Trang chủ » Tin văn và...

BẾ MẠC TRẠI SÁNG TÁC VŨNG TÀU

Triệu Lam Châu
Thứ hai ngày 5 tháng 12 năm 2016 6:00 AM





BỖNG NHIÊN LẠI MUỐN GỬI NẮNG VỀ QUÊ NHÀ…



Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tổ chức Trại sáng tác Vũng Tàu cho 25 anh em văn nghệ sĩ gồm các thể loại: Văn – Thơ – Nhạc – Hoạ - Nhiiếp ảnh, từ ngày 19/11/2016 đến 30/11/2016.

Các văn nghệ sĩ kỳ này tham dự Trại sáng tác Vũng Tàu, đến từ các tỉnh: Hoà Bình, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Phú Yên, Kon Tum, Đăk Lắc, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh và Vũng Tàu.

Sáng 20/11 nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và hoạ sĩ Trân Thái, Trưởng ban công tác hội viên của Hội cũng toàn thế anh em văn nghệ sĩ đã tổ chức Lễ khai mạc Trại sáng tác Vũng Tàu năm 2016 thật trang trọng.

Khách mời tham dự Lễ khai mạc gồm có: Ban giám đốc Nhà sáng tác Vũng Tàu, Đại diện Hội Văn nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, Đại diện Sở văn hoá, thể thao và du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, Đại diện Bộ tư lệnh cảnh sát biển vùng 3 (Của Bộ Quốc phòng).

Để quản lý công việc đối nội và đối ngoại của Trại sáng tác, các văn nghệ sĩ đã bầu ra Ban cán sự của Trại, gồm nhà thơ Nguyễn Thị Kim Thu ( Trại trưởng) và ba trại phó là: Nhà văn Nông Thị Bích Đào, nữ hoạ sĩ Trần Hồng Lâm và nhà thơ Hoàng Quý.

Trong quá trình dự Trại sáng tác kỳ này anh em văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số ViệtNam đã được tham dự hai buổi giao lưu văn học với văn nghệ sĩ Vũng Tàu thật là sôi nổi, bổ ích và thắm tình đoàn kết anh em.

Ban cán sự Trại sáng tác đã tổ chức một chuyến đi thăm danh lam thắng cảnh Vũng Tàu, có đến viếng nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu ở Đền thờ của chị tại huyện Đất Đỏ.

Sau đó là một chuyến thâm nhập thực tế ở Bộ tư lệnh cảnh sát biển vùng 3 của Bộ quốc phòng.

Sau những chuyến đi thực tế như vậy, anh em văn nghệ sĩ càng thấm thía về lịch sử vẻ vang của vùng đất anh hùng này. Từ đó hy vọng sẽ có những tác phẩm tốt phục vụ nhân dân.

Ngày 29/11/2016 nhà văn Cao Duy Sơn, phó chủ tịch Hội, từ Hà Nội bay vào cùng với anh em tổ chức Bế mạc Trại sáng tác trong không khí phấn khởi vui mừng trước sự thành công trong sáng tác của các trại viên.

Dẫu thời gian dự trại ít ỏi, song anh em văn nghệ sĩ đã làm được hơn hai trăm bài thơ, hơn hai chục truyện ngắn, bốn bài hát và một số tác phẩm hoạ, nhiếp ảnh tâm đắc…Triệu Lam Châu tôi kỳ này đã nộp bản thảo Tập thơ Hát lên từ ánh xa (Dày 84 trang A 4), song ngữ Tày – Việt, trong đó có một số bài được viết bằng tam ngữ Tày – Việt – Nga. Và tôi cũng làm được ca khúc Tình ca xứ biển Vũng Tàu.

Anh em văn nghệ sĩ quê Cao Bằng tham gia Trại sáng tác Vũng Tàu năm nay, gồm có: Nhà văn Phan Nguyệt, nhà văn Chu Sĩ Liên, nhà văn Nông Thị Bích Đào và nhà thơ Triệu Lam Châu.

Thật là vui mừng không xiết, khi biết tin chúng tôi vào Vũng Tàu, Hội đồng hương Cao Bằng ở Vũng Tàu đã sốt sắng đi lại, thăm hỏi mấy lần và cuối cùng đã mời gặp mặt tại nhà hàng đặc sản Cô Ba.

Trong buổi gặp mặt đầm ấm tình cố hương Cao Bằng ấy, về phía bạn Cao Bằng định cư ở Vũng Tàu gồm có: Kỹ sư địa vật lý Đỗ Quang Tiến (Từng du học ở Hung Ga Ry), kỹ sư điện Hoàng Ngọc Bội (Từng du học ở Nga), nhà báo Nông Ngọc Dương và Kỹ sư Lã Văn Thanh.

Các anh đến tận phòng chúng tôi, trò chuyện thân tình. Tiện thể chúng tôi đã chụp ảnh kỷ niệm những học sinh cấp ba Đặc Biệt toán Cao Bằng hồi xưa, nay gặp nhau tại Vũng Tàu sau gần năm chục năm xa cách. Đó là bốn cựu học trò chuyên toán: Phan Nguyệt, Đỗ Quang Tiến, Hoàng Ngọc Bội và Triệu Lam Châu.

Sống ở Vũng Tàu lâu ngày xa quê hương – nên các anh ở đây rất khao khát tình quê, đặc biệt là khát những nét văn hoá độc đáo Tày – Nùng, vốn đã ăn sâu vào tâm hồn mỗi người từ thời thơ ấu. Do đó trong cuộc hàn huyên đầy tình nghĩa ấy tại nhà hàng Cô Ba chúng tôi chỉ bàn luận về văn hoá Tày – Nùng, hát những bài dân ca của ngày xưa trên cố hương biên giới mờ sương…

Nhìn vào mắt nhau mừng mừng tủi tủi… dẫu mái tóc đã pha sương… nhưng nét trẻ trung vẫn hiện về cùng với nụ cười tươi ánh nắng thơm mùi biển Vũng Tàu…

Anh Phan Nguyệt hồn hậu với vầng trán rộng, bao dung trầm tĩnh. Anh Hoàng Ngọc Bội bệ vệ mang cốt cách của một nhà thông thái, uyên bác. Đúng vậy anh thông thạo các thứ tiếng Tày, Việt, Nga, Quốc tế ngữ, Lào và là người sáng tạo ra bộ chữ mới để biểu hiện trọn vẹn ngữ âm tiếng Tày miền đông Cao Bằng.

Anh Đỗ Quang Tiến nhỏ nhẹ hiền lành, ít nói, nhưng khi đã phát biểu thì những vấn đề anh nêu ra là kết quả của một quá trình suy ngẫm sâu xa…Nhìn anh Tiến hôm nay, tôi vẫn thấy phảng phất nét dè dặt, ngỡ ngàng của một học trò miền núi thuở nào…

Anh Chu Sĩ Liên quả là một kho dân ca Tày – Nùng đồ sộ. Vốn sống miền núi của anh rất phong phú, nên hễ bạn bè bàn luận đến vấn đề nào là anh đọc ngay liền mấy câu dân ca Tày bổ sung cho thêm phần sinh động. Chính vì vậy anh Bội đã mấy lần đề nghị anh Liên đọc chậm lại, để ghi âm vào điện thoại của mình. Vui lắm và say lắm.

Anh Lã Văn Thanh (Triệu Lam Châu mới quen trên Sân trời gần năm nay, mà nghe như đã thân thiết tự thuở nào) đẹp trai, mang dáng dấp của một diễn viên nặng ký. Anh Thanh có làm nhiều thơ Tày và sáng tác nhạc. Chính vì vậy anh rất say sưa khi bàn về hai lĩch vực này.

Anh Nông Ngọc Dương, cũng điển trai như anh Thanh. Anh Dương hiền lành và thường nở nụ cười tủm tỉm… Và tôi trộm nghĩ hẳn nhiều cô gái sẽ chết lịm bởi nụ cười mê hoặc ấy của anh…

Cô Nông Thị Bích Đào, nữ duy nhất, trẻ nhất và vui nhất của cuộc hội ngộ này. Cô là tâm điểm của cuộc hàn huyên đầy tình nghĩa hôm ấy tại thành phố biển Vũng Tàu xôn xao nỗi sóng. Vị bùi của hạt dẻ Vỏ Tấu, Trùng Khánh, Cao Bằng như đọng trong từng giọng nói trong veo của cô…Một nét Tày đeng nơi xứ biển Vũng Tàu…

Chuyện trò say sưa mãi không bao giờ dứt… nhưng rồi cũng phải chia tay thôi, bạn bè ơi. Chúng tôi đã kịp chụp một pô ảnh kỷ niệm ở phía trước nhà hàng Cô Ba Vũng Tàu…Hẹn khi nào có dịp ta lại gặp nhau nhé. Nhưng biết đến bao giờ đây….Chỉ biết chúc nhau sức khoẻ và hãy vui với những gì đang có trong tay…

Đến chiều ngày 30/11/2016 thì anh em trại viên Trại sáng tác Vũng Tàu đã trở về nhà gần hết rồi. Đêm ấy chỉ còn lại ba người: Nhà văn Phan Nguyệt, nhà thơ Trần Thành (Lạng Sơn) và tôi. Sáng 1/12 chúng tôi dậy sớm theo xe đò lên sân bay Tân Sơn Nhất…

Mùa này ở Vũng Tàu và các tỉnh Nam Bộ trời nắng chang chang, khí hậu nói chung là dễ chịu. Vậy mà chỉ bay qua mấy tỉnh Đồng Nai – Bình Thuận – Ninh Thuận – Khánh Hoà đến Phú Yên thì trời đã se lạnh rồi. Nghe nói ngoài quê Cao Bằng dịp này đã lạnh lắm…

Mở Sân trời thấy nhà thơ Nguyễn Tuyết Mai mời bạn bè góp bài tham gia chủ đề Gửi nắng cho em…trên trang Tình yêu và nỗi nhớ - tôi bỗng cảm thấy thương các con tôi đang ở Cao Bằng mùa giá buốt. Lại nhớ tới bài hát Gửi nắng cho em của nhạc sĩ Phạm Tuyên hồi nào.

Vâng, nắng vàng ấm áp của miền Bà Rịa – Vũng Tàu này đã nhuốm tâm hồn của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu và bao anh hùng liệt sĩ khác nữa. Nắng vàng ươm thơm tấm lòng của người dân phương Nam, trong đó có cả nỗi lòng các văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số loáng qua chốc lát thấm chất sóng biển Vũng Tàu, có cả tình người đồng hương Cao Bằng nơi xứ biển này hoà quyện thắm thiết từ mấy chục năm vừa qua… Xin gửi vầng nắng nghĩa tình ấy ra biên cương phía Bắc quê nhà xa xăm…

Tự nhiên lòng Triệu Lam Châu tôi xao động quá. Và tôi lại muốn bạn bè gần xa cùng nghe lại bài hát Vọng em, miền thơm ngát hoa hồi…để cùng đồng cảm với tấm lòng người con của núi xa nhà… nhất là khi mùa đông đã trùm màn buốt giá lên bao mái núi điệp trùng vời vợi mông lung…

http://www.youtube.com/watch?v=CQlqMBxSUsM (Vọng em, miền thơm ngát hoa hồi – Video nhạc Triệu Lam Châu)


Tuy Hoà, lúc 23 giờ 04’ Đêm 2/12/2016

Ảnh: Nhà văn Cao Duy Sơn phó CT Hội phát biểu tại lễ bế mạc