Trang chủ » Tin văn và...

TIN BUỒN: NHÀ THƠ VĂN THẢO NGUYÊN TẠ THẾ

Nguyễn Quốc Trung
Thứ hai ngày 16 tháng 9 năm 2019 7:23 PM



Nhà thơ Văn Thảo Nguyên
Sinh năm: 1930 Nơi sinh: Hà Tây (cũ). Ông tạ thế ngày 4-9-2019 tại Bình Dương, hưởng thọ 90 tuổi. Ông là hội viên Hội Nhà văn VN, cựu biên tập viên Tạp chí VNQĐ. Lễ an táng diễn ra ngày 11-9-2019 tại Sài Gòn.
Trang trannhuong.com chia buồn cùng gia đình, Cầu cho anh linh nhà thơ Văn Thảo Nguyên thanh thản về cõi Phật

Thế hệ nhà văn đầu tiên của Tạp chí Văn Nghệ Quân đội (VNQĐ) hội tụ nhiều người sinh năm 1930. Đó là Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Hồ Phương. Nhà phê bình Ngô Vĩnh Bình gọi là cỗ xe tứ mã của VNQĐ. Và hôm nay, khi nhận được tin buồn nhà thơ Văn Thảo Nguyên từ trần, chúng ta mới biết ông cũng sinh năm 1930. Tuy là người mãi sau này mới về VNQĐ và công tác ở tạp chí không lâu, nhưng nhà thơ Văn Thảo Nguyên được xem là thế hệ tuổi đàn anh lớp nhà văn trưởng thành thời đánh Mỹ. Trong lúc người sinh cùng năm trông đã già, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Xuân Thiều đã về thế giới bên kia thì Văn Thảo Nguyên vẫn giữ cho mình một phong độ trẻ trung, lịch lãm, gương mặt sáng, giọng nói nhỏ nhẹ. Phải chăng cuộc sống độc thân, thường xuyên giao tiếp với nhiều lớp người khiến người ta trẻ lâu? Ông cũng là người hình như không giận ai bao giờ. Dĩ nhiên là không ai nỡ cáu giận ông. Một người như thế lẽ ra phải được an nhàn khi về già, nhưng sự thực không được vậy. Hình như ông tự thử thách mình qua những hoạt động trên nhiều lĩnh vực viết văn, làm báo, làm phim rồi làm kinh tế nên vất vả.

Nhà thơ Văn Thảo Nguyên (bên phải ảnh)

Khi tôi ở Quân đoàn 4, đã biết nhà thơ Văn Thảo Nguyên vì thủ trưởng trực tiếp của tôi là Đại tá Nguyễn Văn Cúc, chủ nhiệm chính trị quân đoàn, là người anh nuôi của Văn Thảo Nguyên từ thời kháng chiến chống Pháp lúc ở miền Tây Bắc. Thảo Nguyên chính là miền thảo nguyên. Có lẽ vì vậy mà Văn Thảo Nguyên viết truyện Người con nuôi của trung đoàn. Hồi đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam sau đó sang đất nước Chùa Tháp làm nghĩa vụ quốc tế, nhà thơ Văn Thảo Nguyên thường lên thăm. Có lúc ông dẫn đoàn làm phim cùng đi, được biết ông viết kịch bản, kiêm luôn đạo diễn. Những bộ phim tài liệu, thời sự ấy được phát trên sóng truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1989, khi được về Tạp chí VNQĐ, trong lần đầu gặp nhà văn Nguyễn Khải, tác giả Gặp gỡ cuối năm đã cho tôi biết các nhà văn từng công tác ở VNQĐ hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ. Đó là Thu Bồn, Lưu Trùng Dương, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Trần Kim Trắc, Văn Thảo Nguyên… Bấy giờ tôi mới biết nhà thơ Văn Thảo Nguyên từng là cán bộ tạp chí nhiều năm. Cũng nhân dịp ấy, nhà văn Nguyễn Khải nói về tác phẩm đáng nhớ của từng người, với Văn Thảo Nguyên là truyện Đứa con nuôi trung đoàn và tập thơ Dáng người hôm nay. Thế rồi, một buổi chiều tôi tìm tới nhà ông ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Dạo đó ông đang công tác ở xưởng phim, nghe đâu đã sản xuất nhiều phim tài liệu lắm. Phút đầu tiên, ông đã xem tôi như người em, tự tay pha ca cao, hồi đó ca cao còn là thức uống nhập khẩu, rồi lấy trên giá sách tập thơ Con đê làng tặng tôi. Được nhà thơ tặng sách tôi cảm động và đọc bằng hết, không câu nện sách hay, dở. Trong buổi chiều cuối mùa mưa, trận mưa mót tạnh rồi lại mưa ấy, nhà thơ Văn Thảo Nguyên đặn dò tôi mấy điều. Rồi ông dẫn tôi đến phở Hòa, một trong những quán phở nổi tiếng ở Sài Gòn dùng bữa tối.

