Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỆNH LỆNH TỐI CAO

Nguyễn Khắc Phục
Thứ bẩy ngày 15 tháng 5 năm 2010 11:46 AM

Hà Nội, sáng 15 tháng 5 năm 2010
 
Kính gửi Nhà Thơ Trần Nhương quý mến!
Thưa Bạn,
Tôi viết xong vở kịch này đêm qua, vội gửi ngay cho Bạn và mọi người cùng đọc. Có lẽ đọc xong, mọi người sẽ hiểu trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng hôm nay, vì sao tôi cố sống cố chết viết bằng được “Mệnh Lệnh Tối Cao” giữa lúc quả thật đã gần như kiệt lực... Nếu Bạn nào quá bận, ít nhất cũng xin đọc đoạn mở đầu và đoạn kết của “Mệnh Lệnh Tối Cao”. Đó là cuộc trò chuyện giữa 3 nhân vật trung tâm của vở: Đức Điếu Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Bà Mẹ và phi công Mig 21 Vũ Quán Nam, người đã hi sinh sau khi hạ gục tại chỗ B-52 trong chiến dịch lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” cách đây 38 năm ( 1972-2010).
Rất mong Quý Bạn chia sẻ với tôi. Trân trọng cảm ơn!
Nguyễn Khắc Phục
 
Đoạn 1
Đầu đà Hoàng giác Điếu ngự ( vua Trần Nhân Tông) xuất hiện trong trang phục một nho sĩ thời Trần, giản dị, gần gũi, giọng trầm ấm ( lúc Người lên Yên Tử mới 44 tuổi)
Đức Vua
Ta hiểu lòng các con. Ta đã từng yêu, được yêu như các con. Ta đã hạnh phúc và kiêu hãnh như các con và mọi người được sống trên giang sơn gấm vóc này hàng nghìn năm nay. Trước lúc từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử, ta đã suy nghĩ, đã hành động, đã phải vật vã, đau khổ như các con và mọi người khi nghe thấy Mệnh Lệnh Tối Cao...
Nam kêu lên
Người vừa nhắc tới Mệnh Lệnh Tối cao?
Đức Vua
Mệnh Lệnh Tối Cao đang vang lên ở khắp nơi, trên bầu trời, ngoài biển cả, dưới đồng bằng... Và ngay ở giữa cánh rừng này...
Vĩ Thanh
Tất cả tối sầm lại, im lặng tuyệt đối...
Vũ Quán Nam và Đức Điếu Ngự trên đỉnh núi Yên Tử...
Đức Vua
Đức Ngô Vương Quyền và Đức Thánh Trần đã từng đưa trăm họ Đại Việt đến đại thắng Bạch Đằng Giang dưới kia. Và hôm nay, Thăng Long bay lên giữa vòm trời làm nên Điện Biên Phủ trên không...
Nam
Tuân lệnh Người, con đã sẵn sàng thực hiện Mệnh Lệnh Tối cao!
Một cột lửa bùng lên...
Đức Điếu Ngự trao bình tro và nói với Bà Mẹ
Xin trao cho Bà Mẹ, ngọc xá lỵ của con trai bà, phi công Vũ Quán Nam, đứa con kiêu hãnh của Thăng Long và Đại Việt!
Bà Mẹ đưa tay đón bình tro
Nam, Nam ơi, con trai yêu quý của mẹ...
Nam
Mẹ ơi, con đang về với mẹ...
 
MỆNH LỆNH TỐI CAO
 
Kịch nói

Tôi yêu và kiêu hãnh vì Tổ Quốc Việt Nam, bởi vậy tôi yêu tất cả những ai yêu và kiêu hãnh khi được làm con em của cái đất nước đau thương, nghèo khổ  mà khí phách này. Cũng từ hàng nghìn năm nay, những chiến binh nước Việt bao giờ cũng đứng ở hàng đầu, trực tiếp cầm gươm súng, hi sinh vô điều kiện với lòng yêu nước quả cảm, thượng võ  vô bờ bến, trí thông minh mẫn tiệp, khả năng sáng tạo  đáng khâm phục, sức chịu đựng phi thường, tinh thần trượng nghĩa cao cả, không ngừng bảo vệ và phát huy mỗi lúc một cao hơn, mạnh mẽ hơn, truyền thống lịch sử và văn hóa của tổ tiên gửi lại. Những người lính lấy số phận dân tộc, vận mệnh quốc gia, đời sống của nhân dân làm mối bận tâm cao nhất cho mỗi suy nghĩ, hành động của mình. Hơn ai hết, người chiến binh Việt Nam tuyệt đối trung thành với Đất Nước, đánh thắng trong mọi cuộc chiến chống xâm lược, bất chấp kẻ thù đến từ đâu, hùng mạnh, tàn bạo và nham hiểm đến mức nào, khi trái tim họ nhận được Mệnh Lệnh Tối Cao: Tổ Quốc cần, chúng con xin dâng hiến tất cả cho sự bình an, toàn vẹn lãnh thổ,  phẩm giá và sự trường tồn của Người!
Nguyễn Khắc Phục

Nhân vật
(Theo thứ tự ra sân khấu)
PHONG – Kĩ sư vô tuyến điện
LINH  - Sĩ quan điều khiển ra-đa
HÒA, em gái Nam, diễn viên Đoàn văn công Hải Quân
HẠNH – Bác sỹ  bệnh viện Bạch Mai
QUYÊN - Y tá bệnh viện Bạch Mai
TƯỞNG THÁI LAN – Sỹ quan đặc công
VŨ QUÁN NAM - Phi công MIG 21
Đầu đà Hoàng giác Điếu ngự
( Vua Trần Nhân Tông)
BÀ MẸ
Người thương binh đưa thư
Và những người khác
 

CẢNH MỘT
 
Yên Tử, thác Giải Oan.
9 giờ sáng ngày 5 tháng 8 năm 1964.
Lớp 1
Phong, Linh và Hòa bước ra...
Hòa
Anh Phong, anh Nam vẫn chưa xuống à?
Phong lắc đầu
Ối, anh trai em còn mê mẩn chán với tháp Ngọa Vân...
Linh
Kệ hắn, chúng mình người trần mắt thịt bì thế nào được với “ông âm lịch”...
Phong
Phải đấy, trong lúc đợi anh Nam, Hòa nghĩ ra trò gì chơi đi?
Hòa nhí nhảnh
Hay quá. Nhưng từ bé đến giờ em chỉ biết trò chơi nhảy dây, đánh chuyền đánh chắt, rải ô ăn quan, lớn hơn một chút thì xem mấy chị cùng phố “bói Kiều”, rồi tháng trước mới học chơi  tú-lơ-khơ ...
Phong nhìn Linh đầy ngụ ý
Cậu thấy thế nào?
Linh hiểu ý Phong
Được thôi, hay ta chơi trò “Hùng Vương kén rể” như vở kịch bọn anh mới diễn đêm liên hoan văn nghệ bế giảng năm học?
Hòa
Luật chơi thế nào hở anh?
Phong
Em làm hai lá thăm, Sơn Tinh và Thủy Tinh. Anh với anh Linh rút thăm, ai trúng vai nào thì phải sắm vai ấy...
Hòa cười hồn nhiên
Thế em phải đóng vai Mỵ Nương à?
Linh
Dĩ nhiên...
 
Hòa nhíu mày
Em cũng thách “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” à?
Phong
Thách gì do em quyết định...
Hòa bật cười, ngẫm nghĩ một lúc rồi nói thầm
Em nghĩ ra rồi, em sẽ thách thế này...
Phong
Hóc đấy, nhưng mà hay...
Linh
Nhi-tre-vô... ( Không sao – tiếng Nga) Ít nhất cũng công bằng hơn cuộc tuyển phò mã của vua Hùng mấy nghìn năm trước...
Hòa trịnh trọng cao giọng
Hỡi Sơn Tinh và Thủy Tinh, các khanh hãy nhắm mắt lại!
Hai chàng ngoan ngoãn làm theo, Hòa nhặt một chiếc lá và một hòn sỏi trắng, giấu trong lòng hai bàn tay
Hòa
Nào, hai khanh hãy mở mắt ra và chọn, lá tùng xanh là Thủy Tinh, hòn sỏi trắng là Sơn Tinh...
Phong chọn được hòn sỏi
Muôn tâu bệ hạ, ngu thần là Sơn Tinh xin bái kiến!
Linh dõng dạc
Bẩm hoàng thượng, con là anh hùng sông biển Thủy Tinh...
Hòa cố giữ vẻ nghiêm trang
Hai ái khanh nghe trẫm ban chiếu, các ái khanh có 5 phút, tức 300 giây để lo sắm lễ vật... Còn bây giờ, trẫm phải lên tháp Ngọa Vân tìm anh trai yêu quý của trẫm.
Hai chàng quỳ mọp
Chúng thần tuân chỉ...
Hòa bỏ đi...
Lớp 2
Hai chàng bỗng phá lên cười...
Phong
Tưởng là trò chơi mà hóa ra không phải...
Linh
Cậu nghĩ cậu là Sơn Tinh thật à?
Phong
Thì rõ ràng cậu là Thủy Tinh trong con mắt Mỵ Nương?
Linh nhăn nhó
Vô lý, đó chỉ là trò bốc thăm may rủi...
Phong
Cậu sợ thua cuộc thì thôi?
Linh
Còn cậu tự tin lắm phải không?
Phong quả quyết
Nói thật nhé, tớ tin vào số mệnh khi rút đúng hòn sỏi trắng...
Linh
Nhưng Sơn Tinh đã nghĩ ra cách nào sắm lễ vật dâng  Mỵ Nương chưa?
Phong
Bí mật, còn Thủy Tinh?
 
