Trang chủ » Tin văn và...

NATO họp khẩn về vụ vỡ đập ở Ukraine

Minh Phương
Thứ năm ngày 8 tháng 6 năm 2023 11:14 AM



(Dân trí) - Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết ông sẽ chủ trì cuộc họp của một ban điều phối khẩn cấp với Ukraine vào ngày 8/6 để thảo luận về vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka ở Ukraine.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (Ảnh: Reuters).

Báo Lemonde đưa tin, Tổng thư ký NATO Stoltenberg ngày 7/6 thông báo trên Twitter rằng, ông sẽ chủ trì cuộc họp khẩn cấp về vụ vỡ đập Kakhovka ở Ukraine. Cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 8/6 với sự tham dự trực tuyến của Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.

Ông Kuleba cho hay, cuộc họp được tổ chức theo đề nghị của ông và Tổng thư ký Stoltenberg đã cam kết sẽ sử dụng cơ chế NATO để viện trợ nhân đạo cho Ukraine.

Một phát ngôn viên của NATO nói rằng, hiện chưa có thông tin chi tiết về cuộc họp, bao gồm thời điểm họp chính xác.

Sáng 6/6, đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnieper, thuộc tỉnh Kherson của Ukraine bất ngờ bị vỡ, gây ngập lụt nghiêm trọng cho các khu dân cư ở hạ nguồn. Giới chức Ukraine và các chuyên gia cảnh báo, vụ vỡ đập thủy điện khổng lồ này có thể kéo theo thảm họa môi trường và sinh thái cần nhiều năm để khắc phục.

Theo dữ liệu từ các cơ quan cứu hộ khẩn cấp, khoảng 2.700 ngôi nhà tại 15 khu định cư ở tỉnh Kherson đã bị ngập trong nước. Tổng cộng có khoảng 22.000 người sinh sống tại đây. Hàng nghìn người đã được sơ tán. Tình trạng khẩn cấp cũng đã được ban bố trên toàn tỉnh Kherson thay vì chỉ ở thành phố Nova Kakhovka.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết các chuyên gia của họ đang "theo dõi chặt chẽ tình hình" tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia thuộc tỉnh Zaporizhia lân cận sau vụ vỡ đập. Đập Kakhovka đóng vai trò cung cấp nước cho phần lớn miền Nam Ukraine, bao gồm cả nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu Zaporizhia - nằm ở thượng nguồn và hiện do Nga kiểm soát. Nước từ hồ chứa Kakhovka được sử dụng trong hệ thống làm mát của nhà máy này.

Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau phá hủy con đập. Moscow cho rằng Ukraine cố kích nổ đập để làm gián đoạn nguồn nước cung cấp cho Crimea - bán đảo sáp nhập vào Nga năm 2014. Trong khi đó, Kiev nói, Nga phá đập nhằm ngăn chặn cuộc phản công vốn được chờ đợi từ lâu của Ukraine.

Nga kiểm soát Kherson từ năm ngoái, không lâu sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đến cuối năm 2022, Ukraine giành lại quyền kiểm soát Kherson ở bờ tây sông Dnieper. Sông Dnieper, nơi đập Kakhovka nằm vắt ngang, hiện đóng vai trò như một ranh giới tự nhiên chia cắt các khu vực Nga và Ukraine kiểm soát.

Moscow và Kiev đã đề nghị mở cuộc điều tra quốc tế để truy cứu trách nhiệm vụ vỡ đập Kakhovka. Các đồng minh NATO, trong đó có Anh, cho biết sẽ chờ thêm các bằng chứng trước khi xác định bên nào phải chịu trách nhiệm.

"Các cơ quan quân sự và tình báo của chúng tôi hiện đang xem xét tình hình, vì vậy còn quá sớm để đánh giá và đưa ra nhận định chính xác", Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết hôm 6/6.

Cùng với thúc đẩy điều tra, các đồng minh và đối tác phương Tây cũng cam kết viện trợ để giúp Ukraine khắc phục hậu quả do vỡ đập.

Vị trí nhà máy điện hạt nhân và đập thủy điện Kakhovka (Đồ họa: Reuters).

Theo Lemonde, RT