Đêm hôm ấy, tôi đọc Con đê làng, và được gặp những câu thơ hay :

Con đê làng ta đắp bằng đầu
Hai vệ đê cỏ non xanh biếc
Ta lớn lên theo mùa cày
Cho những tháng năm
Mang phù sa từ vệ đê lên mỗi buổi
Cả những ngày ta sắp cưới
Hai đứa nằm bên vệ đê trăng.

Và đây là bài thờ viết nhân kỷ niệm hai mươi năm chiến thắng Điên Biên Phủ.

Ta về đây gặp lại điệu xòe
Những mái nhà sàn ru cho người thở
Khuôn mặt anh hùng tạc vào vách núi
Đại bác gầm dữ dội
Bộc phá trong chớp giật mưa mguồn
Những binh đoàn mũ nan
Thân gầy áo vải
Ôi, chiến sĩ Điện Biên năm xưa
Giờ vai còn mang súng.

Thơ hồi ấy viết được vậy là rất hay cho nên Văn Thảo Nguyên nổi tiếng. Ít lâu sau, ông chuyển cho tôi mấy chương đầu bản thảo tiểu thuyết viết về bộ đội đắp đê. Những trang viết về đắp đê, tả con đê vô cùng ấn tượng. Cảnh bộ đội giúp dân đắp đê, các anh chiến sĩ trẻ quê thành phố cố sức giữ cái đòn gánh trơn nhầy bùn, có lúc té nhào vào cô gái làng, tiếng cười trong trẻo cất lên. Nhà thơ này luôn mang trong mình về dáng vóc , chiều dài con đê… Có phải sinh ra ở Hà Tây, tuổi thơ chú bé Nguyên gắn với con đê? Có lẽ, một trong những công trình vĩ đại nhất của dân ta chính là đê điều. Những con đê dài chạy dọc đôi bờ các con sông để trấn giữ lũ lụt cho làng xóm, đồng ruộng. Dọc các triền đê cũng là công trình giao thông nối dài. Mấy chương của truyện dài ấy đăng trên tạp chí VNQĐ, được các nhà văn Xuân Thiều, Nguyễn Khải, Anh Đức khen nhờ tác giả đã lạ hóa bằng chi tiết khá đắt về một công việc tưởng như quá cũ là đắp đê. Hơn thế, những con đê kỳ vĩ kia cũng đã được các thế hệ chiến sĩ quân đội ta góp phần đắp nên. Thời kỳ ấy, đắp đê, giữ đê vốn là công việc hệ trọng đối với đồng bằng sông Hồng và bắc miền Trung. Mọi người chờ đợi một tác phẩm trọn vẹn sẽ ra mắt.

Nhưng rồi, công cuộc đổi mới đã tới trên đất nước ta, làn sóng làm kinh tế nổi lên, nhiều văn nghệ sĩ cũng nhảy vào lĩnh vực kinh doanh. Thời gian này, khá nhiều nhà văn, nhà thơ nhạc sĩ gác bút đi làm chuyên viên, cố vấn cho các đại gia, mở quán ăn, buôn bán hàng hóa. Rồi tiếng đồn, ông nọ, bà kia một thời chỉ biết cày trên trang giấy, mò mẫm trên bản nhạc, giờ đã là đại gia giàu có lắm. Có nhiều vị chẳng bao lâu lâm vào thua lỗ tới độ vướng vào lao lý, có vị phải trốn biệt tích. Được tin nhà thơ Văn Thảo Nguyên cũng đã làm kinh tế, làm gì không ai rõ nhưng nghe đồn là giàu lắm. Thì cũng nghe vậy, chúng tôi mừng cho ông.

