Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

HỒN NƯỚC BÂY GIỜ Ở ĐÂU ?

TS. Nguyễn Xuân Diện
Thứ bẩy ngày 6 tháng 10 năm 2018 3:48 PM



Sáng nay ngày 4/10/2018, trong khuôn khổ của một sinh hoạt ngoại khóa, Khoa Viết văn-Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội phối hợp với CLB Xẩm Hà thành tổ chức Tọa đàm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải (1895 – 1983). Tọa đàm bắt đầu từ 8h30 tại Hội trường Nhà văn hóa-ĐH Văn hóa Hà Nội.
Nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu và các giảng viên, sinh viên của Khoa đã đến dự.
.
Trần Tuấn Khải (1895-1983) là một nhà thơ Việt Nam, nổi danh từ thời tiền chiến. Các bút danh của ông là: Á Nam, Đông Minh, Đông Á Thị, Tiểu Hoa Nhân, Lâm Tuyền Khách, Giang Hồ Khách, Lôi Hoàng Cư Sĩ.
.
Nội dung Tọa đàm có hai phần:
  • Giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ do hai diễn giả đảm nhiệm: Giáo sư, NGND Nguyễn Đình Chú và Tiến sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện.
  • Trình diễn (thưởng thức diễn giải) một số bài thơ hat nói của Á Nam Trần Tuấn Khải dưới hình thức hát xẩm do nhóm CLB Hát xẩm Hà thành (gồm NSND Xuân Hoạch, NS Mai Hoa và một số NS khác) biểu diễn.
Giáo sư Nguyễn Đình Chú năm nay 90 tuổi vẫn dõng dạc, minh mẫn trình bày khoảng 30 phút.
Ông nói về thân thế và sự nghiệp của nhà thơ, nhà báo, nhà dịch thuật Á Nam Trần Tuấn Khải và đặc biệt nhấn mạnh đến đóng góp của Á Nam đối với văn học nước nhà. Ông cũng nhắc lại một số câu thơ của Á Nam, nhưng đã lẫn vào ca dao, khiến nhiều người tưởng đó là ca dao "Anh đi anh nhớ quê nhà, Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương...".
.
.
Tại buổi nói chuyện, GS Chú cũng cho biết một chi tiết ít người biết là bài "Tiễn Anh Khóa" cụ Á Nam viết năm cụ 19 tuổi. Đến sau ngày 30/4 năm 75, khi Xuân Diệu và Huy Cận vào thăm Cụ tại bệnh viện, nói vui rằng: Anh khóa vào thăm Bác Khóa đây ạ. Cụ Á Nam cho xem bài "Đón Anh Khóa" viết sau ngày 30.4.
.
Tiếp theo, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện trình bày thêm về thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, coi như bổ sung thêm phần nói chuyện của GS. Nguyễn Đình Chú.
"Cụ Á Nam mới mất năm 1983, tức là rất gần đây, nhưng sao khi nhắc đến Á Nam Trần Tuấn Khải, ta cứ như nhắc đến người thiên cổ xa xôi vậy. Ấy là vì sáng tác thơ của cụ nằm trong khoảng trước 1945, thuộc về phạm trù cổ điển.
.
.
Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải thuộc về văn học giao thời. Và thuộc dòng thơ văn yêu nước. Thời ấy, có hai khuynh hướng thể hiện: Kêu gọi cổ động & Ý nhị, ẩn dụ. Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu thuộc khuynh hướng thứ nhất. Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Á Nam Trần Tuấn Khải thuộc khuynh hướng thứ hai. Nhưng cho dù khuynh hướng nào, thì các nhà thơ vẫn luôn nhắc đến: Giống Lạc Hồng, Máu đỏ da vàng, quốc túy, quốc hồn...
.
Á Nam Trần Tuấn Khải trong suốt đời mình luôn là một người lặng lẽ. Và không chỉ lặng lẽ trong cuộc đời, ông còn lặng lẽ trong sáng tác. Chủ đề bao trùm trong thi ca Á Nam là lòng yêu nước, thương nước, và yêu quê hương xứ sở. Và ông đã dùng những hình ảnh ẩn dụ để gửi gắm tâm sự và tấm lòng mình. Người gánh nước là người gánh vác việc nước, gánh vác trong đêm mù mịt, trên con đường xa tít là hình ảnh đầy ẩn dụ. Anh Khóa là hình ảnh của người trí thức trong đêm trường nô lệ.
.
Đáng lẽ thơ văn của một người lặng lẽ như vậy sẽ lại lặng lẽ như tiếng thở dài trong đêm tối, và có thể sẽ không ai biết hoặc hậu thế không nhắc đến. Nhưng mà không! Á Nam Trần Tuấn Khải đã chọn cho mình một cách thể hiện và gửi gắm, để phổ biến và sẻ chia tâm sự nước non, non nước ấy. Ông viết bằng các thể thơ quen thuộc: lục bát, song thất lục bát; ông còn soạn để người ta hát xẩm, hát ả đào. Và như vậy, tâm sự của Á Nam như là những ngọn gió vẫn len lỏi vào các quán chợ, bến sông, sân đình...để đến với người dân lam lũ. ..."
.
Kết thúc bài nói chuyện, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thể hiện bài ĐỨC THÁNH TRẦN của Á Nam Trần Tuấn Khải theo thể cách Hát giai của Ca trù cửa đình.
.
Phần hai của chương trình là phần biểu diễn của NSND Xuân Hoạch, NS Tuyết Hoa và các nghệ sĩ khác, truyền cảm hứng và làm sống dậy các bài thơ tưởng chừng đã ngủ yên trên mặt giấy. Cả khán phòng ai cũng háo hức dành cho các nghệ sĩ những tràng pháo tay dài sau mỗi bài hát. Nhạc sĩ Quang Long đã dẫn dắt chương trình trình diễn rất thành công. Nhạc sĩ cho biết, riêng bài Anh Khóa của cụ Á Nam, do sự tinh tế của câu chữ và thanh điệu, đã tự thân trở thành một điệu hát Xẩm, đặt tên là Điệu Anh Khóa.
.
.
Kết thúc buổi sinh hoạt, GS. Nguyễn Đình Chú xúc động rơi nước mắt. Ông nói: Nếu Hoài Thanh nói thi ca Nguyễn Bính gói tròn trong hai chữ CHÂN QUÊ, thì có thể gói tròn thi ca Á Nam tiên sinh trong hai chữ HỒN NƯỚC. Rồi, ông nói thật lớn: HỒN NƯỚC BÂY GIỜ Ở ĐÂU?

