Trang chủ » Tin văn và...

BỘ TIỂU THUYẾT BÃO TÁP TRIỀU TRẦN CỦA NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI

Thứ năm ngày 24 tháng 8 năm 2017 1:35 PM



Vì sao nhà Trần buộc đế quốc Mông Nguyên 3 lần thất bại thảm và buộc phải tôn trọng nền độc lập của Đại Việt?

Bìa tập 1 của bộ tiểu thuyết "Bão táp triều Trần"
.
Thế kỷ 13 đầy biến động do sự xuất hiện của đế chế Mông Cổ.
.
Quân Mông Cổ đã khuấy đảo suốt từ Á sang Âu, từ bờ Hắc Hải tới Thái Bình Dương ngợp chìm trong khói lửa chiến tranh. Biết bao quốc gia nghiêng đổ, vua chúa bị giết, bị cầm tù và dường như không có sức mạnh nào cản nổi vó ngựa Hồ, dường như không có quốc gia nào là đối thủ xứng đáng với đế quốc Mông - Nguyên.
.
Vậy mà ba lần đoàn quân khổng lồ ấy tràn vào xâm lăng Đại Việt, cả ba lần đều đại bại, hàng chục vạn quân cùng hàng trăm tướng lĩnh lừng danh từng là niềm tự hào của Đại Hãn đều bị bắt, bị giết, và cuối cùng chúa giặc ở Yên Kinh phải bãi binh, tôn trọng nền độc lập của Đại Việt.
.

Tiểu thuyết "Bão Táp Triều Trần" - Trọn bộ 6 quyển
.
Vì sao thời đại nhà Trần làm được điều đó?
Những bí mật về một triều đại huy hoàng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam chưa bao giờ thôi hấp dẫn người đọc, nhất là những người yêu sử.
.
Chỗ linh diệu, cao siêu của các nhà trị quốc triều Trần so với các triều đại khác là đã dung hòa, phát triển cùng lúc 3 thứ đạo và cũng là 3 dòng triết học lớn: Phật, Nho, Lão. Xã hội cũng phát triển theo định hướng: Xã hội Nho, Tâm linh Phật, Thiên nhiên Đạo. Định hướng này đã tạo nên một chỉnh thể ý thức hệ dân tộc Việt ở thời cực thịnh.
.
.
Bộ sách "Bão táp triều Trần" gồm 6 tập sẽ giải đáp cho bạn:
  • Tập 1. Bão táp cung đình
  • Tập 2. Đuổi quân Mông Thát
  • Tập 3. Thăng Long nổi giận
  • Tập 4. Huyết chiến Bạch Đằng
  • Tập 5. Huyền Trân công chúa
  • Tập 6. Vương triều sụp đổ

.


Giao lưu với tác giả Hoàng Quốc Hải nhân tái bản bộ tiểu thuyết lịch sử
.
Bão táp triều Trần là một trong những sáng tác nổi bật của nhà văn Hoàng Quốc Hải, thể hiện thái độ nghiêm túc, trân trọng của tác giả đối với lịch sử nước nhà khi viết về một trong những triều đại để lại dấu ấn khó quên nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam (1225 - 1400). Bắt đầu từ thời kỳ chuyển đổi chính quyền từ Lý sang Trần, và nhà Trần đi vào công cuộc hồi sinh đất nước để chuẩn bị đối phó với quân Mông Cổ đang tràn sang xâm lược Trung Hoa, và lăm le tiến vào Đại Việt, Bão táp triều Trần đã đưa người đọc trở về nước Đại Việt thế kỷ XIII khi những anh thuyền chài bước ra vũ đài chính trị, bắt đầu gầy dựng sự nghiệp hiển hách cho dòng họ mình và cho cả dân tộc. Trên bối cảnh lịch sử ấy, những mâu thuẫn, xung đột trong quan hệ anh em, thầy trò, những cuộc đấu tranh quyền lực đã có cơ hội bùng nổ đến tận cùng cảm xúc. Những chuyện tình thơ mộng giữa những người anh em, chị em, thậm chí là cô cháu khiến người đọc bám vào mạch truyện hấp dẫn từ đầu đến cuối trong niềm say mê...
.
Xin trân trọng giới thiệu bạn đọc bộ sách.

Suy ngẫm về bộ Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải

(Nhà văn Hoàng Công Khanh*), Blog)

Có một thực tế số nhà văn cổ kim đông tây viết tiểu thuyết lịch sử không nhiều. Ở Việt Nam càng ít. Theo ý riêng tôi nguyên nhân thì nhiều, nhưng cơ bản là nhà văn viết loại này phải đồng thời là nhà sử học, chí ít là có kiến thức sâu rộng về lịch sử. Cũng nhiều trường hợp người viết có đủ vốn liếng của hai mặt ấy, nhưng hoặc ngại mất nhiều công sức để đọc hàng chục bộ chính sử, phải sưu tầm, dã ngoại, nghiên cứu, đối chiếu, chọn lọc hoặc đơn giản là chưa, thậm chí không quan tâm đến lịch sử.