Linh
Thú thật là chưa... Quái, sao Hòa lên am Ngọa Vân làm gì lâu vậy? Chắc là ông Nam lại bắt cô em gái nghe một bài giảng về lịch sử Thiền Phái Trúc Lâm?
Phong
Cái thằng âm lịch ấy có giời biết nó muốn gì?
Linh
Ừ, âm lịch thật đấy, lại còn “ dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” nữa chứ?
Phong
Mình chưa hiểu?
Linh
Một câu thơ hiện giờ bọn sinh viên đứa nào cũng thuộc...
Phong
Ừ nhỉ... Sao bây giờ cả nước ai cũng thích làm thơ, đọc thơ, thuộc thơ và sống theo những câu thơ?
Linh
Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm – Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Phong
Lạ nhỉ, có những câu thơ mới nghe đọc tim đã đập mạnh, máu đã sôi lên, nước mắt đã rân rấn trong mí?
Linh
Thời “các nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” thì thơ đương nhiên phải rực lửa rồi!
Phong
Cũng có lý, nhất là khi nghe nghệ sĩ Châu Loan ngâm trên đài, hay nghe Quốc Hương hát trên các công trường... Nhưng xem ra cậu lại có vẻ cay mũi với thằng Nam?
Linh
Cũng tý ty thôi. Cái chính là mình thấy nó có vẻ gì hơi bí hiểm... Một thằng sinh viên xuất sắc đang làm luận án tốt nghiệp ngành vô tuyến điện, trường Bách Khoa, thuộc lịch sử Việt Nam và Thăng Long như trong lòng bàn tay, bố mẹ đều tham gia cách mạng trước 45, tương lai phơi phới, việc đi Nga, Đông Đức hay Tiệp làm căng-đi-đát rồi bảo vệ luận án Phó tiến sĩ chả có gì phải bàn... Thuộc diện con ông cháu cha mà... Thế tại sao mặt mũi nó lúc nào cũng căng thẳng như mất sổ gạo? Nhưng cô em gái nó thì đúng là Mỵ Nương...
Phong giật mình
Cậu có nghe thấy tiếng gì không?
Linh lắc đầu
Thì vẫn tiếng suối chảy trên thác Giải Oan...
Phong
Không, hình như không phải tiếng suối?
Linh cười
Cậu lại ăn phải đũa của thằng Nam rồi, suốt ngày mơ mộng, tưởng tượng...
Phong
Không, đúng là có thứ âm thanh gì khác tiếng suối?
Linh
Đi, mình sẽ chứng minh cho cậu thấy là chả có cái quái gì ngoài tiếng nước chảy... Với lại  hai chàng Sơn Tinh, Thủy Tinh còn phải đi tìm Mỵ Nương chứ?
Hai người bỏ đi
Lớp 3
 
Những cô cậu học sinh lớp 10 Chu Văn An rủ nhau lên Yên Tử, sau khi tốt nghiệp, chuẩn bị thi vào các trường đại học, như là một cách chia tay nhau.
Hạnh  và Quyên đi lên từ bờ bên kia thác Giải Oan
Hạnh
Mấy hôm nay đã có chàng nào trong lớp khóc hết nước mắt chưa?
Quyên cười
Chưa, chàng nào khóc chưa thấy nhưng mẹ mình thì đã sưng húp hai mắt...
Hạnh
Ối giời ôi, con gái được sang Matxcơva du học thì phải mừng chứ?
Quyên
Bố mình cũng gắt lên với mẹ mình như vậy.
Hạnh
Ối đứa ghen tỵ với cậu đấy... Thế là cậu sắp được chứng kiến cảnh tượng “mùa thu vàng kì diệu của nước Nga”...
Quyên
Ừ, nhớ hồi nào bọn mình còn truyền tay nhau “Bông hồng vàng” của Pau-tốp-xki...
Hạnh
Hết “ Tình ca” của Hoàng Việt lại “Cành thùy dương”...
Quyên
Ừ, cả “Đôi bờ” nữa...
Hạnh hát khe khẽ
Đêm dài qua dưới mưa rơi... Enh mong chờ anh tới, cây cỏ hoa như nói lên lời... Em hạnh phúc nhất đời
Quyên
Cậu lãng mạn quá đấy...
Hạnh mỉm cười
Nhanh thật, mới đấy mà đã tốt nghiệp lớp 10, mỗi đứa sắp đi một ngả, Quyên sẽ là sinh viên y khoa giữa Mát-xcơ-va...
Quyên
Cậu cũng sẽ thi vào y phải không? “Nhất y nhì dược” mà...
Hạnh
Nghe nói thi vào Y khó lắm, mình sẽ cố thôi... Mình chỉ muốn nối nghiệp mẹ mình, trở thành một bác sĩ sản khoa, “một bà đỡ tân thời”...
Quyên
Có người đang lên đấy...
Hạnh hào hứng
Cậu Tưởng Thái Lan kéo phong cầm tuyệt thật...
Quyên
Nhất là khi Tưởng  đệm cho cậu hát “Tình ca” của Hoàng Việt. Lúc ấy, nhìn cậu và Tưởng mình có cảm giác hai bạn là một cặp tình nhân lý tưởng... Nói thật đi, cậu có thích Tưởng thì bảo, mình sẽ đóng vai “ông Tơ bà Nguyệt”...
Hạnh
Tưởng là một chàng trai tuyệt vời, chỉ hiềm một nỗi...
Quyên
Hay cậu không thích Tưởng vì Tưởng sinh ra ở Thái Lan, mới hồi hương, nói tiếng Việt còn hơi ngượng?
Hạnh
Không, sao cậu lại nghĩ thế, Tưởng sinh ra ở đâu không quan trọng bằng việc trong trái tim Tưởng dòng máu nào đang chảy...
 
Quyên
Cậu ta học toán giỏi nhất bọn, nói tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Thái sõi hơn tiếng mẹ đẻ, kéo ac-cor-đê- ông hay nhất trường Chu Văn An, mặt mũi sáng sủa, hào hoa, lịch sự và tốt bụng... Đầy nam tính, mạnh mẽ...
Hạnh
Thú thật là mình rất quý Tưởng, nhưng để mà... thì...
Quyên
Thôi, không ai có thể hay hơn Tưởng Thái Lan đâu, mà cậu ta thì mê cậu từ lâu lắm rồi, đừng bỏ lỡ cơ hội... Chỉ còn hôm nay nữa thôi, sáng mai mỗi đứa đã bay đi một phương trời... Cậu chậm chân, mai kia lại hối hận khi thấy cả lũ sinh viên con gái xếp hàng chạy theo Tưởng Thái Lan...
Hạnh bật cười
Cậu dọa mình đấy à? (đột ngột quay lại) Quyên ơi...
Quyên
Gì vậy?
Hạnh
Mình bỗng cảm thấy, chính cậu với Tưởng mới hợp nhau...
Quyên cười
Muốn ăn gắp bỏ cho người... Không khéo lúc mình xin “yêu Tưởng”, cậu lại khóc hết nước mắt?
Hạnh
Mình sợ nhất là sự hối hận... Khi ta phải hối hận về một điều gì đó có nghĩa là ta đã sống phí hoài trong khoảnh khắc ta đưa ra quyết định ấy?

Lớp 4
Tưởng vừa đi vừa kéo phong cầm theo giai điệu “Tình ca” của Hoàng Việt  
Hạnh cất tiếng hát
Khi hát lên tiếng ca gởi về người yêu quê ta
Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba
Em ơi! nghe chăng lời trái tim vọng ra
Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang
Qua núi biếc chập chùng xa xa
Qua bóng mây che mờ quê ta
Tiếng ca đời đời chung thuỷ thiết tha
Quyên lặng đi,  ngồi xuống bờ suối nghe Hạnh hát và Tưởng càng say sưa đệm đàn...
Lớp 5
Hạnh bất chợt đứng sững lại, tiếng hát im bặt. Quyên và Tưởng ngơ ngác không hiểu chuyện gì vừa xảy ra, nét mặt Tưởng lộ rõ vẻ bối rối, thất vọng. Còn gương mặt Hạnh thảng thốt, chìm vào trong một màn sương bí ẩn...
Chỉ một mình Hạnh nhìn thấy, bên bờ kia hình bóng của Vũ Quán Nam, anh cũng sững sờ nhìn cô...
Hạnh kêu lên
Anh...
Nam
Hạnh...
Hai người chỉ đứng cách nhau một con suối nhỏ, dường như họ chỉ cần đưa tay ra là có thể chạm vào nhau, nhưng một sức mạnh vô hình nào đó đã ngăn họ lại... Đột nhiên có tiếng máy bay phản lực gầm rú xé nát bầu trời đang bình yên, tiếng đạn phòng không và tiếng bom nổ, những đám cháy bùng lên và những cột khói loang ra. Tưởng và Quyên choáng váng lao xuống chân thác. Chỉ còn lại Hạnh và Nam vẫn đứng hai bên bờ thác Giải Oan...
Hạnh
Anh ơi, chuyện gì đang xảy ra vậy?
Nam
Anh không biết, anh chỉ cảm thấy có một cái gì đó rất khác thường đã đến với tất cả chúng ta...
Hạnh
Mà nó lại đến đúng vào lúc anh và em đứng ở hai bên bờ thác nước này...
Nam
Ừ, thác Giải Oan...
Hạnh rùng mình
Vâng, thác Giải Oan, nghe anh đọc tên con thác mà em lạnh toát cả người...
Nam
Đây là nơi Đức Vua Trần Nhân Tông sau khi chỉ huy quân dân Đại Việt 2 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, trao lại ngai vàng cho con trai, lên Yên Tử tu hành, năm Người 44 tuổi...
Hạnh
Rồi sao nữa anh?
Nam
Các cung nữ đi theo Người, đến bờ suối này, Người khuyên họ quay lại. Họ khẩn cầu Người trở về với kinh đô Thăng Long, Người quả quyết từ chối, 72 cung nữ  bèn lao xuống dòng nước kia tự vẫn...
Hạnh bưng mặt
Bi thảm quá... Sao Đức Vua có thể từ chối lời cầu xin của họ khi biết chắc hành động của mình có thể dẫn đến những cái chết khủng khiếp?
Nam
Kìa, Hạnh, chúng ta không được phép nghĩ như vậy về Người...
Hạnh
Vâng, em biết câu hỏi vội vã của em là không được phép, nhưng dù sao em vẫn không hiểu nổi?
Nam đột ngột như nhận ra điều gì khác thường
Kìa, em...
Hạnh
Anh giận em lắm phải không?
Nam
Không, anh chỉ xin em... Hãy nhìn lên đỉnh thác...
Hạnh ngơ ngác
Em có thấy gì đâu?
Nam
Ừ, mở mắt thấy ngoại cảnh, nhắm mắt thấy lòng mình...
Hạnh nhắm mắt
Vâng, em đang nhìn vào lòng mình, thấy hình bóng của Người... Và anh...
Lớp 6
Đầu đà Hoàng giác Điếu ngự ( vua Trần Nhân Tông) xuất hiện trong trang phục một nho sĩ thời Trần, giản dị, gần gũi, giọng trầm ấm ( lúc Người lên Yên Tử mới 44 tuổi)
Đức Vua
Ta hiểu lòng các con. Ta đã từng yêu, được yêu như các con. Ta đã hạnh phúc và kiêu hãnh như các con và mọi người được sống trên giang sơn gấm vóc này hàng nghìn năm nay. Trước lúc từ bỏ ngai vàng lên Yên Tử, ta đã suy nghĩ, đã hành động, đã phải vật vã, đau khổ như các con và mọi người khi nghe thấy Mệnh Lệnh Tối Cao...
Nam kêu lên
Người vừa nhắc tới Mệnh Lệnh Tối cao?
Đức Vua
Mệnh Lệnh Tối Cao đang vang lên ở khắp nơi, trên bầu trời, ngoài biển cả, dưới đồng bằng... Và ngay ở giữa cánh rừng này...

