tô Đức Chiêu, Hoàng Minh Tường, Nguyên An, Nguyễn Kim Hiền, Y Ban, Trần Nhương ngẫu hứng du lịch một chuyến lúc đang thu. Nơi chúng tôi đến đầu tiên là Đền Đô. Nhân 1000 năm Thăng Long Hà Nội Đền Đô được tôn tạo khá đẹp. Rồi chúng tôi thăm chùa Tiêu 
 Chùa Tiêu, còn có tên là chùa Trường Liêu [1]Tiêu Sơn tự, chùa Ba Sơn, chùa là Cảm ứng tên chính thức là chùa Thiên Tâm, có từ khi mới khởi dựng, Tiêu Sơn tự là gọi theo tên đất, làng, núi nơi đây. Chùa nằm trên lưng chừng núi Tiêu. Nay thuộc xã Tương Giang - huyện Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh. Ngày xưa có con sông Tiêu Tương chảy ngang, bây giờ đã biến thành đồng ruộng, làng mạc trù phú. Dấu ấn một thời chỉ còn lại là hồ sen dưới chân núi trước cửa chùa. Chùa Tiêu là một danh thắng nổi tiếng và cũng là trung tâm Phật giáo cổ xưa của Việt Nam.
Chùa Thiên Tâm được xây dựng khoảng trước thời Tiền Lê, đến thời Lý đã được tôn tạo khá khang trang và trở thành nơi tu thiền, giảng đạo của nhiều bậc cao tăng như Thiền sư Lý Vạn Hạnh - Quốc sư, người có công nuôi dưỡng và dạy dỗ Lý Công Uẩn (vị vua khai sáng Vương triều Lý) trụ trì và viên tịch
Nói về chùa Tiêu là nói đến Thiền sư Vạn Hạnh. Bởi lẽ đây là chốn tu thiền, giảng đạo của nhiều bậc cao tăng và là nơi Thiền sư Vạn Hạnh (? - 30/06/1018), vị Quốc sư, người đã có công nuôi dạy Lý Công Uẩn - vị vua khởi nghiệp triều Lý - trụ trì và viên tịch.
Do có công lao của người đối với triều tiền Lê và Lý, Thiền sư Vạn Hạnh được suy tôn là quốc sư, hiện nay trong chùa Tiêu còn bài vị thờ sư tổ: Lý triều tể tướng Thiền sư Vạn Hạnh vị.(theo Tự điển Wiki) .
 Tại đây tôi gặp một cô gái trẻ mặc áo màu ghi phật tử. Cô đi một mình lên lễ chùa. Tôi hỏi cô quê dâu, cô bảo ở Phú Thọ. Ô, đồng hương, cô ở Phù Ninh ngay bên Lâm Thao quê tôi. Làm quen và tôi rủ cô di cùng đoàn nhà văn. Cô nhận lời. Trên xe tôi hỏi cô mới biết cô là giáo viên triết học nhưng cô rất uyên thâm sách nhà Phật. Cô đang có ý định xuống tóc vào cửa thiền nương náu. Lạ thật, bất ngờ thật một cô gái trẻ đang có nghề dạy triết mà có ý đi tu. Phải chăng thuyết lí cao sâu của nhà Phật đã chnh phục cô ? Cô bảo những điều cháu dạy khiến người dạy và người học đều thấy không phải thế. Cháu buồn nên muốn vào chùa. Chuyện của cô khiến tôi nghĩ ngợi suốt chặng đường...
Sau khi viếng chùa chúng tôi lên đỉnh núi Tiêu chiêm ngưỡng tượng Thiền sư Vạn Hạnh, chúng tôi thấy mấy cây ổi quả chín đầy cành, mấy anh nhà văn già bỗng thành trẻ con trèo me trèo ổi...

..

Chúng tôi thăm chùa Phật tích, ngày trước tôi đến chùa tiêu điều thì nay tu tạo rất đẹp. Ở đây còn giữ được 10 tượng đá các con vật rất đẹp, nghe đâu do tù binh Chàm chế tác.
Rồi về thăm quê anh Thúy Toàn tại làng Phù Lưu, Tiên Sơn, Bắc Ninh. Nơi đây cũng là quê nhà văn Kim Lân. Trên khu vườn nhà anh Toàn khế ổi rụng đầy sân. Nơi đây nhà văn Thúy Toàn dự định xây dựng một bảo tàng nhỏ về văn học Nga. Ý tưởng thật tuyệt vời nhưng cũng cần có sự giúp đỡ về tài chính. Ăn với nhau bữa trưa với thịt gà quê, xôi vò chè đường. Ngon đến nỗi Tô Đức Chiêu muốn xin nốt chỗ không ăn hết để chiều nay thưởng thức...
Về đến Hà Nội chúng tôi chia tay nhau. Tôi đùa cô cháu dạy triết khi nào cháu xuống tóc nhớ báo cho bác đến chúc mừng...