Theo nguồn tin từ bà Minh Thuận - con gái của nhà văn, nhà văn Vũ Hạnh nhập viện ngày 11-8, qua đời sáng nay, hưởng thọ 96 tuổi.
Nhà văn Vũ Hạnh tên khai sinh là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15-7-1926 tại xã Bình Nguyên, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình nho học.
Ông tham gia Mặt trận Việt Minh huyện Thăng Bình, từ tháng 3-1945 học ban tú tài phần II. Năm 1955, ông tham gia đấu tranh đòi hiệp thương Bắc Nam và bị bắt giam ở nhà lao Thăng Bình, rồi nhà lao Hội An.
Sau Hiệp định Genève, do hoạt động đòi hiệp thương thống nhất nên ông bị địch bắt. Cuối năm 1956, ông được trả tự do, trốn vào Sài Gòn dạy học tư, tìm cách liên lạc với cách mạng. Ông tiếp tục đấu tranh bằng ngòi bút với bút danh Vũ Hạnh. Ông còn có các bút danh khác như: Cô Phương Thảo, Hoàng Thành Kỳ, Nguyên Phủ, Minh Hữu.
Trong thời chiến tranh chống Mỹ, Vũ Hạnh là cán bộ văn hóa Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, hoạt động công khai ở nội thành Sài Gòn (hoạt động đơn tuyến). Ông sống và hoạt động bằng nghề viết, cổ xúy các giá trị nhân văn và giữ gìn văn hóa dân tộc.
Năm 1966, ông là tổng thư ký Lực lượng Bảo vệ văn hóa dân tộc - tổ chức của giới trí thức yêu nước, tiến bộ ở miền Nam. Ông là chiến sĩ cách mạng hoạt động công khai đơn tuyến trong lòng địch. Thỉnh thoảng ông vào mật khu báo cáo và nhận chỉ thị.
Ông đã bị bắt giam tổng cộng 5 lần. Trong lần bị bắt đầu tiên kể từ lúc vào Sài Gòn hoạt động cách mạng, ông đã được đại tá Phạm Ngọc Thảo - tỉnh trưởng Kiến Hòa - can thiệp để sớm được trả tự do. Hồi đó nhà văn Vũ Hạnh không biết đại tá Thảo là điệp viên của cách mạng hoạt động trong lòng đối phương.
Sau ngày đất nước thống nhất, giai đoạn từ 1975 - 1985 ông là tổng thư ký Hội Văn nghệ TP.HCM, ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP.HCM.
Tác phẩm chính của nhà văn Vũ Hạnh gồm có:
Các tập truyện: Vượt thác (1963), Mùa xuân trên đỉnh non cao (1964), Chất ngọc (1964), Ngôi trường đi xuống (1966), Bút máu (1971), Con chó hào hùng (1974), Cô gái Xà Niêng (1974), Ăn Tết với một người điên (1985), Sông nước mênh mông (1995)...
Đến năm 2007, Nhà xuất bản Văn Học tái bản Bút máu, tập truyện ngắn.
Tiểu thuyết: Lửa rừng (1972); Người nhà Trời (Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ TP.HCM, tháng 9-2020).
Ông còn có 3 kịch bản: Người chủ tiệm; Một giấc chiêm bao; Thưa biết rồi; và các thiên hồi ký: Cái Tết khó quên (1990), Một chặng đường bút mực (2000).
Năm 1965, Vũ Hạnh viết tiểu luận Người Việt cao quý ký bút hiệu một người Ý là A. Pazzi; bên cạnh đó là các tiểu luận; Đọc lại Truyện Kiều (1966), Tìm hiểu văn nghệ (1970)...
Mới đây nhất, để kỷ niệm tuổi thượng thọ 90, Vũ Hạnh và Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM ấn hành bộ Tuyển tập Vũ Hạnh, 2 tập, dày 1.350 trang gồm thâu nhiều trước tác tiêu biểu trong cuộc đời viết lách của ông.
Theo tin từ gia đình, do tình hình dịch COVID-19 đang căng thẳng nên tang lễ của nhà văn Vũ Hạnh được Thành ủy TP.HCM và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật tại TP.HCM hỗ trợ giúp đỡ tiến hành ngay trong ngày. 15h hôm nay, linh cữu nhà văn Vũ Hạnh được đưa đi an táng ở nghĩa trang TP.HCM tại Củ Chi.