Lớp 7
Hình bóng Đức Vua mờ dần...
Hạnh 
Người đi rồi... Ôi, anh ơi, bom nổ ghê quá, lửa cháy khắp nơi, ối, nhìn kìa, những chiếc máy bay kia đang lao xuống đầu chúng ta...
Nam nghiến răng nhắc lại
Mệnh lệnh Tối Cao đang vang lên ở khắp nơi, trên bầu trời, ngoài biển cả, dưới đồng bằng... Và ngay giữa cánh rừng này...  Đừng sợ, chúng ta sẽ bắt lũ cướp trời Mỹ phải đền tội...
Hạnh
Vâng, có anh bên cạnh em chẳng thấy sợ cái gì cả. Nhưng anh ơi, tại sao họ lại có thể ném bom xuống mảnh đất cách xa nước Mỹ hàng vạn cây số. Tại sao họ lại có thể căm thù đến mức đang tâm hủy diệt cánh rừng thơ mộng này, con suối hiền lành này?
Nam
Họ khiếp sợ vì trên mảnh đất này, cánh rừng này, con suối này, đang vang lên Mệnh Lệnh Tối cao!  
 
CẢNH HAI
 
Tổ ấm của Vũ Quán Nam – một ngôi nhà Hà Nội cổ kính. Cửa sổ dán giấy phòng không ( để ánh đèn không lọt ra ngoài, chẳng may bị vỡ thì kính không văng nhiều mảnh). Qua cửa sổ có thể nhìn thấy hàng cây sấu lá xanh ngắt và tiếng ve ran ran vọng vào...
Cây dương cầm đặt bên cửa sổ...
Phòng riêng của Nam rất ngăn nắp, sách vở sắp xếp thứ tự trên giá, trên bàn học đặt bức tượng bán thân Đức Vua Trần Nhân Tông, chân dung Đức Thánh Trần treo trên bức tường chính... Trên bức tường đối diện treo chân dung ông bà nội của Nam phía trên, bên dưới là chân dung thân phụ Nam. Cả ba người trong chân dung đều mặc lối cổ truyền...

Lớp 1
Nam hì hục tập tạ, với các động tác khác nhau, mồ hôi vã ra như tắm. Bỗng nhiên tiếng còi báo động phòng không vang lên và trên loa phóng thanh đặt ngoài đường phát thông báo của hội đồng phòng không thành phố: “Hai tốp máy bay địch từ hướng Đông đang bay về phía Hà Nội, yêu cầu tất cả các lực lượng vũ trang vào ngay vị trí sẵn sàng chiến đấu, đồng bào đề cao cảnh giác, đưa ngay người già, trẻ em xuống hầm trú ẩn...”. Nam nhíu mày, vẫn tiếp tục tập đẩy tạ trong tư thế nằm. Bỗng có tiếng gõ cửa, anh giật mình, vội nhỏm dậy, giấu chiếc tạ vào trong góc phòng, đóng vội cánh cửa sổ  rồi chạy tới mở cửa...
Bà Mẹ
Con không nghe thấy còi báo động à?
Nam
Thưa mẹ, tại con đóng cửa sổ để tập trung làm luận án nên không nghe thấy...
Bà Mẹ
Thôi, xuống hầm ngay đi...
Nam
Vâng ạ...
Bà Mẹ nghe tiếng còi báo yên
Báo yên rồi... Chết thật, giời nóng mà con đóng kín cửa sổ, mồ hôi ra như tắm kìa...
Nam bối rối
Vâng, cũng hơi nóng...
Bà Mẹ
Nóng mấy cũng phải đợi khô mồ hôi mới được tắm con nhé, không thì dễ bị cảm lắm...
Nam
Vâng, con nhớ rồi ạ. Mẹ ơi, ông bà nội và thầy con ngày xưa có tiền sử về tim mạch hay huyết áp không hở mẹ?
Bà Mẹ ngạc nhiên
Sao tự nhiên con lại hỏi vậy?
Nam lúng túng
Thưa mẹ, sắp có đợt khám sức khỏe cho những sinh viên đang làm luận án tốt nghiệp...
Bà Mẹ
Thầy con thì không, nhưng ông nội con thì mất do chứng tim... Con làm sao vậy?
Nam cố trấn tĩnh
Thưa mẹ, không có gì đâu ạ...
Bà Mẹ
Nam ơi, con không nên lo lắng quá như vậy, ngày trước hoàn cảnh ông bà nội con khó khăn lắm, con cái đi hoạt động cách mạng hết, ở nhà suốt ngày bị mật thám Pháp rình rập, gây khó dễ, tiền bạc lại thiếu thốn, thuốc men không có thì ông nội mới bị... Chứ bây giờ, dù sao cũng đỡ hơn...
Nam thở phào nhẹ nhõm
Vâng, con cũng nghĩ thế, nhưng hôm trước...
Bà Mẹ lo lắng
Sao con không nói tiếp đi, hôm trước làm sao?
Nam cố trấn tĩnh
Thưa mẹ, chả là hôm trước con đang chơi bóng chuyền ở trường thì một anh bạn mặt tái nhợt, tự nhiên ngã khuỵu xuống sân. Đưa vào bệnh xá nhà trường, họ bảo anh ấy bị tụt huyết áp...
Bà Mẹ nhìn thẳng vào mặt con
Có chuyện gì với con phải không, Nam?
Nam nói khẽ
Không có gì đâu mẹ ạ, con chỉ hỏi thế thôi...
Bà Mẹ
Con chưa nói được hết với mẹ thì mẹ sẽ đợi, nhưng mẹ tin là đang có chuyện gì đó khiến con rất băn khoăn về vấn đề tim mạch, huyết áp của con?
Nam
Mẹ...
Bà Mẹ
Mẹ hiểu con mà... Thôi, con làm luận án tiếp đi, mẹ sẽ pha trà tim sen cho con uống. Ngay từ hồi mẹ mới về làm dâu, bà nội con đã dậy mẹ chế biến những món ăn thức uống Hà Thành, vừa ngon lành vừa bồi bổ sức khỏe. Trong đó có “thang thuốc trà tim sen” rất hiệu nghiệm cho việc ổn định huyết áp...
Nam cảm động
Mẹ ơi, con yêu mẹ lắm...
Bà Mẹ bối rối
Con làm việc tiếp đi... Mẹ tin là nhất định mẹ sẽ có một cô con dâu làm con trai mẹ hạnh phúc...
Nam
Vâng, con sẽ hạnh phúc nhất khi người con gái con yêu, yêu mẹ và được mẹ yêu...    
Bà Mẹ
Mẹ tin là như vậy...
 
Lớp 2
Bà Mẹ đi rồi, Nam đứng lặng ngắm chân dung ông bà nội và bố mình, rồi ngồi xuống bàn làm việc, đối diện với tượng bán thân của Đức Vua...
Nam nghe văng vẳng bên tai lời của Đức Vua:
Mệnh lệnh Tối Cao đang vang lên ở khắp nơi, trên bầu trời, ngoài biển cả, dưới đồng bằng...  
Nam đứng vụt dậy, hăm hở bước đến sát tường, tập trồng cây chuối. Mấy lần hoa mắt, nhức đầu, anh phải ngừng, nhưng không chịu bỏ cuộc, nghiến răng chịu đau, tập tiếp...
Lớp 3
Chợt Phong và Linh đẩy cửa bước vào...
Phong
Ghê chưa, bắt quả tang nhá...
Nam lo lắng ra hiệu
Xuỵt... Bé cái mồm chứ... Chờ mình đi tắm đã...
  Nam vớ lấy cái khăn tắm, vắt lên vai bỏ đi...
Linh đến bên làm việc, mở chồng bản vẽ và tài liệu của Nam, kêu lên
Cha mẹ ơi, chỉ còn hai ngày nữa phải bảo vệ mà bây giờ thằng Nam vẫn chưa thèm viết nốt phần cuối luận văn?
Phong phát hiện ra quả tạ
Ối, nó dành hết thời gian tập tạ thì lấy đâu ra sức lực mà làm luận án?
Linh đột ngột thay đổi lối xưng hô, giọng phấn khích
Này, tao nhớ ra rồi. Ngay sau hôm từ Yên Tử trở về, nó xin đi tuyển phi công, hình như bác sĩ quân y chê sức khỏe của nó...
Phong
Tao hiểu. Tao với mày không tốt nghiệp cũng chả chết ai, nhưng thằng Nam là một sinh viên vô tuyến điện cực kì xuất sắc, nó mà bỏ sự nghiệp khoa học thì tiếc lắm. Nhất định phải mách u mới được. Trên đời này, sau khi bố mất, thằng Nam sợ nhất là làm mẹ buồn...
Linh
Ừ, phải đấy...

