Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ TƯ DUY ĂN CẮP

Văn Chinh
Thứ sáu ngày 31 tháng 8 năm 2018 7:10 PM



Kết quả hình ảnh cho Nhà văn Văn Chinh



TNc: Trang nhà nhận được bài viết của nhà văn Văn Chinh. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của Ông, mong trao đổi cùng nhau qua chuyện "đạo thơ" này


Thư ngỏ gửi PV

Đồng gửi nhà thơ Anh Chi

Mươi năm trở lại đây, thi đàn không mấy khi không rộ lên việc “đạo thơ”; thậm chí, có nhà thơ chuyên soi mói để tố lên sự đạo thơ, khiến tôi hình dung ra có hẳn một trường phái tư duy đạo, nói thuần Việt là “trường phái tư duy ăn cắp”. Tôi đã có bài, nhiều bài về việc này, đến chán không buồn nói nữa. Nhưng lần rộ này lại can hệ đến tờ tạp chí mà tôi đang phụng sự - Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm, với bài thơ “Tỷ lệ” của Trần Gia Thái do chúng tôi biên tập và đưa in, nên có bổn phận cần nói lại. Thông tin lan tỏa trên mạng bởi tác giả PV đăng bài trên lethieunhon.com, nhưng thư ngỏ đồng gửi nhà thơ Anh Chi bởi ông cũng có thư lưu ý tòa soạn rằng Trần Gia Thái đạo thơ từ bài “90 phần trăm” của A. Voznesenski.

Thực ra, cái trò bát nháo của văn đàn có từ năm 1957 cơ. Đó là năm có hội nghị những người viết văn trẻ, có “nhà thơ” làm công nhân mỏ ở Quảng Ninh lên diễn đàn đọc thơ; trước khi đọc, nhà thơ nói “tôi mù chữ” – trò này càng náo nhiệt khi internet ra đời, khi mà nhà nhà fb in thơ, nhà nhà fb bàn về thơ và ném đá nhau về thơ của nhà fb kia.

Gay go lắm. Khi mà người ta không biết mấy về quy trình sáng tạo nghệ thuật ngôn ngữ, không am hiểu về thơ mà người ta cứ hăng hái sáng tạo, hăng hái phê bình thì sự bát nháo ra đời như một tất yếu – như là sự mù chữ của nhà thơ hồi 1957 kia thôi.

Khởi thủy là lời. Trong lời – ngôn ngữ và sự phát triển của nó thì tôi không nhớ ai đã nói, không có câu nói nào là không bắt đầu từ một câu nói khác. Trong làng fb Việt, tôi nể hai ông TS GS Trần Ngọc Vương và TS Nguyễn Ngọc Chu và ông lắm chữ mà lại đanh đá nhất là Phạm Lưu Vũ; tôi xin chư ông thử dẫn ra một câu LÀ LẦN ĐẦU VÀ DUY NHẤT? Dạ thưa khó lắm, nếu không dám nói chắc rằng không có đâu.

Vâng, ngôn ngữ hình thành và phát triển là trên cơ sở của câu, lời, chữ có sẵn. Thơ là nghệ thuật ngôn từ, không nằm ngoài quy luật này. Đỗ Phủ (712 – 770) có bài thơ nổi tiếng “Tương tư” về sau trở thành nguồn sáng tạo ra vô vàn bài thơ, câu thơ khác; làm ra hẳn motyp nhớ nhau. Nhưng ít ai biết Đỗ Phủ đã mô phỏng bài phủ dân gian: “Quân tại Tương Giang đầu/ Thiếp tại Tương Giang vĩ/ Tương tư bất tương kiến/ Đồng ẩm Tương Giang thủy”. Bài thơ chỉ phát triển thêm 4 câu: “Sông bao giờ ngừng trôi?/ Hận bao giờ mới nguôi?/ Chỉ mong lòng chàng như lòng thiếp/ Nhớ nhau chung thủy trọn đời”. Cũng Đỗ Phủ đã mượn đến 7 chữ trong cặp câu thơ chỉ có 10 chữ của Hà Tốn thời Lục Triều:

Bạch vân nham tế xuất

Cô nguyệt ba trung thướng (*)

để làm nên cặp câu thơ nổi tiếng khác:

Bạch vân nham tế túc

Cô nguyệt lãng trung phiên (**)

Làng chữ nghĩa thế giới xưa nay chắc chắn là không ngu khi không nói Đỗ Phủ đạo thơ dân gian hay ăn cắp thơ Hà Tốn. Cũng vậy, họ không ngu khi coi Nguyễn Du là nhà thơ vĩ đại.

Mặt khác, suy cho cùng, câu hát “Anh ở…đầu sông em cuối sông” có họ hàng gần với “chàng ở đầu Tương Giang, thiếp ở cuối Tương Giang”. Vậy nên, khi PV và Anh Chi nói Trần Gia Thái đạo thơ của Voznesenski là rất giống với sự cấm sáng tạo bất tự giác hoặc cả hai ông đều không làm nghề sáng tạo ngôn ngữ.

Bây giờ xin bạn hãy đọc hai bài thơ mà PV và Anh Chi bảo chúng đạo nhau:

A. VOZNESENSKI

(Nga)

90 PHẦN TRĂM

Trong cơ thể mỗi người bình thường

Đến 90% là nước

Còn trong cơ thể Paganini

Đến 90% là tình yêu.

Dẫu ta bị đám đông người dẫm đạp

Thì cũng chỉ là ngoại lệ mà thôi!

Đến 90% những gì là bản chất

Là lòng tốt, lòng bao dung giữa tất thảy con người.

