Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

"ĐÀN BÀ HƯ",MỘT TRUYỆN NGẮN HAY!

Nguyễn Đình San
Thứ hai ngày 16 tháng 9 năm 2024 6:17 PM



Tình cờ tôi đọc báo Văn nghệ (cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam) số ra ngày 14/10/2023 thấy đăng truyện ngắn “Đàn bà hư” của Y Nguyên. Tôi có thói quen đọc bất cứ thứ gì (truyện, thơ, bài lý luận, bài báo...) chỉ đọc chút mở đầu, có khi giữa chừng, thấy được mới đọc tiếp. Cái tên truyện ngắn khá độc đáo, đọc một đoạn thấy rất được, có vẻ lạ lẫm, tôi đã đọc hết. Đọc xong, lại đọc lại để thẩm thấu thêm. Tôi rất lấy làm thú vị sau khi đọc xong 2 lần. Thường thì chỉ đọc một lần đối với tôi đã hiếm vì phần nhiều, tôi cứ thấy nhàn nhạt, không gây ấn tượng gì, đọc hết cả truyện thấy mệt mỏi, ức chế. Nhưng “Đàn bà hư” thì không như vậy. Cả hình minh hoạ, truyện có độ dài 2,5 trang báo văn nghệ, tức cũng phải hơn 5000 âm tiết. Truyện ngắn mà như vậy cũng thuộc loại dài. Nhưng đọc không thấy chán, cảm thấy có thể dài hơn vẫn đọc được. Như vậy thì truyện này ít nhất là có sức lôi cuốn người đọc. Ắt là phải thế nào, nhất là đối với người đọc quen khó tính với mọi tác phẩm.

Tôi không biết gì về Y Nguyên, thậm chí giới tính tác giả cũng không rõ. Cứ bằng vào cách tự nói về mình, người đọc dễ nghĩ là nữ. Nhưng cũng không hẳn như vậy. Nhiều khi nữ vẫn có thể nhập vào vai nam và ngược lại để độc thoại trên trang giấy, nhất là sáng tác luôn là mảnh đất rộng cho sự tưởng tượng, hư cấu. Vậy nên tác giả là nam hay nữ không quan trọng. Vấn đề là tác phẩm đem đến cho người đọc điều gì mà thôi.

Tác giả đặt mình vào ngôi thứ nhất để kể chuyện (“Tôi”). Và kể về cuộc đời của chính mình. Kể gì? Kể rằng mình là con đàn bà hư hỏng, lười biếng, ăn bám chồng. Đã vậy lại còn rượu chè, cờ bạc, thâu đêm suốt sáng chơi bời, không biết giữ thể diện, uy tín cho chồng là một người đàn ông vừa điển trai, lại vừa có chút chức sắc ở địa phương – Chủ tịch xã – cái chức tuy không to nhưng ở nông thôn cũng hét ra lửa, kiếm được tiền. Anh ta còn hứa hẹn sẽ được đôn lên huyện. Anh ta có mọi ưu điểm của một người đàn ông nhưng mắc một tội là ngoại tình. Cũng vì những tật xấu của vợ mà anh ta hết nhu cầu chăn gối. Rồi chị ta bắt quả tang chồng chung sống với một cô gái trẻ và tiếp cận với tình địch của mình. Người vợ tìm mọi cách thuyết phục chồng dứt bỏ người tình để trở về với gia đình nhưng người chồng nhất định không nghe, sẵn sàng hy sinh cái chức Chủ tịch xã kia để sống với người tình trẻ, đẹp. Họ ra toà ly hôn. Thất vọng, người vợ lại lao vào chơi bời, trác táng, làm đĩ để nuôi miệng và rồi chung sống với một người Pháp đang làm ăn ở Việt Nam. Chị ta không yêu người đàn ông này mà cần ông ta bao bọc về tiền bạc. Nghĩ thế nào, chị ta đã lừa ông ta để lấy tiền mà không theo ông sang Pháp như đã hẹn.

Nghe tin chồng bị ung thư giai đoạn cuối phải vào bệnh viện xạ trị, chị ta vào thăm và trao cho đứa con gái nửa số tiền lấy được của người đàn ông quốc tịch Pháp để nó phụ thêm cho người tình của cha lo liệu mọi việc. Lúc này, người chồng có phần ân hận, muốn níu kéo người vợ tội nghiệp. Nhưng vì chồng đã có người đàn bà kia, chị ta không thể làm gì hơn là bỏ đi trong sự nức nở khi bước ra khỏi cầu thang máy, rời khỏi bênh viện. Truyện kết thúc ở đây.

Rõ là một bi kịch. Tất cả các nhân vật đều có kết cục hẩm hiu, xui xẻo. Người vợ thì bơ vơ, rời bỏ người đàn ông ngoại quốc, không chồng với một quá khứ quá ê chề. Người này thì bị ả lừa cả tình lẫn tiền. Người chồng thì bị ung thư, sắp vĩnh viễn ra đi. Cô tình nhân của anh ta cũng lỡ dở. Đứa con thì mất cha.

Truyện không do tác giả kể theo lối thông thường với những nhân vật có tên cụ thể. Toàn bộ truyện từ đầu chí cuối đều là độc thoại nội tâm của chủ thể. Thực ra, chuyện ngoại tình dẫn tới ly hôn hoặc nhân vật có cuộc sống bê tha, trác táng, sống bản năng dẫn tới những hệ luỵ không nhỏ không có gì mới. Xưa nay các tác phẩm văn xuôi đã nói đến nhiều. Nhưng cái hấp dẫn của truyện này là có lối viết rất mới mẻ, sáng tạo với giọng điệu cũng thật độc đáo. Nhân vật chính – người vợ - là một thứ “đào lệch” nhưng có cái giọng độc thoại rất ngạo nghễ, không một chút ăn năn, hối cải ngay cả lúc bi kịch ập đến. Chị ta tỏ ra rất ý thức về lỗi lầm của mình. Nhưng nếu bóc tách những mớ ngôn ngữ hàng ngày của chị ta thì người đọc vẫn thấy phần con người, phần lương tâm còn chút nương náu trong người đàn bà tội lỗi này. Đó chính là tài viết của tác giả. Giọng văn vừa cay đắng, lại vừa mỉa mai, rất có cá tính. Viết bạo nhưng không thô, người đọc hoàn toàn có thể chấp nhận. Bởi ngôn ngữ ấy, giọng điệu ấy là rất phù hợp với tính cách người vợ...hư như chị ta tự nhận: “Anh mặc đồ lại, kéo chăn phủ người cho tôi, xong quay lưng ôm gối ngủ khì. Mình tôi nằm chong chong thao thức. Mình “hư” thật rồi. Đàn bà tuổi mới 40 mà nguội lạnh, không thoả mãn được cho chồng là đàn bà hư! Mà lạ, vắng anh cũng biết thèm khát, nhất là khi xem ti-vi gặp cảnh nóng hoặc vào những trán web đen. Vậy nhưng cứ mỗi lúc áo quần vừa lột ra, tay anh đụng vào là cảm xúc lập tức chết lịm!”

Một truyện ngắn hay, độc đáo với lối viết có phần lạ lẫm. Nhân vật hiện ra rõ mồn một mặc dù tác giả không cố ý dừng lại miêu tả kỹ. Tuy nhiên, truyện vẫn có thể ngắn gọn hơn nếu biết tiết chế bớt chữ nghĩa và sự lặp lại ở một đôi chỗ./.