Lớp 4
Bà Mẹ bưng một dành tích ( ấm pha trà bọc trong vỏ tre) bước vào...
Bà Mẹ
Các cháu uống đi, trà tim sen bác mới pha đấy...
Phong
Con cảm ơn u ạ!
Bà Mẹ
Từ hôm mấy anh em đi Yên Tử  về, bác thấy khác hẳn... Chả nói ai, ngay em Hòa bình thường nhí nhảnh, lúc nào cũng cười nói vui vẻ, tự nhiên đi chơi về, đăm chiêu như bà cụ non?
Linh
Mợ ơi, mợ xem này...
Bà Mẹ ngơ ngác nhìn Linh lăn quả tạ ra giữa nhà
Nam tập tạ?(lẩm bẩm) Lo lắng tiền sử tim mạch, huyết áp mà lại đi tập tạ?
Phong lấy tập luận văn trên bàn
Chưa hết đâu, u ơi. Thằng Nam bỏ dở luận văn mà chỉ còn 48 giờ nữa phải bảo vệ đồ án rồi?
Linh
Thưa mợ, chúng con không thể không mách mợ, thằng Nam quyết định...
Bà Mẹ lắc đầu
Cảm ơn ý định tốt đẹp của các cháu, nhưng bác nghĩ, chính Nam sẽ là người đầu tiên nói với mẹ về quyết định của Nam!
Linh bối rối
Chúng con xin lỗi mợ...
Bà Mẹ mỉm cười, rót nước ra hai chiếc chén gốm
Bác hiểu chứ, các cháu uống đi kẻo trà nguội mất ngon...
Bà Mẹ bỏ ra ngoài...
Lớp 5
Hai chàng ngồi thừ ra
Linh
Tại mày đấy...
Phong
Thì tao nghĩ đơn giản, tiếc cho sự nghiệp khoa học của nó...
Linh
Tốt nhất là tao với mày tranh thủ làm thay nó những phần còn dở dang...
Phong
Ừ, tao lo các bản vẽ, mày xem phần tính toán...
Cả hai hăm hở xoay trần, may-ô, quần đùi, lao đến bàn làm việc...
Lớp 6
Hòa cùng Hạnh, Quyên và Tưởng deo phong cầm trên vai,  bước vào
Hạnh – Quyên
Chào cả nhà!
Phong, Linh cuống quít vơ quần dài, áo sơ-mi
Xin lỗi...
Rồi chạy ra ngoài...
Lớp 7
Hòa
Hóa ra tất cả chúng ta đều là học sinh Chu Văn An?
Tưởng ngượng ngập
Tôi chỉ mới được làm học sinh Chu Văn An có một học kì...
Quyên
Và cậu đã kịp trở thành người kéo phong cầm hay nhất trường...
Hòa
Ồ, chúng tôi rất hãnh diện vì bạn. Các bạn chờ chút nhé, tôi sẽ đi pha nước sấu dầm, đặc sản Hà Nội đãi khách...
Quyên
Chị cho em học lỏm nhá, mẹ em toàn chê em, con gái Hà Nội mà đoảng, đến nước sấu dầm cũng không biết làm...
Quyên theo Hòa bỏ ra...
Lớp 8
 Tưởng
Tôi sẽ nói với anh Nam tất cả những gì tôi nghĩ về Hạnh...
Hạnh ngạc nhiên
Nói về tôi với anh Nam?
Tưởng
Tôi tin là anh ấy sẽ hiểu, duy nhất anh ấy hiểu những gì tôi nghĩ về Hạnh!
Hạnh
Bạn biết gì về anh Nam mà tin như vậy?
Tưởng
Chẳng phải Hạnh đã kể sau hôm gặp ở Yên Tử đấy sao? Chính mẹ Hạnh đã đỡ đẻ cho mẹ anh Nam ở nhà thương Cống Vọng, tức bệnh viện Bạch Mai bây giờ, khi bố anh ấy đang bị mật thám Pháp vây đuổi, một ca đẻ ngôi ngược cực kì nguy hiểm...
Hạnh
Vâng, từ đấy 2 gia đình coi nhau như ruột thịt...
Tưởng
Vậy thì anh Nam sẽ là người duy nhất hiểu được tình cảm của tôi với Hạnh...
Hạnh bật cười
Ồ, cái lý của bạn ngộ nghĩnh thật, cái người cần hiểu tình cảm của bạn đối với tôi, phải là tôi trước mới đúng chứ?
Tưởng
Tôi không ngốc quá đâu...
Nam, Linh và Phong vừa định bước vào, thấy Tưởng và Hạnh đang tâm sự, lặng lẽ quay ra...
Lớp 9
Hạnh
Ai cũng công nhận bạn thông minh nhất lớp mà?
Tưởng thở dài
Ngay giây phút Hạnh đứng sững bên này ngọn thác Giải Oan khi anh Nam xuất hiện bên kia thác, tôi hiểu là hai người sinh ra cho nhau...
Hạnh
Bạn có giận tôi không?
Tưởng
Không...
Hạnh
Bạn có khó chịu với anh Nam không?
Tưởng
Không!
Hạnh
Cảm ơn bạn, bạn làm tôi tin rằng cuộc đời chúng ta đẹp vô chừng...
Tưởng
Tôi quyết định phải sống xứng đáng với Hạnh và anh Nam... Tôi muốn Hạnh là người đầu tiên đọc cái này...
Hạnh bàng hoàng đọc lá thư Tưởng đưa cho cô
Đơn tình nguyện nhập ngũ?
Tưởng
Tôi sinh ra trên đất Thái, 17 tuổi rưỡi mới được quay về với mảnh đất yêu dấu của chúng ta... Cuống rốn của tôi chôn trên đất khách quê người, nhưng hồn tôi thuộc về quê hương Việt Nam. Sau sự kiện 5 tháng 8 trên Yên Tử, cũng như tất cả mọi người, tôi đã nghe văng vẳng trong tim mình: Mệnh Lệnh Tối Cao!
Hạnh bất chợt hôn lên má Tưởng...
Tưởng bần thần ôm má
Tôi sẽ không bao giờ quên nụ hôn của Hạnh dù chỉ là trên má...
Lớp 10
Nam cùng mọi người bước vào...
Bà Mẹ
Nhìn các con, mẹ bỗng nhớ lại không khí Hà Nội cái đêm Bác Hồ đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến trên đài phát thanh Tiếng Nói Việt Nam, rồi nhà máy điện Yên Phụ nổi còi báo động trước khi tắt đèn toàn thành phố và những khẩu đại bác ở pháo đài Láng gầm lên...
Nam
19 tháng 12 năm 1946... ngày sinh lần thứ 32 của mẹ!
Bà Mẹ
Đúng vậy, cảm ơn con nhắc mẹ... Đêm ấy bố và mẹ còn bụng dạ nào mà nhớ ngày sinh của riêng mình, trong lúc thanh niên gia nhập Vệ Quốc Đoàn, mọi người đào hào, đục tường thông các nhà... Các con có nhìn thấy bức tường kia không, có thấy dấu vết đục tường không? Chính bố mẹ đào đấy, lúc đó Nam mới 3 tuổi, còn Hòa đang ẵm ngửa... (dường như chìm đắm vào hồi tưởng) Sau đó bố cùng trung đoàn thủ đô vượt qua vòng vây, bí mật hành quân dưới chân cầu Long Biên, lên chiến khu... Đêm chia tay, bố bảo mẹ: Chúng ta chiến đấu để giành lại đất nước và ước mơ lớn nhất của chúng ta là hòa bình. Vì vậy chúng ta mới đặt tên hai con là Nam-Hòa, Việt Nam – Hòa Bình...  8 năm sau, mẹ dắt anh em Nam ra đầu Ô Quan Chưởng đón bộ đội ta  về tiếp quản Thủ Đô... Trong số những người lính đeo tấm huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên” trên ngực áo..., không thấy bố..., tìm mãi không thấy... 
Các bạn trẻ
Mẹ...
 
Nam
Thưa mẹ, con xin phép mẹ, sáng mai con đi khám tuyển phi công chiến đấu, lần thứ 2. Con chỉ ao ước tự tay bắn rơi lũ cướp trời...
Bà Mẹ
Mẹ rất tự hào vì con... Nếu thầy con còn sống, chắc thầy cũng sẽ mừng như mẹ!
Hạnh hát khe khẽ
Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn năm
Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu!
                                                                                                       Hòa đệm dương cầm, Tưởng kéo đàn...
Mọi người hòa theo
Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời
Hà Nội hồng ầm ầm rung
Hà Nội vùng đứng lên! Hà Nội vùng đứng lên! Sông Hồng reo, Hà Nội vùng đứng lên!
 
Còi báo động bỗng vang lên, đèn phụt tắt...

CẢNH BA

Hà Nội, 5 năm sau
Ngày 19 tháng 12...
Lớp 1
Vẫn ngôi nhà của Nam nhưng bây giờ đã bị bom đánh bay nửa tầng trên, chỉ còn lại bức tường nham nhở vôi vữa, cây dương cầm và bức tượng bán thân của Đức Vua Trần Nhân Tông đặt trên bệ gạch còn sót lại, dưới chân có một chiếc mũ rơm và một chiếc ba lô cũ...
Bà Mẹ đã già rất nhiều so với 5 năm trước, tóc bạc quá nửa, gầy hốc hác... Bà mặc quần đen, áo cánh mầu rêu, tay cầm cái chổi nhúng vào chậu vôi, viết lên bức tường:
“Mẹ không muốn rời Hà Nội, nhưng trường cấp 1 gần nhà mình chỉ còn hầu hết là nữ giáo viên, phần lớn các thầy giáo đã nhập ngũ, mẹ đành phải theo trường đi sơ tán ở Ân Thi, Hưng Yên, may ra giúp được gì cho các cháu học sinh...”
Viết xong, bà đội mũ rơm, khoác ba lô lên vai, ngẩn ngơ ngắm ngôi nhà và góc phố lần cuối trước khi bỏ đi...
Lớp 2
Sân khấu vắng người một lúc, từ dưới nhà vọng lên tiếng gọi hớt hải:
- Mẹ ơi, mẹ ơi...
Hạnh mặc bộ quần áo y tá nhuộm màu rêu, vội vã bước vào, tay ôm bó hoa
Mẹ, ơi, mẹ ở đâu rồi mẹ ơi... (đứng sững lại đọc hàng chữ viết trên tường, bật khóc) Mẹ, giao ca xong con vội đạp xe xuống ngay Ngọc Hà, mua hoa mừng sinh nhật mẹ, mà mẹ lại không ở lại một tý đợi con... ( đặt bó hoa trên cây dương cầm, hấp tấp đến chỗ bức tường, sờ tay lên hàng chữ) A, vôi còn ướt, lậy giời, mẹ chưa qua cầu phao...
 Chị vội vã lao xuống nhà, còi báo động phòng không vâng lên...
Lớp 3
Sân khấu lại vắng người, nhân viên đưa thư là một thương binh, tập tễnh leo lên, lấy khăn chùi mồ hôi trên mặt, rồi thở dài, vớ lấy cái chổi, viết lên tường:
- Mẹ có thư con gái ở Liên Xô gửi về...
Xong xuôi, vội vã bỏ đi...
Trên loa phóng thanh vang lên bản tin:
“  Với mưu toan láo xược và man rợ đưa Bắc Việt trở về thời kỳ đồ đá, đế quốc Mỹ đã cho hàng trăm lần chiếc máy bay của không quân và hải quân Mỹ đánh phá dã man, đê điều, cầu cống, khu dân cư, trường học, bệnh viện trên địa bàn Thủ Đô, gây nên những tội ác tầy trời với nhân dân ta. Và chúng đã bị trừng trị đích đáng. Chỉ trong 3 ngày 24, 25 và 26, quân và dân Hà Nội đã bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ, đặc biệt là bắn rơi tại chỗ chiếc A-4D khi nó đang bổ nhào ném bom Nhà máy điện Yên Phụ, bắt sống giặc lái, thiếu tá phi công Giôn Măc-kên ngay trên hồ Trúc Bạch. Bị thua đau, ngày 27, địch tập trung đánh trả đũa các trận địa phòng không của ta...”