Lại có một thực tế nữa. Phần lớn những nhà văn chuyên về tiểu thuyết lịch sử có tâm huyết- ngoại nhiều hơn nội- đã tạo nên những kiệt tác bất hủ, làm vẻ vang cho đất nước mình, được đương thời và hậu thế ngưỡng mộ, tôn vinh. Hiển nhiên, những người tái tạo và làm phong phú lịch sử bằng văn ấy, phải có tầm khái quát lịch sử và nhất định phải có phương pháp đặc dụng và hữu hiệu riêng của mình, mỗi người một vẻ. Trong lời Tựa của bộ tiểu thuyết lịch sử thời Trần của mình, Hoàng Quốc Hải đã liệt kê những trường phái tiêu biểu về bộ môn này ở các châu Âu, Á, và Mỹ -la tinh. ( Xin đọc trong sách, miễn kể lại vì rất dài). Nội dung chính của các trường phái ấy là quan niệm và phương pháp sáng tác tiểu thuyết lịch sử. Qua kiểm nghiệm, có thành tựu, có thất bại, có cái được đồng tình, có cái bị phản bác. Để viết bộ tiểu thuyết lịch sử thời Trần đồ sộ, đương nhiên nhà văn Hoàng Quốc Hải cũng phải có quan niệm và phương pháp sáng tác riêng của mình. Xét kỹ, tác giả đã tiếp thu có ý thức những cái “được” và tránh những cái “chưa được” của những người đi trước. Thêm vào đó, bằng bút pháp riêng của mình, tác giả còn sáng tạo nên những nét độc đáo ( originalite’), ghi đậm dấu ấn riêng của mình không giống bất cứ ai trong tác phẩm. Xin được phép gọi đó là “Dấu ấn Hoàng Quốc Hải”. Chưa định hình nhưng đã manh nha một trường phái Hoàng Quốc Hải. Thời gian và công luận sẽ đánh giá, xác định.

Từ những thành tựu của bộ sách này, mặc nhiên một câu hỏi có tính hệ quả được đặt ra: Vậy thế nào là một tiểu thuyết lịch sử? Lấy gì làm chuẩn mực để phân biệt đâu là tiểu thuyết lịch sử nói chung? Câu trả lời xác đáng nhất là ở trong nội dung của tác phẩm, ở ngay trong bộ tiểu thuyết lịch sử thời Trần của Hoàng Quốc Hải. Trước hết hãy tìm hiểu xem điều gì đã dẫn dắt lôi cuốn, tiếp máu cho tác giả để anh cần mẫn thu gom, chiu chắt tài liệu, rồi vắt kiệt tâm lực trong gần hai chục năm đằng đẵng, để đạt đến hơn 2000 trang sách ( Bài viết này từ năm 2003, khi bộ tiểu thuyết này mới có 4 tập), dựng lại đầy sức thuyết phục cả thời đại hưng suy dài tới 175 năm của nhà Trần? Nếu không có lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tôn kính tổ tiên, khuyến thiện trừ ác, bênh chính diệt tà muốn những người thờ ơ với lịch sử đất nước hãy nghĩ lại, thì dù tài giỏi đến xuất chúng, anh cũng không làm nổi. Mạch văn của anh sát phạt nhưng phân minh, công bằng, tỉ mỉ, thấu đáo mà chững chạc, nghiêm cẩn.

Lịch sử thường bị bụi bặm thời gian và của chính con người phủ đắp lên. Ở dưới ấy có “ Những điều kỳ diệu và cả những khổ đau”( Lời của H.Q.H trong bài Tựa ). Tác giả đã tự tay quyets sạch lớp bụi che lấp ấy để thấy được sự thật và không thật của lịch sử. Đó chính là phương pháp “suy trần xuất tân- phủi bụi cũ đi tìm cái mới” đúng đắn, đúng “long mạch”, một đóng góp quý giá cho phong trào “phục hồi vốn cổ dân tộc”- do các nhà viết tiểu thuyết và kịch lịch sử lỗi lạc của Trung Quốc cô đúc được. Không những Hoàng Quốc Hải đã phục hiện lại diện mạo đích thực của nhà Trần, mà còn lấp được những lỗ hổng, những kiến giải thiếu khách quan đối với những nhân vật chủ chốt của lịch sử như Trần Thủ Độ, Hồ Quý ly; còn biểu dương được công tích, tầm cao trí tuệ của những nhân tài mà các nhà viết sử phong kiến chỉ lược qua như Chu văn An, Trần Nhân tông; lại còn phân tích những nguyên nhân và hậu quả tai hại của những kẻ bán nước và làm sụp đổ cả vương triều như Trần Kiện, Trần Ích Tắc, Trần Dụ tông…