HAI CHỮ NƯỚC NHÀ

(Nghĩ lời người cha Phi Khanh dặn dò con là Nguyễn Trãi khi ông bị quân Minh bắt giải sang Tàu)
.
Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình
.
Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:
.
Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!
.
Than vận nước gặp khi biến đổi
Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm hoạ xương rừng máu sông!
.
Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!
.
Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi khóc đất giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!
.
Khói Nùng lĩnh như xây khối uất
Sóng Long giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau...
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?
.
Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con
.
Con nên nhớ tổ tông khi trước
Ðã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao
Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây
.
Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi
.
Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi quyết chiến bao phen
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gươm reo chính khí nước rền dư uy
.
Coi lịch sử gươm kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?
.
Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu Gia, Quốc đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng
.
Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa xá kể làm chi!
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non
.
Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há dễ nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng
.
Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục;
Thân tự do chiên chúc mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời
.
Chớ lần lữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đầy đoạ tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?
.
Sống như thế, sống đê, sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!
.
Huống con cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải xét nông sâu
Tuồng chi gục mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!
.
Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
Con ơi! con phải là người
Thì con theo lấy những lời cha khuyên
.
Cha nay đã muôn nghìn bi thảm
Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
Chân mây mặt cỏ rầu rầu
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!
.
Lời cha dặn khắc xương để dạ
Mấy gian lao con chớ sai nguyền
Tuốt gươm thề với vương thiên
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu
.
Gan tráng sĩ vững sau như trước
Chí nam nhi lấy nước làm nhà
Tấm thân xẻ với san hà
Tượng đồng bia đá hoạ là cam công
.
Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
Mũi long tuyền lau sạch màu tanh
Làm cho đất rộng trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!
.
Nghĩa vụ đó con hay chăng tá?
Tính toán sao vẹn cả đôi đường
Cha dù đất lạ gởi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già
.
Con ơi! Hai chữ nước nhà!
(Bài thơ mở đầu cho tập "Bút quan hoài 1", 1917)
.