Nhân dịp kỹ niệm 50 năm ra đời của Tạp chí VNQĐ, tôi được lãnh nhiệm vụ mua vé mát bay cả đi và về để các nhà văn từng công tác ở tạp chí ra dự. Tôi phải lần qua nhiều người mới biết được địa chỉ mới của ông. Quả là lúc này ông khá giàu, có xe hơi, tài xế riêng. Nhưng phong thái ông vẫn lịch lãm, thân thiện, không hề vác mặt lên giời như mấy anh giàu xổi mới nổi khác. Xem ra ông cũng coi thường của nả, vật chất mình đang có. Ra dự lể để gặp bạn bầu cũ ông mừng lắm. Rồi ông bảo sẽ dùng xe riêng đón đưa các nhà văn Nguyễn Khải, Trần Kim Trắc, Thanh Giang…Nhưng tôi cho biết đã có xe quân đội đưa đón rồi. Ông rất muốn đãi anh em một bữa. Đó là chuyến đi rất vui. Ông cho tôi biết phòng làm việc trước đây của ông ở gác hai. Bằng giọng nghẹn ngào, ông kể về tình cảm các nhà văn hồi đó quí trọng nhau như an hem ruột, trân trọng tác phẩm của nhau vì theo lời khuyên của nhà văn đàn anh Thanh Tịnh là mỗi tác phẩm hay hoặc dở cũng được người viết đổ mồ hôi lên bản thảo và trước đó là trải nghiệm sống có khi đổi bằng nước mắt và máu của đồng đội, của chính người viết.

Sau chuyển đi ấy trở về, ông lại biệt tích. Mấy lần chừng nửa đêm, tôi mừng rỡ bắt được sóng điện thoại của ông. Tiếng ông vẫn trong trẻo, điềm đạm như xưa, ông hỏi thăm sức khỏe và sáng tác mới của các nhà văn VNQĐ rồi cho biết hiện ông đang ở xa, rất xa. Tôi hỏi, xa là ở đâu thì ông xin lỗi vì không được tiết lộ. Ông cho tôi biết vẫn đang sáng tác. Tôi hỏi cuốn tiểu thuyết viết về bộ đội đắp đê, dựng đê viết tới đâu rồi thì ông bảo đang viết. Nói chuyện lan man một lát rồi ông xin phép được dừng để làm việc. Cho dù bậc tuổi cha, chú tôi nhưng ông vẫn khiêm nhường đến vậy đó. Tôi xem điện thoại thì số được dấu.

Trong cuộc Hội nghị Nhà văn các nước sông Mê Kông, tôi được nghe chị Chủ tịch Hội Nhà văn Lào cho biết nhà văn Văn Thảo Nguyên đang sống ở Lào. Công tác gì thì chị cũng không rành. Rồi tôi được tin ông đang làm cố vấn cho tập đoàn kinh tế nào đó. Tuổi già còn tham gia làm kinh tế quả là mạo hiểm. Tôi tự lo xa cho ông.

Cho tới hôm nay, ngày 9/9, tôi bàng hoàng nghe tin nhà văn Văn Thảo Nguyên đã qua đời ở Bình Dương, hiện đang quàn ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng ở quận Gò Vấp. Ông sinh năm 1930, tính tuổi ta là 90 tuổi. 90 là thượng thọ nhưng ông ra đi đột ngột quá.

Dù không phải duy tâm nhưng tôi vẫn nghĩ tới số phận con người. Hình như chúng ta có một số phận nào đó, có thể do lịch sử xã hội hay bởi tính cách mỗi người tạo nên. Nhưng quả là cái gọi là số ấy đã dẫn dắt ta đi. Cuộc đời nhà thơ Văn Thảo Nguyên phần nào chứng minh điều đó. Tuy vậy, với bạn bè, đồng nghiệp ông đã để lại nhiều kỷ niệm đẹp của một người lịch lãm, khiêm nhường.

Tp Hồ Chí Minh,10-9-2019
N.Q.T