Lớp 4
Phong mặc thường phục mầu rêu, còn Linh mặc quân phục, mang phù hiệu bộ đội Phòng không – Không quân trên ve áo, bước vào
Phong hào hứng
Nghe nói cậu có tham gia vụ bắt giặc lái Giôn Mắc-kên...
Linh nhăn nhó
Ừ, có gì đặc biệt đâu, hắn rơi tõm xuống hồ, ngay trước mặt nhà mình, đúng lúc mình vừa về nhà... Mình chạy ra thì đã thấy một cậu “Sao Vuông” lôi hắn vào bờ...
Phong ngạc nhiên trước vẻ mặt sầu não của Linh
 Bệnh tình của bố cậu đỡ chưa?
Linh
Đỡ nhiều rồi...
Phong
Cậu làm sao thế?
Linh
Chả sao cả, đến mừng sinh nhật mẹ mà mẹ lại đi sơ tán, vô duyên thật...
Phong
A, xem này, thằng Nam gửi thư về...
Linh bần thần vớ lấy cái chổi, quết vào chậu vôi, viết
Con và thằng Phong đến mừng sinh nhật mẹ, con có chuyện muốn nói với mẹ...
Phong  trầm ngâm
Cuộc đời buồn cười thật đấy, tao rút được thăm Sơn Tinh thì rút cuộc lại xuống nước, tham gia nhóm nghiên cứu chống thủy lôi của bọn Mỹ phong tỏa cảng Hải Phòng. Mày rút thăm thành Thủy Tinh, lại leo lên núi, làm anh lính ra-đa... Còn Mỵ Nương đang ở trên núi với Vua Hùng, lại bay ra biển làm cô văn công Hải Quân...
Linh cười nhạt
Chả có gì buồn cười cả...
Phong
Mày đừng nghĩ, tao xuống biển ở gần Mỵ Nương thì nàng sẽ chọn tao?
Linh cười nhếch mép
Nhất cự li, nhì tốc độ... Rõ ràng lợi thế đang nghiêng về mày...
Phong
Nhưng cả Sơn Tinh lẫn Thủy Tinh mà không sắm nổi lễ vật dâng Vua Hùng, thì chỉ có nước đến ăn kẹo Hải Hà, hút thuốc Sa-pa, uống trà Hồng Đào, trong đám cưới của Mỵ Nương với một chàng nghệ sĩ văn công nào đó...
Linh gằn giọng
Tao có lên núi mọi người vẫn coi tao là Thủy Tinh, mày có xuống biển thì mày vẫn cứ là Sơn Tinh trong mắt tổ chức...
Phong
Vô lý...
Linh
Tất nhiên tao cũng có lỗi, chính là cái hôm tham gia bắt  phi công Giôn Mắc-kên bên hồ Trúc Bạch, tao vừa kể. Biết tin cậu tao ốm nặng, tao xin phép, thằng cha chỉ huy trực chiến nhất định không cho. Tao phải trốn về. Quay lại đơn vị, làm kiểm điểm tóe phở... Chưa hết, trong lúc tao vắng mặt, không biết thằng quái nào lục ba-lô, vớ ngay nhật ký của tao, đưa lên đại đội. Thế là ầm ĩ cả lên chỉ vì mỗi câu tao viết: Chiến tranh là chiến tranh, thi vị hóa nó là xúc phạm những nỗi đau khổ có thực của con người do chiến tranh mang lại... Họ kết ngay tao vào tội “tiểu tư sản”. Tao cãi: Tiểu tư sản không phải là “một tội danh”, Mác đã bảo rằng, tiểu tư sản là...
Phong bật cười
Ối giời ôi, làm thằng lính ra-đa không lo canh sóng, phát hiện thủ đoạn gây nhiễu của máy bay địch, suốt ngày lý với chả lẽ... Nhiễu ở ngay trong con người mày còn nguy hơn nhiễu của bọn phi công Mỹ...
Linh cáu thật sự
Tao tưởng mày khá hơn kia, hóa ra mày “còn bảo hoàng hơn nhà vua”, tao đếch thèm nói chuyện với mày nữa...
Phong hoảng hốt khi Linh định bỏ đi
Ơ hay, thằng này trẻ con thật đấy, tao nói đùa một tý không được à?
Linh càng cáu
Bỏ tao ra, tao không bao giờ muốn nhìn thấy mặt mày nữa...
Phong cuống quít
Mày cố chấp thế...
Linh giật mạnh tay
Mặc bố tao...
Linh giận dữ bỏ đi...
Lớp 5
Còn lại một mình, Phong ngồi thừ dưới chân bức tường, rồi anh vớ lấy cái chổi quết sơn, viết:
- Mẹ ơi, con hối hận lắm, lẽ ra con không nên làm Linh buồn... Nhỡ ra nó có chuyện gì thì con... Mà trong bom đạn, mọi cuộc gặp gỡ đều vô cùng quý giá, biết còn có lần sau...?
Chợt có tiếng còi ô-tô vọng lên, Phong vội nhô đầu ra ban-công, kêu lên:
- Xin 1 phút thôi!
Anh quay lại, vội vã viết tiếp:
- Xe đơn vị đến rồi, con phải xuống cảng Hải Phòng cùng anh em tìm cách phá thủy lôi và bom từ trường... Con biếu mẹ mấy hộp cao Con Hổ, thứ này xoa chống lạnh tốt lắm, mẹ nhớ giữ gìn sức khỏe nhé, đợi Nam về... Chúng con yêu mẹ lắm...
Đặt mấy lọ cao xuống dưới tượng bán thân Đức Vua. Rồi anh vội vã lao xuống đường...
Lớp 6
Tưởng đeo ba-lô một bên, cây phong cầm một bên vai, mặc quân phục, trên ve áo có phù hiệu binh chủng đặc công, bước vào... Trời đã tối, anh gọi khẽ:
- Mẹ ơi... Mẹ ơi...  
Không thấy tiếng Bà Mẹ, anh đặt ba-lô và cây phong cầm xuống sàn, rút đèn pin đã được che kín, chỉ chừa ra ánh sáng bằng hạt đậu, soi từng góc ngôi nhà... Đọc những hàng chữ trên bức tường, anh hiểu, lẩm bẩm:
- Anh Phong nói đúng phải không mẹ? Đêm nay, lúc 12 giờ 45, chúng con sẽ hành quân vào Quân Khu 4... Nghĩa là con còn hơn 4 tiếng đồng hồ, ở đây đợi mẹ về và tâm sự với mẹ. Một kế hoạch tấn công táo bạo, tuyệt mật đã được đích thân Đại Tướng Tổng Tư Lệnh phê chuẩn, giao cho đặc công chúng con thi hành. Tại đó, chúng con sẽ diễn tập trên địa hình, tương tự như địa hình sân bay nằm sâu trong đất kẻ thù, nơi xuất phát những chuyến bay của lũ giặc nhà trời B-52 sang thả bom rải thảm, giết hại những cụ già, bà mẹ và những em bé ... Mẹ ơi, chúng con thề sẽ báo thù cho Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Linh..., đánh tan xác lũ giặc cướp ngay giữa sào huyệt tội ác của chúng... Con chả có gì làm quà mừng sinh nhật mẹ ngoài mấy phong lương khô 702 của lính...
Anh mở ba-lô, lấy ra mấy phong lương khô, nâng niu đặt bên cạnh mấy lọ dầu con Hổ, rồi mỉm cười:
- Mẹ ơi, mẹ hãy nghe bản nhạc con tự sáng tác để mừng ngày sinh của mẹ... A, đây sẽ là bản nhạc cuối cùng của con với cây phong cầm này mẹ ạ... Rồi con xin gửi lại cây đàn, mẹ giữ cho con nhé, tiến sâu vào sào huyệt kẻ thù, những người lính đặc công chỉ mang theo bộc phá, AK báng gấp, hợp chất nổ C4 và trái tim trĩu nặng tình yêu tổ quốc... Bao giờ chiến thắng, con sẽ về kéo đàn mừng đám cưới anh Nam và Hạnh... Chỉ nghĩ đến lúc ấy thôi, con đã hạnh phúc lắm rồi...
Anh say sưa dạo đàn, mỗi lúc một thiết tha, bay bổng...
Tưởng nằm mơ thấy một đám cưới:
Bà Mẹ hạnh phúc tràn trề nhìn chú rể Nam, cô dâu Hạnh rạng rỡ trao nhẫn cưới cho nhau. Tưởng kéo phong cầm lả lướt, mọi người vỗ tay, miệng hô to:
- Hôn nhau đi, hôn nhau đi...
Lớp 7
Hạnh xuất hiện, bàng hoàng nhìn Tưởng say sưa chơi đàn, miệng hô lớn:
- Hôn nhau đi, hôn nhau đi...
Hạnh ngồi xuống bên anh
Anh...
Tưởng vẫn chưa ra khỏi mộng
Hôn nhau đi, hôn nhau đi, anh Nam hôn Hạnh đi...
Hạnh
Anh Tưởng...
Tưởng giật bắn mình
Ôi, Hạnh... Có phải tôi đang mơ không?
Hạnh
Anh đến lâu chưa?
Tưởng
Mẹ đi đâu hở Hạnh?
Hạnh thở dài
Mẹ đi theo các em học sinh sang Hưng Yên sơ tán, để giúp các cô giáo một tay... Bản nhạc lúc nãy anh chơi tuyệt quá...
Tưởng
Tôi viết mừng sinh nhật mẹ và đám cưới của Hạnh với anh Nam...
Hạnh cảm động
Thế mà Hạnh chỉ sợ anh Tưởng buồn?
Tưởng
Buồn chứ, nhưng mà... ( cố kiềm chế cảm xúc, làm ra vẻ giật mình xem đồng hồ) Chết, 8 giờ rồi kia à?
Hạnh
Anh phải đi rồi à?
Tưởng ngập ngừng
Ừ, phải đi rồi... Đi bây giờ là tốt nhất...
Hạnh
Hạnh chưa hiểu?
Tưởng
À, có gì đâu... Phải đi thôi, lính đặc công mà, biết tiến, biết lui đúng lúc, có khi chỉ hơi ngập ngừng, nấn ná là dính mìn ngay... Đáng sợ hơn là bắt cả những người khác thương vong vì mình nữa...
Hạnh chừng như đoán ra
Vâng, có lẽ vậy tốt hơn...
Tưởng
À, vẫn còn đủ thời giờ để tôi tặng riêng Hạnh một khúc nhạc... Biết đâu...
Hạnh
Anh Tưởng đừng nói vậy... Anh đệm cho Hạnh hát “Tình ca” như ngày trước ấy...
Tưởng
Ừ, giá cứ như ngày ấy... A, bây giờ là “tình ca trong đêm chia tay Hà Nội”...
Tưởng dạo đàn, Hạnh say sưa hát...
 
