Một cuộc cải tổ lớn sắp diễn ra trong giới lãnh đạo Trung Quốc, các nhà quan sát đang phỏng đoán xem ai sẽ giành được ghế trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị của nước này?

Đại hội toàn quốc lần thứ 19 sắp tới ở Trung Quốc được theo dõi chặt chẽ vì Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuyển tiếp sang thế hệ lãnh đạo mới.

Các quan chức quyền lực nhất được công bố sẽ là các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, mà hiện đang có 7 vị trí. Đây là cơ quan quyền lực cao nhất của ĐCSTQ, với lãnh đạo hiện nay là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình. Ông Tập được dự kiến ​​sẽ tiếp tục đứng đầu Ủy ban Thường vụ thêm một nhiệm kỳ nữa. Ủy ban Thường vụ là một một phần của Bộ Chính trị, một nhóm lớn hơn với tổng cộng 25 ghế.

Trong chiến dịch nhằm củng cố quyền lực của mình, ông Tập đã hạ bệ các đối thủ chính của ông thông qua cuộc chiến chống tham nhũng. 11 người trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị đã bị thanh trừng qua chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ này.

Trong số những cái tên được đề cập đến nhiều là ông Thái Kỳ (Cai Qi) 61 tuổi, một người rất thân cận với ông Tập trong gần 20 năm. Ông Thái từng làm việc trực tiếp dưới quyền ông Tập, khi ông Tập giữ những vị trí lãnh đạo cấp cao ở tỉnh Phúc Kiến và Chiết Giang. Sau khi ông Tập lên nắm quyền, ông Thái được đề bạt làm bí thư thành ủy Bắc Kinh. Một số nhà quan sát cho rằng ông Thái sẽ có ghế trong Bộ Chính trị, và đây là một sự thăng tiến ‘nhanh chóng mặt’, xét về sự thiếu kinh nghiệm của ông Thái.

Ồng Thái Kỳ (giữa) tham dự một cuộc họp về Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 13/6/2017(Ảnh: Yifan Ding /Getty Images)
Ồng Thái Kỳ (giữa) tham dự một cuộc họp về Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh năm 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 13/6/2017(Ảnh: Yifan Ding /Getty Images)

Được bổ nhiệm để thay thế ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), người gần đây bị tước bỏ chức vụ bí thư tỉnh Trùng Khánh, ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er) cũng được xem là một đồng minh quan trọng của ông Tập. Một số nhà quan sát cho rằng ông Trần có thể trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị.

Trong khi đó, người ta vẫn không rõ liệu ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), cánh tay phải của ông Tập, sẽ vẫn còn trong Ủy ban Thường vụ hay không? Năm 2002, cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đã đưa ra một nguyên tắc rằng các quan chức phải nghỉ hưu ở tuổi 68, nhằm duy trì sự kiểm soát của phe ông ta đối với Ban Thường vụ. Nếu xét theo nguyên tắc này, ông Vương sẽ phải ra đi vì ông đã sang tuổi 69 vào tháng 7 vừa qua.

Ông Vương Kỳ Sơn tại Quốc hội Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 5/3/ 2014. (Ảnh: Feng Li / Getty Images)
Ông Vương Kỳ Sơn tại Quốc hội Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 5/3/ 2014. (Ảnh: Feng Li / Getty Images)

Tuy nhiên, sẽ không phải là một bất ngờ lớn nếu ông Tập Cận Bình để ông Vương tiếp tục ở lại bất chấp nguyên tắc không chính thức của người tiền nhiệm Giang Trạch Dân. Ông Vương là mũi nhọn dẫn đầu chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, và ông Tập đã đưa ra tín hiệu rằng ông Vương không nhất thiết phải tuân theo nguyên tắc về tuổi tác.

Nhiều người trong số các quan chức bị ông Tập hạ bệ, đều là những người trung thành với cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân, người đứng đầu phe đối lập với ông Tập. Ví dụ như ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai), một thành viên Bộ Chính trị, người từng được coi là ứng viên tiềm năng cho chức Tổng Bí thư, đã bị hất cẩng vì các mối quan hệ thân thiết của ông ta với cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng, một đồng minh trung thành với ông Giang.

Các thành viên Bộ Chính trị khác thuộc phe ông Giang cũng sẽ nghỉ hưu. Thứ nhất là ông Trương Đức Giang (Zhang Dejiang), một ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, người đã thăng tiến nhanh chóng nhờ có sự bảo trợ chính trị của ông Giang. Thứ hai là ông Mạnh Kiến Trụ, người đứng đầu bộ máy an ninh, được biết đến là một phần của “Băng nhóm Thượng Hải”, một nhóm các quan chức đã được thăng tiến tới quyền lực thông qua những quan hệ với ông Giang khi ông này còn làm bí thư thành ủy Thượng Hải. Và thứ ba là Ủy viên Thường vụ Lưu Vân Sơn, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đầy quyền lực.

Trong năm vừa qua, cơ quan kỷ luật của ĐCSTQ đã điều tra và công khai chỉ trích ban tuyên giáo của ông Lưu, ám chỉ sẽ có một cuộc cải tổ ở đó.

Trong những năm 2000, dưới thời ông Giang Trạch Dân, rất nhiều quan chức đã được đề bạt hoặc khen thưởng dựa trên thành tích của họ khi tham gia chiến dịch của ông Giang nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công, một môn khí công ôn hòa theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Theo ước tính năm 1999, số người tập Pháp Luân Công lên tới 70-100 triệu người, vượt quá số lượng Đảng viên khi đó, vì vậy Tổng Bí thư Giang Trạch Dân cảm thấy lo sợ và đố kỵ về sự ưa chuộng của người dân đối với môn tập cổ truyền. Ông Giang đã phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 7/1999. Kể từ đó, hàng triệu người đã bị bắt giam, “tẩy não” và tra tấn, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.

Cả ông Lưu Vân Sơn và ông Mạnh Kiến Trụ đều leo ​​lên các vị trí lãnh đạo nhờ tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công theo lệnh của ông Giang.

Có một số tín hiệu cho thấy dường như Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn tiếp tục di họa đàn áp của ông Giang vốn bị lên án rộng rãi trên thế giới. Nhiều quan chức khác thuộc phe cánh ông Giang liên tục trở thành mục tiêu thanh trừng của ông Tập.

Video: Vì sao chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công dù bị thế giới lên án?

Ủy ban Trung ương Đảng, bao gồm các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ, sẽ “bầu” các thành viên Bộ Chính trị trong Đại hội lần thứ 19. Nhưng trên thực tế, các thành viên này đã được xác định trước thông qua các “cuộc chiến quyền lực ở cửa sau”.

Điều đáng chú ý là, giới quan sát cũng muốn xem ai sẽ trở thành thành viên của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, vì họ cũng sẽ được bầu ra tại Đại hội này. Theo tờ Minh Báo (Ming Pao) của Hồng Kông, trong số 205 thành viên hiện tại của Ủy ban Trung ương, có 99 người sẽ nghỉ hưu hoặc đã nghỉ hưu, trong khi 21 thành viên đã bị kỷ luật và bị đưa ra khỏi cơ quan này.

Phạm Duy, theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh