Tình hữu nghị Việt Trung đời đời xanh tươi
Hồ Chí Minh
Những dòng trên đây là 11 chữ vàng bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh khảm trên một tấm thuỷ tinh hữu cơ nền đỏ. Sản phẩm lưu niệm tinh xảo đó được chính Người phác thảo, đã chứa đựng tình cảm sâu sắc của Người đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Hơn 10 năm trước, sau một đợt chữa bệnh ở Trung Quốc và trước khi lên đường trở về nước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng phẩm đó cho các bác sỹ, y tá và các cán bộ, nhân viên Trung Quốc.
Một đồng chí trẻ đã cùng tháp tùng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với chúng tôi rằng: “Mỗi lần nhìn lại tặng phẩm quý báu hơn 10 năm trước đó, nghĩ tới quan hệ Trung Việt 10 năm qua, chúng tôi càng tưởng nhớ sâu sắc đến Hồ Chủ tịch”. Các thầy thuốc và nhân dân y tế Trung Quốc 10 năm trước đã có dịp từ Bắc Kinh về Quảng Châu để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Hồ Chủ tịch cũng đã thổ lộ với chúng tôi những tình cảm đằm thắm đó.
Trong những năm tháng nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần hoạt động cách mạng trên đất Trung Quốc. Từ sau ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Hồ Chủ tịch đã nhiều lần sang khám, nghỉ ngơi và chữa bệnh. Người đã cùng Mao Chủ tịch bơi lội ở Bắc Đới Hà, đến nhà riêng thăm Chu Ân Lai, cùng Phó Chủ tịch Đồng Tất Vũ ngắm họa thơ phú ở Hoàng Sơn, nói chuyện thân mật với quần chúng nhân dân lúc gặp nhau trong công viên.
Nhân dân Trung Quốc rất quan tâm đến sức khỏe của Hồ Chủ tich. Từ tháng 4-1967 Hồ Chủ tịch đã đến Quảng Đông và Bắc Kinh để chữa bệnh. Tháng 4-1968, khi sức khỏe đã khá hơn, Người trở về nước. Trong tháng 2 và tháng 8-1969, do bệnh tình nặng hơn, theo nguyện vọng của Người và yêu cầu của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã lần lượt cử 4 đoàn bác sỹ và nhân viên y tế sang Việt Nam để chữa bệnh cho Người. Một số bác sỹ nhận được tin đã lên đường ngay đêm hôm đó bằng máy bay để đến Hà Nội kịp thời. Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và các đồng chí lãnh đạo khác đều rất quan tâm đến sức khỏe của Hồ Chủ tịch. Các bác sỹ Hoàng Uyển và Đào Thọ Kỳ năm đó sang chữa bệnh cho Hồ Chủ tịch nhớ lại; Thủ tướng Chu Ân Lai luôn hỏi chúng tôi những công việc có liên quan đến việc chữa bệnh cho Hồ Chủ tịch. Ông Chu đích thân chọn các chuyên gia y tế để giao công việc và nhiều lần căn dặn các bác sỹ phải tích cực tìm cách điều trị tốt, phối hợp chặt chẽ với các bác sỹ Việt Nam hết lòng chạy chữa cho Người. Ông Chu còn đọc kỹ các báo cáo về bệnh tình của Hồ Chủ tịch, kịp thời phái chuyên cơ chở thuốc men và máy móc y tế cần thiết. Tháng 6-1969, Thủ tướng Chu Ân Lai được tin sức khỏe Hồ Chủ tịch đã khá hơn và Người muốn ăn vịt quay Bắc Kinh. Lập tức Thủ tướng yêu cầu cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị và giao cho một số bác sỹ sau khi về Bắc Kinh nghỉ sẽ trở lại Hà Nội phải mang sang hai con vịt quay ướp đá. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe nói Chu Ân Lai gửi vịt quay Bắc Kinh sang, Người rất vui và yêu cầu cấp dưỡng của Người rán nóng lại để các thầy thuốc Trung Quốc cũng được thưởng thức.
Tháng 8-1969, bệnh tình của Hồ Chủ tịch đột nhiên nặng thêm. Các bác sỹ Trung Quốc và Việt Nam ngày đêm túc trực bên Người. Hà Nội đang mùa nóng nực, mồ hôi ướt đẫm, nhưng các bác sỹ đã quân đi sự mệt nhọc, thậm chí quên ăn quên ngủ, dốc lòng dốc sức cứu chữa cho Người. Các bác sỹ Trung Quốc gầy sút, mắt đỏ những tia máu và có người đã bị ngất. Hai bác sỹ ở Bệnh viện Phụ ngoại Bắc Kinh là Hồ Thúc Đông và Khổng Phồn Anh cho chúng tôi biết rằng lúc bấy giờ mọi người chỉ có một tâm nguyện là khôi phục lại sức khỏe cho Hồ Chủ tịch, không nghĩ gì đến những gian khổ vất vả mệt mỏi của bản thân mình. Để chuyền thuốc vào tĩnh mạch có hiệu quả, các bác sỹ Trung Quốc đã thử nghiệm trước vào chính cơ thể của mình. Vào một ngày cuối tháng 8, Hồ Chủ tịch đã bị hôn mê. Các thầy thuốc Trung Quốc đã ra sức cấp cứu hai ngày hai đêm, cuối cùng Người đã tỉnh lại. Ai nấy đều vui mừng như trút bỏ được một hòn đá trong lòng mình. Các đồng chí Việt Nam cảm động nói: “Thiệt là kỳ diệu”.
Các thầy thuốc Trung Quốc cũng không bao giờ quên sự quan tâm ân cần của Hồ Chủ tịch. Nhớ những ngày Người chữa bệnh ở Trung Quốc thường đi bách bộ chuyện trò và kể chuyện cách mạng cùng các bác sỹ Trung Quốc. Trông thấy một số bác sỹ, nhân viên phục vụ đã lâu không về nhà, người thúc giục phải về thăm nhà. Bác sỹ Trương Hiếu là người theo dõi sức khỏe Bác Hồ từ năm 1960 còn nhớ rất rõ có một lần tháp tùng Hồ Chủ tịch từ Bắc Kinh về đến Quảng Châu, Người đã bảo ông về thăm gia đình, Người tặng ông ít hoa quả và nói: “Đồng chí thay mặt tôi mang ít hoa quả này về cho các cháu và nói rằng đây là của Bác Hồ gửi tặng đấy!”.
Tháng 8-1969 khi các bác sỹ và nhân viên y tế từ Bắc Kinh đến Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh thì bệnh của Người đã rất nặng. Người vẫn lần lượt bắt tay từng người và nói: “Từ trước tới nay tôi luôn đi chữa bệnh ở Trung Quốc và phải nằm một thời gian khá dài tôi rất mong các đồng chí sang. Nếu cần và có thể thì rôi rất muốn sang Trung Quốc!”. Người hỏi thăm các đồng chí Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu Ân Lai, Người còn hát se sẽ một bài dân ca Trung Quốc. Bác sỹ Lý Bang Kỳ công tác tại Bệnh viện Thủ đô Bắc Kinh vừa mới mổ dạ dày, vết mổ chưa khỏi hẳn, ăn uống chưa được trở lại bình thường nhưng ông vẫn cùng các bác sỹ khác đến Hà Nội để chữa bệnh cho Hồ Chủ tịch. Hồ Chủ tịch đã nắm tay bác sỹ Lý, ân cần thăm hỏi: “Sao đồng chí này gầy thế này! Phải giữ gìn sức khỏe đấy!” mọi người cảm động ứa nước mắt trước sự quan tâm của Hồ Chủ tịch mặc dầu Người đang ốm nặng.
Cứ mỗi lần hơi tỉnh táo, Hồ Chủ tịch lại nói chuyện với những người xung quanh. Bà Vương Tinh Minh, y tá trưởng của Bệnh viện Bắc Kinh kể lại: Vào buổi chiều một ngày cuối tháng 8, Hồ Chủ tịch đang trong trạng thái hôn mê. Các đồng chí trực bên cạnh Người rất lo lắng... bỗng nhiên Người tỉnh lại, mọi người vui mừng... Hồ Chủ tịch nhìn một lượt mọi người đứng quanh liền nói Người muốn nghe một bài hát Trung Quốc. Bà Vương Tinh Minh nghĩ rằng mặc dầu mình hát không hay nhưng để đáp lại mong ước của Người và vì tình hữu nghị Trung - Việt, mình nên hát. Nghe xong bài hát, Người mỉm cười. Đó là nụ cười cuối cùng của Người, nụ cười chan chứa tình hữu nghị Việt – Trung. (TNc nhấn mạnh)
Mấy ngày sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vĩnh biệt chúng ta. Các bác sỹ hai nước đã khóc thảm thiết trước thi hài của Người. Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã tặng thưởng huân chương và huy chương hữu nghị với thành tích “đã phát huy tinh thần quốc tế vô sản, nhiệt tình và hết lòng hết sức cứu chữa và chăm sóc Hồ Chủ tịch khi Người ốm nặng”.
Với tình cảm đau thương, các bác sỹ và nhân viên y tế Trung Quốc đã lưu luyến vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một đồng chí Việt Nam nắm chặt tay các bác sỹ Trung Quốc nói: “Xin các đồng chí Trung Quốc yên tâm, tuy Hồ Chủ tịch đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng tình hữu nghị Việt – Trung sẽ sống mãi!”. Các đồng chí Trung Quốc cũng nói: “Chúng tôi tin rằng nguyện vọng tha thiết của nhân dân hai nước Trung - Việt đời đời sống hữu nghị với nhau sẽ còn mãi như sông Trường Giang và Hồng Hà, không gì chia cắt nổi, không một thế lực nào có thể ngăn cản nổi!”.
Người dịch: Nguyễn Huy Hoan