Lớp 8
Bà Mẹ xuất hiện, lặng lẽ chứng kiến cảnh Hạnh hát, Tưởng đệm đàn... Cũng lặng lẽ như vậy, bà bỏ đi...
Tưởng ngừng chơi đàn
Cảm ơn Hạnh, tạm biệt...
Hạnh
Anh Tưởng đi, nhớ giữ gìn sức khỏe và đừng bao giờ quên Hà Nội nhé...
Tưởng
Tôi quên sao được bài thơ có lần Hạnh đọc cho tôi: Từ biệt nhé và nếu là lần chót – Cũng diệu kì, cũng hoàn hảo chứ sao?
Hạnh
Anh Tưởng đừng đọc nữa, Hạnh khóc mất...
Tưởng
Xin lỗi, tạm biệt... Hãy hôn mẹ thay tôi nhé!
Hạnh
Vâng...
Tưởng bỏ đi, Hạnh ngồi lại thẫn thờ...
Lớp 9
Bà Mẹ bước ra, đến bên Hạnh
Bà Mẹ
Hạnh, hãy xuống tiễn Tưởng một đoạn đi con!
Hạnh giật mình ngẩng lên
Mẹ?
Bà Mẹ
Đi, đi con...
Hạnh
Vâng... Mẹ đừng đi đâu nhé, con quay lại ngay... A, Tưởng nhờ con hôn mẹ thay anh ấy...
Hạnh ôm lấy Bà Mẹ, âu yếm hôn...
Lớp 10
Người đưa thư tập tễnh bước vào
Người đưa thư đứng nghiêm, trịnh trọng thực hành nghi thức chào kiểu quân nhân
Báo cáo Nữ Chiến Sỹ Việt Minh Hoàng Diệu, tôi, trung sĩ thuộc đại đội 1, tiểu đoàn 1, trung đoàn 66, từng tham gia chiến dịch A Sầu, A Lưới và bị thương trên đồi Giấy Bóng...
Bà Mẹ sửng sốt
Ôi, có phải Việt Anh, con trai bà Hưng Thịnh nổi tiếng với tài ướp trà sen ở cuối phố mình không?
Người đưa thư đứng nghiêm
Báo cáo thủ trưởng, đúng thế... Bố mẹ cháu hay kể về hai bác lắm...
Bà Mẹ
Vâng, chúng tôi từng hoạt động cùng chi hội phụ nữ trong tuần lễ quyên góp vàng cho chính phủ Cụ Hồ...
Người đưa thư lấy ra trong túi dết một lá thư
Bác có thư con gái gửi về từ Mạc Tư Khoa...
Bà Mẹ mừng rỡ
Ối, phúc đức quá...
Người đưa thư
Bác đọc thư nhé, cháu còn phải đưa nốt mấy công văn và...
Bà Mẹ lo lắng
Gì nữa hở Việt Anh?
Người đưa thư giơ một tờ giấy lên
Cháu run hết cả người mỗi lần phải chuyển thư tới tận tay những ông bố, những bà mẹ, những người vợ, những đứa con... Những người phải nhận những mảnh giấy đóng dấu đỏ in hình quốc huy này...
Bà Mẹ
Biết sao được...
Người đưa thư
Bao giờ cháu sẽ không phải chuyển những tờ giấy như vậy cho bất cứ ai, mà chỉ được chuyển những thiếp mời dự cưới hoặc ăn đầy tháng trẻ con?
Bà Mẹ ngồi lặng đi
Và những người ruột thịt không còn phải nói với nhau, bằng những hàng chữ trên bức tường còn sót lại sau những trận bom Mỹ?
Người đưa thư bỏ đi...
Lớp 11
Hạnh quay lại, âu yếm ngồi bên Bà Mẹ...
Hạnh
Mẹ ơi, con xin mẹ cho con một tấm áo của anh Nam gửi lại nhà...
Bà Mẹ
Hạnh...
Hạnh
Mẹ ơi, con nhớ anh Nam quá, con thèm được ôm tấm áo có hơi hướng của anh ấy...
Bà Mẹ
Ừ, chờ mẹ một tý... ( lục ba lô, lấy ra một chiếc sơ-mi mầu rêu) Con cầm lấy đi...
Hạnh đưa tấm áo lên áp vào mặt
Ôi, tấm áo này anh Nam thường mặc khi đạp xe đến trường làm luận án tốt nghiệp...
Trong lúc Hạnh mặc chiếc áo của Nam, Bà Mẹ dọc thư...
Bà Mẹ
Hạnh ơi, ngoài thư mừng sinh nhật mẹ, hỏi thăm mọi người trong nhà mình, Quyên còn gửi một bức cho Tưởng này...
Hạnh
Quyên gửi chung một phong bì, chắc là Quyên muốn mẹ đọc cả bức Quyên viết cho anh Tưởng?
Bà Mẹ
Đúng vậy... Chính Quyên viết: Mẹ ơi, con muốn mẹ đọc thư con gửi anh Tưởng và tìm cách nhanh nhất, chuyển hộ con cho anh ấy. Con không biết địa chỉ của Tưởng... Sang bên này, con mới hiểu, con yêu Tưởng mẹ ạ... Con chỉ mong tốt nghiệp về là chúng con cưới nhau, tất nhiên với điều kiện anh ấy và mẹ bằng lòng...
Hạnh
Mẹ, mẹ đưa con, con sẽ đến ngay chỗ chỉ huy đặc công nhờ họ chuyển cho anh Tưởng... 
Bà Mẹ
Ừ, con đi ngay đi...
Hạnh bỏ đi...
Lớp 12
Linh và Nam bước vào
Linh
Mẹ nhìn ai này?
Bà Mẹ bàng hoàng
Nam, con...
Nam đặt va-li xuống, ôm choàng lấy mẹ
Mẹ ơi, máy bay hạ cánh, đưa chúng con quay về, bước chân xuống đất mà con vẫn không dám tin là thật, cứ như đang nằm mơ ấy. Thế là con được về nước đúng vào ngày sinh nhật mẹ!
Bà Mẹ
Hạnh vừa đi, chắc sẽ quay về ngay thôi... Mẹ cũng vừa nhận được thư của Quyên...
Nam
Vâng, Quyên gửi biếu mẹ mấy lọ sâm nước để mẹ tẩm bổ...
Bà Mẹ
Quyên vẫn chu đáo với mọi người như hồi ở nhà... Hôm nay mẹ nhận được bao nhiêu là quà của các con... Chỉ tiếc là Tưởng và Hạnh vừa đi, em Hòa và Phong... vắng mặt...
Linh bối rối soi đèn, đọc hàng chữ Phong viết trên tường
Mẹ, con ngu quá...
Bà Mẹ
Hai cậu tiếp nhau nhé, mẹ phải chuẩn bị cái gì mừng chàng phi công của chúng ta chứ?
Bà Mẹ bỏ đi...
Lớp 13
Nam
Ai cũng sốt ruột quanh chuyện làm thế nào hạ gục được B-52...
Linh
Dĩ nhiên, át chủ bài của bọn Mỹ mà...
Nam
Bọn mình ngấu nghiến đọc đến thuộc lòng “Cẩm nang đỏ”
Linh
Tài liệu tối mật, hướng dẫn cách đánh B-52 đấy...
Nam
Quý lắm, nhưng vẫn chỉ mới là đúc kết kinh nghiệm, chứ trên thực tế ta chưa hạ được cái nào, kể cả tên lửa, không quân, cao xạ...
Linh
B-52 là máy bay ném bom chiến lược ưu việt nhất của Mỹ và chưa ai trên thế giới hạ được nó... 
Nam
Các phi công đàn anh của mình đã bắn rơi đủ các loại máy bay Mỹ, trừ B-52...
Linh
Máy móc do con người làm ra. Mà “nhân vô thập toàn” thì máy móc họ đẻ ra càng không thể hoàn hảo, ... Hiển nhiên, bên cạnh những ưu thế kỹ thuật vượt trội, B52 cũng có những nhược điểm rất cơ bản. Nó to xác, kềnh càng, phải bay thăng bằng để ném bom, đường bay và tốc độ ổn định. Do vậy B-52 không làm xiếc được như F-4. Độ cao ném bom có hiệu quả của B52 là trên dưới 10 ki-lô-mét, rơi đúng vào tầm bắn lý tưởng của SAM 2 và trong tầm hoạt động tốt của MIG 21. Mặc dù đã được che giấu kỹ sau màn nhiễu dày đặc, B52 đâu dám bay ban ngày, vì chúng sợ trở thành mồi ngon cho SAM 2 vốn có gắn hệ thống quang học và phi công MIG 21 có thể ngắm bắn B52 bằng mắt thường...
Nam
Chính xác, còn nhiễu, theo cậu thì sao?
Linh lấy trong túi dết ra một tấm sơ đồ, trải xuống sàn
        Xem này, bọn nó gây nhiễu điện tử có cường độ rất mạnh, nhưng chỉ mạnh về phía trước, khi đang bay vào phía mục tiêu. Còn khi  bay chếch, bay ngang, bay ra, hoặc lúc vào gần thì phía hông, phía sườn, đằng đuôi và phía dưới bụng của nó lại lộ ra những góc chết, những khu mù tức gót chân Asin... Ngoài ra, do bay trong đêm tối, để khỏi đụng vào nhau, những chiếc B52 và máy bay tiêm kích đều phải bật đèn báo hiệu. Mỗi B52 có 7 đèn trên lưng. Hai bên đuôi có 2 đèn màu vàng. Ở hai đầu mút cánh cũng có đèn, cánh trái 2 đèn đỏ, cánh phải 2 đèn xanh, đều rất sáng... Do vậy, B-52 bay rất ổn định, khác với đường bay rất linh hoạt của các máy bay chiến thuật. Khi gặp trường hợp nghi ngờ F4 đóng giả B52, ta chỉ cấn làm động tác phóng tên lửa giả, kiểu đấm nhứ để thăm dò. Nếu đúng là F4 thì chúng lập tức nháo nhào cơ động tránh tên lửa, đường bay trở nên mất ổn định. Trên màn hiện sóng của chiến sĩ ta, qua các dạng nhiễu, chúng lộ nguyên hình là những chú Bê giả. Mà đã là Bê giả thì ta không đánh, để dành đạn mà đánh Bê thật.
Nam hào hứng
Phải, Mig 21 chỉ có 2 quả tên lửa, đã xuất kích thì giá nào cũng phải dành sức mạnh tấn công cao nhất nhắm vào lũ Pháo Đài Bay...
 