Nếu lời hát có nghèo nàn đơn điệu

Thì 90% chất nhạc vẫn còn

Cũng như trong người anh, dù có phần bã thải

Thì 90% dành cho em vẫn vẹn nguyên tinh khiết tâm hồn!

Bằng Việt dịch

Lời bình của Văn Chinh:

Thơ nằm ở đâu trong những hùng hồn, cả quyết, minh chứng (kiêm thề thốt nữa thì phải)? Và Paganini là ai, có phải là nhạc sỹ thiên tài Ý thế kỷ XIX Niccolo Paganini? Nếu đúng vậy thì trong ông này đến 90% là âm nhạc, là tình yêu thật. Tôi đoán rồi em cũng tin, mà từ tin đến yêu chỉ giản đơn như một cái ngả người. Đến đây thì thơ hé lộ. Vì tình yêu, cái món tôi không biết là gì nhưng biết chắc có đến 90% là thời lượng dành cho nghi ngờ ghen tuông hờn dỗi minh chứng thề bồi hò hẹn và sợ bị bỏ rơi. Đó là thơ vậy. (***)

TRẦN GIA THÁI

TỶ LỆ

Nhà khoa học nói

Trong con người chín mươi phần trăm là nước

Bã thải nằm trong mười phần trăm còn lại

Không đáng ngại

Nhà thơ nói

Trong con người chín mươi phần trăm là tình yêu

Phần còn lại mười phần trăm là thù hận

Không đáng lo

Chính trị gia nói

Nhà cầm quyền được chín mươi phần trăm dân chúng ủng hộ

Tuyệt vời

Mười phần trăm im lặng hoặc chống đối là chuyện nhỏ

Yên chí đi

Chín mươi phần trăm quá tốt

Chín mươi phần trăm áp đảo

Cử tọa vỗ tay hơn pháo ran

Ngoài công viên

Các bức tượng đồng thanh hô vang

Cái xấu

Cái ác

Một phần trăm cũng quá thừa

Hãy nhìn chúng tôi đây!

Trông ra

Tất cả giật mình

Trên đầu trên vai các vĩ nhân

Phân chim phủ trắng !

Luân đôn 28/4/2017

Trong khi nói/ viết một văn bản; ta thường nghe “nhà khoa học nói”, “nhà thơ nói”, “nhà giáo nói”. Thì người không điếc / không mù chữ đều hiểu người phát ngôn/ viết đang mượn lời của một người nào đó. Trần Gia Thái chắc chắn có đọc bài thơ này của Voznesenski vì cả hai đều có thơ trong tập “Một chữ tình”- Thơ chọn và Lời bình do chúng tôi biên soạn (NXB Dân trí, HN tháng 1 năm 2017). Khi ông viết:

Nhà thơ nói

Trong con người chín mươi phần trăm là tình yêu

Thì rất rõ là ông “không nói” mà với người này thì đó là câu thơ của nhà thơ Voznesenski nói, với những ai chưa đọc Voznesenski thì cũng biết chắc, Trần Gia Thái đang mượn câu của một nhà thơ nào đó (cũng như câu mở đầu là mượn của một nhà khoa học nào đó). Nếu không có câu “Nhà khoa học nói” “Nhà thơ nói” và khổ thứ ba “Chính trị gia nói” mà cứ tự nhiên viết “Trong con người chín mươi phần trăm là tình yêu” thì hiển nhiên là tác giả đạo thơ. Nhưng cái chính là tứ của hai bài thơ là khác hẳn nhau. Về bài của Voznesenski thì như trên tôi đã nói, còn bài của Trần Gia Thái thì nó nhắc hết thảy chúng ta hãy quan tâm đến cái xấu, cái đểu dù nó chỉ là thiểu số, là 1% cơ thể. Như văn đàn cứ êm ro, chỉ cần một thằng đểu là lập tức loạn cào cào.

Thưa ông PV và Anh Chi,

Khi ông PV viết:

Bài thơ “Trong cơ thể mỗi con người bình thường” viết rằng “trong cơ thể Paganini/ đến 90% là tình yêu” hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Cái tên riêng Paganini được nhắc đến, chính là nhà soạn nhạc người Ý – Nicolo Paganini (1782-1840). Bên cạnh tài sáng tác, Nicolo Paganini còn được xưng tụng như một huyền thoại violin của nhân loại! Cỡ nghệ sĩ vĩ đại như Nicolo Paganini thì “90% cơ thể là tình yêu”, chứ một nhà thơ hạng xoàng ở thủ đô của Việt Nam thì không thể nào có “tỷ lệ” choáng váng như vậy!”

là ông chưa hiểu gì về trạng thái “90% cơ thể là tình yêu”, trạng thái tình yêu và về thơ nói chung. Nhưng chưa hiểu gì về trạng thái “90% cơ thể là tình yêu”, trạng thái tình yêu và về thơ nói chung (về đạo thơ nói riêng) mặc lòng - có lúc, có khi với ai đó ông vẫn đạt đến “90% cơ thể là tình yêu.” Với chị hót rác, chị nhà thơ mù chữ ở Quảng Ninh năm 1957 cũng vậy. Viết như ông PV là lộ hết trình…

Hơn nữa, sau khi đọc bài nhảm nhí của ông trên lethieunhon, con của Trần Gia Thái hỏi bố ơi bố đạo thơ à?

Tôi muốn nói, ông rất ác. Ác như mọi cái ngu xuẩn vậy!

_____________________

(*) Mây trắng từ núi đá bay lên

Trăng non nhô trên sóng

(**) Mây trắng ngả mình nhờ núi đá

Trăng non vươn mình trên sóng khơi

(***) Một chữ tình, Trần Ninh Hồ, Văn Chinh, Đặng Huy Giang chọn tuyển và viết lời bình. NXB Dân Trí, HN, 2017