Với bút pháp điềm đạm, tình lý rạch ròi như mũi khoan khoét sâu vào tính cách nhân vật, vào nội hàm sự kiện có dự báo; anh đem đến cho người đọc cả sự chân thực lẫn chân lý lịch sử. Có một số nhân vật và sự kiện hư cấu hợp “lôgic” theo thủ pháp văn học: “ Chòm sao tôn nguyệt”( sao mờ đi cho ánh trăng tỏ sáng hơn) mà Tào Tuyết Cần đã sử dụng trong Hồng Lâu Mộng, với mục đích làm nổi bật nhân vật chính, sự kiện chính.

Tại sao Hoàng Quốc Hải làm được như thế? Xin mượn tạm một số tiêu chí thẩm định giá trị của một tác phẩm ( cả lịch sử lẫn hiện đại) mà các nhà viết tiểu thuyết lịch sử của châu Âu trong thế kỷ XX đã gom được qua nhiều cuộc trao đổi, tranh luận dùng nó để soi vào bộ sách hoành tráng của anh. Các tiêu chí đó gồm:

1. Trong sáng dễ hiểu (Clair),

2. Chính xác (Pre’cís),

3. Chọn lọc ( Choisi ).

Bằng kinh nghiệm riêng, tôi xin thêm vào điểm thứ tư nữa: gọn gàng (Concis).

Hoàng Quốc Hải đã sử dụng bút pháp truyền thống, nhưng đã lược bỏ nhiều từ ngữ, thành ngữ Hán cổ lỗ, khó hiểu đối với lớp độc giả trẻ hôm nay. Anh lựa những cụm từ phổ cập, dễ hiểu, đôi khi còn giải nghĩa một cách kín đáo, nhẹ nhàng. Cấu trúc của câu văn sáng sủa, lôi cuốn như vó ngựa đi nước kiệu, dễ thấm sâu vào người đọc. Đó là tiêu chí đầu tiên.


Nhà văn đang ký tặng sách bạn đọc

.

Để xây dựng tính cách nhân vật thật sâu, giải thích sự việc rõ, anh dùng rất nhiều tâm lý, lịch sử đáng tin cậy, những phong tục, tập quán, giọng điệu ngôn ngữ phù hợp với thời đại lịch sử, không sa vào chỗ cổ lỗ, cũng không hiện đại hóa một cách kệch cỡm. Đó là tiêu chí chính xác tối đa không sai sót mảy may.

Tư liệu sử sách, điền dã điều tra, ghi chép, thẩm định của anh dư dật, dùng không hết. Nhưng anh không đưa xô bồ vào trong sách, mà có chọn lọc kỹ càng, nhiều mà không thừa, rất cần thiết, rất đáng giá. Nhiều mà không tạp, dàn trải mà vẫn gọn gàng, chắt lọc. Đó là điểm 3 và 4 của tiêu chí.( Có thể trích dẫn trong sách để chứng minh, nhưng e quá dài. Xin các bạn có con mắt xanh với bộ tiểu thuyết lịch sử của anh tìm đọc trực tiếp).

.

Qua suy ngẫm và mổ xẻ trên, tự thân tác phẩm là câu trả lời xác đáng. Bộ tiểu thuyết lịch sử thời Trần chính là tiểu thuyết lịch sử theo đúng ngữ nghĩa và do tính đặc thù của nó, người đọc thấy được diện mạo thật sự của lịch sử, hội được dòng chảy miên man của nó, tưởng như nó đương diễn ra tuần tự trên từng trang sách, cảm được cả hơi ấm, lạnh của lịch sử đương thấm đẫm vào mình…

Tôi nhắm mắt lại, những trang sách của anh chắp cánh cho tôi. Chợt thấy thân xác nhẹ tênh, linh hồn bay ngược thời gian, về với giai đoạn lịch sử đầy biến động nhưng cũng cực kỳ hoành tráng ấy. Kia là “ người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong”. Người lính ấy gửi lời cảm ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải đã không quên anh ta, tiếp sức sống cho anh ta bằng tác phẩm thành công cả về in ấn lẫn ý nghĩa sâu sắc của mình.

* Nhà văn Hoàng Công Khanh viết bài này năm 2003 khi Bão táp triều Trần mới 4 tập, hiện nay bộ tiểu thuyết này gồm 6 tập

nGUỒN: CHUNGTA.COM