Linh
Biết rằng khu mù” là hướng nhiễu nhẹ nhất trên đường bay tới của B52, chúng ta phải nghiên cứu một đội hình chiến đấu của ra-đa, tên lửa thật khôn khéo, đưa một số đơn vị vào bố trí ở hướng địch có khu mù”, đồng thời tận dụng khả năng mọi loại khí tài, tạo thành một thế liên hoàn chặt chẽ, sớm phát hiện địch từ xa, ở mọi hướng, để có thể kết hợp đánh vỗ mặt, đánh tạt sườn với đánh tập hậu... Cậu nhớ điều này, phải tận dụng đặc điểm B52 bật đèn lúc bay. Giả định cậu được sở chỉ huy mặt đất dẫn đến khu vực B52, từ xa cậu phải cố theo dõi những hàng đèn liên tục nhấp nháy, nhờ đó xác định được vị trí, hướng bay của B52, để nhanh chóng tiếp cận. Rồi cũng căn cứ vào đèn để ước lượng cự ly phóng tên lửa...
Nam kêu lên
Trời ơi, nếu tình huống cậu vừa giả định xảy ra, mình bay trên trời mà người dẫn đường dưới mặt đất lại là cậu thì tuyệt quá...
Linh thở dài
Họa có trời sập người ta mới để một “thằng coi kho” dẫn đường cho phi công Vũ Quán Nam lái Mig 21 bắn hạ B-52?
Nam ngơ ngác
Chuyện gì thế?
Linh cúi mặt
Mình mới bị kỷ luật, chuyển xuống làm coi kho...
Nam
Sao vậy?
Linh ngao ngán
Thôi, nói chuyện ấy mất vui... (đột ngột) Mình không có quyền làm mất thì giờ quý báu của cậu...
Nam
Không, mình đang nóng ruột muốn biết những gì liên quan đến việc hạ gục B-52...
Linh
Phút này cậu phải dành cho Hạnh và mẹ...
Lặng lẽ bỏ đi...
Lớp 14
Hạnh lao vào, ôm choàng lấy Nam...
Hạnh
Anh ơi...
Nam
Hạnh...
Hạnh
Em đang nằm mơ phải không anh?
Nam
Anh cũng vậy... ( gục mặt vào ngực Hạnh) Cái áo này...
Hạnh
Vâng, em mới xin mẹ lúc nãy... Em mặc vào, có hơi ấm của anh, em bước đi cứ như bay trên đường đến ban chỉ huy đặc công, nhờ họ chuyển thư của Quyên cho anh Tưởng... Em... nhớ anh lắm... Anh ơi...
Nam
Anh cũng nhớ em lắm, ngoài giờ học trên lớp hoặc tập bay,  sung sướng nhất là lúc anh ngồi viết thư và đọc thư của em, của mẹ, em Hòa và bạn bè... Nhưng rồi ngay sau đó, càng nóng lòng trông từng ngày trở về với mọi người... (nghiến răng) Trên đường từ sân bay về Hà Nội, nhìn cảnh nhà máy, đường sá, làng xóm, quê hương mình bị bom Mỹ tàn phá, anh càng sôi sục... Anh chỉ thèm được lao vút lên giữa vòm trời Thăng Long, tự tay bắn cháy lũ khốn kiếp, bắt chúng phải trả những món nợ máu với tổ quốc ta...
Hạnh
Anh yêu, em hiểu, em hiểu mà...
Nam
Anh muốn dành tặng em và mẹ món quà thiêng liêng nhất: Hạ gục B-52 ngay trên mảnh đất yêu thương của chúng ta!
Lớp 15
Hòa lao lên, nghẹn ngào ôm lấy anh trai...
Hòa
Anh Phong...
Nam
Em nói cái gì, Phong làm sao?
Hòa
Anh ấy đi lúc 20 giờ 45... khi cùng nhóm nghiên cứu trực tiếp thử nghiệm thiết bị phá bom từ trường trên cửa sông Hải Phòng... Thí nghiệm thành công, nhưng anh ấy và 3 chiến sĩ phá bom đã...
Lớp 16
Bà Mẹ, Linh lặng lẽ xuất hiện...
Hòa như mê sảng
Chúng em đến đúng lúc nhóm anh ấy chuẩn bị lên đường... Anh Phong cười bảo em: Thế là Sơn Tinh lại thành Thủy Tinh. Em cãi: Không, anh mãi mãi là Sơn Tinh chiến đấu với lũ thủy quái là thủy lôi, bom từ trường Mỹ... Anh ấy cười, các anh ấy cười... Kìa, mọi người có nhìn thấy các anh ấy cười không?
Mọi người như đang sống thực trong cảnh tượng: Phong và các chiến sỹ phá bom mỉm cười tươi rói, nhìn Hòa và nhóm văn công hải quân biểu diễn “ Bài ca hi vọng”...
Bà mẹ ngồi xuống trước dương cầm, đệm nhạc. Nam kéo cây phong cầm Tưởng gửi lại... 
Chưa kịp hát hết bài, Hòa đã lao đến, ôm lấy Phong:
Em yêu anh... Yêu anh mãi mãi... Phá bom xong rồi về ngay với em nhé... Mẹ sẽ làm đám cưới cho chúng ta...
Và Phong vẫy tay chào từ biệt...
Linh đau khổ hét lên
Phong ơi, tha tội cho mình... Chúng tôi sẽ sống, chiến đấu để xứng đáng với cậu... Phong...
 
 
CẢNH BỐN

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 1972...
Vẫn ngôi nhà ấy nhưng bây giờ bom Mỹ đã phá hủy gần hết, chỉ còn lại bức tường trơ trọi và sân thượng thành một cụm chiến đấu của dân quân tự vệ “Sao Vuông”...
Ai đó đã vẽ trên bức tường, hình ảnh Bác Hồ mặc quân phục, bên dưới có hàng chữ “Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh!”.
Và bức tượng bán thân của Đức Vua Trần Nhân Tông được đặt trên một bệ cát, phía  trước bức vẽ...
Trên sân thượng, góc này đặt đại liên Bê-la-nốp 4 nòng, nơi kia là công sự nổi cho những tay súng trường, một chỗ dành cho việc chăm sóc thương binh, mọi người đều mặc quần áo mầu rêu, đội mũ cối gắn Sao Vuông, những chiếc mũ rơm xếp ngay ngắn bên dưới các bệ bắn...
Mọi người khẩn trương, nhịp nhàng trong nhiệm vụ của mình...  
Lớp 1
Trong tiếng bom rơi, đạn phòng không gầm thét, vẫn nghe thấy tiếng loa phóng thanh:
“ Theo lệnh của tổng thống hiếu chiến Hoa Kì - Nich-xơn, ngày 14/12/1972, giặc Mỹ tiếp tục rải thủy lôi phong tỏa các cảng và cửa sông Bắc Việt, ngày 18/12/1972, chiến dịch  Linebacker 2 đã bắt đầu. Chúng đã huy động gần một nửa lực lượng không quân chiến lược B52, gần 1 phần 3 số máy bay chiến thuật, 1 phần 4 số tàu sân bay của toàn quân lực Hoa Kì, cùng nhiều tàu chỉ huy - dẫn đường, tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu radar, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu, mang hàng chục ngàn tấn bom phá, bom bi, bom sát thương, rocket… thảm sát dân thường, đánh thẳng vào Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các vùng lân cận... Với hành động tội ác trời không dung, đất không tha này, Nich-xơn mưu toan hủy diệt khát vọng Độc Lập – Tự Do của nhân dân ta, buộc chúng ta phải cúi đầu chấp nhận mọi điều kiện áp đặt của Mỹ trên bàn đàm phán Pa-ri... Không, Hà Nội - Thủ đô của lương tri loài người, cùng cả nước, thà hi sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ, quyết không đầu hàng, sẵn sàng quyết tử cho tổ quốc quyết sinh... Đây là tin chiến thắng trận đầu: quân và dân Hà Nội đã bắn rơi tại chỗ 2 chiếc B.52G ở Phù Lỗ - Sóc Sơn và Thanh Oai, bắt sống bọn giặc lái: Fernando Alexander - Thiếu tá, hoa tiêu; Hause Cilson - Đại úy, lái chính; Richard Tomat Simson- Đại úy, điều khiển điện tử; Robert Clenxartel, Henrie Charbaron, Character Browels - Đại úy hoa tiêu…”
 
Bà Mẹ bưng một rổ cơm nắm, phân phát cho các chiến sĩ
Mọi người tranh thủ ăn đi...
Hạnh đang băng bó cho một tự vệ bị thương
Trời ơi, con xin mẹ, mẹ xuống ngay hầm trú ẩn đi...
Bà Mẹ
Ừ, thì con và mọi người nghỉ tay ăn đã... Suốt từ đêm qua tới giờ, chả ai có tý gì vào bụng, trắng đêm trực chiến... Bao giờ con phải vào trực trong bệnh viện Bạch Mai?
Hạnh xem đồng hồ đeo tay
15 phút nữa mẹ ạ...
Lớp 2
Người đưa thư hấp tấp leo lên sân thượng...
Người đưa thư
Bác với Quyên có thư!
Bà Mẹ
Cảm ơn Việt Anh... Quyên ơi, có thư Tưởng này...
Tiếng Quyên từ ngoài
Ối, con lên ngay!
Việt Anh bỏ đi...
Lớp 3
Bà Mẹ và Quyên đọc thư...
Dường như hai người nhìn thấy Tưởng và những chiến sỹ đặc công ở giữa một cánh rừng già...
Tưởng
Các đồng chí, chúng ta chỉ còn cách sào huyệt của kẻ thù, 3 cây số, nơi lũ quái vật B-52 hàng ngày cất cánh, bay sang gây tội ác với Thủ Đô Hà Nội và đất nước yêu dấu của chúng ta. Mệnh Lệnh Tối Cao là: Nhóm đặc công của chúng ta phải đánh tan xác B-52 ngay tại sào huyệt của chúng!
Các chiến sỹ
Vì Mệnh Lệnh Tối Cao! Vì Nhân Dân phục vụ!
Tưởng
Các đồng chí, theo kế hoạch, chúng ta sẽ chia thành 3 mũi, thâm nhập sào huyệt của kẻ thù. Từ đây, chỉ huy cao nhất của mỗi chúng ta là chính trái tim yêu thương và căm giận của mình! Chào Quyết Thắng!
Các chiến sỹ
Chào Quyết Thắng! Quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh!
Hình bóng Tưởng và các chiến sĩ mờ dần trong rừng già...
Quyên bật khóc, kêu lên
Anh Tưởng ơi, em yêu anh... Em chờ anh mãi mãi... Hãy về với em và mẹ nhé...
Bà Mẹ ôm lấy Quyên, môi cắn chặt
Quyên... Tưởng và đồng đội của Tưởng sẽ quay về với mẹ con mình và mọi người... Sẽ về, con ạ... Tất cả sẽ về...
Lớp 4
Nam xuất hiện, đứng sững nhìn mẹ và Quyên...
Hạnh lao đến ôm lấy Nam...
Hạnh
Anh...
Nam
Trên đường chuyển sân bay..., cấp trên cho phép tranh thủ ghé qua nhà... Mẹ... Con mừng sinh nhật mẹ dù chậm 2 ngày...
Bà Mẹ
Mẹ vừa nhận thư Tưởng...
Quyên bảo Hạnh
Cậu ở đây với anh Nam, mình trực thay cho!
Hạnh
Không, cậu trực cả tuần rồi?
Quyên gắt
Vớ vẩn, Hạnh phải ở lại với anh Nam...
Quyên bỏ đi...
Lớp 5
Trong lúc tiếng phát thanh viên trong loa phóng thanh vang lên, dường như mọi người sống trong cuộc họp báo lịch sử, đêm 18 tháng 12 năm 1972
GHI CHÚ: Tái hiện khung cảnh này ngay trên sân khấu.
Tiếng phát thanh viên thành lời dẫn chuyện
“ 24 giờ Hà Nội đêm 18/12/1972, các nhà báo phương Tây và báo chí Việt Nam đã dự một cuộc họp báo lịch sử tại Câu lạc bộ Quốc tế giữa lòng Hà Nội trong tiếng ầm ầm của bom rền đạn nổ… Hà Nội thông báo với cả thế giới việc B.52 mang bom hủy diệt Thủ đô Việt Nam và thất bại của Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Cả nước Mỹ bàng hoàng khi chứng kiến sự thảm bại của “uy lực Mỹ” - B.52, bị bắn rơi tại Thủ đô nhỏ bé của đất nước bé nhỏ bên bờ Thái Bình Dương.
Hãy nghe chính miệng những “niềm tự hào” của nước Mỹ, những “quân nhân ưu tú” trong lực lượng không quân chiến lược, những phi công “pháo đài bay” đầy kiêu hãnh, thần tượng của nước Mỹ, khiếp sợ cúi đầu run rẩy thốt lên khi trả lời báo chí: sợ lắm”, “rất sợ”, “thật khủng khiếp”, “tôi không ngờ hỏa lực phòng không của Hà Nội mạnh và bắn chính xác đến thế”…
Fernando: Mọi sự tính toán của chúng tôi đã bị đảo lộn hết. Cấp chỉ huy và các kỹ sư điện tử của chúng tôi đã khẳng định như đang nắm trái ngọt trong tay... Phương án bay và tất cả các máy điện tử đủ loại này rất tuyệt vời. Không một loại tên lửa và máy bay Mig nào của Bắc Việt có thể bám, hạ được B.52 của ta… Tôi đã thực hiện đúng quy trình thao tác để bịt mắt đối phương… thế mà… như các ông thấy… tôi đang ở đây và là tù binh”.
Đại úy Henrie: Khi được phổ biến nhanh ở căn cứ Guam trước lúc bay, tôi sửng sốt bởi nghĩ rằng Hiệp định Hòa bình sắp ký kết như ông Kissinger tuyên bố cách đó ít ngày. Đến trước lúc nhảy dù, tôi biết máy bay của tôi lọt vào một ổ dày đặc tên lửa SAM 2 và cao xạ. Máy bay bị trúng đạn, rung lên dữ dội, khói mù mịt… Tôi rơi xuống một đám ruộng và thấy nhiều người chạy tới. Tôi không kịp làm gì theo hướng dẫn nếu máy bay rơi… Tôi cúi đầu giơ 2 tay đầu hàng”. 
Thiếu tá Giôn: Chúng tôi là quân nhân, phải tuân lệnh chỉ huy. Chúng tôi biết B.52 có sức chứa bom và thả bom rải thảm tạo sự hủy diệt rât lớn, nhưng phải theo lệnh và đã gây nên tội ác...”.
Trung tá Su-mếch-cơ: Thật hãi hùng. Tôi cứ nơm nớp lo sợ mỗi lần bước lên máy bay đến Hà Nội. Giờ đây, tôi và các bạn tôi phải cúi đầu ê chề trước hàng chục ống kính trong buổi họp báo này, khủng khiếp…”
Lớp 6
Tất cả lắng xuống, một sự yên tĩnh thiêng liêng...
Nam
Bộ đội tên lửa, phòng không đã lập công bắn rơi B-52... Không quân phải góp vào thành tích ấy, em ạ...
Hạnh
Thưa, thượng úy phi công Mig 21 Vũ Quán Nam, mẹ, em và tất cả mọi người đợi tin chiến thắng của các anh!
Bỗng còi báo động rú lên, bom rơi, tiếng pháo phòng không, âm thanh khủng khiếp, mặt đất rung chuyển dữ dội chưa từng thấy, những chớp lửa xé nát bầu trời Hà Nội...
Tiếng phát thanh viên căm phẫn run lên:
“ Sau 4 đợt đánh phá ác liệt, kéo dài từ ngày 16/4 đến giờ, đêm nay 22/12/1972, đế quốc Mỹ vừa gây nên một tội ác tầy trời, cho máy bay B-52 ném bom rải thảm, hủy diệt toàn bộ bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện lớn nhất của miền Bắc Việt Nam, nằm ngay giữa thủ đô Hà Nội, giết chết và làm bị thương hàng trăm bệnh nhân, các bác sỹ, y tá, nhân viên y tế, những người dân hiền lành vô tội... Việt Nam kêu gọi lương tri loài người lên án tội ác chống nhân loại, chống nhân dân Việt Nam, tội ác diệt chủng của đế quốc Mỹ... Hỡi toàn dân Việt Nam, Tổ Quốc đã phát đi Mệnh Lệnh Tối Cao!”
Hạnh gào lên
Quyên ơi, Quyên, sao cậu lại trực thay cho mình đúng vào đêm nay?
Bà Mẹ
Nam?
Nam
Đã đến lúc con phải đi rồi. Mẹ, nếu chưa bắn rơi tại chỗ, con sẽ đâm thẳng vào B-52!
Hạnh ghì chặt lấy Nam
Anh ơi, mẹ và em luôn ở bên anh!
Nam
Lậy mẹ, con đi... Hạnh ơi, tạm biệt em...
Anh tới trước tượng bán thân Đức Vua và tấm hình Bác Hồ...
Nam đứng lặng như bức tượng, tiếng độc thoại nội tâm vang lên:
Con xin kính dâng lên anh linh tổ tiên, Đức Điếu Ngự và Người, toàn bộ cuộc đời con, tình yêu của con, hạnh phúc của con, khát vọng của con... Con đã nghe thấy tiếng gọi của Thăng Long và Mệnh Lệnh Tối Cao!

VĨ THANH

Sân bay dã chiến, các nữ dân quân thắp đuốc, sắp thành hai hàng, chiếu sáng cho chiếc MIG 21 của Vũ Quán Nam cất cánh...
Hòa mặc quân phục, cùng một nhóm văn công hát “ Phi đội ta xuất kích” của Tường Vi...
Chiếc én bạc vút lên bầu trời...
Vang lên cuộc đối thoại giữa Nam và Linh tại chỉ huy sở:
Linh
- Thăng Long dẫn đường cho Yên Tử tiếp cận Mây Đen ở độ cao 10.000m.
Nam
- Yên Tử nghe rõ, đã thấy Mây Đen bắt đầu thả khói vàng.
Linh
- Yên Tử, tiếp cận công kích.
Nam
- Thăng Long, Yên Tử đã công kích. Mây Đen chỉ bị thương. Yên Tử xin công kích lần 2. Quyết diệt Mây Đen.
Linh
- Yên Tử! Yên Tử!… Yên Tử! Yên Tử! Báo cáo, Yên Tử không có tín hiệu trả lời. Ra-đa cũng mất tín hiệu. 21 giờ 45 phút ngày 28 thắng 12 năm 1972...
Tất cả tối sầm lại, im lặng tuyệt đối...
Vũ Quán Nam và Đức Điếu Ngự trên đỉnh núi Yên Tử...
Đức Vua
Đức Ngô Vương Quyền và Đức Thánh Trần đã từng đưa trăm họ Đại Việt đến đại thắng Bạch Đằng Giang dưới kia. Và hôm nay, Thăng Long bay lên giữa vòm trời làm nên Điện Biên Phủ trên không...
Nam
Tuân lệnh Người, con đã sẵn sàng thực hiện Mệnh Lệnh Tối cao!
Một cột lửa bùng lên...
Đức Điếu Ngự trao bình tro và nói với Bà Mẹ
Xin trao cho Bà Mẹ, ngọc xá lỵ của con trai bà, phi công Vũ Quán Nam, đứa con kiêu hãnh của Thăng Long và Đại Việt!
Bà Mẹ đưa tay đón bình tro
Nam, Nam ơi, con trai yêu quý của mẹ...
Nam
Mẹ ơi, con đang về với mẹ...
Hà Nội, đêm 14 tháng 5 năm 2010
Nguyễn Khắc Phục